Ngày 29/4/2011 Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà đã ký ban hành Thông tư số 56/2011/TT-BTC về việc hướng dẫn phương pháp tính toán các chỉ tiêu giám sát và tổ chức hoạt động giám sát nợ công và nợ nước ngoài của quốc gia.
Thông tư này gồm 6 chương và 25 điều hướng dẫn cụ thể phương pháp tính toán các chỉ tiêu giám sát nợ công và nợ nước ngoài của quốc gia, được quy định tại Điều 7 và tổ chức hoạt động giám sát về nợ công quy định tại Điều 8 của Nghị định số 79/2010/NĐ-CP ngày 14/7/2010 của Chính phủ về nghiệp vụ quản lý nợ công.
Thông tư hướng dẫn các phương pháp xác định các chỉ tiêu giám sát nợ công như sau:
1- Nợ công so với GDP: Chỉ số này phản ánh quy mô nợ công so với thu nhập của toàn bộ nền kinh tế và được tính tại thời điểm 31/12 hàng năm.
2- Nợ Chính phủ so với GDP: Chỉ số này phản ánh quy mô nợ Chính phủ so với thu nhập của toàn bộ nền kinh tế và được tính tại thời điểm 31/12 hàng năm.
3- Nợ vay thương mại nước ngoài của Chính phủ so với GDP: chỉ số này phản ánh quy mô nợ vay thương mại nước ngoài Chính phủ so với thu nhập của toàn bộ nền kinh tế và được tính tại thời điểm 31/12 hàng năm.
4- Nợ được Chính phủ bảo lãnh so với GDP: chỉ số này phản ánh quy mô nợ được Chính phủ bảo lãnh so với thu nhập của toàn bộ nền kinh tế và được tính tại thời điểm 31/12 hàng năm.
5- Nghĩa vụ trả nợ (gốc, lãi, phí) của Chính phủ đối với các khoản vay về để cân đối ngân sách: Chỉ số này xác định quy mô nợ của Chính phủ đối với các khoản vay về để cân đối ngân sách đến hạn hàng năm so với khả năng trả nợ của Chính phủ bằng nguồn thu ngân sách nhà nước và được tính tại thời điểm 31/12 hàng năm.
6- Nghĩa vụ trả nợ (gốc, lãi, phí) của Chính phủ đối với các khoản vay về cho vay lại: chỉ số này xác định quy mô nợ gián tiếp của Chính phủ đến hạn hàng năm so với nguồn thu ngân sách nhà nước.
7- Nghĩa vụ nợ dự phòng của Chính phủ so với thu ngân sách nhà nước: Tỷ lệ này xác định quy mô của nghĩa vụ nợ dự phòng phát sinh từ khoản vay, phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh so với nguồn thu ngân sách nhà nước và được tính tại thời điểm 31/12 hàng năm.
8- Nợ chính quyền địa phương so với GDP: Chỉ số này phản ánh quy mô nợ của tất cả Chính quyền địa phương so với thu nhập của toàn bộ nền kinh tế và được tính tại thời điểm 31/12 hàng năm.
Theo Thông tư, các phương pháp xác định chỉ tiêu giám sát nợ nước ngoài, gồm:
1- Nợ nước ngoài của quốc gia so với GDP: Chỉ số này phản ánh tương quan giá trị dư nợ nước ngoài của quốc gia so với thu nhập của toàn bộ nền kinh tế tại thời điểm 31/12 hàng năm.
2- Nghĩa vụ trả nợ nước ngoài (gốc, lãi, phí) của quốc gia hàng năm so với kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ: Chỉ số này phản ánh khả năng hoàn trả nợ nước ngoài từ nguồn thu xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ, qua đó phản ánh tính thanh khoản của nợ nước ngoài và được tính tại thời điểm 31/12 hàng năm.
3- Dự trữ ngoại hối nhà nước so với nợ nước ngoài ngắn hạn: Chỉ số này phản ánh khả năng sử dụng dự trữ ngoại hối nhà nước để trả các khoản nợ nước ngoài ngắn hạn và được tính tại thời điểm 31/12 hàng năm.
Các chỉ tiêu giám sát nợ quá hạn, gồm có:
1- Tỷ lệ quá hạn đối với các khoản nợ cho vay lại của Chính phủ: Chỉ số này phản ánh quy mô của các khoản nợ quá hạn trong tổng số dư nợ cho vay lại của Chính phủ tại thời điểm 31/12 hàng năm.
2- Tỷ lệ nợ quá hạn đối với các khoản vay có bảo lãnh của Chính phủ: Chỉ số này phản ánh quy mô của các khoản nợ quá hạn trong tổng số dư nợ của các khoản vay có bảo lãnh của Chính phủ tại thời điểm 31/12 hàng năm.
3- Tỷ lệ nợ quá hạn đối với các khoản nợ nước ngoài tự vay tự trả: Chỉ số này phản ánh quy mô của các khoản nợ quá hạn trong tổng số dư nợ của các khoản vay nước ngoài tự vay tự trả (gồm cả khoản vay ngắn, trung và dài hạn) tại thời điểm 31/12 hàng năm.
Thông tư cũng nêu rõ các chỉ tiêu đánh giá hiệu quả công tác quản lý nợ với chức năng giúp đánh giá các điểm mạnh và điểm yếu trong cách tổ chức các hoạt động quản lý nợ quốc gia, bao gồm:
Điều hành và xây dựng chiến lược nợ, các chỉ tiêu đánh giá về môi trường pháp lý, cơ cấu tổ chức quản lý, tổ chức thực hiện chiến lược nợ, đánh giá hoạt động quản lý nợ và kiểm toán;
Phối hợp các chính sách kinh tế vĩ mô, chủ yếu là chính sách tài khoá và chính sách tiền tệ;
Thực hiện các quản lý nợ, gồm huy động, sử dụng vốn vay và trả nợ, bảo lãnh, cho vay lại và các nghiệp vụ quản lý rủi ro;
Dự báo dòng tiền và quản lý cán cân thanh toán;
Quản lý các loại rủi ro trong hoạt động của cơ quan quản lý nợ có liên quan, gồm: giám sát và an toàn dữ liệu, phân công nhiệm vụ, năng lực cán bộ;
Lưu trữ và báo cáo số liệu nợ công và nợ nước ngoài của quốc gia.
Thông qua hệ thống chỉ tiêu đánh giá hiệu quả công tác quản lý nợ, cơ quan quản lý có thể giám sát được sự tiến bộ của hiệu quả công tác quản lý nợ công qua các thời kỳ.
Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 01/8/2011./.
Đức Anh