Một số ý kiến về công tác tổ chức quản lý, điều hành hoạt động tổ kiểm toán ngân sách địa phương

14/10/2011
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Ths. Lại Xuân Nghị

Tổ kiểm toán ngân sách địa phương (NSĐP) thuộc cơ cấu tổ chức của Đoàn kiểm toán thực hiện kiểm toán các đơn vị thuộc địa phương với nhiều mục tiêu, nội dung kiểm toán trong thời gian dài. Tổ kiểm toán có vai trò quan trọng, kết quả kiểm toán là cơ sở để tổng hợp và lập Báo cáo kiểm toán NSĐP. Thông thường tổ chức tổ kiểm toán phân theo lĩnh vực gồm: các tổ kiểm toán tổng hợp (tổng hợp chi thường xuyên, tổng hợp thu ngân sách, tổng hợp chi đầu tư xây dựng cơ bản) và các tổ kiểm toán thực hiện nhiệm vụ kiểm toán chi tiết tại các đơn vị (đơn vị dự toán, các Ban quản lý dự án, các DNNN, các quận, huyện, thị xã có nhiệm vụ kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách niên độ được kiểm toán của quận, huyện, thị xã). Mặc dù hoạt động của tổ kiểm toán ngày càng chính quy và chuyên nghiệp hơn, đảm bảo tính độc lập trong thực thi nhiệm vụ kiểm toán NSĐP góp phần từng bước nâng cao chất lượng kiểm toán, nhưng trong công tác tổ chức quản lý điều hành hoạt động tổ kiểm toán ngân sách địa phương còn một số  tồn tại. Cụ thể:

Một là, Đoàn kiểm toán chưa thực hiện kiểm toán 100 các đơn vị theo phân cấp ngân sách tại địa phương; thời gian kiểm toán một số đơn vị được kiểm toán chưa phù hợp với quy mô và tính chất hoạt động.

Hai là, việc sắp xếp các tổ kiểm toán chưa hoàn toàn linh hoạt, còn chậm trong điều động nhân sự giữa các tổ kiểm toán. Ngoài công tác quản lý điều hành hoạt động của tổ kiểm toán, một số tổ trưởng còn có nhiệm vụ Phó trưởng đoàn kiểm toán nên thời gian làm công tác điều hành và giải quyết vướng mắc (nếu có) đôi lúc còn hạn chế, đôi khi chưa thực sự sát sao trong công việc, ảnh hưởng tới hoạt động điều hành trực tiếp tổ kiểm toán, nhất là đối với các cuộc kiểm toán NSĐP có quy mô lớn.

Ba là, tỷ lệ thành viên khác trong tổ kiểm toán do nguyên nhân khách quan còn chưa đảm bảo quy định. Bên cạnh một số tổ kiểm toán được sắp xếp theo cùng một phòng chuyên môn, còn một số kiểm toán viên tham gia một số tổ kiểm toán hoặc Đoàn kiểm toán khác, không thuận tiện cho việc quản lý, hướng dẫn, đào tạo các KTV dự bị, thành viên khác của Đoàn kiểm toán.

Bốn là, một số tổ kiểm toán phân công nhiệm vụ cho thành viên đôi khi chưa đánh giá đúng năng lực của kiểm toán viên, chưa thực sự phù hợp chuyên ngành đào tạo; một số thành viên trong tổ kiểm toán tổng hợp chưa đủ năng lực, khả năng phân tích, tổng hợp lập báo cáo; một số tổ trưởng tổ kiểm toán nghiệp vụ chưa đáp ứng yêu cầu khi thực hiện kiểm toán lĩnh vực rộng của NSĐP, như tổ kiểm toán ngân sách quận, huyện thực hiện kiểm toán thu-chi và kiểm toán đầu tư xây dựng cơ bản.

