Xây dựng hệ thống chỉ tiêu phân tích tài chính doanh nghiệp nhằm tăng cường công tác kiểm toán

10/06/2011
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

TS.Trần Quý Liên- ĐHKTQD

Phần tóm tắt
Hệ thống chỉ tiêu tài chính là nội dung cơ bản, cốt lõi của phân tích tài chính trong các doanh nghiệp. Thông qua phân tích tài chính sẽ cung cấp thông tin cho các đối tượng về bức tranh tài chính của doanh nghiệp, từ đó đánh giá cấu trúc tài chính, khả năng thanh toán, hiệu quả của từng hoạt động và đưa ra các quyết định phù hợp. Trong thực tiễn nền kinh tế nước ta hiện nay, phân tích tài chính trong các doanh nghiệp đang dần được quan tâm đúng mức để phát huy vai trò của thông tin phân tích là công cụ hữu hiệu của các nhà quản trị kinh doanh, các chuyên gia kiểm toán đưa ra các quyết định thích hợp. Thực tế có nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan ảnh hưởng đến chất lượng của thông tin phân tích tài chính, điều đó ảnh hưởng rất lớn đến độ tin cậy của các quyết định đầu tư, quyết định cho vay… Trong bài viết này tập trung chủ yếu xây dựng hệ thống chỉ tiêu phân tích tài chính doanh nghiệp nhằm tăng cường chất lượng kiểm toán, giúp cho các thông tin nâng cao độ tin cậy góp phần cho nền kinh tế phát triển ổn định và bề vững.

1. LÝ THUYẾT HỆ THỐNG CHỈ TIÊU PHÂN TÍCH TÀI CHÍNH DOANH NGHIỆP
Chỉ tiêu tài chính là một phạm trù kinh tế có nội dung tương đối ổn định, thể hiện kết quả, hiệu quả kinh doanh, cấu trúc tài chính của một doanh nghiệp tại một thời điểm hay một thời kỳ. Hệ thống chỉ tiêu tài chính là một bảng tổng hợp các chỉ tiêu tài chính nhằm phản ánh tình hình tài chính của doanh nghiệp phục vụ cho các đối tượng có nhu cầu.

Để thông tin phân tích tài chính có độ tin cậy cao, cần xem xét một số quan điểm sau:
Quan điểm toàn diện và hệ thống. Các chỉ tiêu tài chính thường có mối liên hệ ràng buộc chặt chẽ,do vậy trong công tác phân tích tài chính phải nghiên cứu, xem xét đầy đủ các mặt trong mối quan hệ tác động hữu cơ của các chỉ tiêu. Quan điểm toàn diện khi phân tích tài chính còn thể hiện, đánh giá từng mặt hoạt động của chỉ tiêu, đồng thời kết hợp phân tích tổng hợp đi đôi với phân tích trọng điểm, cụ thể.
Quan điểm phân tích động, xuất phát từ sự phát triển của các hoạt động kinh doanh là một tất yếu khách quan. Do vậy khi phân tích tài chính phải đặt hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp trong sự phát triển tất yếu của quá trình đó. Khi phân tích tuỳ theo yêu cầu của các nhà quản lý, mà tiến hành phân tích các số liệu kinh tế gắn với môi trường hoạt động. Để đưa ra bản chất đúng đắn của hoạt động tài chính, cần nghiên cứu trong mối quan hệ hữu cơ của quá trình kinh doanh, gắn với về sự phát triển của xã hội.
Quan điểm cụ thể, thực tế, khi tiến hành phân tích phải nắm vững tình hình, cụ thể của hoạt động sản xuất kinh doanh. Phân tích tài chính là chức năng quản lý trong việc hình thành những giải pháp có cơ sở khoa học nhằm hoàn thiện hoạt động của các cấp quản lý khác nhau trong nền kinh tế quốc dân. Các nhà quản trị kinh doanh luôn phải đứng trước các quyết định khác nhau đối với lợi ích doanh nghiệp. Do vậy phân tích tài chính là một công cụ trợ giúp, để chọn quyết định đúng đắn nhất. Phân tích tài chính nhằm xác định tính khoa học, nâng cao chất lượng của các quyết định để đạt được lợi ích cao nhất. Trong cơ chế thị trường có sự cạnh tranh của các doanh nghiệp, thì các quyết định quản trị có ảnh hưởng trực tiếp đến sự tồn tại, phát triển của mỗi doanh nghiệp, khi đó nâng cao chất lượng của các quyết định quản trị càng có tầm quan trọng đặc biệt.

