Tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước cần tuyệt đối tránh sự cực đoan

02/02/2012
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(Ông Nguyễn Hồng Long - Kiểm toán trưởng KTNN Chuyên ngành VI trả lời phỏng vấn của Tạp chí Kiểm toán)

Nhắc đến doanh nghiệp nhà nước (DNNN), đặc biệt là các tập đoàn kinh tế nhà nước, dư luận lâu nay vẫn thường đóng khung bằng cụm từ "kinh doanh không hiệu quả". Là người lãnh đạo một đơn vị chuyên kiểm toán các DNNN, xin ông đưa ra ý kiến của mình về vấn đề này?

Tôi cho rằng, việc đánh giá một doanh nghiệp kinh doanh có hiệu quả hay không phải căn cứ vào rất nhiều tiêu chí, trong đó, tiêu chí quan trọng đầu tiên đối với một doanh nghiệp là vấn đề bảo toàn và phát triển vốn, vấn đề lợi nhuận, nộp NSNN... Riêng DNNN còn phải thực hiện nhiệm vụ an sinh xã hội, bảo vệ môi trường và thời gian gần đây là kìm chế lạm phát. Vấn đề an sinh xã hội mang một ý nghĩa quan trọng, đặc biệt là việc bố trí người lao động và giải quyết những tồn tại từ thời kỳ trước đây. Như vậy, ngoài kinh doanh, DNNN còn phải thực hiện thêm một số vấn đề về mặt xã hội nên nếu chỉ đánh giá bằng một số tiêu thức như lợi nhuận thì cái nhìn đó sẽ trở nên phiến diện, chưa lột tả hết chức năng nhiệm vụ và sự đóng góp của DNNN đối với nền kinh tế, chúng ta cần phải căn cứ vào nhiều tiêu thức để đảm bảo đánh giá đúng các hoạt động tổng thể của đơn vị.

Gần đây, vấn đề tái cấu trúc DNNN lại nổi lên với tư cách là một trong 3 nội dung cốt lõi của công cuộc tái cấu trúc nền kinh tế. Theo ông, quá trình này cần được thực hiện như thế nào và đâu là yếu tố quan trọng nhất?

Hiện nay, chúng ta đang nói rất nhiều về vấn đề tái cấu trúc nền kinh tế, đặc biệt là 3 nhóm: tái cấu trúc đầu tư công, tái cấu trúc thị trường tài chính, tái cấu trúc DNNN. Riêng về DNNN, theo tôi, tái cấu trúc lúc này là cần thiết nhưng phải tuyệt đối tránh việc thực hiện một cách vội vã. Bởi vì trước đến nay chúng ta thường hay chạy từ cực này sang cực khác. Cách đây 5 - 7 năm, lúc nào chúng ta cũng cổ động cho việc thành lập các tập đoàn, tổng công ty theo hướng đa ngành nghề, đa lĩnh vực. Sau một thời gian nhận thấy hoạt động của các doanh nghiệp có những vấn đề chưa phù hợp thì chúng ta lại cổ xúy cho việc thoái vốn ở các ngành không phải là ngành kinh doanh chính. Tôi nghĩ chúng ta không nên để tình trạng cực đoan xảy ra bởi một số lý do như thế này:

Thứ nhất, nếu bây giờ chúng ta thoái vốn thì cần đặt ra hai vấn đề là thoái vốn như thế nào và lộ trình ra sao. Muốn làm được điều đó, việc đầu tiên là phải xác định được tình hình tài chính, "khám lại sức khỏe", cụ thể là phải xác định sự minh bạch công khai tình hình tài chính của doanh nghiệp đó, phải hiểu thực trạng trước khi tái cấu trúc.

