Ảnh hưởng của các vấn đề môi trường đến kiểm toán báo cáo tài chính

25/10/2011
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Đinh Thị Thu Hà - Học viện Tài chính
Ngô Như Vinh - Học viện Tài chính

Ảnh hưởng của vấn đề môi trường đến kiểm toán báo cáo tài chính (BCTC) là một khái niệm khá mới mẻ ở Việt Nam. Tuy chưa có nhiều nghiên cứu về vấn đề này, nhưng trên thực tế hiện nay nó ngày càng trở nên quan trọng vì những tác động đáng kể đến kiểm toán BCTC. Một ví dụ điển hình cho những tác động này là vụ Nhà máy Vedan xả nước thải chưa qua xử lý làm ô nhiễm sông Thị Vải. Nếu vụ việc trên không bị phát hiện, rõ ràng BCTC của Vedan vẫn hoàn toàn không bị ảnh hưởng. Tuy nhiên như chúng ta đã biết, thiệt hại của Vedan sau khi sự việc trên được phát hiện là cực kỳ nghiêm trọng, có ảnh hưởng trọng yếu đến BCTC của đơn vị này. Do vậy việc đánh giá tác động ảnh hưởng của vấn đề môi trường lên BCTC là rất cần thiết và cần được quan tâm.

I. Trách nhiệm pháp lý của doanh nghiệp và tác động của nó đến BCTC
1. Khái quát các vấn đề môi trường
Để xem xét tác động của các vấn đề môi trường đến doanh nghiệp, trước hết, chúng ta tìm hiểu các vấn đề môi trường đặt ra cho doanh nghiệp là gì?  Vấn đề này được hiểu là các tác động trực tiếp hoặc gián tiếp có thể có của doanh nghiệp đến môi trường, mà cụ thể là những tác động tiêu cực gây ô nhiễm môi trường. Với quan niệm rằng tất cả những gì có thể ảnh hưởng đến sức khoẻ con người và làm hủy hoại đến môi trường đều được coi là ô nhiễm môi trường thì có thể chia hành vi gây ô nhiễm môi trường thành một số loại như ô nhiễm nguồn nước, không khí, ô nhiễm tiếng ồn, từ các chất thải độc hại, ô nhiễm từ sự ảnh hưởng của quá trình phát triển xã hội.

2. Trách nhiệm của doanh nghiệp với các vấn đề môi trường
Việc thực hiện xem xét đánh giá trách nhiệm của doanh nghiệp với các vấn đề về môi trường là một công việc quan trọng trong tiến trình kiểm toán báo cáo tài chính tại các doanh nghiệp vì nó có ảnh hưởng trực tiếp đến việc lập và trình bày báo cáo tài chính một cách trung thực và hợp lý. Các trách nhiệm này được quy định rõ trong Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) năm 2005. Luật này gồm 15 chương và 136 điều nhằm sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật BVMT năm 1993. Một điểm mới so với Luật BVMT năm 1993 đó là sự phân biệt rõ rệt giữa các dự án đầu tư phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường chiến lược, báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) và bản cam kết bảo vệ môi trường.  Nó cũng quy định rõ các đơn vị doanh nghiệp kinh doanh phải thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường đã nêu ra trong báo cáo đánh giá tác động môi trường được phê duyệt. Các doanh nghiệp cũng phải chịu trách nhiệm pháp lý khi có những hành vi gây ô nhiễm môi trường như phạt tiền và buộc phải thực hiện các biện pháp giảm thiểu, xử lý chất thải đạt tiêu chuẩn môi trường. Đồng thời cũng sẽ bị tạm đình chỉ hoạt động cho đến khi thực hiện xong biên pháp bảo vệ môi trường cần thiết. Ngoài ra Luật còn  quy định các tổ chức, cá nhân kinh doanh, dịch vụ phải công bố, cung cấp thông tin về môi trường có liên quan đến hoạt động của mình cho cơ quan chuyên môn về BVMT và cộng đồng dân cư được biết, cụ thể như Báo cáo ĐTM, quyết định phê duyệt báo cáo ĐTM; cam kết BVMT; thông tin về các nguồn thải, các loại chất thải có nguy cơ gây hại tới sức khỏe con người và môi trường.

