Kiểm toán kết quả thẩm định giá trị doanh nghiệp – Một nhiệm vụ mới thu hút nhiều sự quan tâm

06/03/2012
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Phó Tổng KTNN Lê Minh Khái trả lời phỏng vấn Tạp chí Kiểm toán

Được biết, trong năm qua, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) đã bước đầu thực hiện một nhiệm vụ mới, đó là kiểm toán kết quả thẩm định giá trị doanh nghiệp. Là một lãnh đạo ngành, đồng thời cũng là Trưởng đoàn của cuộc kiểm toán, ông có thể cho bạn đọc Tạp chí Kiểm toán hiểu cụ thể hơn về vấn đề này?

Nhiệm vụ kiểm toán kết quả thẩm định giá trị doanh nghiệp trước khi cổ phần hóa được quy định tại Điều 27, Nghị định 59/2011/NĐ-CP ngày 18/7/2011 của Chính phủ về việc chuyển doanh nghiệp 100 vốn nhà nước thành công ty cổ phần. Theo đó, trên cơ sở kết quả xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa đã được các tổ chức tư vấn thực hiện và ý kiến đề nghị của cơ quan có thẩm quyền quyết định giá trị doanh nghiệp, KTNN tiến hành kiểm toán kết quả định giá doanh nghiệp và xử lý các vấn đề tài chính trước khi quyết định công bố giá trị đối với các doanh nghiệp quy mô lớn có vốn nhà nước trên 500 tỷ đồng hoạt động kinh doanh trong những lĩnh vực, ngành nghề đặc thù (như: bảo hiểm, ngân hàng, bưu chính viễn thông, hàng không, khai thác than, dầu khí, khai thác mỏ quý hiếm khác); các Công ty mẹ thuộc Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước và các doanh nghiệp khác theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ.

Để thực hiện nhiệm vụ này, KTNN đã tiến hành chuẩn bị lực lượng Kiểm toán viên nhằm đáp ứng tốt nhất yêu cầu đặt ra, nhưng thời điểm cuối năm 2011 do Nghị định 59/2011/NĐ-CP và Thông tư hướng dẫn mới được ban hành (Thông tư 202/2011/TT-BTC ngày 30/12/2011 của Bộ Tài chính) nên công tác chuẩn bị để có thể kiểm toán ngay còn gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, trong thời gian tới, khi yêu cầu về việc xác định giá trị doanh nghiệp trước cổ phần hóa tăng lên thì chắc chắn KTNN phải có sự chuẩn bị tốt hơn các điều kiện cần thiết để thực hiện nhiệm vụ mới này (như nguồn nhân lực, qui trình và phương pháp kiểm toán...).

Thưa ông, trên thực tế tiến trình cổ phần hóa đã được triển khai khá lâu, vậy tại sao đến thời điểm này KTNN mới chính thức vào cuộc? Phải chăng chất lượng kết quả tư vấn định giá DNNN lâu nay đã bộc lộ quá nhiều vấn đề đáng quan tâm?

Trước khi Nghị định 59/2011/NĐ-CP ra đời, các công ty kiểm toán độc lập hoặc các đơn vị tư vấn tham gia xác định giá trị doanh nghiệp và trình lên Ban Chỉ đạo cổ phần hóa doanh nghiệp để thẩm tra giúp các cơ quan thẩm quyền của Nhà nước quyết định công bố giá trị doanh nghiệp (thời gian này, KTNN chưa được giao nhiệm vụ thẩm định). Tôi nghĩ rằng, để bảo đảm khách quan, trung thực, phản ánh đúng thực tế theo thị trường kết quả xác định giá trị doanh nghiệp, nhằm tránh thất thoát vốn và tài sản nhà nước, đòi hỏi phải có một cơ quan độc lập thẩm định lại.

