PGS.TS NGUYỄN ĐÌNH HỰU
Uỷ viên Hội đồng Quốc gia về Kế toán
Chủ nhiệm Khoa Kế toán - Kiểm toán Đại học Tài chính - Ngân hàng Hà Nội
1. Mở đầu
Từ cuối thập niên 80 của thế kỷ trước, kinh tế Việt Nam bước vào thời kỳ chuyển đổi. Đây quả là quá trình tự lột xác, tự soi mình truớc tấm gương khách quan để từ bỏ căn bệnh trầm kha bao cấp, cửa quyền, độc tôn, độc đoán, duy ý chí và bệnh giáo điều có hệ thống. Đây là quá trình chuyển đổi tư duy, hình thành một thói quen phải thừa nhận sự thật, quy phục sự tiến bộ, quy phục quy luật khách quan của nền kinh tế thị trường, vận dụng các định chế, các công cụ vốn của nền kinh tế hàng hoá vào thị trường từ manh nha đến phát triển của Việt Nam. Cánh cửa hội nhập dần hé mở, cơ hội học hỏi ùa tới, đây là lúc các thức giả tự nhìn lại, kiểm kê nhận thức, chuẩn bị hành trang tri thức mới cho cuộc đối đầu với quá khứ lạc hậu, vươn tới tiến bộ, thiết lập những cách thức tiếp cận và hành động mới!
Riêng trong tư duy về Tài chính doanh nghiệp, quá trình trên cũng diễn ra liên tục, tuy có lặng lẽ nhưng vẫn là dòng chảy âm thầm nhằm hình thành những cảm nhận mới về Tài chính doanh nghiệp. Điều đó từng bước cởi trói cho doanh nghiệp, thổi vào đó một làn gió mới. Đó là làn gió tự chủ, tự quyết định, tự chịu trách nhiệm về toàn bộ quá trình hình thành, phân chia, sử dụng có hiệu quả nguồn tài lực của doanh nghiệp. Đó là quá trình thoát khỏi sự trông chờ, sự nhờ vả, sự ỷ lại vào Ngân sách Nhà nước, là quá trình làm cho đồng vốn sinh lời, trang trải mọi chi phí, chăm lo cho doanh nghiệp và người lao động, góp phần tích luỹ cho tái sản xuất, góp phần đóng góp cho Ngân sách Nhà nước. Muốn làm tốt hơn công việc khó khăn và phức tạp này, có lẽ phải đổi mới tư duy, đổi mới nhận thức về bản chất Tài chính doanh nghiệp, từ đó nhận diện và xử lý trơn tru các quan hệ Tài chính vốn tồn tại khách quan và chi phối thường nhật đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
2. Khái niệm, bản chất và nội dung cơ bản của Tài chính doanh nghiệp
Phải nói rằng: đây không phải là lý thuyết, đây chính là chìa khoá để nhận diện bản chất và nội dung của Tài chính doanh nghiệp, từ đó nhà quản lý có cơ hội ứng xử và tháo gỡ những khó khăn vướng mắc cho Tài chính doanh nghiệp trong quá trình phục vụ sản xuất kinh doanh.
2.1. Khái niệm Tài chính doanh nghiệp
Khái niệm Tài chính doanh nghiệp dưới góc nhìn mới mẻ và toàn diện của Kinh tế học hiện đại, có thể bao gồm các nội hàm sau:
- Tài chính doanh nghiệp là quá trình tạo lập, phân phối và sử dụng các quỹ tiền tệ hình thành trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
- Quá trình thành lập, tồn tại và phát triển của doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh đồng thời cũng là quá trình hình thành, phân phối và sử dụng các quỹ tiền tệ của doanh nghiệp.
- Các quan hệ tài chính của doanh nghiệp, xét về bản chất, chính là các quan hệ phân chia lợi ích (các quan hệ phân phối), biểu hiện dưới hình thức tiền tệ. Quan hệ đó diễn ra giữa các chủ thể tham gia hay can dự vào quá trình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
- Các luồng tiền vào, tiền ra của doanh nghiệp tạo ra sự vận động của các luồng Tài chính doanh nghiệp. Chiều hướng và cường độ của các véc tơ tiền tuỳ thuộc vào sự mở mang các quan hệ đối tác và tầm vóc, quy mô hoạt động của doanh nghiệp trong từng môi trường sản xuất kinh doanh cụ thể.
- Trong điều kiện thị trường và hội nhập, có rất nhiều các chủ thể kinh tế can dự vào các quan hệ Tài chính doanh nghiệp. Điều đó quy định độ nhạy cảm và tính phức tạp của các quan hệ Tài chính.
2.2. Bản chất của Tài chính doanh nghiệp
Qua những điều vừa nêu (2.1), ta thấy rõ:
Về căn bản, bản chất của Tài chính doanh nghiệp là các quan hệ phân phối biểu hiện dưới hình thức tiền tệ, các quan hệ đó tồn tại, hiện hữu trong suốt quá trình hình thành, tồn tại và phát triền của doanh nghiệp.