Năm là, do áp dụng phương pháp phân chia lực lượng kiểm toán viên truyền thống nên đối với kiểm toán ngân sách cấp quận, huyện, thị xã vẫn bố trí 3 tổ kiểm toán thực hiện 3 nội dung khác nhau trong một đơn vị: tổ kiểm toán chi ngân sách, tổ kiểm toán thu ngân sách và một tổ kiểm toán về đầu tư xây dựng cơ bản; một số đơn vị khác như Kho bạc Nhà nước tỉnh, Sở Tài chính ngoài việc kiểm toán thu cũng thường có 2 tổ kiểm toán: tổ kiểm toán tổng hợp chi ngân sách, tổ kiểm toán đầu tư XDCB cùng thực hiện, dẫn tới đơn vị làm việc với nhiều tổ kiểm toán, ký nhiều biên bản kiểm toán.

Sáu là, một số tổ kiểm toán tuân thủ kế hoạch kiểm toán chi tiết chưa nghiêm; tinh thần trách nhiệm, ý thức tôn trọng quy định nghề nghiệp của một số kiểm toán viên còn chưa đầy đủ; văn hoá ứng xử còn một số trường hợp có biểu hiện chưa phù hợp chuẩn mực.

Bảy là, việc khảo sát thu thập thông tin chưa đầy đủ, kế hoạch kiểm toán chi tiết thiếu cụ thể; nội dung, phương pháp kiểm toán tại các cơ quan quản lý tổng hợp chưa rõ; chưa xác định đúng trọng yếu và rủi ro, mục tiêu và nội dung kiểm toán; kiểm toán viên chưa bám sát mục tiêu kiểm toán đã được duyệt.

Tám là, một số tổ trưởng tổ kiểm toán chưa thường xuyên chỉ đạo, kiểm tra việc thu thập bằng chứng kiểm toán; tổng hợp tình hình, số liệu và kết quả kiểm toán chưa đầy đủ, thiếu khoa học; một số kiến nghị kiểm toán tính khả thi không cao; việc ghi chép nhật ký kiểm toán viên còn chưa kịp thời, chưa phản ánh đầy đủ các nội dung công việc và kết quả, mang tính đối phó.

Chín là, chưa có sự phối hợp nhịp nhàng trong việc cung cấp và trao đổi thông tin giữa các tổ kiểm toán NSĐP, đặc biệt là đối với những đối tượng kiểm toán có cùng quy mô hoặc mô hình quản lý tương đối giống nhau. Thông tin giữa tổ kiểm toán tại các cơ quan quản lý tổng hợp và tổ kiểm toán chi tiết chưa được chú trọng để thu thập tốt các bằng chứng có liên quan phục vụ cho kết luận và kiến nghị kiểm toán.

Cùng với yêu cầu ngày càng cao về chất lượng kiểm toán NSĐP, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhiệm vụ hỗ trợ HĐND trong việc thẩm định, quyết toán NSĐP, nên việc hoàn thiện công tác tổ chức, quản lý và điều hành tổ kiểm toán trong kiểm toán NSĐP phải quán triệt nguyên tắc bảo đảm hiệu lực, hiệu quả hoạt động cho các tổ kiểm toán; tạo thế chủ động, sáng tạo, nâng cao quyền hạn, trách nhiệm tổ kiểm toán, tránh bỏ sót và chồng chéo trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Do đặc điểm tổ chức hệ thống NSĐP và những định hướng đổi mới cách thức quản lý NSĐP trong thời gian tới, trên cơ sở những tồn tại trên, xin đưa ra một số ý kiến như sau:

Một là, nâng cao chất lượng công tác khảo sát thu thập thông tin, xác định đúng nội dung, mục tiêu kiểm toán tại tổ kiểm toán; tăng cường công tác quản lý và điều hành hoạt động tổ kiểm toán trong kiểm toán NSĐP; thường xuyên thanh tra, kiểm tra trách nhiệm của trưởng đoàn kiểm toán và Đoàn kiểm toán trong thực hiện nhiệm vụ.

