Yêu cầu của Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam đối với hoàn thiện pháp luật về Kiểm toán Nhà nước ở nước ta hiện nay

06/03/2012
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

THS. ĐẶNG VĂN HẢI - Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế Kiểm toán Nhà nước

Nhà nước pháp quyền là một trong những thành tựu của loài người trong việc tổ chức và vận hành xã hội, trong đó mọi hoạt động của nhà nước đều phải chịu sự kiểm soát, sự chế ngự của pháp luật. Đối với nước ta xây dựng nhà nước pháp quyền là yêu cầu tất yếu khách quan của sự nghiệp đổi mới, xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Do vậy, một trong các yêu cầu của việc tiếp tục đổi mới và hoàn thiện hệ thống pháp luật nói chung và pháp luật về kiểm toán nhà nước nói riêng là cần được nhận thức và tiếp cận theo hướng dựa trên các quan điểm của Đảng ta về “Xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng” thông qua việc xem xét những yêu cầu, phương hướng và giải pháp thực hiện chúng.

Những ý tưởng về nhà nước pháp quyền đã có từ lâu trong lịch sử nhân loại và được các nhà khoa học chính trị, luật học, xã hội học, sử học nghiên cứu từ nhiều phương diện khác nhau. Ở nước ta, tư tưởng về nhà nước pháp quyền cũng đã xuất hiện từ lâu, thể hiện đậm nét trong tư tưởng Hồ Chí Minh. Chủ tịch Hồ Chí Minh chưa dùng khái niệm “Nhà nước pháp quyền”, nhưng tư tưởng của Người về nhà nước pháp quyền đã rất rõ. Trong “Việt Nam yêu cầu ca”, Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Trăm điều phải có thần linh pháp quyền”. Khái niệm “Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa” lần đầu tiên được Đảng ta sử dụng tại Hội nghị Trung ương 2 khóa VII. Từ đó khái niệm này được sử dụng chính thức trong các văn kiện của Đảng và Nhà nước. Những nội dung đặc trưng của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam ngày càng định hình và thực hiện trong thực tế. Đặc biệt, qua tổng kết 20 năm đổi mới, trong đó có 15 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Cương lĩnh năm 1991), Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI đã thông qua Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), xác định rõ hơn những định hướng lớn về xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam:

- Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo.

- Quyền lực Nhà nước là thống nhất; có sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp.

- Nhà nước ban hành pháp luật; tổ chức, quản lý xã hội bằng pháp luật và không ngừng tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa.

- Nhà nước phục vụ nhân dân, gắn bó mật thiết với nhân dân, thực hiện đầy đủ quyền dân chủ của nhân dân, tôn trọng, lắng nghe ý kiến của nhân dân và chịu sự giám sát của nhân dân; có cơ chế và biện pháp kiểm soát, ngăn ngừa và trừng trị tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí, vô trách nhiệm, lạm quyền, xâm phạm quyền dân chủ của công dân; giữ nghiêm kỷ cương xã hội, nghiêm trị mọi hành động xâm phạm lợi ích của Tổ quốc và của nhân dân.

- Tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước theo nguyên tắc tập trung dân chủ, có sự phân công, phân cấp, đồng thời bảo đảm sự chỉ đạo thống nhất của Trung ương.

Quán triệt các quan điểm chỉ đạo của Đảng về xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam, việc hoàn thiện pháp luật về kiểm toán nhà nước ở nước ta hiện nay phải đáp ứng các yêu cầu sau đây:

Một là, hoàn thiện pháp luật về tổ chức và hoạt động của Kiểm toán Nhà nước phải bảo đảm nguyên tắc quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp

