Một số cơ chế tài chính đặc thù cần chú ý khi kiểm toán báo cáo tài chính tại các doanh nghiệp quốc phòng

11/05/2012
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Thái Thị Lan - Phó Trưởng phòng KTNN CNIa

“…Trong thực hiện nhiệm vụ kiểm toán của KTNN đối với các doanh nghiệp quốc phòng (DNQP) không thể thoát ly khỏi tính đặc thù, như: phương pháp xác nhận số liệu báo cáo, phương án xử lý tài chính. Trong nội dung, phương pháp kiểm toán cũng mang tính đặc thù trên cơ sở thực hiện các quy định của Quy trình kiểm toán DNNN và Luật Kiểm toán nhà nước”.

Đại hội XI của Đảng xác định, phải tiếp tục đẩy mạnh xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững chắc nhằm: tăng cường sức mạnh quốc phòng-an ninh cả về tiềm lực và thế trận; xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh (thành phố) vững mạnh; xây dựng "thế trận lòng dân" vững chắc trong thực hiện Chiến lược bảo vệ Tổ quốc kết hợp chặt chẽ kinh tế với quốc phòng-an ninh, quốc phòng-an ninh với kinh tế trong từng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội; chú trọng vùng sâu, vùng xa, biên giới, biển đảo.  

Để xây dựng một đất nước vững về chính trị, giầu về kinh tế và mạnh về quốc phòng thì bất kỳ quốc gia nào trên thế giới luôn tồn tại 2 nền tảng chủ yếu là hệ thống chính trị quốc gia và sức mạnh tổng hợp của nền kinh tế quốc dân. Việt Nam cũng không ngoại lệ, đặc biệt là trong công cuộc đổi mới toàn diện đất nước; trong đó có đổi mới cơ chế quản lý kinh tế và đổi mới tư duy về nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. “…Ngành Tài chính Quân đội đã bám sát phương hướng, nhiệm vụ quân sự, quốc phòng và tình hình kinh tế - xã hội đất nước, nỗ lực vượt qua khó khăn, kịp thời tham mưu cho Quân uỷ Trung ương, Bộ Quốc phòng và cấp uỷ, chỉ huy các đơn vị xây dựng nhiều chủ trương, giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả công tác tài chính, ngân sách quốc phòng; đồng thời, chủ động thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước về tài chính, góp phần đảm bảo cho toàn quân hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ được giao”(1).

Nét nổi bật của công tác tài chính quân đội

Thực tiễn đã chứng minh rằng, sức mạnh của quân đội được cấu thành bởi nhiều yếu tố có ý nghĩa quan trọng; trong đó, công tác tài chính quân đội đóng vai trò không thể thiếu được trong việc đảm bảo nhu cầu ngân sách cho nhiệm vụ quân sự, quốc phòng và xây dựng quân đội theo hướng thiện chiến, chính quy và hiện đại.

Thông qua hoạt động kiểm toán nhà nước, công tác tài chính quân đội nói chung và công tác điều hành ngân sách nói riêng đều được tiến hành một cách  linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tiễn, đặc thù nhiệm vụ quân sự, quốc phòng; thường xuyên coi trọng việc nâng cao chất lượng lập và phân bổ dự toán ngân sách; tập trung tạo lập và huy động các nguồn lực tài chính đưa vào cân đối bảo đảm hiệu quả thiết thực. Trên cơ sở dự toán NSNN đã chủ động sắp xếp, cân đối toàn diện, bảo đảm kịp thời ngân sách cho các nhiệm vụ thường xuyên, đột xuất và các nội dung chi mới; ưu tiên bảo đảm tốt cho các chương trình, dự án lớn, nhiệm vụ trọng tâm theo định hướng của Bộ Quốc phòng. Đẩy mạnh công tác quản lý tài chính, tài sản công, thực hành tiết kiệm, phòng chống lãng phí, tham nhũng; nâng cao hiệu lực công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán và hiệu quả sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước. Tích cực và chủ động nghiên cứu, tham mưu việc sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện cơ chế quản lý tài chính quân đội cùng nhiều chế độ, chính sách nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong tình hình mới; kịp thời chỉ đạo, triển khai đồng bộ các giải pháp về tài chính, thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ, Chỉ thị số 10/CT-BQP của Bộ Quốc phòng, góp phần tích cực vào việc kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội.