Vận dụng các quan điểm phân tích trong quá trình sử dụng hệ thống chỉ tiêu phân tích có ý nghĩa quan trọng tới chất lượng của thông tin phân tích. Khi đó ta xem xét thông tin của một chỉ tiêu tài chính trong mối quan hệ hữu cơ của hoạt động kinh doanh ở các trạng thái vận động của tài sản và nguồn vốn và như vậy mới thấy được bản chất, tính quy luật của các hiện tượng và quá trình kinh doanh, khi đó giá trị của các kết luận kiểm toán được nâng cao.

* Hệ số khả năng thanh toán ngay, cho biết khả năng thanh toán của  tiền đối với các khoản nợ đến hạn và quá hạn tại thời điểm nghiên cứu. Chỉ tiêu này cao quá, kéo dài có thể dẫn đến hiệu quả sử dụng vốn giảm, chỉ tiêu này thấp quá, kéo dài là dấu hiệu có thể dẫn đến doanh nghiệp bị giải thể hoặc phá sản. Trong thực tế để đảm bảo khả năng thanh toán tốt chỉ tiêu này xoay quanh 1 được coi là hợp lý. Chỉ tiêu này quan trọng với tổ chức tín dụng khi cho vay các hợp đồng ngắn hạn dưới 1 tháng. Cách xác định chỉ tiêu này như sau:

Hệ số khả năng thanh toán ngay

=

Tiền

Nợ quá hạn và đến hạn

 


* Hệ số khả năng thanh toán nhanh, cho biết khả năng thanh toán của các tài sản dễ chuyển đổi thành tiền  đối với nợ ngắn hạn tại thời điểm nghiên cứu. Chỉ tiêu này cao quá kéo dài có thể dẫn đến hiệu quả sử dụng vốn luân chuyển thuần giảm, chỉ tiêu này thấp quá kéo dài có thể dẫn đến doanh nghiệp bị giải thể hoặc phá sản. Chỉ tiêu này quan trọng với tổ chức tín dụng khi cho vay các hợp đồng ngắn hạn dưới 1 năm. Chỉ tiêu này được xác định như sau:

 

Hệ số khả năng thanh toán nhanh

=

Tài sản ngắn hạn – Hàng tồn kho

Nợ ngắn hạn

* Hệ số khả năng thanh toán tổng quát, cho biết tại các thời điểm phân tích doanh nghiệp có đủ các tài sản để  thanh toán tất cả nợ phải trả không. Chỉ tiêu này càng cao càng tốt, chứng tỏ doanh nghiệp có đủ và thừa khả năng thanh toán góp phần ổn định tình hình tài chính. Chỉ tiêu này quan trọng với tổ chức tín dụng khi cho vay các hợp đồng dài hạn. Cách xác định chỉ tiêu này như sau:

 

Hệ số thanh toán tổng quát

=

Tổng tài sản

Tổng nợ phải trả

b. Các chỉ tiêu phản ánh cấu trúc tài chính
* Hệ số tài trợ
, chỉ tiêu này cho biết tại thời điểm phân tích doanh nghiệp có 1 đồng nguồn vốn thì bao nhiêu đồng thuộc về vốn chủ sở hữu. Chỉ tiêu càng cao chứng tỏ mức độ độc lập về tài chính của doanh nghiệp càng tốt, đó là nhân tố hấp dẫn ngân hàng cho vay. Chỉ tiêu này được xác định như sau :