Một trong những quan điểm cơ bản của việc xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam là quan điểm về quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công và phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Đây vừa là một quan điểm chỉ đạo quá trình cải cách xây dựng bộ máy nhà nước, vừa là một nguyên tắc cơ bản, quan trọng trong tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước ta. Theo quy định tại Điều 2 Hiến pháp năm 1992 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2001): “Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức. Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công và phối hợp giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp." Như vậy, ở nước ta quyền lực nhà nước bao gồm ba quyền: quyền lập pháp, quyền hành pháp và quyền tư pháp; quyền lực nhà nước là tập trung thống nhất không thể phân chia, song có sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp. Để giúp cho việc kiểm soát quyền lực nhà nước của Quốc hội- cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất có hiệu quả hơn thì cần phải có các công cụ kiểm soát có hiệu lực và hiệu quả, trong đó có cơ quan Kiểm toán Nhà nước. Do vậy, hoàn thiện pháp luật về kiểm toán nhà nước phải xác lập cho được địa vị pháp lý của Kiểm toán Nhà nước phù hợp với vị thế là cơ quan kiểm tra tài chính nhà nước cao nhất, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, nhằm tăng cường kiểm tra, kiểm soát của Nhà nước trong quản lý, sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước. Muốn vậy, địa vị pháp lý và tính độc lập của Kiểm toán Nhà nước phải được quy định trong Hiến pháp - đạo luật cơ bản của Nhà nước theo khuyến cáo của Tổ chức quốc tế các cơ quan Kiểm toán tối cao và phù hợp thông lệ của hầu hết các nước trên thế giới. Dù KTNN Việt Nam thuộc Quốc hội (cơ quan lập pháp) hay Chính phủ (cơ quan hành pháp) hoặc có vị trí độc lập với Quốc hội và Chính phủ cũng đều phải tuân thủ cơ chế: Đảng lãnh đạo, nhà nước quản lý và nhân dân làm chủ, phục vụ mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Hai là, hoàn thiện pháp luật về kiểm toán nhà nước phải đáp ứng yêu cầu giám sát của Quốc hội, HĐND và giám sát của nhân dân đối với hoạt động quản lý, sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước

Với vị thế là cơ quan kiểm tra tài chính công cao nhất, hoạt động của Kiểm toán Nhà nước đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp thông tin phục vụ công tác giám sát, quyết định dự toán ngân sách và phê chuẩn quyết toán ngân sách hàng năm của Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp, đồng thời phục vụ cho Chính phủ, Uỷ ban nhân dân các cấp quản lý và điều hành ngân sách nhà nước; thúc đẩy quá trình cải cách hành chính nhà nước, phục vụ cho công chúng bảo vệ và phát huy quyền làm chủ của mình. Do đó, hoàn thiện pháp luật về kiểm toán nhà nước phải đáp ứng yêu cầu giám sát của Quốc hội, HĐND và giám sát của nhân dân đối với hoạt động quản lý, sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước, cụ thể là:

- Để giúp Quốc hội phê chuẩn báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước hàng năm, Kiểm toán Nhà nước là cơ quan kiểm tra tài chính công cao nhất của Nhà nước có chức năng, nhiệm vụ kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước để đưa ra ý kiến đánh giá, xác nhận về tính trung thực, hợp pháp của báo cáo quyết toán NSNN. Như vậy, đồng thời với việc kiểm toán báo cáo quyết toán để khẳng định tính trung thực về tổng số thu, chi ngân sách nhà nước, Kiểm toán Nhà nước phải xác định việc tuân thủ pháp luật và tính kinh tế trong quản lý, điều hành và sử dụng ngân sách của Chính phủ, các bộ, cơ quan Trung ương và chính quyền địa phương các cấp...

- Kiểm toán Nhà nước là một công cụ quan trọng thực hiện kiểm tra một cách thường xuyên, liên tục việc chấp hành luật và các chế độ chính sách trong quá trình quản lý và chấp hành thu - chi ngân sách nhà nước. Qua kết quả kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước đưa ra các ý kiến đánh giá, nhận xét giúp các đơn vị sử dụng kinh phí đúng mục đích, nhằm tiết kiệm các nguồn lực tài chính, góp phần nâng cao hiệu quả và hiệu lực hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước và các chương trình, dự án cải cách hành chính nhà nước. Đồng thời hoạt động của Kiểm toán Nhà nước đang góp phần vào mặt trận đấu tranh chống lãng phí, ngăn chặn các hành vi tiêu cực, tham nhũng, góp phần làm trong sạch bộ máy hành chính nhà nước. Đây là một trong những mục tiêu quan trọng mà cải cách hành chính cần đạt được theo chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước.

- Tham gia ý kiến với Quốc hội vào việc xây dựng và phân bổ dự toán ngân sách nhà nước hàng năm, giúp Quốc hội quyết định và phân bổ dự toán thu - chi ngân sách nhà nước phù hợp với tình hình thực tế.

- Thông qua kết quả kiểm toán báo cáo tài chính và kiểm toán tuân thủ, Kiểm toán Nhà nước chỉ ra và yêu cầu các cơ quan có thẩm quyền cắt giảm các khoản chi tiêu không đúng nội dung, vượt định mức của các cơ quan hành chính công, thu hồi các khoản chi không đúng chế độ quy định nộp ngân sách nhà nước, đồng thời KTNN kiến nghị với các đơn vị được kiểm toán khắc phục những tồn tại trong công tác quản lý và sử dụng ngân sách nhà nước nhằm phát huy hiệu quả sử dụng ngân sách nhà nước, nâng cao chất lượng và hiệu lực hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước.