Trong những năm qua, theo đường lối xây dựng nền Quốc phòng toàn dân vững mạnh, việc xây dựng các DNQP nước ta đã trở thành nhu cầu cấp thiết để đảm bảo duy trì ổn định và phát triển nền quốc phòng gắn với phát triển kinh tế của đất nước. DNQP đã có bước phát triển toàn diện cả về phạm vi và quy mô, về mô hình tổ chức và phương thức hoạt động, về chất lượng và hiệu quả. Các doanh nghiệp quốc phòng đều trực thuộc các cơ quan chủ quản cấp trên, như: Bộ Quốc phòng; các Quân khu, Quân chủng, Quân đoàn, Tổng cục, Cục, Vụ, Viện, Học viện, nhà trường…được hình thành và phát triển dựa trên những chức năng, nhiệm vụ riêng biệt, như: doanh nghiệp quốc phòng với nhiệm vụ chủ yếu là sản xuất vũ khí, sản xuất các trang thiết bị phục vụ quân sự và các doanh nghiệp quốc phòng với nhiệm vụ chủ yếu làm kinh tế, phục vụ nhiệm vụ quân sự, quốc phòng thời bình và sẵn sàng chiến đấu trong thời chiến. Chính vì vậy, cơ chế quản lý đối với DNQP cũng có nhiều điểm khác biệt với các DNNN. Các điểm khác biệt đó được gọi là “đặc thù”. Cụ thể, đặc thù về cơ cấu tổ chức, đặc thù về biên chế, về hoạt động, về cơ cấu tài chính, về cơ chế điều hành, cơ chế quản lý tài chính…

Dù có những đặc điểm có tính đặc thù về tổ chức biên chế, cơ chế hoạt động, nhiệm vụ công ích quốc phòng nhưng các DNQP cũng chịu sự tác động mạnh mẽ của quá trình hội nhập thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN. Hoạt động sản xuất-kinh doanh theo cơ chế thị trường, các DNQP phải chịu sự ràng buộc bởi địa vị pháp lý “kép”: vừa là đơn vị hành chính-quân sự (tuân thủ những quy định chung của pháp luật về lĩnh vực quốc phòng), vừa là pháp nhân kinh tế (hoạt động theo các quy định của Luật Doanh nghiệp). Trong cơ cấu vốn và tài sản tại các DNQP có cả 2 nhóm yếu tố: vốn sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp (quản lý, khai thác, sử dụng theo pháp luật kinh tế) và tài sản quân sự (đất quốc phòng, trang bị, vật tư quân sự…giao cho đơn vị quản lý, khai thác, sử dụng theo các quy định của pháp luật về lĩnh vực quân sự).

Khái quát về một số đặc thù trong cơ chế quản lý tài chính tại các DNQP

Với nhiệm vụ kiểm toán ngân sách, tiền và tài sản nhà nước nói chung và khối An ninh - Quốc phòng nói riêng, các Kiểm toán viên nhà nước khi thực hiện kiểm toán đối với lĩnh vực này càng đòi hỏi việc nâng cao tư duy nhận thức và khả năng tiếp cận những đặc thù của các DNQP để phát huy cao độ tính độc lập và khách quan trong quá trình kiểm toán, nhất là quá trình lập Báo cáo kiểm toán tại các DNQP. Vậy, đâu là đặc thù trong cơ chế quản lý tài chính tại các DNQP?
Khi nói đến cơ chế tài chính đặc thù đối với các DNQP đều liên quan đến các quy định hiện hành của Nhà nước về cơ chế thu, quản lý, sử dụng, nộp ngân sách nhà nước (NSNN) và cơ chế giao kế hoạch thực hiện dịch vụ công ích,… Cụ thể như sau: 