Để thể hiện được bản chất đó, Tài chính doanh nghiệp phải thực hiện các chức năng sau:
- Thứ nhất, chức năng tạo lập, hình thành và phát triển nguồn Tài chính cho doanh nghiệp, đó là nguồn gốc của các quỹ tiền tệ của doanh nghiệp;
- Thứ hai, phân chia và tổ chức sử dụng hợp lý vốn tự có, coi như tự có và vốn đi vay theo kế hoạch, theo mục tiêu, có nguyên tắc cho nhu cầu sản xuất, kinh doanh;
- Thứ ba, thông qua các chức năng tạo lập và phân phối vốn, thực hiện quyền và nghĩa vụ kiểm tra, giám đốc qua đồng tiền nhằm cho hoạt động Tài chính tuân thủ các quy phạm, có trật tự, kỷ cương lại hướng tới tiết kiệm và có hiệu quả cao.
Thực hiện đồng bộ cả ba chức năng này sẽ làm cho quá trình tái sản xuất vốn được ổn định và ngày càng mở rộng.
2.3 Nội dung cơ bản của Tài chính doanh nghiệp
- Kinh tế học khi mô tả quá trình tái sản xuất, đã làm xuất hiện công thức mô tả một chu kỳ sản xuất kinh doanh là:
T - H - SX, KD |
Tài sản cố định |
- H' - T' |
Đối tượng lao động |
Sức lao động |
Khác
|
- Công thức này mô tả sự vận động và chuyển hoá các loại vốn, biểu hiện nhận dạng tiền tệ, hiện vật, thời gian lao động, phản ánh chu trình tất yếu của sản xuất kinh doanh.
- Công thức chu chuyển tư bản thể hiện trình tự, các dạng thức tham gia của tư bản (vốn) vào quá trình sản xuất kinh doanh.
- Đây là công thức mô phỏng đơn giản, song rõ nét nhất chu trình tái sản xuất vốn.
Sự mô tả này là nền tảng để chúng ta nhận ra rằng, nội dung cơ bản của Tài chính doanh nghiệp là:
√ Lựa chọn và quyết định đầu tư.
√ Xác định nhu cầu vốn cho quá trình đầu tư.
√ Phân phối và sử dụng có hiệu quả vốn hiện có.
√ Thực hiện phân phối lợi nhuận, trích lập, quản lý và sử dụng có hiệu quả các quỹ của doanh nghiệp.
√ Đảm bảo quyền lợi hợp pháp của doanh nghiệp, của người lao động, của Nhà nước và các chủ thể kinh tế khác có quan hệ tài chính với doanh nghiệp.
√ Thực hiện sự kiểm tra, kiểm soát dưới góc độ tài chính đối với mọi hoạt động có sử dụng nguồn lực của doanh nghiệp.
√ Thực hiện toàn diện công tác quản lý và điều hành Tài chính doanh nghiệp theo nguyên tắc tiết kiệm, hiệu quả, kế hoạch hoá và phù hợp với chiến lược sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Thực hiện tốt 7 nội dung cơ bản này, Tài chính doanh nghiệp có thể góp phần nâng cao hiệu quả, hiệu lực của quản lý Tài chính.
3. Nhận diện và xử lý các quan hệ tài chính cơ bản, khâu đột phá quyết định chất lượng quản lý tài chính doanh nghiệp
3.1. Các quan hệ cơ bản có tính chủ đạo đối với Tài chính doanh nghiệp
3.1.1. Quan hệ giữa doanh nghiệp với các chủ sở hữu
- Nhà nước với tư cách là chủ cấp vốn (doanh nghiệp Nhà nước)
- Nhà nước với tư cách là người góp vốn (Công ty Cổ phần, công ty liên doanh, liên kết, hợp doanh...)
- Nhà nước với tư cách là nhà tài trợ
- Các chủ thể góp vốn khác (trong nước, ngoài nước, nhà tài trợ...)
- Các chủ thể góp vốn (xã hội, cổ đông, doanh nghiệp góp vốn...)
- Các nhà đầu tư đại chúng
3.1.2. Quan hệ giữa doanh nghiệp với các chủ thể kinh tế khác
- Các chủ nợ (người cho vay, người cấp tín dụng)
- Các chủ thể cho doanh nghiệp nhận trước tiền bán hàng, dịch vụ
- Các nhà cung cấp đầu vào cho doanh nghiệp
- Các chủ thể cho thuê, hoặc cho thuê tài chính các tài sản mà doanh nghiệp cần sử dụng
- Những người mua hàng hoá, lao vụ, dịch vụ đầu ra của doanh nghiệp
- Những nhà cung cấp lao vụ, dịch vụ và cung ứng nhân công.