- Với việc công khai kết quả kiểm toán, KTNN cung cấp cho công chúng những thông tin quan trọng, giúp cho người dân biết rõ tình hình thu chi, quản lý sử dụng ngân sách nhà nước, tài sản và công quỹ quốc gia, tạo điều kiện để nhân dân tham gia quản lý với tư cách là chủ nhân của đất nước.

- Thông qua kết quả kiểm toán và thu thập ý kiến phản hồi tại cơ sở, nghiên cứu để đề xuất kiến nghị với các cơ quan quản lý chức năng của Nhà nước sửa đổi, bổ sung luật và các cơ chế, chính sách của Nhà nước về các lĩnh vực quản lý kinh tế - tài chính cho phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế trong từng thời kỳ. Ngoài ra, Kiểm toán Nhà nước còn tham gia ý kiến với các cơ quan soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước trong việc xây dựng và hoàn thiện các chính sách, chế độ phù hợp với điều kiện cụ thể.

Ba là, hoàn thiện pháp luật về kiểm toán nhà nước phải góp phần đảm bảo minh bạch và lành mạnh các quan hệ kinh tế - tài chính, nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước

Kiểm toán ra đời, phát triển do yêu cầu quản lý và phục vụ cho quản lý. Kiểm toán là một công cụ quản lý phát triển từ thấp đến cao, gắn với hoạt động kinh tế của con người. Ở nước ta việc thành lập và phát triển cơ quan KTNN xuất phát từ chính yêu cầu đòi hỏi của công cuộc đổi mới và sự phát triển của nền kinh tế thị trường, thực hiện quá trình dân chủ hoá và xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN - Nhà nước của dân, do dân và vì dân. Phát triển Kiểm toán Nhà nước là một yêu cầu khách quan của quản lý vĩ mô nền kinh tế quốc dân của Nhà nước, đặc biệt là tăng cường sự kiểm tra, kiểm soát của Nhà nước nhằm sử dụng tiết kiệm, có hiệu quả ngân sách nhà nước và tài sản quốc gia, chống tiêu cực, tham nhũng. Do đó, hoàn thiện pháp luật về kiểm toán nhà nước phải xác định rõ vai trò của Kiểm toán Nhà nước đối với nền kinh tế được thể hiện ở những nội dung sau đây:

- Kiểm toán góp phần làm minh bạch và lành mạnh các thông tin, các quan hệ kinh tế - tài chính. Vai trò này của kiểm toán gắn liền với chức năng kiểm toán báo cáo tài chính. Trong nền kinh tế thị trường, kiểm toán báo cáo tài chính là một nhu cầu tất yêu khách quan và là một trong những biện pháp kinh tế nhất, hiệu lực nhất để khắc phục các rủi ro thông tin trong các báo cáo tài chính. Thông qua hoạt động kiểm toán, KTNN xác nhận tính trung thực, hợp lý của các thông tin kinh tế, trước hết là thông tin trên các báo cáo tài chính của các cấp chính quyền, các cơ quan, các đơn vị và các tổ chức được kiểm toán. Kết quả kiểm toán được lập thành báo cáo và công bố công khai theo quy định của pháp luật đã góp phần làm cho các thông tin về kinh tế - tài chính được kiểm toán đáp ứng được yêu cầu trung thực, khách quan; xác nhận độ tin cậy của báo cáo tài chính, làm căn cứ pháp lý để Nhà nước đưa ra các biện pháp quản lý phù hợp và giúp cho các đối tượng sử dụng thông tin đưa ra các quyết định trong mối quan hệ với đơn vị được kiểm toán; đồng thời, giúp cho các đơn vị được kiểm toán thấy rõ những tồn tại, sai sót để khắc phục nhằm nâng cao chất lượng thông tin kinh tế, tài chính, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả vốn, tài sản và kinh phí của Nhà nước.