Bên cạnh Luật Bảo vệ môi trường, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ môi trường còn có các đạo luật, pháp lệnh về bảo vệ các thành tố môi trường (còn gọi là các đạo luật, pháp lệnh về tài nguyên). Cụ thể, đó là các đạo luật, pháp lệnh như: Luật Bảo vệ và phát triển rừng năm 2004; Luật Đất đai năm 2003; Luật Thủy sản năm 2003… Ngoài ra, một số đạo luật, pháp lệnh còn quy định cụ thể việc xử lý vi phạm pháp luật đối với hành vi vi phạm pháp luật về môi trường. Trong số đó, phải kể đến Bộ luật Dân sự năm 2005, Bộ luật Hình sự năm 1999, Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2002…

3. Tác động của trách nhiệm của đơn vị với các vấn đề về môi trường đến việc lập và trình bày BCTC
Trách nhiệm của doanh nghiệp đối với các vấn đề môi trường tác động trực tiếp hoặc gián tiếp đến các thông tin tài chính được trình bày trong báo cáo tài chính. Việc hiểu rõ tác động này giúp kiểm toán viên đưa ra kết luận đánh giá về tính trung thực hợp lý của các bộ phận khoản mục trên báo cáo tài chính có liên quan trên các khía cạnh cơ sở dẫn liệu. Dưới đây sẽ làm rõ tác động cụ thể trong hai trường hợp xảy ra sau đây:

- Trường hợp thứ nhất: Đơn vị thực hiện đúng trách nhiệm của mình theo quy định của pháp luật. Để làm được điều này thì đơn vị cần thiết kế một hệ thống sản xuất và quản lý đáp ứng được các yêu cầu của pháp luật. Bản thân việc thiết kế hệ thống sao cho phù hợp với các tiêu chuẩn đề ra như xây dựng các chính sách về vấn đề xử lý nước thải, rác thải, bụi khói, hóa chất gây ô nhiễm môi trường và sử dụng cũng như tiêu thụ năng lượng tiết kiệm và có hiệu quả trong quá trình sản xuất cũng cần có sự đầu tư một khoản chi phí nhất định. Ví dụ việc thay đổi dây chuyền sản xuất hiện đại với ưu thế tiết kiệm điện năng sử dụng và ít gây ra độc hại với môi trường xung quanh hơn cần được đơn vị lên kế hoạch mua hợp lý cân đối với tình hình tài chính của đơn vị. Bên cạnh đó việc quản lý và vận hành hệ thống này cũng phát sinh những chi phí rất đáng quan tâm. Chi phí tiền lương cho người lao động, chi phí bảo dưỡng bảo trì, chi phí nguyên vật liệu là những chi phí phát sinh trực tiếp phục vụ cho việc duy trì hệ thống này. Ngoài ra theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường thì hàng năm doanh nghiệp sẽ phải đóng một khoản phí và lệ phí nhất định để góp phần vào công tác bảo vệ môi trường. Tất cả các chi  phí trên đều sẽ được ghi nhận vào chi phí sản xuất trong kỳ. Ví dụ như chi phí xử lý nước thải hàng tháng của văn phòng thì sẽ hạch toán vào tài khoản chi phí quản lý doanh nghiệp, chi phí xử lý nước thải hàng tháng của xưởng sản xuất thì hạch toán vào chi phí sản xuất chung hay nếu chi phí để xây dựng hệ thống nước thải lớn hơn mười triệu đồng thì hạch toán vào tài sản cố định. Nó sẽ làm giảm lợi nhuận của đơn vị và ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả trình bày các chỉ tiêu này trên báo cáo tài chính.

- Trường hợp thứ hai: Đơn vị không tuân thủ đúng các quy định của pháp luật. Kết quả doanh nghiệp sẽ phải hứng chịu các khoản phí phạt và phải khắc phục những hậu quả gây ra cho môi trường. Những chi phí này được tính vào tài khoản chi phí khác và cuối kỳ sẽ được kết chuyển toàn bộ vào tài khoản xác định kết quả kinh doanh và làm giảm trực tiếp lợi nhuận trong kỳ. Hơn thế nữa, hiện nay trên thế giới đang xuất hiện xu thế người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến thái độ và hành động của các doanh nghiệp đối với môi trường. Với các doanh nghiệp có hành vi gây hại đến môi trường, người tiêu dùng sẽ kêu gọi tẩy chay không tiêu thụ sản phẩm đó. Điều này có tác động rất lớn đến doanh thu, dự phòng giảm giá hàng tồn kho... và kết quả kinh doanh của đơn vị trong kỳ.