Hệ số tài trợ

=

Vốn chủ sở hữu

Tổng vốn chủ sở hữu

 

* Hệ số nợ, chỉ tiêu này cho biết tại thời điểm nghiên cứu doanh nghiệp có 1 đồng tài sản thì có bao nhiêu đồng được đầu tư từ nợ phải trả. Chỉ tiêu này càng thấp thì mức độ tự chủ tài chính của doanh nghiệp càng cao. Chỉ tiêu này rất quan trọng đối với các tổ chức tín dụng khi đưa ra quyết định cho vay. Cách xác định chỉ tiêu này như sau:

Hệ số nợ

=

Nợ phải trả

Tổng tài sản

 

c. Các chỉ tiêu phản ánh hiệu quả kinh doanh
Hiệu quả kinh doanh là một chỉ tiêu kinh tế tổng hợp phản ánh trình độ sử dụng các nguồn lực sẵn có của doanh nghiệp về lao động, vật tư, tiền vốn để đạt kết quả cao nhất với chi phí thấp nhất. Bản chất của hiệu quả kinh doanh đó là tỷ số giữa kết quả thu về như doanh thu, lợi nhuận… so với các yếu tố bỏ ra như tài sản, vốn chủ sở hữu...dùng cho kinh doanh.
Để phân tích hiệu quả kinh doanh ta thường xét các chỉ tiêu tài chính trên 2 góc độ sau:

Các chỉ tiêu phản ánh năng lực hoạt động
* Số vòng quay của tài sản, chỉ tiêu này cho biết trong kỳ kinh doanh các tài sản quay được bao nhiêu vòng. Chỉ tiêu này càng cao chứng tỏ các tài sản vận động nhanh đó là nhân tố đẩy mạnh tăng doanh thu, góp phần tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp. Chỉ tiêu này thể hiện năng lực hoạt động của doanh nghiệp.  chỉ tiêu này được xác định như sau:

Số vòng quay của tài sản

=

Tổng doanh thu (thuần)

Tổng tài sản bình quân

 

* Số vòng quay phải thu của khách hàng, chỉ tiêu này cho biết trong kỳ phân tích các khoản phải thu của khách hàng quay được bao nhiêu vòng. Chỉ tiêu này càng cao chứng tỏ tình hình thu tiền của doanh nghiệp là kịp thời góp phần giảm bớt vốn bị chiếm dụng. Cách xác định chỉ tiêu này như sau:

Số vòng quay phải thu của khách hàng

=

Doanh thu thuần

Số dư bình quân phải thu của khách hàng

 

* Thời gian mỗi vòng quay phải thu của khách hàng, chỉ tiêu này cho biết một vòng quay phải thu khách hàng hết bao nhiêu ngày. Chỉ tiêu này càng thấp, càng tốt. Tuy nhiên khi phân tích ta cần đối chiếu với thời hạn ghi trong hợp đồng kinh tế để thấy được thời gian thu hồi tiền của doanh nghiệp, tình hình chấp hành thanh toán của khác hàng đã đúng chưa. Cách xác định chỉ tiêu này như sau:
     

Thời gian một vòng quay phải thu của khách hàng

=

Thời gian kỳ phân tích

Số vòng quay phải thu khách hàng

 

Các chỉ tiêu phản ánh sức sinh lời
* Tỷ suất sinh lời của vốn
Khả năng sinh lời của vốn là điều kiện duy trì sự tồn tại và phát triển của mọi doanh nghiệp. Vốn đầu tư của doanh nghiệp bao gồm nhiều loại và hình thành từ mọi nguồn vốn nhằm huy động vào hoạt động sản xuất kinh doanh để tạo ra lợi nhuận thực hiện quá trình tái sản xuất giản đơn và mở rộng, chỉ tiêu này được xác định như sau: 

 