Điều thứ hai, tái cấu trúc phải đảm bảo nguyên tắc có một lộ trình nhất định. Nội dung của lộ trình đó cần phải xác định rõ các DNNN nên chiếm giữ 100 cổ phần đối với lĩnh vực nào, chiếm trên 50 đối với lĩnh vực nào và những ngành nào thì hoàn toàn thoái vốn. Riêng với những ngành cần chiếm giữ 100 cổ phần phải là ngành tác động trực tiếp đến đời sống chính trị, kinh tế - xã hội của đất nước. Cá nhân tôi cho rằng, đối với những lĩnh vực chiếm dưới 50 thì Nhà nước không nên giữ vốn nữa, đặc biệt là các ngành du lịch, thương mại. Mặc dù vậy, việc thoái vốn tại các doanh nghiệp này cũng phải có lộ trình. Trước hết phải xác định rõ thời gian cho các doanh nghiệp vay vốn, tránh trường hợp bán ào ạt cổ phần sẽ trái với quy luật cung cầu, khi cung lớn hơn cầu thì giá trị sẽ bị giảm đi. Thứ hai nữa, phải xác định được liệu nguồn lực trong xã hội hiện tại có thể mua được hết cổ phần đó? Nếu bán ồ ạt thì tất yếu sẽ dẫn đến tình trạng Nhà nước bị mất vốn, nguồn lực bị phân tán và bị sử dụng không hiệu quả... Tóm lại, chúng ta không phải quá vội vã trong vấn đề này, không phải nói tái cấu trúc là sẽ tái cấu trúc ngay mà phải có lộ trình trong một khoảng thời gian nào đó, có thể là 3 năm hoặc 5 năm...

Còn một vấn đề nữa, khi đã tái cấu trúc rồi, nếu chúng ta vẫn theo quan điểm tập trung nguồn lực cho các tập đoàn chỉ kinh doanh một lĩnh vực thì lại tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh, hoặc thủ tiêu sự cạnh tranh. Vấn đề này cũng cần phải quan tâm vì nó sẽ tác động đến quyền lợi của người tiêu dùng, tác động đến nhu cầu của xã hội. Nếu chỉ cho phép mỗi tổng công ty làm một phần việc và không có sự cạnh tranh  thì không khéo sẽ quay lại vết xe cũ...

Đối với vấn đề phát triển ngành, tái cấu trúc cần phải đảm bảo tính đồng bộ giữa các doanh nghiệp, không chỉ riêng DNNN mà cả với doanh nghiệp tư nhân (DNTN). Hiện nay, sự thiếu đồng bộ đã khiến chúng ta sử dụng nguồn lực một cách quá lãng phí, dẫn đến tình trạng công nghệ lạc hậu và phát triển không cân đối. Chẳng hạn, ngành điện tăng trưởng một năm là 15 - 16 trong khi GDP tăng trưởng một năm là 6 - 6,5 . Lẽ ra, theo chỉ số đàn hồi, 1 điện sẽ tăng 1 GDP thì chúng ta phải cần đến trên 2 điện mới tăng được 1 GDP... Một số ngành nghề như xi măng, sắt thép hay cơ sở hạ tầng như đường sá, cầu cống và các nguồn lực khác phát triển không đồng bộ còn dẫn đến khó khăn cho các ngành khác...

Thời gian này, nhiều người thường đặt vấn đề: sự ào ạt trong cổ phần hóa liệu có phải là tư nhân hóa? Tôi nghĩ chúng ta cũng không cần phải né tránh vấn đề này. Tôi cũng không phủ nhận vai trò của DNTN bởi thực tế nhiều DNTN rất năng động, hoạt động hiệu quả và có tác động nhất định đến xã hội. Tuy nhiên, chúng ta phải nhìn nhận đúng thực trạng tình hình tài chính cũng như năng lực quản lý của các DNTN. Tôi có thể nói thẳng,  trong những năm gần đây, một số DNTN lớn được hình thành chủ yếu từ việc kinh doanh bất động sản và khai khoáng, còn đối với lĩnh vực sản xuất công nghiệp nền tảng thì không có nhiều. Một vấn đề đặt ra, những DNTN với năng lực quản lý và năng lực tài chính được hình thành từ những nguồn như thế liệu có bền vững không, liệu có thực hiện được nghĩa vụ bình ổn giá cả cho thị trường không? Đó là điều rất cần phải lưu tâm. Nếu không cẩn thận, việc bán cổ phần ra bây giờ rất dễ dẫn đến việc mất vốn và nguồn lực của Nhà nước.

Nói đến cổ phần hóa, qua kết quả kiểm toán thời gian qua, ông đánh giá như thế nào về tiến trình cổ phần hóa DNNN? Theo ông, tiến trình này cần phải điều chỉnh, sửa đổi những gì để có thể mang lại kết quả khả quan hơn?

