Ths. Lại Thị Thu Thuỷ
Bộ môn Kiểm toán, Khoa Kế toán - Kiểm toán
Trường Đại học Thương Mại
Kiểm toán độc lập xuất hiện ở Việt Nam từ năm 1991, cho đến nay, sau 20 năm hoạt động, kiểm toán độc lập đã có những bước phát triển mạnh mẽ và thực sự trở thành một công cụ đặc biệt quan trọng cho các cơ quan quản lý nhà nước, các DN và các nhà đầu tư với vai trò mang lại độ tin cậy cho các thông tin tài chính thông qua chức năng bày tỏ ý kiến về các thông tin được trình bày trên báo cáo tài chính. Thực hiện chức năng này, kiểm toán viên độc lập sau khi thực hiện kiểm toán tại đơn vị được kiểm toán phải đưa ra các ý kiến (báo cáo) kiểm toán về báo cáo tài chính. Theo chuẩn mực kiểm toán Việt Nam số 700 (VSA 700), đưa ra 4 loại ý kiến (báo cáo) kiểm toán về báo cáo tài chính để công ty kiểm toán và các kiểm toán viên áp dụng khi đưa ra ý kiến kiểm toán. Trong đó, trường hợp ý kiến kiểm toán khi có yếu tố tùy thuộc chưa thực sự rõ ràng. Bài viết này nhằm tìm hiểu, phân tích về các ý kiến kiểm toán được quy định trong VSA 700 và quan điểm của tác giả về báo cáo kiểm toán có yếu tố tùy thuộc.
1. Các loại báo cáo kiểm toán về báo cáo tài chính được quy định trong VSA 700
Theo VSA số 700, quy định:
Căn cứ kết quả kiểm toán, kiểm toán viên đưa ra một trong các loại ý kiến về báo cáo tài chính, như sau:
-Ý kiến chấp nhận toàn phần;
-Ý kiến chấp nhận từng phần;
-Ý kiến từ chối (hoặc ý kiến không thể đưa ra ý kiến);
-Ý kiến không chấp nhận (hoặc ý kiến trái ngược).
1.1. Ý kiến chấp nhận toàn phần
Báo cáo kiểm toán đưa ra ý kiến chấp nhận toàn phần được trình bày trong trường hợp kiểm toán viên và công ty kiểm toán cho rằng báo cáo tài chính phản ánh trung thực và hợp lý trên các khía cạnh trọng yếu tình hình tài chính của đơn vị được kiểm toán, và phù hợp với chuẩn mực và chế độ kế toán Việt Nam hiện hành (hoặc được chấp nhận). Ý kiến chấp nhận toàn phần cũng có hàm ý rằng tất cả các thay đổi về nguyên tắc kế toán và các tác động của chúng đã được xem xét, đánh giá một cách đầy đủ và đã được đơn vị nêu rõ trong phần thuyết minh báo cáo tài chính.
Ý kiến chấp nhận toàn phần được áp dụng cho cả trường hợp báo cáo tài chính được kiểm toán có những sai sót nhưng đã được kiểm toán viên phát hiện và đơn vị đã điều chỉnh theo ý kiến của kiểm toán viên; Báo cáo tài chính sau khi điều chỉnh đã được kiểm toán viên chấp nhận. Trường hợp này thường dùng mẫu câu: “Theo ý kiến của chúng tôi, báo cáo tài chính sau khi đã điều chỉnh theo ý kiến của kiểm toán viên, đã phản ánh trung thực và hợp lý trên các khía cạnh trọng yếu...”.
Ý kiến chấp nhận toàn phần còn được áp dụng cho cả trường hợp báo cáo kiểm toán có một đoạn nhận xét để làm sáng tỏ một số yếu tố ảnh hưởng không trọng yếu đến báo cáo tài chính, nhưng không có ảnh hưởng đến báo cáo kiểm toán. Đoạn nhận xét này thường đặt sau đoạn đưa ra ý kiến nhằm giúp người đọc đánh giá ảnh hưởng của các yếu tố ảnh hưởng đến báo cáo tài chính
Ý kiến chấp nhận toàn phần không có nghĩa là báo cáo tài chính được kiểm toán là hoàn toàn đúng, mà có thể có sai sót nhưng sai sót đó là không trọng yếu.
1.2. Ý kiến chấp nhận từng phần
Báo cáo kiểm toán đưa ra ý kiến chấp nhận từng phần được trình bày trong trường hợp kiểm toán viên và công ty kiểm toán cho rằng báo cáo tài chính chỉ phản ánh trung thực và hợp lý trên các khía cạnh trọng yếu tình hình tài chính của đơn vị, nếu không bị ảnh hưởng bởi yếu tố tuỳ thuộc (hoặc ngoại trừ) mà kiểm toán viên đã nêu ra trong báo cáo kiểm toán. Điều này cũng có nghĩa là nếu các yếu tố do kiểm toán viên nêu ra trong báo cáo kiểm toán có ảnh hưởng trọng yếu đến báo cáo tài chính thì báo cáo tài chính đó đã không phản ánh trung thực và hợp lý trên các khía cạnh trọng yếu.