(1) Đối với nghĩa vụ nộp NSNN thì các DNQP thực hiện theo Luật thuế và các văn bản hướng dẫn theo các sắc thuế. Đối với thuế GTGT nộp cho các cơ quan thuế địa phương, còn thuế TNDN thì các doanh nghiệp công ích trực thuộc có trách nhiệm nộp về các cơ quan chủ quản và sau đó các cơ quan chủ quản nộp về Cục Tài chính (Bộ Quốc phòng) để tổng hợp báo cáo Bộ Tài chính. Các nghĩa vụ về thuế thì DNQP cũng phải tuân thủ theo quy định hiện hành của Nhà nước.  Tuy nhiên, đối với thuế GTGT, các cơ quan thuế thực hiện quản lý việc kê khai, thu, nộp và thanh tra, kiểm tra theo quy định, còn đối với khoản thuế TNDN của các doanh nghiệp công ích lại ngoài phạm vi kiểm tra, kiểm soát của các cơ quan thuế mà thuộc phạm vi kiểm tra, xác nhận của các cơ quan chủ quản thuộc Bộ Quốc phòng trên cơ sở các quy định của Nghị định, Thông tư và văn bản hướng dẫn về Luật thuế. Như vậy, đối với các doanh nghiệp công ích quốc phòng phải trực thuộc ít nhất là 02 cơ quan chủ quản về việc thực hiện nghĩa vụ đối với NSNN. Vấn đề này đã và đang đặt ra những khó khăn nhất định cho DNQP.

(2) Đối với khoản thu về khấu hao TSCĐ được mua sắm bằng nguồn ngân sách nhà nước. Theo quy định, tất cả các DNQP đều phải trích khấu hao TSCĐ theo quy định hiện hành của Nhà nước và DNQP phải báo cáo về cơ quan chủ quản xem xét và phê duyệt, giao mức và tỷ lệ trích khấu hao TSCĐ hàng năm theo hướng dẫn của Bộ Quốc phòng, nội dung trích khấu hao TSCĐ đang có những bất cập nhất định, như: (a) Việc trích khấu hao TSCĐ hiện nay các doanh nghiệp đang áp dụng theo quy định hiện hành của Bộ Tài chính về thời gian sử dụng và mức trích khấu hao TSCĐ theo quy định tại Thông tư số 203/2009/TT-BTC ngày 20/10/2009 Hướng dẫn chế độ quản lý, sử dụng và trích khấu hao TSCĐ. TheoThông tư này, thời gian sử dụng TSCĐ và mức trích khấu hao được phân theo nhóm trên cơ sở phù hợp với Luật thuế Thu nhập doanh nghiệp và Thông tư hướng dẫn Luật thuế TNDN. Song vì các DNQP khi sản xuất các sản phẩm phục vụ cho Quân đội thì việc duyệt giá thành sản phẩm lại phải thực hiện theo quy định của Bộ Quốc phòng và được thẩm định và phê duyệt của các cơ quan thuộc Bộ Quốc phòng, do đó mức trích và tỷ lệ trích khấu hao TSCĐ đôi khi phụ thuộc vào giá sản phẩm được duyệt cao hay thấp, đảm bảo được chi phí hay không…để DNQP phân bổ chi phí vào giá thành cho hợp lý; (b) Khi các DNQP trích khấu hao TSCĐ theo tháng, quý, năm các DNQP phải nộp khoản khấu hao TSCĐ thuộc nguồn NSNN về các cơ quan chủ quản đồng thời với việc hạch toán ghi giảm nguồn vốn hiện có của DNQP. Trong thực tế, đại đa số các DNQP đều chưa được bố trí đủ số vốn điều lệ theo quy định và với sự phát triển của DNQP thì số vốn điều lệ càng cần phải được tăng lên cho phù hợp với quy mô phát triển của các loại hình doanh nghiệp.

(3) Đối với việc thực hiện phân phối lợi nhuận: Về nguyên tắc, lợi nhuận thực hiện của DNNN sau khi hoàn thành các nghĩa vụ đối với Nhà nước, được phân phối và trích lập các quỹ theo quy định và theo quy định hiện hành của Nhà nước về phân phối kết quả sản xuất kinh doanh của các DNNN thì không có quy định về việc phải trích nộp các khoản thu điều tiết, nhưng thực tế DNQP đang thực hiện trích nộp một số khoản thu điều tiết về cơ quan chủ quản và hạch toán ghi giảm số lợi nhuận sau thuế sau đó mới thực hiện phân phối kết quả lợi nhuận. Như vậy, việc phải trích nộp các khoản thu điều tiết đã trực tiếp ảnh hưởng đến tỷ lệ phân phối lợi nhuận để trích lập các quỹ của DNQP. Vấn đề này cũng trực tiếp ảnh hưởng đến sự tăng trưởng các Quỹ của doanh nghiệp và gián tiếp ảnh hưởng đến lợi thế cạnh tranh của các DNQP.