Tỷ suất sinh lời

của vốn (k) ROI

=

Lợi nhuận trước thuế và lãi vay x 100

Vốn bình quân



Chỉ tiêu này cho biết khả năng sinh lời thực sự của vốn (vốn thực chất là tài sản) trong kỳ hoạt động hoặc kỳ vọng cho kỳ tới, chỉ tiêu này mà cao mức độ an toàn trong hoạt động kinh doanh được bảo đảm, chỉ tiêu này thấp, độ rủi ro cao. Trong thực tế k < tỷ suất lãi tiền vay bình quân của các tổ chức tín dụng, với cơ cấu vốn vay chiếm một phần đáng kể trong tổng nguồn vốn của doanh nghiệp, dấu hiệu rủi ro tài chính xuất hiện, nguy cơ phá sản có thể xảy ra, không hấp dẫn ngân hàng cho vay tiền. Trường hợp này các nhà quản trị kinh doanh thường gọi là hiện tượng ăn vào vốn chủ sở hữu. Trường hợp k > tỷ suất lãi tiền vay bình quân của các tổ chức tín dụng, khi đó doanh nghiệp đủ điều kiện thực hiện quá trình tái sản xuất mở rộng và cần vay thêm tiền để đầu tư cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Khi đó mức độ an toàn đang trong phạm vi rộng, thúc đẩy các hoạt động kinh doanh phát triển. Trường hợp k = tỷ suất lãi tiền vay bình quân của các tổ chức tín dụng, khi đó doanh nghiệp cần xem xét, cân nhắc các phương án kinh doanh cụ thể và tùy vào mục đích của các doanh nghiệp trong từng thời điểm.

* Tỷ suất sinh lời của doanh thu
Khả năng sinh lời từ các hoạt động là thông tin quan trọng để đưa ra các quyết định đầu tư vào các sản phẩm mới, nhân tố quan trọng để các doanh nghiệp cạnh tranh và phát triển trong nền kinh tế, chỉ tiêu này được xác định như sau: 

 

Tỷ suất sinh lời của

doanh thu

(ROS)

=

Lợi nhuận sau thuế x 100

Doanh thu thuần

Chỉ tiêu này cho biết sau một kỳ hoạt động hoặc kỳ vọng cho kỳ tới, doanh nghiệp thu được 100 đồng doanh thu hoặc doanh thu thuần thì trong đó có bao nhiêu đồng lợi nhuận sau thuế, chỉ tiêu này thể hiện trình độ kiểm soát chi phí của các nhà quản trị và tình hình mở rộng thị trường. Chỉ tiêu này thường được so sánh với chỉ tiêu trung bình của ngành nghề. Trong thực tế k < chỉ tiêu trung bình của ngành nghề, chứng tỏ trình độ kiểm soát chi phí của doanh nghiệp thấp, thị trường chưa mở rộng, sức cạnh tranh kém, khi đó dấu hiệu rủi ro tài chính xuất hiện, nguy cơ phá sản có thể xảy ra. Trường hợp k > Chỉ tiêu trung bình của ngành nghề, khi đó doanh nghiệp cần phát huy những mặt tích cực nhằm tăng cường kiểm soát chi phí và mở rộng thị trường, sức cạnh tranh cao. Khi đó mức độ an toàn trong hoạt động kinh doanh tốt, nhân tố hấp dẫn cho doanh nghiệp đầu tư theo chiều rộng.

* Tỷ suất sinh lời của vốn chủ sở hữu
Khả năng sinh lời của vốn chủ sở hữu là nhân tố quan trọng giúp cho các nhà quản trị tăng, giảm vốn chủ sở hữu trong từng điều kiện cụ thể nhằm phát triển và bảo đảm an toàn vốn chủ, chỉ tiêu này được xác định như sau:

 

Tỷ suất sinh lời của vốn chủ sở hữu (ROE)