Yếu tố tuỳ thuộc là yếu tố trọng yếu nhưng không chắc chắn, như các vấn đề liên quan đến tính liên tục hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, hoặc một khoản doanh thu có thể không được công nhận làm ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của công ty.
Yếu tố tuỳ thuộc do kiểm toán viên nêu ra thường liên quan đến các sự kiện có thể xảy ra trong tương lai, nằm ngoài khả năng kiểm soát của đơn vị và kiểm toán viên. Việc đưa ra yếu tố tuỳ thuộc cho phép kiểm toán viên hoàn thành trách nhiệm kiểm toán của mình nhưng cũng làm cho người đọc báo cáo tài chính phải lưu ý và tiếp tục theo dõi khi sự kiện có thể xảy ra.
Ví dụ về báo cáo kiểm toán có yếu tố tuỳ thuộc:
“Theo ý kiến của chúng tôi, báo cáo tài chính đã phản ánh trung thực và hợp lý trên các khía cạnh trọng yếu tình hình tài chính của công ty ABC tại ngày 31/12/X, cũng như kết quả kinh doanh và các luồng lưu chuyển tiền tệ trong năm tài chính kết thúc tại ngày 31/12/X, phù hợp với chuẩn mực và chế độ kế toán Việt Nam hiện hành và các quy định pháp lý có liên quan, tuỳ thuộc vào:
- Khoản doanh thu XX VNĐ được chấp nhận;
- Khoản chi XY VNĐ được Hội đồng quản trị thông qua”.
Ý kiến chấp nhận từng phần được đưa ra trong trường hợp kiểm toán viên cho rằng không thể đưa ra ý kiến chấp nhận toàn phần, và những phần không chấp nhận do không đồng ý với Giám đốc hay do công việc kiểm toán bị giới hạn, là quan trọng nhưng không liên quan tới một số lượng lớn các khoản mục tới mức có thể dẫn đến “ý kiến từ chối, hoặc ý kiến không chấp nhận”. Ý kiến chấp nhận từng phần còn được thể hiện bởi thuật ngữ “ngoại trừ” ảnh hưởng của các vấn đề không được chấp nhận, bằng mẫu câu: “ngoại trừ những ảnh hưởng (nếu có) của những vấn đề nêu trên, báo cáo tài chính phản ánh trung thực và hợp lý trên các khía cạnh trọng yếu...” .
1.3. Ý kiến từ chối (hoặc ý kiến không thể đưa ra ý kiến)
Ý kiến từ chối (hoặc ý kiến không thể đưa ra ý kiến) được đưa ra trong trường hợp hậu quả của việc giới hạn phạm vi kiểm toán là quan trọng hoặc thiếu thông tin liên quan đến một số lượng lớn các khoản mục tới mức mà kiểm toán viên không thể thu thập đầy đủ và thích hợp các bằng chứng kiểm toán để có thể cho ý kiến về báo cáo tài chính, bằng mẫu câu: “Theo ý kiến của chúng tôi, vì các lý do nêu trên, chúng tôi không thể đưa ra ý kiến về báo cáo tài chính...”.
1.4. Ý kiến không chấp nhận (hoặc ý kiến trái ngược)
Ý kiến không chấp nhận (hoặc ý kiến trái ngược) được đưa ra trong trường hợp các vấn đề không thống nhất với Giám đốc là quan trọng hoặc liên quan đến một số lượng lớn các khoản mục đến mức độ mà kiểm toán viên cho rằng ý kiến chấp nhận từng phần là chưa đủ để thể hiện tính chất và mức độ sai sót trọng yếu của báo cáo tài chính, bằng mẫu câu: "Theo ý kiến của chúng tôi, vì ảnh hưởng trọng yếu của những vấn đề nêu trên, báo cáo tài chính phản ánh không trung thực và không hợp lý trên các khía cạnh trọng yếu...".
2. Một số bàn luận về báo cáo kiểm toán có yếu tố tùy thuộc trong VSA 700 và trong các giáo trình kiểm toán đang ban hành
Như đã trích dẫn, theo VSA số 700, có 1 số điểm sau chưa thực sự rõ ràng và logic:
Thứ nhất, khi trình bày về ý kiến chấp nhận từng phần có yếu tố tùy thuộc, VSA 700 có đưa ví dụ là phụ lục số 02, tuy nhiên tại phụ lục số 02 lại là “Phụ lục số 02: Ví dụ Báo cáo kiểm toán chấp nhận toàn phần (có đoạn ghi thêm ý kiến)”
Thứ hai, VSA cũng nêu “Ý kiến chấp nhận từng phần còn được thể hiện bởi thuật ngữ “ngoại trừ” ảnh hưởng của các vấn đề không được chấp nhận, bằng mẫu câu: “ngoại trừ những ảnh hưởng (nếu có) của những vấn đề nêu trên, báo cáo tài chính phản ánh trung thực và hợp lý trên các khía cạnh trọng yếu...”” như vậy, có thể hiểu, ý kiến chấp nhận từng phần chỉ được đưa ra khi có 1 phần được ngoại trừ chứ không bao gồm yếu tố tùy thuộc.