- Kiểm toán góp phần thúc đẩy Nhà nước và các tổ chức kinh tế, nâng cao chất lượng quản lý và sử dụng các nguồn lực kinh tế một cách toàn diện cả về tính kinh tế, tính hiệu lực và hiệu quả. Yêu cầu sử dụng một cách kinh tế, hiệu lực và hiệu quả các nguồn lực kinh tế của Nhà nước luôn được coi là những mục tiêu hàng đầu của quản lý kinh tế tài chính vĩ mô và vi mô. Thông qua chức năng kiểm toán hoạt động, kiểm toán đánh giá một cách khách quan, đồng thời đưa ra những kiến nghị và tư vấn cho các cấp, các cơ quan đơn vị nhằm nâng cao chất lượng quản lý.

- Kiểm toán Nhà nước góp phần bảo vệ lợi ích của Nhà nước, lợi ích hợp pháp của các chủ thể kinh tế và người lao động. Vai trò này của Kiểm toán Nhà nước thể hiện tính chất kinh tế - xã hội của kiểm toán. Thông qua các chức năng của kiểm toán và thực hiện công khai kết quả kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước giúp cho việc xác định đúng đắn quyền, nghĩa vụ và phân phối kết quả kinh tế một cách hợp pháp. Điều đó góp phần đảm bảo sự công bằng trong kinh tế của các tổ chức và xã hội.

Bốn là, hoàn thiện pháp luật về kiểm toán nhà nước phải góp phần phòng, chống tham nhũng, làm trong sạch bộ máy nhà nước ở nước ta hiện nay

Trong điều kiện hiện nay, Đảng và Nhà nước ta coi tham nhũng là một “quốc nạn” và công cuộc chống tham nhũng là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân và của cả hệ thống chính trị. Với vị thế là cơ quan kiểm tra tài chính nhà nước cao nhất, Kiểm toán Nhà nước là một trong những công cụ có hiệu lực góp phần quan trọng vào cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng ở nước ta hiện nay. Do đó, hoàn thiện pháp luật về kiểm toán nhà nước phải xác định rõ vai trò, trách nhiệm của cơ quan KTNN trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng thể hiện ở những nội dung chủ yếu sau đây:

- Kiểm toán là công cụ phục vụ cho minh bạch về tài chính thông qua  công khai kết quả kiểm toán báo cáo tài chính của các tổ chức, các cấp ngân sách. Đây là cơ sở cho hoạt động giám sát của các cơ quan, các cấp chính quyền, các tổ chức quần chúng và của công dân đối với công tác quản lý tài chính, đặc biệt là các nguồn lực tài chính nhà nước.

- Kiểm toán Nhà nước là công cụ quan trọng để phát hiện những hiện tượng, những dấu hiệu tham ô, lãng phí, không tuân thủ pháp luật trong quản lý kinh tế, tài chính, sử dụng kém hiệu quả các nguồn lực nhà nước… Trên cơ sở đó, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền kịp thời ngăn chặn và xử lý các hành vi tham nhũng, tiêu cực theo quy định của pháp luật. Trường hợp phát hiện hành vi tham nhũng có dấu hiệu tội phạm ở các đơn vị được kiểm toán, KTNN lập và chuyển hồ sơ kiến nghị các cơ quan bảo vệ pháp luật xem xét xử lý về hình sự đối với những cá nhân có liên quan theo quy định của pháp luật; các cơ quan bảo vệ pháp luật có trách nhiệm tiếp nhận hồ sơ để giải quyết theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự và phải thông báo kết quả giải quyết cho Kiểm toán Nhà nước.

- Trên cơ sở tính độc lập trong hoạt động kiểm toán, KTNN có thể chủ động xây dựng kế hoạch kiểm toán hướng vào những lĩnh vực có khả năng phát sinh tham nhũng lớn, những vấn đề bức xúc được dư luận xã hội quan tâm nhằm giúp ngăn chặn hành vi tham nhũng. Mặt khác, từ tổng kết thực tiễn hoạt động kiểm toán, đặc biệt là lĩnh vực tài chính công, KTNN có thể đề xuất với Nhà nước các giải pháp hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật phù hợp để góp phần ngăn chặn và đẩy lùi tham nhũng./.

Tài liệu tham khảo:
- Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ, VIII,  XI;
- Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ
lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011);
- Tuyên bố Lima và Tuyên bố Mehico của INTOSAI;
- Hiến pháp năm 1992 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2001);
- Luật Kiểm toán nhà nước năm 2005;
- Để tài khoa học cấp nhà nước: Định hướng chiến lược và giải pháp
 phát triển Kiểm toán Nhà nước Việt Nam.

Theo Tạp chí Kiểm toán số 2/2012
                                                               

Xem thêm »