=

Lợi nhuận sau thuế x100

Vốn chủ sở hữu bình quân

Chỉ tiêu này cho biết khả năng sinh lời của vốn chủ sở hữu trong kỳ hoạt động hoặc kỳ vọng cho kỳ tới, chỉ tiêu này mà cao đó là nhân tố để các nhà quản trị phát hành thêm cổ phiếu, huy động thêm vốn góp đầu tư cho hoạt động kinh doanh. Khi đó doanh nghiệp đang ở trạng thái an toàn cao, song để nâng cao hiệu quả kinh doanh toàn doanh nghiệp cần vay thêm tiền đầu tư. Chỉ tiêu này thấp chứng tỏ hiệu quả sử dụng vốn chủ sở hữu không cao, khi đó dấu hiệu rủi ro tài chính xuất hiện nguy cơ phá sản có thể xảy ra. Chỉ tiêu này thường được so sánh với các doanh nghiệp kinh doanh cùng ngành nghề.
Ngoài các chỉ tiêu tổng hợp phản ánh khả năng thanh toán, hiệu quả kinh doanh, còn nhiều các chỉ tiêu chi tiết khác phụ thuộc vào mục đích của từng hợp đồng cho vay đối với từng doanh nghiệp cụ thể. Song tất cả các chỉ tiêu tài chính còn giúp cho các tổ chức tín dụng nhận diện dấu hiệu rủi ro tài chính trong các hợp đồng cho doanh nghiệp vay tiền.

2. PHÂN TÍCH  TÌNH HÌNH TÀI CHÍNH CỦA CÁC DOANH NGHIỆP  NHẰM TĂNG CƯỜNG CHẤT LƯỢNG KIỂM TOÁN
Để phân tích tình hình tài chính của Công ty cổ phần A, các chuyên gia thường thể dựa vào các chỉ tiêu sau: 

Bảng 1. Các chỉ tiêu tài chính của công ty cổ phần A


 

Chỉ tiêu

Công thức tính

Đầu năm

(Năm trước)

Cuối năm

(Năm sau)

Chênh
lệch

1. Hệ số tài trợ (lần)

Vốn chủ sở hữu

Tổng nguồn vốn

0,6

0,8

0,2

2. Hệ số khả năng thanh toán nhanh (lần)

TSNH - HTK

Nợ ngắn hạn

2,8

3,2

0,4

3. Hệ số khả năng thanh toán tổng quát (lần)

Tổng tài sản

Tổng nợ phải trả

6,54

7,29

0,75

4. Tỷ suất sinh lời của vốn

(ROI)

LNTT + Phí lãi vay

Vốn bình quân

25

30

5

5. Tỷ suất sinh lời của VCSH (ROE)

Lợi nhuận sau thuế

Vốn chủ sở hữu bình quân

30

37

7

Căn cứ vào kết quả tính toán bảng 1, ta thấy hệ số tài trợ vốn chủ sở hữu của Công ty tăng 0,2 một lượng tăng đáng kể. Tuy nhiên chỉ tiêu này cả 2 thời điểm đều cao, công ty hoàn toàn tự chủ trong hoạt động tài chính. Hệ số khả năng thanh toán nhanh giảm đi 0,4, song chỉ tiêu này cả 2 thời điểm đều lớn hơn 2, như vậy công ty thừa các tài sản dễ chuyển đổi thảnh tiền thanh toán các khoản nợ ngắn hạn. Hệ số khả năng thanh toán tổng quát tăng 0,75, chỉ tiêu này cả 2 thời điểm đều quá cao, chứng tỏ khả năng thanh toán các khoản nợ trong dài hạn của công ty đảm bảo. Tỷ suất sinh lời của vốn năm nay cao hơn năm trước, chỉ tiêu này đều cao hơn lãi suất bình quân của Ngân hàng, chứng tỏ hiệu quả kinh doanh khá, công ty cỏ thể thực hiện quá trình tái sản xuất mở rộng. Chỉ tiêu ROE năm nay cao hơn năm trước, như vậy công ty có thể tăng vốn để thực hiện quá trình kinh doanh.  Qua phân tích các chỉ tiêu tài chính của Công ty, ta thấy tính tự chủ tốt, khả năng thanh toán dồi dào, hiệu quả kinh doanh khá. Các thông tin từ các chỉ tiêu tài chính là cơ sở cung cấp cho các chuyên gia kiểm toán đánh giá  tốt về tình hình tài chính của doanh nghiệp.
Công ty Cổ phần Y,  Phân tích các chỉ tiêu tài chính của Công ty như sau:

Bảng 2. Các chỉ tiêu tài chính của Công ty CP Y

 

Chỉ tiêu

Năm N-1 (Đầu năm N)

Năm N (Cuối năm N)

Chênh lệch

1. Hệ số khả năng thanh toán nhanh (lần)

0,3

0,2

-0,1

2. Hệ số khả năng thanh toán tổng quát (lần)

1,3

1,4

0,1

3. Tỷ suất sinh lời của doanh thu ROS ()

1,3

1,24

- 0,06

4. Tỷ suất sinh lời của vốn (ROI ) ()

2,34

1,69

- 0,65

5. Tỷ suất sinh lời của nguồn vốn sở hữu ROE ( )

1,22

-1,5

-2.72

Theo kết quả tính toán, ta thấy hệ số khả năng thanh toán nhanh cuối năm có tăng so với đầu năm, tuy nhiên chỉ tiêu này cả 2 thời điểm đều thấp, chứng tỏ doanh nghiệp không có đủ tiền để thanh toán các khoản nợ ngắn hạn, dấu hiệu rủi ro tài chính xuất hiện. Hệ số khả năng thanh toán tổng quát cả 2 thời điểm đều thấp, doanh nghiệp vừa đủ tài sản thanh toán nợ phải trả, không hấp dẫn các tổ chức tín dụng cho vay tiền. Chỉ tiêu sức sinh lời của doanh thu năm N giảm so với năm N-1 là 0,06, chứng tỏ trình độ kiểm soát chi phí của doanh nghiệp chưa tốt, dấu hiệu rủi ro tài chính xuất hiện. Chỉ tiêu tỷ suất sinh lời của vốn năm N giảm so với năm N-1 là 0,65, chỉ tiêu này thấp hơn tỷ suất lãi tiền vay bình quân của các tổ chức tín dụng năm N là 18 năm, trong khi đó cơ cấu vốn vay của công ty 40, dẫn đến hiện tượng ăn vào vốn chủ sở hữu, nguy cơ phá sản có thể xảy ra. Chỉ tiêu tỷ suất sinh lời của vốn chủ sở hữu năm N giảm so với năm N-1 là 2,72, tuy nhiên chỉ riêu này cả 2 năm đều thấp chứng tỏ trình độ sử dụng vốn chủ sở hữu không hiệu quả, dấu hiệu rủi ro tài chính xuất hiện. Qua các chỉ tiêu tài chính cơ bản ta thấy  tính tự chủ tài chính không cao, khả năng thanh toán kém, hiệu quả kinh doanh thấp, có thể xuất hiện dấu hiệu rủi ro tài chính, nguy cơ phá sản có thể xảy ra bất cứ lúc nào với công ty. Do vậy kết quả phân tích là cơ sở cho các chuyên gia kiểm toán đưa ra kết luận về tình hình tài chính của Công ty dưới mức bình thường.
 
Tài liệu tham khảo:
1.Nguyễn Văn Công, (2005), Chuyên khảo về Báo cáo tài chính và lập, đọc, kiểm  tra,  Phân tích Báo cáo tài chính, Nhà xuất bản Tài chính, Hà Nội.
2.Nguyễn Năng Phúc, (2008), Giáo trình phân tích Báo cáo tài chính, Nhà xuất bản Đại học Kinh tế Quốc dân, Hà Nội.
3.Nguyễn Ngọc Quang, (2011), Phân tích Báo cáo tài chính, Nhà xuất bản tài chính, Hà Nội.
4.Hệ thống Báo cáo tài chính của các Công ty cổ phần đã niêm yết trên thị trường chứng khoán các năm  2008-2009.

Theo Tạp chí Nghiên cứu khoa học kiểm toán số 43/2011
 

Xem thêm »