Thực tế những năm gần đây, mặc dù KTNN chưa thực hiện cuộc kiểm toán độc lập về kết quả thẩm định giá trị doanh nghiệp song trong quá trình kiểm toán các các tập đoàn, tổng công ty, các doanh nghiệp Nhà nước, KTNN cũng đã thực hiện kiểm toán một nội dung liên quan đến vấn đề này, đó là kiểm toán công tác cổ phần hóa. Khi kiểm toán từng DNNN cụ thể, KTNN đã đánh giá những mặt được và bất cập, tồn tại của công tác cổ phần hóa, trong đó có cả việc xác định giá trị doanh nghiệp, đặc biệt là việc xác định giá trị thương hiệu và giá trị tài sản vô hình. Đây là vấn đề quan trọng, các Đoàn Kiểm toán Nhà nước đã phát hiện một số DNNN không xác định hoặc xác định giá trị thấp hơn giá thị trường và kiến nghị với Ban chỉ đạo cổ phần hóa doanh nghiệp cần quan tâm, lưu ý vấn đề này khi xác định giá trị doanh nghiệp. Vì vậy, để khắc phục tồn tại này, Chính phủ đã bổ sung thêm quy định đối với KTNN để đảm bảo việc xác định đúng đắn, trung thực, đầy đủ, đúng giá trị của doanh nghiệp, đảm bảo lợi ích của doanh nghiệp, của Nhà nước và các cổ đông.

Dù chỉ là bước đầu nhưng yêu cầu kiểm toán này đã nhận được sự quan tâm từ nhiều phía. Vậy, thời gian qua KTNN đã có sự chuẩn bị như thế nào để đáp ứng được những đòi hỏi của nhiệm vụ mới? 

Với nguồn nhân lực hiện tại, KTNN cơ bản đã đáp ứng yêu cầu kiểm toán trong lĩnh vực ngân hàng và doanh nghiệp. Tuy nhiên, khi xác định giá trị doanh nghiệp, theo qui định có nhiều phương pháp khác nhau, thậm chí có một số phương pháp các tổ chức tư vấn quốc tế đưa ra là rất mới, hơn nữa đây là một công việc khó khăn phức tạp, nên KTV khi thực hiện kiểm toán trong lĩnh vực này cần phải được đào tạo, bồi dưỡng, học tập kinh nghiệm để có chuyên môn sâu mới đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Tổng KTNN cũng đã có chủ trương chuẩn bị về nhân lực nhưng chưa giao riêng cho một đơn vị nào phụ trách mà tùy theo yêu cầu cụ thể, Tổng KTNN sẽ phân công cho một nhóm KTV phù hợp nhất để thực hiện nhiệm vụ này. Để chủ động thực hiện nhiệm vụ, Tổng KTNN cũng đã yêu cầu các đơn vị của KTNN trong quá trình thực hiện phải thu thập thông tin về tình hình cổ phần hoá các DNNN hàng năm để chủ động lập kế hoạch kiểm toán, báo cáo Tổng KTNN để chỉ đạo tổ chức thực hiện.

Thông thường, các đơn vị của KTNN được phân công theo lĩnh vực, chẳng hạn như Chuyên ngành VI kiểm toán các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước trực thuộc bộ, ngành, trung ương; Chuyên ngành VII kiểm toán các tổ chức tài chính, tín dụng, ngân hàng nhà nước, KTNN khu vực kiểm toán các doanh nghiệp trực thuộc địa phương... Vì vậy, kiểm toán xác định giá trị doanh nghiệp khó có thể giao riêng cho một đơn vị thực hiện cố định. Trước mắt, Tổng KTNN chỉ đạo các KTNN Chuyên ngành và Khu vực phối hợp để bố trí các kiểm toán viên có năng lực phù hợp với từng yêu cầu cụ thể.

Đây là một nhiệm vụ mới, tính chất của kiểm toán mang tính chất đặc thù nên quy trình kiểm toán đòi hỏi phải xây dựng, ban hành riêng và trình độ chuyên môn của Kiểm toán viên phải cao hơn.

Thưa ông, ông có thể cho biết một số thông tin về cuộc kiểm toán đầu tiên trong chuỗi nhiệm vụ kiểm toán kết quả thẩm định giá trị doanh nghiệp?

Theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước, KTNN đã thực hiện kiểm toán kết quả tư vấn định giá và xử lý các vấn đề tài chính trước khi chính thức công bố giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa tại Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) từ ngày 20/10 đến 20/11/2011. Trong thời gian gấp rút, Tổng KTNN đã quyết định thành lập Đoàn kiểm toán do một Phó Tổng KTNN làm Trưởng đoàn, 04 Phó trưởng đoàn là lãnh đạo cấp vụ, trong đó có ba Vụ trưởng, thành viên Đoàn kiểm toán đều là những kiểm toán viên có năng lực, được huy động từ nhiều chuyên ngành.

