Một số nội dung cơ bản của Luật Kiểm toán độc lập

18/05/2011
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Ngày 20/4/2011 Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết công bố Luật Kiểm toán độc lập, được thông qua tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khoá XII ngày 29/3/2011.

Hoạt động kiểm toán độc lập ở Việt Nam ra đời từ năm 1991, bằng việc thành lập công ty kiểm toán đầu tiên vào ngày 13/5/1991- Công ty kiểm toán Việt Nam (VACO). Qua 20 năm hoạt động, kiểm toán độc lập đã phát triển nhanh về số lượng và quy mô; trình độ chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp của đội ngũ kiểm toán viên. Hoạt động kiểm toán độc lập đã xác định được vị trí trong nền kinh tế thị trường, trở thành một trong những công cụ quản lý quan trọng cho cả các doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước trong quản lý tài chính- kế toán, góp phần thực hiện công khai, minh bạch thông tin tài chính.

Luật Kiểm toán độc lập gồm 8 chương và 64 điều, quy định về nguyên tắc, điều kiện, phạm vi, hình thức hoạt động kiểm toán độc lập; quyền, nghĩa vụ của kiểm toán viên hành nghề, doanh nghiệp kiểm toán, chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam và đơn vị được kiểm toán.

Luật cũng quy định một số nội dung liên quan đến kiểm toán các đơn vị có lợi ích công chúng; quy định về xử lý vi phạm và giải quyết tranh chấp trong hoạt động kiểm toán độc lập.   

Những quy định về phạm vi điều chỉnh; đối tượng áp dụng; mục đích kiểm toán, và một số điểm có tính chất nguyên tắc chung như giá trị của báo cáo kiểm toán, kiểm toán bắt buộc, hoạt động kiểm toán độc lập và các hành vi bị nghiêm cấm được thể hiện rõ ở Chương I, với 13 Điều (từ Điều 1 đến Điều 13).
Chương II gồm 6 Điều (từ Điều 14 đến Điều 19) quy định về tiêu chuẩn kiểm toán viên; điều kiện đăng ký hành nghề kiểm toán; quyền và nghĩa vụ của kiểm toán viên hành nghề, các trường hợp kiểm toán viên hành nghề không được thực hiện kiểm toán.
Chương III gồm 17 Điều (từ Điều 20 đến Điều 36) quy định các nội dung liên quan đến doanh nghiệp kiểm toán, bao gồm: Loại doanh nghiệp được cung cấp dịch vụ kiểm toán; điều kiện cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm toán; hồ sơ cấp, thời hạn cấp; đình chỉ kinh doanh dịch vụ kiểm toán; quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp kiểm toán, doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài,...
Chương IV gồm 3 Điều (từ Điều 37 đến Điều 39) quy định đơn vị được kiểm toán thuộc đối tượng bắt buộc theo quy định của pháp luật, quyền và nghĩa vụ của đơn vị được kiểm toán.
Chương V gồm 13 Điều (từ Điều 40 đến Điều 52) quy định về phạm vi hoạt động của doanh nghiệp kiểm toán; nhận dịch vụ kiểm toán; hợp đồng kiểm toán; nghĩa vụ bảo mật; phí dịch vụ kiểm toán; quy trình kiểm toán; báo cáo kiểm toán; hồ sơ kiểm toán, kiểm soát chất lượng dịch vụ kiểm toán.
Chương VI gồm 6 Điều (từ Điều 53 đến Điều 58) quy định đơn vị có lợi ích công chúng; việc chấp thuận doanh nghiệp kiểm toán; việc công khai thông tin của doanh nghiệp kiểm toán và kiểm toán viên hành nghề được chấp thuận; báo cáo minh bạch; trách nhiệm của đơn vị có lợi ích công chúng và về tính độc lập.
Chương VII gồm 3 Điều (từ Điều 59 đến Điều 61) quy định các hành vi vi phạm pháp luật về kiểm toán độc lập; xử lý vi phạm pháp luật về kiểm toán độc lập và giải quyết tranh chấp.
Chương VIII gồm 3 Điều (từ Điều 62 đến Điều 64) quy định về điều khoản chuyển tiếp, hiệu lực thi hành và hướng dẫn thi  hành.

So với Nghị định 105/2004/NĐ-CP ngày 30/3/2004 của Chính phủ về kiểm toán độc lập, Luật quy định rõ và đủ hơn quyền của đơn vị được kiểm toán. Cụ thể, đơn vị được kiểm toán có quyền: Lựa chọn doanh nghiệp kiểm toán và kiểm toán viên có đủ điều kiện hành nghề theo quy định để giao kết hợp đồng kiểm toán; yêu cầu doanh nghiệp kiểm toán cung cấp hồ sơ đăng ký hành nghề kiểm toán, thông tin về kiểm toán viên hành nghề và doanh nghiệp kiểm toán; từ chối cung cấp thông tin, tài liệu không liên quan đến nội dung kiểm toán; thảo luận, giải trình bằng văn bản về vấn đề được nêu trong dự thảo báo cáo kiểm toán nếu thấy chưa phù hợp.

Luật quy định đầy đủ và rõ ràng về nghĩa vụ của đơn vị được kiểm toán. Đó là: Cung cấp đầy đủ, chính xác, trung thực, kịp thời, khách quan thông tin, tài liệu cần thiết cho kiểm toán và chịu trách nhiệm về thông tin tài liệu đã cung cấp; phối hợp, tạo điều kiện cho kiểm toán viên hành nghề thực hiện kiểm toán; không được có hành vi hạn chế phạm vi các vấn đề cần kiểm toán; xem xét khuyến nghị của doanh nghiệp kiểm toán về tồn tại, sai sót trong báo cáo tài chính để có biện pháp khắc phục kịp thời; thực hiện điều chỉnh các sai sót theo đề nghị của doanh nghiệp kiểm toán; trường hợp không điều chỉnh sai sót, đơn vị được kiểm toán phải giải trình bằng văn bản theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và đại diện chủ sở hữu.

Về kiểm toán viên và kiểm toán viên hành nghề, Luật quy định: Tiêu chuẩn để trở thành kiểm toán viên là phải có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, có đạo đức tốt, có bằng tốt nghiệp đại học trở lên thuộc các chuyên ngành tài chính, ngân hàng, kế toán, kiểm toán hoặc chuyên ngành khác theo quy định của Bộ Tài chính và phải có Chứng chỉ kiểm toán viên. Luật cũng quy định về việc thừa nhận đối với những người có Chứng chỉ kiểm toán viên nước ngoài. Đối với kiểm toán viên hành nghề: để được ký báo cáo kiểm toán, kiểm toán viên phải có thời gian thực tế làm công tác kiểm toán từ đủ 36 tháng trở lên. Khi đăng ký hành nghề, kiểm toán viên được cấp Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề và giấy này có giá trị khi kiểm toán viên có hợp đồng lao động làm toàn bộ thời gian cho một doanh nghiệp kiểm toán. Kiểm toán viên hành nghề chỉ được hành nghề trong doanh nghiệp kiểm toán, không được hành nghề với tư cách cá nhân.

Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2012./.

Vũ Minh

Xem thêm »