II. Tác động của các vấn đề môi trường trong cuộc kiểm toán BCTC
Vậy vấn đề môi trường liên quan đến cuộc kiểm toán được đề cập ở đây là gì? Trong thực tế những vấn đề về môi trường sẽ làm tăng hậu quả tài chính cho doanh nghiệp, đặc biệt khi doanh nghiệp không thực hiện đầy đủ những quy định có liên quan. Do đó, kiểm toán viên phải tập trung kiểm toán những nội dung liên quan khi thực hiện kiểm toán BCTC tại đơn vị. Xem xét lại nội dung của báo cáo tài chính, chúng ta có thể khẳng định được rằng những vấn đề môi trường tác động đến tất cả các khía cạnh của báo cáo tài chính và công việc của kiểm toán viên. Tuy nhiên, kiểm toán viên phải quan tâm đến những vấn đề sau đây:

1. Thu thập sự hiểu biết về khách hàng và đánh giá rủi ro
Ở khâu lập kế hoạch kiểm toán, kiểm toán viên cần thu thập thông tin liên quan đến sự thay đổi trong nhận thức xã hội về các vấn đề môi trường, sự mở rộng về quy mô cũng như tính phức tạp của các quy định liên quan đến môi trường, và tác động của những vấn đề về môi trường trong việc đưa ra các quyết định của doanh nghiệp.
 
Để có thể đánh giá được rủi ro liên quan đến các vấn đề về môi trường của doanh nghiệp, kiểm toán viên cần có sự hiểu biết về các quy định liên quan đến môi trường của khách hàng và sự tác động của những quy định này đến hoạt động của doanh nghiệp.

Những hiểu biết về doanh nghiệp mà kiểm toán viên nên cân nhắc là:
- Những yêu cầu về môi trường và những vấn đề nổi cộm về môi trường .
- Luật pháp và những quy định tác động đáng kể đến doanh nghiệp.

Tuy nhiên, kiểm toán viên không chỉ thu thập sự hiểu biết về vấn đề môi trường tác động đến khách hàng (và ngược lại), mà họ còn phải cân nhắc những vấn đề liên quan đến môi trường khi đánh giá tình hình tài chính, sự hoạt động kinh doanh và những rủi ro khác, và tác động của những rủi ro này đến báo cáo tài chính.

2. Tìm hiểu tình hình tuân thủ pháp luật và các quy định về môi trường
Phân loại theo mục đích của cuộc kiểm toán, pháp luật và các quy định có liên quan có thể chia thành hai loại chính:
- Các quy định liên quan trực tiếp đến việc lập báo cáo tài chính của đơn vị.
- Khung luật pháp cho phép doanh nghiệp thực hiện theo và là trọng tâm đối với các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp và việc không tuân thủ nó có thể dẫn đến khả năng ngừng hoạt động của doanh nghiệp hoặc đặt ra những câu hỏi về giả định hoạt động liên tục của doanh nghiệp.

Kiểm toán viên cần nhận thức rằng tất cả các công ty, kể cả với quy mô lớn hơn hoặc nhỏ hơn, đều chịu tác động bởi luật và các quy định về môi trường. Tuy nhiên, những doanh nghiệp trong ngành công nghiệp như dược phẩm, sản xuất và công nghiệp khai khoáng, thì luật và các quy định về môi trường có thể điều chỉnh công việc kinh doanh của họ bởi hoạt động sản xuất, kinh doanh của những doanh nghiệp này có phế liệu, phế thải lớn, có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường. Vì vậy, đối với những khách hàng kiểm toán này SAS 120 yêu cầu kiểm toán viên nhận biết các khả năng có thể có hoặc những trường hợp không tuân thủ các quy định pháp luật thông qua các thủ tục sau:

- Thu thập sự hiểu biết về luật và các quy định được áp dụng đối với doanh nghiệp, ngành công nghiệp, và những thủ tục đi kèm để đảm bảo sự tuân thủ với những quy định đó;
- Kiểm tra kỹ những vấn đề liên quan đến giấy phép và quy định của các cơ quan có thẩm quyền;
- Phỏng vấn ban giám đốc xem họ có lưu ý đến các trường hợp không tuân thủ luật pháp và các quy định hay không;
- Thu thập sự xác nhận bằng văn bản từ Ban giám đốc về việc giải trình các sự kiện có thể liên quan đến việc không tuân thủ hoặc các sự kiện có thể xảy ra hoặc thực tế đã xảy ra
 Do đó, với khách hàng kiểm toán mà luật và những quy định về môi trường liên quan là trung tâm của hoạt động kinh doanh, thì việc xem xét sự tuân thủ của họ với những luật và quy định này là một yếu tố quan trọng đối với kiểm toán BCTC.

3. Đánh giá sự đầy đủ của các thuyết minh liên quan đến các khoản nợ tiềm tàng và sự đầy đủ của các khoản dự phòng:
Khi một công ty vi phạm pháp luật và các quy định về môi trường, nó sẽ phải gánh chịu một khoản nợ dưới nhiều hình thức khác nhau như tiền phạt, sự thiệt hại và chi phí bồi thường thiệt hại (các chi phí để khắc phục các thiệt hại đối với môi trường, tài sản hoặc con người bị thiệt hại từ việc vi phạm). Trong một vài trường hợp, các khoản nợ này có thể nhỏ nếu so sánh với tiềm lực tài chính của công ty, nhưng trong một số trường hợp khác nó có thể đủ lớn để trở thành trọng yếu đối với báo cáo tài chính của công ty.
 
Theo SAS 120, trách nhiệm của kiểm toán viên độc lập trong những trường hợp này như sau:
Khi kiểm toán viên phát hiện ra những thông tin liên quan đến việc không chấp hành luật pháp và các quy định của công ty, họ phải tìm hiểu bản chất của các hoạt động và các trường hợp mà hành động đó diễn ra cũng như sự đầy đủ của các thông tin khác để đánh giá các tác động có thể có đến báo cáo tài chính.

Khi đánh giá những tác động có thể có đến báo cáo tài chính, kiểm toán viên cần cân nhắc:
- Những tác động tài chính có thể có như là các khoản tiền phạt hoặc bồi thường, hư hại, nguy cơ tịch thu tài sản, bắt buộc ngừng hoạt động và sự tranh chấp;
- Liệu những hậu quả tài chính có thể có cần được thuyết minh hay không, và nếu có, nó cần được thuyết minh đầy đủ;
- Liệu những hậu quả tài chính có thể có có ảnh hưởng nghiêm trọng đến báo cáo tài chính hay không ( và khi đó liệu giả định hoạt động liên tục có còn đúng hay không)

Nếu những hậu quả tài chính có thể xảy ra của một hoặc một vài trường hợp vi phạm các quy định về môi trường là trọng yếu đối với báo cáo tài chính của khách hàng, kiểm toán viên cần đánh giá sự đầy đủ của việc thuyết minh các khoản nợ tiềm tàng ở cả khía cạnh giá trị và việc giải thích các sự kiện có liên quan.

Thêm nữa, đối với các khách hàng mà các hoạt động, quy trình, sản phẩm và dịch vụ của họ có có ảnh hưởng đáng kể đến môi trường, kiểm toán viên cần đánh giá liệu bảo hiểm của khách hàng có đủ để trang trải cho những hậu quả có thể có của việc vi phạm các quy định liên quan đến môi trường (bao gồm các chi phí luật pháp liên quan) và cho những tình huống khẩn cấp cũng như những thảm họa liên quan đến môi trường. Tương tự, họ cần đánh giá tính đầy đủ của các khoản dự phòng đối với những vấn đề nêu trên.