Cổ phần hóa là chính sách hết sức đúng đắn của Đảng và Nhà nước. Theo đánh giá của chúng tôi, hầu hết các doanh nghiệp sau khi cổ phần hóa đều phát triển, làm ăn có lãi, thu nhập của người lao động được nâng cao. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn có một số vấn đề, đặc biệt là đối với ngành khai thác khoáng sản. Trước đây, khi cổ phần hóa các doanh nghiệp này, chúng ta chỉ cổ phần hóa phần tài sản nổi như nhà xưởng, thiết bị, còn phần tài nguyên khoáng sản của Nhà nước thì người được hưởng lợi lại không phải chịu trách nhiệm. Đối với các doanh nghiệp kinh doanh thương mại, lợi thế đất đai cũng chưa có văn bản xác định rõ ràng. Để tiếp tục triển khai tốt chính sách cổ phần hóa, chúng ta cần phải tính đúng, tính đủ nhằm đảm bảo cho nguồn lực Nhà nước không bị mất đi.

Theo ông, trong vấn đề tái cấu trúc DNNN, hoạt động kiểm toán nhà nước đóng vai trò như thế nào? Cụ thể hơn, KTNN Chuyên ngành VI đã có những định hướng và kế hoạch gì để các kết quả kiểm toán đáp ứng được nhu cầu của tình hình mới?

Trong bối cảnh tái cấu trúc nền kinh tế, tôi nghĩ bản thân KTNN cũng phải có sự thay đổi về tư duy, về triết lý, về loại hình kiểm toán. Với 3 loại hình kiểm toán vẫn được thực hiện từ trước đến nay, KTNN không được phép xa rời kiểm toán báo cáo tài chính nhưng cần phải chú trọng hơn đến kiểm toán hoạt động và kiểm toán tuân thủ. Để làm được điều đó phải có một sự chuẩn bị kỹ càng từ các khâu chuẩn mực, quy trình, hồ sơ pháp lý, đào tạo con người,... Riêng KTNN Chuyên ngành VI, ngay từ năm 2010, đơn vị đã những động thái chuẩn bị cho việc bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ, cập nhật những tài liệu mới để có được những nhóm kiểm toán viên đủ khả năng đánh giá đúng về hoạt động của các doanh nghiệp trong tình hình mới. Mục tiêu lớn nhất của KTNN trong lĩnh vực kiểm toán doanh nghiệp là đánh giá được một cách minh bạch tình hình tài chính của các tập đoàn, các tổng công ty, đồng thời có sự cảnh báo, định hướng cho xã hội về xu hướng phát triển của nền kinh tế.

Vừa qua, trong quá trình kiểm toán ngành điện và ngành than, chúng tôi đã có nhiều kiến nghị đối với các doanh nghiệp về vấn đề quản trị. Chẳng hạn với ngành điện, chúng tôi đã cảnh báo việc xem xét lại đơn giá tiền lương, định biên lao động và phương pháp hạch toán kế toán để có thể phản ánh giá điện một cách chính xác nhất; cảnh báo cả với xã hội việc phát triển ngành điện không tương ứng với phát triển nền kinh tế. Đối với ngành than, đó là vấn đề tiết kiệm và các phương pháp quản lý, quản trị. Theo tôi được biết, hiện nay các doanh nghiệp như Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Than & Khoáng sản Việt Nam đang rất tích cực trong vấn đề tái cấu trúc, cụ thể là họ đang hoạch định một chương trình thoái vốn đối với các ngành không phải là ngành kinh doanh chính. Hầu hết việc đầu tư ngoài ngành này vẫn nằm trong tỷ lệ cho phép, cho dù có thể giá trị tuyệt đối của nó là khá lớn.

Nhân nói đến việc kiểm toán ngành điện, xin ông cho biết ý kiến về một sự kiện đang rất được dư luận quan tâm, đó là vấn đề mua điện của EVN? 

Con số lỗ hơn 8000 tỷ của EVN thực chất là do mua điện giá cao để phục vụ công tác cung cấp điện, đảm bảo cho hoạt động kinh tế - xã hội của đất nước. Trong số các nhà máy bán điện cho EVN thì có rất nhiều nhà máy thuộc các tập đoàn lớn như Tập đoàn Than & Khoáng sản, Tập đoàn Dầu khí, và cũng có các nhà máy xây dựng từ nguồn vốn FDI, các nhà máy điện tư nhân... Trước đây, một số nhà máy đã có hợp đồng với EVN là bán giá điện ổn định trong vòng 20- 25 năm. Bây giờ, những nhà máy này đang phải chịu thiệt thòi. Sắp tới, có thể Chính phủ sẽ có hướng điều chỉnh phù hợp hơn. 
          
Xin trân trọng cảm ơn ông!
                                                   
Đinh Hiền (thực hiện)

Theo Tạp chí Kiểm toán số 12/2011

 

Xem thêm »