Trong các giáo trình về kiểm toán đang ban hành, các tác giả cũng trích dẫn nguyên văn theo VSA 700, vẫn để báo cáo từng phần bao gồm cả báo cáo có yếu tố tùy thuộc và cũng trích dẫn cả ví dụ về báo cáo có yếu tố tùy thuộc như trong VSA 700. Điều này làm cho người đọc, bao gồm nhiều giảng viên và sinh viên một sự hiểu nhầm hoặc khó hiểu về các loại báo cáo kiểm toán.
3. Quan điểm của tác giả về báo cáo kiểm toán có yếu tố tùy thuộc
Theo quan điểm của tác giả, khi có yếu tố tùy thuộc, báo cáo kiểm toán vẫn thuộc loại báo cáo chấp nhận toàn phần (có lưu ý, có đoạn nhận xét) chứ không phải là báo cáo chấp nhận từng phần, vì các nguyên nhân sau:
Theo quy định của VSA 700, kiểm toán viên chỉ không thể đưa ra ý kiến chấp nhận toàn phần trong trường hợp xảy ra một trong các tình huống có thể ảnh hưởng trọng yếu đến báo cáo tài chính, như: a- Phạm vi công việc kiểm toán bị giới hạn; b- Không nhất trí với Giám đốc đơn vị được kiểm toán về việc lựa chọn và áp dụng chuẩn mực và chế độ kế toán, hoặc sự không phù hợp của các thông tin ghi trong báo cáo tài chính hoặc phần thuyết minh báo cáo tài chính.
Như đã trích dẫn, yếu tố tuỳ thuộc là yếu tố trọng yếu nhưng không chắc chắn, như các vấn đề liên quan đến tính liên tục hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, hoặc một khoản doanh thu có thể không được công nhận làm ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của công ty, yếu tố tuỳ thuộc do kiểm toán viên nêu ra thường liên quan đến các sự kiện có thể xảy ra trong tương lai, nằm ngoài khả năng kiểm soát của đơn vị và kiểm toán viên, cho nên, có thể thấy yếu tố tùy thuộc, do là yếu tố không chắc chắn, nên kiểm toán viên chỉ có thể lưu ý người đọc chứ chưa thể khẳng định về tính trọng yếu của phần hành đó, nên không thể không chấp nhận phần hành đó trong báo cáo tài chính (vẫn chấp nhận toàn phần nhưng có lưu ý).
Bên cạnh đó, VSA 700 cũng đã khẳng định, báo cáo chấp nhận từng phần còn được thể hiện bởi thuật ngữ “ngoại trừ”, điều này là hợp lý, chấp nhận từng phần là khi có 1 phần hành của báo cáo không được chấp nhận mà kiểm toán viên phải chắc chắn về mức độ trọng yếu của phần hành đó ở thời điểm hiện tại, như khi không có được thông tin về phần hành đó (phạm vi kiểm toán bị hạn chế) hoặc không nhất trí về phương pháp kế toán hay việc trình bày phần hành đó (không nhất trí với Giám đốc).
Hơn nữa, theo chuẩn mực kiểm toán quốc tế số 700 (ISA 700), yếu tố tùy thuộc là một yếu tố trọng yếu không chắc chắn như các tình huống có thể xảy ra trong tương lai: các vụ kiện,.., đây là một trong những yếu tố không ảnh hưởng đến ý kiến của kiểm toán viên, kiểm toán viên chỉ nhấn mạnh để lưu ý người đọc nhưng vẫn khẳng định báo cáo tài chính là trung thực và hợp lý (“true and fair”) (ISA 700, paragraph 46-56).
Như vậy, vì những lý do nêu trên, theo quan điểm của tác giả, trong chuẩn mực kiểm toán Việt Nam cần bổ sung trường hợp báo cáo kiểm toán có yếu tố tùy thuộc vào ý kiến chấp nhận toàn phần (có đoạn lưu ý) và ý kiến chấp nhận từng phần chỉ được đưa ra khi có yếu tố ngoại trừ chứ không bao gồm trường hợp có yếu tố tùy thuộc.
Kết luận
Trên đây là một số bàn luận và quan điểm của tác giả về báo cáo kiểm toán có yếu tố tùy thuộc được quy định trong chuẩn mực kiểm toán Việt Nam số 700. Rõ ràng, không quá khó khăn để hiểu và áp dụng trường hợp báo cáo kiểm toán có yếu tố tùy thuộc, tuy nhiên, việc quy định chưa thống nhất và chưa logic vấn đề trên trong chuẩn mực kiểm toán Việt Nam có thể dẫn đến sự hiểu lầm và áp dụng không chính xác bản chất của vấn đề, gây sự khó hiểu cho người đọc. Bởi vậy, việc sửa đổi cho phù hợp với chuẩn mực thế giới và tạo sự rõ ràng trong việc áp dụng chuẩn mực là một việc thực sự cần thiết./.
Theo Tạp chí Kiểm toán số 4/2012