4. Xem xét giá trị của tài sản cố định và hàng tồn kho
Kiểm toán viên cần đặc biệt quan tâm đến khách hàng có những vấn đề về môi trường mà những vấn đề này có ảnh hưởng đáng kể đến giá trị của tài sản cố định, cụ thể là đất đai, nhà cửa, hàng tồn kho – được trình bày trong báo cáo tài chính chưa được kiểm toán. Giá trị của đất đai có thể bị thay đổi một cách đột ngột bởi các yếu tố như việc phát hiện ra rác thải nguy hiểm, nguồn nước bị nhiễm độc, hay đất đai, nguồn nước ngầm bị ô nhiễm, ở bất cứ vị trí nào của khách hàng, bất kể là do khách hàng hay do người chủ sở hữu trước của mảnh đất.
 
Tương tự như vậy, giá trị của nhà cửa và máy móc cũng có thể bị thay đổi, ví dụ, nếu như người ta phát hiện ra rằng đơn vị vi phạm các quy định về sức khỏe, an toàn và môi trường như chất phóng xạ hoặc sự ô nhiễm trong không khí vượt quá giới hạn cho phép. Trong một vài trường hợp, việc vi phạm các quy định có thể do chính bản thân của việc thay đổi quy định đó, ví dụ, giới hạn ô nhiễm cho phép bị giảm xuống. Cho dù lý do là gì thì khi nhà cửa và máy móc (hoặc bất cứ tài sản nào dùng để sản xuất) vi phạm quy định hiện thời hoặc quy định sẽ sớm đi vào thực hiện, thì đơn vị cần một khoản chi phí tài sản đáng kể để đưa tài sản hiện tại phù hợp với các chuẩn mực được yêu cầu. Ngoài việc ảnh hưởng đến giá trị của tài sản trên bảng cân đối kế toán, các chi phí tài sản dự kiến cần được thuyết minh trên báo cáo tài chính, kiểm toán viên cần xem xét sự đầy đủ của các thuyết minh này.
 
Tương tự như vậy, các khách hàng mà quy trình và sản phẩm của nó có ảnh hưởng đến môi trường, kiểm toán viên cần ý thức được rằng giá trị của hàng tồn kho có thể giảm xuống, hoặc các loại hàng tồn kho có thể bị lạc hậu bởi những quan ngại liên quan đến môi trường, chi phí bảo quản và tiêu hủy các loại nguyên vật liệu có ảnh hưởng xấu đến môi trường và những cam kết tái chế. Giá trị của hàng tồn kho trên bảng cân đối kế toán theo đó cần điều chỉnh cho phù hợp.

Tóm lại, vấn đề môi trường là một vấn đề quan trọng của tất cả các công ty, đơn vị, đặc biệt đối với các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, khai khoáng và hoá chất. Vấn đề về môi trường ngày càng trở nên nổi cộm không chỉ ở Việt Nam mà còn ở tất cả các nước trên thế giới. Hiện nay hệ thống văn bản pháp luật của chúng ta vẫn chưa được hoàn thiện và vẫn còn đang trong quá trình xây dựng. Tuy nhiên, tác động của những quy định về môi trường đến các đơn vị sản xuất đã bắt đầu thể hiện rất rõ ràng và sắc nét, điển hình như vụ việc của Nhà máy Vedan. Tuy nhiên, việc đánh giá ảnh hưởng của các quy định liên quan đến báo cáo tài chính của doanh nghiệp trong quá trình kiểm toán vẫn chưa được quan tâm. Thực tế, hầu như chưa có cuộc kiểm toán báo cáo tài chính nào quan tâm đến các vấn đề về môi trường đến báo cáo tài chính của đơn vị mà chỉ có cuộc kiểm toán của Kiểm toán nhà nước. Trong khi ảnh hưởng của việc tuân thủ các quy định này đến đơn vị có thể là trọng yếu đến báo cáo tài chính của doanh nghiệp. Chính vì vậy, kiểm toán viên xem xét ảnh hưởng của các quy định và yếu tố môi trường đến báo cáo tài chính của doanh nghiệp, từ đó xem xét xem các yếu tố đó có ảnh hưởng trọng yếu đến báo cáo tài chính của đơn vị hay không để điều chỉnh trên báo cáo tài chính cũng như đưa ra ý kiến kiểm toán phù hợp./.

Theo Tạp chí Kiểm toán số 10/2011
 

Xem thêm »