Cuộc kiểm toán đã đánh giá kết quả định giá của tổ chức tư vấn dựa trên 4 phương pháp: (i) phương pháp tài sản; (ii) phương pháp dòng tiền chiết khấu; (iii) phương pháp so sánh với các doanh nghiệp tương đồng; (iv) phương pháp phân tích các giao dịch tiền lệ. Về cơ bản, việc xử lý các vấn đề tài chính, xác định giá trị doanh nghiệp BIDV và giá trị phần vốn Nhà nước tại BIDV để cổ phần hóa đã tuân thủ theo quy định. Giá trị doanh nghiệp BIDV và giá trị phần vốn nhà nước tại BIDV tại thời điểm 31/12/2010 do tổ chức tư vấn và BIDV đề xuất đảm bảo tính hợp lý.

Các đơn vị tư vấn cho BIDV đều là những đơn vị đã thực hiện định giá cho nhiều doanh nghiệp ở Việt Nam, có những phương pháp đánh giá và tiếp cận theo thông lệ và kinh nghiệm quốc tế mà Nhà nước chưa có quy định, hoặc đã có nhưng chỉ tiêu và điều kiện ở phạm vi hẹp, khi đánh giá các đơn vị tư vấn đã mở rộng thêm. Khi kiểm tra, chúng tôi nhận thấy sự mở rộng này là hợp lý về mặt khoa học.

Tuy nhiên, trong kết quả định giá theo phương pháp dòng tiền chiết khấu và phương pháp tài sản, một số đề xuất của tư vấn còn có điểm chưa phù hợp. Kết quả là, trên cơ sở làm việc với KTNN, các đơn vị tư vấn đã chỉnh sửa và phát hành lại báo cáo định giá, như: Công ty cổ phần thẩm định và dịch vụ tài chính Việt Nam (VVFC) đã điều chỉnh biên bản xác định lại giá trị doanh nghiệp, trong đó tăng lên hơn 70,8 tỷ đồng khi đánh giá lại giá trị một số khoản đầu tư dài hạn và các tài sản nhà cửa, vật kiến trúc; Công ty Morgan Stanley xác định lại dòng cổ tức thực tế chia cho các cổ đông trong một số năm đầu sau cổ phần hóa và điều chỉnh, bổ sung dữ liệu ở một số chỉ tiêu ...
Theo quy định, việc kiểm toán phải được thực hiện trong hai tháng nhưng do yêu cầu về thời điểm phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu (IPO) là trước năm 2012 nên Đoàn kiểm toán đã rất cố gắng để doanh nghiệp có thể triển khai đúng tiến độ. Sau khi có kết quả kiểm toán, đợt IPO vào ngày 26/12/2011 của BIDV đã thành công. Đó là kết quả rất tốt đối với một nhiệm vụ mới.

Cuộc kiểm toán kết quả tư vấn định giá BIDV là cuộc kiểm toán đầu tiên cho loại hình kiểm toán tư vấn. Từ cuộc kiểm toán này, KTNN sẽ tích luỹ thêm kinh nghiệm cho các cuộc kiểm toán sau. Tuy nhiên, xét về thực tế, mỗi đơn vị cổ phần hóa mang một đặc điểm riêng và quy mô tài sản khác nhau nên phương pháp kiểm toán cũng đòi hỏi linh hoạt. Sắp tới, cùng với tiến trình cơ cấu lại nền kinh tế, đặc biệt là tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, chúng ta sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp chuyển đổi hình thức sở hữu. Khi đó, theo Nghị định 59/2011/NĐ-CP, chắc chắn KTNN sẽ tham gia vào việc kiểm toán xác định giá trị doanh nghiệp một cách rộng rãi và chuyên nghiệp hơn.

Xin trân trọng cảm ơn ông ! 

Đinh Hiền (thực hiện)

Theo Tạp chí Kiểm toán số 2/2012
                                                               

Xem thêm »