Hai là, thực hiện kiểm toán 100 đơn vị được kiểm toán theo phân cấp NSĐP; mở rộng, có chiều sâu đối với lĩnh vực kiểm toán dự án đầu tư (chiếm 30-40 chi NSĐP) thực hiện kiểm toán các dự án đã hoàn thành, đầy đủ hồ sơ làm cơ sở giúp Chủ đầu tư phê duyệt quyết toán.

Ba là, thí điểm việc phân cấp trưởng đoàn kiểm toán chủ động sắp xếp thành viên các tổ kiểm toán đáp ứng yêu cầu hoàn thành nhiệm vụ đúng nội dung, mục tiêu, phạm vi, đơn vị được kiểm toán theo kế hoạch đặt ra.
Đối với Đoàn kiểm toán NSĐP có quy mô lớn, một số tổ kiểm toán do phó trưởng đoàn kiêm tổ trưởng tổ kiểm toán cần nghiên cứu thí điểm chức danh phụ trách tổ kiểm toán (có thể là phó tổ trưởng tổ kiểm toán) giúp việc cho tổ trưởng tổ kiểm toán khi tổ trưởng tổ kiểm toán thực hiện nhiệm vụ phó trưởng đoàn kiểm toán đi kiểm tra và kết luận tại các tổ kiểm toán. Đây cũng là bước đào tạo đội ngũ kế cận, làm nhiệm vụ tổ trưởng tổ kiểm toán.

Bốn là, tổ chức đoàn, tổ kiểm toán gắn với phân công nhiệm vụ, trách nhiệm quản lý với thực hiện nhiệm vụ chuyên môn; tiếp tục giao nhiệm vụ kiểm toán theo phòng nhằm gắn kết trách nhiệm liên tục của việc quản lý hành chính và quản lý chuyên môn trong thời gian trước và sau kiểm toán và tạo điều kiện thuận lợi trong chỉ đạo điều hành, kiểm tra, giám sát chất lượng kiểm toán.

Năm là, bố trí thành phần tổ kiểm toán phù hợp giữa trình độ nghiệp vụ với nhiệm vụ được phân công, phù hợp với năng lực, sở trường của KTV; tại tổ kiểm toán ngân sách huyện có đầy đủ kiểm toán viên về các lĩnh vực chi thường xuyên, doanh nghiệp và xây dựng cơ bản; thực hiện luân chuyển các KTV thường xuyên đi cùng một tổ kiểm toán để đảm bảo tính khách quan.

Sáu là, bổ sung cách thức tổ chức tổ kiểm toán NSĐP theo hướng bố trí tổ kiểm toán chuyên đề theo phân cấp quản lý NSĐP, phù hợp với phạm vi, mục tiêu của từng đối tượng kiểm toán chi tiết của kiểm toán NSĐP. Các tổ kiểm toán chuyên đề này kiểm toán cụ thể đối với cuộc kiểm toán NSĐP mang tính chuyên sâu và phục vụ cho những mục tiêu kiểm toán NSĐP cụ thể, phù hợp với từng loại đối tượng kiểm toán.

Bẩy là, tăng cường phối hợp giữa các tổ kiểm toán trong kiểm toán NSĐP, sự phối hợp giữa các tổ kiểm toán chi tiết, giữa tổ kiểm toán chi tiết với tổ kiểm toán tổng hợp, phối hợp trong việc kiểm toán các nội dung trong các cơ quan tổng hợp, chú trọng việc phát hiện vấn đề tại một tổ kiểm toán cần có sự báo cáo kịp thời với Trưởng đoàn kiểm toán để chỉ đạo thống nhất trong Đoàn kiểm toán; tránh sự chồng chéo về thời gian kiểm toán tại cùng một đơn vị, các kiểm toán viên căn cứ vào kế hoạch kiểm toán chi tiết, theo nội dung được phân công lên lịch làm việc cụ thể để tổ trưởng sắp xếp lịch làm việc với đơn vị, đảm bảo khoa học, dễ dàng phối hợp trong việc cung cấp tài liệu và phối hợp trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.