(4) Về nội dung sử dụng đất quốc phòng: Đối với các doanh nghiệp cổ phần (DNCP) theo quy định thì các DNCP phải thực hiện ký hợp đồng về thuê đất quốc phòng và phải nộp phí thuê đất về Bộ Quốc phòng theo quy định. Trong thực tế các DNQP khi chuyển đổi sang công ty cổ phần vẫn sử dụng đất quốc phòng mà chưa phải nộp khoản tiền thuê đất quốc phòng. Vấn đề này để thực hiện đồng loạt tại các DNCP quân đội trong toàn quân đang gặp nhiều vướng mắc? Hiện nay, công tác định giá đất quốc phòng theo chỉ đạo chung của Bộ Quốc phòng chưa được thực hiện rõ ràng, các văn bản hướng dẫn chưa đồng bộ và các cơ quản chủ quản của Bộ Quốc phòng chưa cương quyết trong hướng dẫn việc thực thi. Đây cũng là đặc thù mang tính lợi thế của các DNCP quân đội. 

(5) Cơ chế quản lý tài chính đối với một số khoản chi hỗ trợ: Hàng năm, Bộ Quốc phòng có thực hiện chi hỗ trợ các DNQP một số khoản chi, như: Chi hỗ trợ ngừng chuyền sản xuất, hỗ trợ cho nhà trẻ mẫu giáo, chi cho công tác đảng, công tác chính trị ... Tuy nhiên, trong thực tế các cơ quan chủ quản vẫn có những vận dụng khi chi hỗ trợ cho các DNQP mà chưa tuân thủ các quy định của Nghị định số 31/2005/NĐ-CP của Chính phủ về sản xuất cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích và Thông tư liên bộ số 118/2005/TTLT-BTC-BQP ngày 22/12/2005 của liên Bộ Tài chính và Bộ Quốc phòng hướng dẫn thực hiện Nghị định 31/2005/NĐ-CP. Song vấn đề này, nếu không kiểm toán các đơn vị dự toán ngân sách cấp 1 và cấp 2 thì rất khó xử lý tài chính vì tại các DNQP là đơn vị được thụ hưởng và được cấp chủ quản đã cấp và phê duyệt quyết toán các khoản chi hỗ trợ này.

Những khó khăn cần tháo gỡ

Trong thực tế hiện nay, còn một số vấn đề mang tính đặc thù áp dụng riêng cho mỗi loại hình doanh nghiệp và phụ thuộc vào từng thời kỳ cũng như từng yêu cầu nhiệm vụ quốc phòng. Với các loại đặc thù này, khi thực hiện kiểm toán cần phải căn cứ vào đặc thù riêng cho từng thời kỳ, từng loại hình DNQP để xem xét cụ thể mới có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ kiểm toán Báo cáo tài chính tại các DNQP. 

Với những đặc thù nêu trên của các DNQP và trong thực hiện nhiệm vụ kiểm toán của KTNN đối với các DNQP không thể thoát ly khỏi tính đặc thù, như: phương pháp xác nhận số liệu báo cáo, phương án xử lý tài chính. Trong nội dung, phương pháp kiểm toán cũng mang tính đặc thù trên cơ sở thực hiện các quy định của Quy trình kiểm toán DNNN và Luật Kiểm toán nhà nước. Hiện nay, theo quy định tại Quyết định số 02/2010/QĐ-KTNN ban hành Quy trình kiểm toán DNNN ngày 27/01/2010 của Tổng Kiểm tán Nhà nước chưa cụ thể hóa những quy định cụ thể về trình tự, thủ tục thực hiện kiểm toán, các mẫu biểu và phương án xử lý tài chính… mang tính đặc thù trong quản lý tài chính đối với các DNQP.

Xuất phát từ thực tiễn và yêu cầu nâng cao chất lượng kiểm toán của KTNN, thiết nghĩ để thuận lợi trong thực hiện kiểm toán Báo cáo tài chính các DNQP cần thiết phải tiến tới việc xây dựng một số Quy trình riêng cho việc kiểm toán Báo cáo tài chính DNQP trên cơ sở Quy trình và các Quy định chung của KTNN đảm bảo vừa thực hiện đúng quy định của Luật Kiểm toán nhà nước vừa khắc phục được những vướng mắc mang nét đặc thù của các DNQP./.

Theo Tạp chí Kiểm toán số 4/2012
                                                               

Xem thêm »