Tháng 9 vừa qua, New Zealand đã hoàn thành cuộc kiểm toán rác thải quốc gia năm 2019 và công bố những con số đáng báo động về lượng rác thải khổng lồ tại khắp các khu vực trên cả nước.
Ô nhiễm môi trường qua những con số "khủng"
Năm 2016, các tình nguyện viên của Tổ chức phi lợi nhuận Giữ gìn New Zealand sạch đẹp (KNZB) đã thu thập được hơn 190.000 tấn rác thải tại các đường phố. Số rác này ước tính có thể chất thành những đống cao nửa mét tại khoảng 120 sân bóng bầu dục.
Tình trạng tồi tệ này đã thúc đẩy KNZB thực hiện một cuộc kiểm toán quốc gia chuyên sâu trong năm 2019 để đánh giá tình trạng ô nhiễm rác thải hiện nay tại New Zealand. Đây là cuộc kiểm toán tình hình rác thải chi tiết nhất từng được thực hiện tại New Zealand do Chính phủ tài trợ, với sự giúp đỡ của Cơ quan Bảo tồn, Thống kê và Bộ Môi trường New Zealand. Kết quả kiểm toán đã cho thấy tình trạng ô nhiễm rác thải đáng báo động hơn nhiều lần so với 3 năm trước.
Cụ thể, trong 6 tháng (từ tháng 02 - 7/2019), các nhà khảo sát đã nghiên cứu tình hình thực tế tại 413 khu vực với diện tích tổng cộng gần 500.000 m2. Các địa điểm được khảo sát bao gồm cả các vùng đô thị và nông thôn, các trung tâm giải trí công cộng, bãi đỗ xe, khu công nghiệp, khu dân cư, các trung tâm bán lẻ, đường cao tốc, đường sắt... Từ những kết quả thực tế thu được, các chuyên gia đã sử dụng phương pháp ngoại suy, mở rộng kết luận sang các khu vực khác trên toàn quốc.
Cuộc kiểm toán ước tính, có tới gần 3,7 tỷ mảnh nhựa đang bị vứt bừa bãi khắp New Zealand. Số lượng rác là bỉm trẻ em, tã lót dùng một lần ước tính chứa khoảng 395 triệu lít nước tiểu, có thể lấp đầy tới 159 bể bơi có kích thước dài 50m, rộng 25m, sâu 2m. Khoảng 10,3 tỷ mẩu thuốc lá vương vãi khắp nơi. Số lượng rác thải là các loại lon, chai, lọ đựng nước có thể lấp đầy 25 sân bóng với chiều cao 1m.
Cuộc kiểm toán cho thấy, các công ty, DN, hãng bán lẻ xả rác nhiều nhất: các công viên và khu dân cư là những điểm ít rác thải hơn, trung bình từ 80 - 370g rác được tìm thấy trên 1000m2 đất. Các khu vực đường cao tốc và đường sắt là những nơi rác bị vứt bừa bãi và nhiều nhất. Tàn thuốc lá và tã bỉm dùng một lần là hai loại rác thải chiếm tỷ lệ lớn nhất trên toàn quốc.
Cuộc kiểm toán xác định, các sản phẩm từ bia Speights thuộc Nhà máy Bia Speights ở TP. Dunedin đã xả rác ra môi trường nhiều nhất, chiếm 5,44% trên tổng số các loại rác thải là sản phẩm của các công ty, nhà máy sản xuất.
Tập đoàn Kinh doanh hệ thống nhà hàng thức ăn nhanh McDonalds và Công ty Sản xuất bia DB Breweries đứng vị trí ngay sau Speights với số lượng rác của mỗi công ty chiếm 4,93% trên tổng số rác thải là các sản phẩm do các công ty, nhà máy thải ra.
Kết quả kiểm toán truyền thông điệp bảo vệ môi trường
Nguyên nhân của tình trạng rác thải bị vứt bừa bãi trên được xác định là do nhiều người dân cố tình xả rác trái nơi quy định; nhiều trường hợp vô ý, chưa có ý thức vứt rác đúng nơi. Nhiều công ty, DN trong nước chưa ý thức được việc sử dụng các nguyên liệu, sản phẩm xanh, thân thiện với môi trường, hạn chế các sản phẩm nhựa, giấy dùng một lần, chưa chú trọng công tác thu gom, xử lý rác thải khoa học, an toàn…
Bộ Môi trường New Zealand đã đánh giá cao cuộc kiểm toán trên. Theo đó, những phát hiện của cuộc kiểm toán đã góp phần quan trọng trong việc thu thập các dữ liệu quan trọng về chất thải của quốc gia trong năm 2019 cũng như nêu bật tình trạng xả rác đáng báo động tại quốc gia này, từ đó giúp Chính phủ đưa ra những biện pháp khắc phục tình trạng trên để bảo vệ môi trường đang ngày càng bị đe dọa nghiêm trọng. Báo cáo kiểm toán cũng cung cấp cho Bộ những dữ liệu cơ bản để làm cơ sở theo dõi tình trạng xả rác, các biện pháp hạn chế và xử lý rác thải trong tương lai.
Từ trước tới nay, New Zealand được biết đến là một quốc gia xanh, sạch, đẹp. Tuy nhiên, hình ảnh đẹp đẽ này đang dần bị hủy hoại khi các công viên, bãi đậu xe, các trung tâm bán hàng ngày càng phải chịu cảnh xả rác bừa bãi, ô nhiễm tăng cao.
Cuộc kiểm toán trên cho thấy rác thải vẫn là một trong những vấn đề nóng nhất tại tất cả các địa phương của New Zealand nhiều năm qua. Theo Bộ Môi trường New Zealand, những kết quả đáng báo động mà cuộc kiểm toán nêu ra cũng sẽ góp phần truyền đi thông điệp về bảo vệ môi trường, đó là: mỗi người dân New Zealand và công dân toàn cầu nói chung cần dừng ngay những hành động phá hoại thiên nhiên cũng như suy nghĩ về vai trò, trách nhiệm của mình trong bảo vệ môi trường.
(Theo Insidewaste, Tvnz.co.nz và Odt.co.nz)
(Báo Kiểm toán số 44/2019)