Sắp xếp thời gian kiểm toán đơn vị tổng hợp như Sở Tài chính, Kho bạc nhà nước tỉnh vào giai đoạn đầu và cuối của cuộc kiểm toán để thu thập, đối chiếu thông tin phù hợp, đảm bảo hiệu quả hoạt động kiểm toán; bố trí thời gian kiểm toán của Tổ kiểm toán phù hợp đối với từng đối tượng kiểm toán, tuỳ theo quy mô của từng đơn vị được kiểm toán.

Tám là, thường xuyên cải tiến phương pháp và nâng cao chất lượng thu thập bằng chứng kiểm toán; công khai, minh bạch khi thu thập bằng chứng kiểm toán; thực hiện kiểm tra, soát xét để xác định độ tin cậy của các bằng chứng kiểm toán; tăng cường phối hợp với đơn vị được kiểm toán và kịp thời tháo gỡ vướng mắc trong cung cấp bằng chứng kiểm toán.

Chín là, tổ trưởng tổ kiểm toán thường xuyên kiểm tra việc thực hiện ghi chép nhật ký làm việc của kiểm toán viên để phản ánh đầy đủ kết quả công việc và đầy đủ theo từng ngày; quy định cụ thể nội dung nhật ký kiểm toán làm căn cứ cho việc kiểm soát chất lượng kiểm toán, đánh giá việc tuân thủ chuẩn mực, quy trình kế hoạch kiểm toán và các phương pháp chuyên môn nghiệp vụ.

Mười là, triển khai hợp lý việc tiến hành kiểm toán hoạt động đối với các đơn vị quản lý và sử dụng NSĐP. Đây là một định hướng lâu dài, song cũng cần được thực hiện trong thời gian trước mắt vì kiểm toán hoạt động hướng tới kiểm tra, đánh giá về mặt nội dung quản lý và sử dụng ngân sách, tiền và tài sản Nhà nước của các cấp chính quyền địa phương. Tiến hành kiểm toán hoạt động trong sự kết hợp với kiểm toán BCTC và kiểm toán tuân thủ sẽ tạo sự đánh giá toàn diện và góp phần tích cực hơn vào nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng ngân sách, tiền và tài sản Nhà nước của địa phương.

Để thực hiện được các giải pháp trên đòi hỏi cần hoàn thiện hơn nữa các quy trình kiểm tra, kiểm soát chất lượng hoạt động kiểm toán trong các tổ kiểm toán; tăng cường đào tạo cán bộ có trình độ chuyên sâu về lý luận và thực tiễn hoạt động kiểm toán. Nghiêm túc đề cao trách nhiệm của từng cấp lãnh đạo, của từng đơn vị trực thuộc KTNN, trước hết là trách nhiệm của người đứng đầu theo đúng chức năng, nhiệm vụ được giao./.

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
1 Quốc hội (2005), Luật KTNN, Luật số 37/2005/QH 11.
2. Tổng KTNN (2006), Quyết định số 556/QĐ-KTNN ngày 11/7/2006 ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Đoàn KTNN.
3. Tổng KTNN (2008), Quyết định số 03/2008/QĐ-KTNN ngày 21/2/2008 ban hành Quy định trình tự lập, thẩm định, xét duyệt và phát hành báo cáo kiểm toán của KTNN.
4. Tổng KTNN (2007), Quyết định số 04/2007/QĐ-KTNN ngày 02/8/2007 ban hành Quy trình kiểm toán của KTNN.
5. Tổng KTNN (2008), Chỉ thị số 1238/CT-KTNN ngày 01/10/2008 về việc tăng cường quản lý hoạt động kiểm toán.
6 Tài liệu hội thảo, Hà Nội tháng 3/2007, Kinh nghiêm quản lý và các biện pháp nâng cao chất lượng quản lý tổ kiểm toán.
7 KTNN (2007), Thực trạng và giải pháp tăng cường chất lượng kiểm toán ngân sách địa phương, Tài liệu Hội thảo, tp. Hồ Chí Minh

Theo Tạp chí Kiểm toán số 9/2011
 

Xem thêm »