3.1.3. Quan hệ giữa doanh nghiệp với các tổ chức xã hội
- Những tổ chức, cá nhân nhận tài trợ của doanh nghiệp
- Những tổ chức, cá nhân chuyển tiền uỷ thác cho doanh nghiệp thực hiện các hoạt động xã hội, từ thiện
- Các tổ chức thuê doanh nghiệp sản xuất, xây dựng các công trình phúc lợi xã hội với mục tiêu phi lợi nhuận
- Các tổ chức, cá nhân cùng doanh nghiệp tham gia các dự án xã hội hoá về y tế, giáo dục, văn hoá, thể dục thể thao hay công trình phúc lợi xã hội...
- Các tổ chức bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm nhân thọ... khi doanh nghiệp có trách nhiệm nộp phí bảo hiểm cho người lao động và góp phần bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người lao động.
3.1.4. Quan hệ giữa doanh nghiệp với người lao động
- Doanh nghiệp tuyển dụng các nguồn lao động về quản lý, kỹ thuật, lao động thủ công... với tư cách người sử dụng lao động.
- Doanh nghiệp thuê lao động theo hợp đồng, theo mùa vụ.
- Doanh nghiệp thuê khoán hợp đồng theo khối lượng và chất lượng công việc, sản phẩm, lao vụ, dịch vụ.
- Doanh nghiệp chịu trách nhiệm thanh toán bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế, nộp kinh phí công đoàn... cho người lao động với tư cách người sử dụng lao động.
- Doanh nghiệp phát hành cổ phiếu, trái phiếu doanh nghiệp, các chứng chỉ nợ, xin hoãn trả lương và phụ cấp... với tư cách là người nhận nợ và thanh toán cổ tức và các khoản nợ cho người lao động.
- Doanh nghiệp ứng trước lương cho người lao động, tạm ứng trước công tác phí, các khoản thù lao... với tư cách chủ nợ.
- Doanh nghiệp có trách nhiệm khi sử dụng các quỹ phúc lợi, khen thưởng, quỹ bảo trợ thất nghiệp, quỹ dự phòng lương... cho người lao động.
- Doanh nghiệp tài trợ qua cung ứng dịch vụ, nhà ở, trợ cấp thâm niên. cho người lao động.
3.1.5. Quan hệ tài chính nội bộ doanh nghiệp
- Quan hệ giao nhận vốn quỹ doanh nghiệp và các tổ chức thành viên
- Quan hệ cung ứng và thanh toán lẫn nhau khi các tổ chức nội bộ cần có sự hợp tác, hỗ trợ về vật tư, thành phẩm, bán thành phẩm, lao vụ, dịch vụ
- Quan hệ thanh toán bù trừ qua uỷ thác nghiệp vụ thanh toán
- Quan hệ trong việc thực thi trách phận đơn vị thành viên trong công ty mẹ, trong Tổng công ty, trong tập đoàn do điều lệ quy định
- Quan hệ tương hỗ về trách phận, nghĩa vụ, tình cảm giữa các đơn vị nội bộ
- Quan hệ nghĩa vụ nộp phí quản lý cho đơn vị cấp trên
3.1.6. Các quan hệ tài chính đối ngoại của doanh nghiệp
- Liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp nước ngoài
- Liên doanh, liên kết, cung ứng hàng hoá, vốn, dịch vụ, lao vụ giữa doanh nghiệp với các doanh nghiệp, tổ chức có yếu tố nước ngoài
- Tham gia thực hiện các đoàn công tác của Chính phủ
- Xuất, nhập khẩu hàng hoá
- Nhận vốn đầu tư trực tiếp hay trực tiếp đầu tư ra nước ngoài...
3.1.7. Quan hệ Nhà nước với tư cách là cơ quan quản lý kinh tế - xã hội
- Nhận và thực hiện các cơ chế, chính sách về tài chính doanh nghiệp do Nhà nước ban hành
- Tham gia xây dựng chính sách tài chính, trước hết là Tài chính doanh nghiệp
- Công khai các khoản thu, các hoạt động chịu thuế
- Nộp thuế, phí và lệ phí theo quy định hiện hành
- Thực thi hệ thống các chế độ ưu đãi về thuế, phí và lệ phí
- Có quyền bảo vệ các lợi ích hợp pháp và chính đáng trước các cơ quan bảo vệ pháp luật
3.2. Xử lý các quan hệ Tài chính doanh nghiệp
Vấn đề quan trọng đầu tiên là nhận diện các quan hệ Tài chính cơ bản, thường nhật, chi phối đời sống Tài chính doanh nghiệp. Vấn đề quan trọng thứ hai là ứng xử với các quan hệ đó bằng hệ thống các hành vi có tính khoa học, khôn khéo, phù hợp với diễn biến và môi trường quản lý cụ thể, phải vì lợi ích cơ bản và lâu dài của doanh nghiệp mà cân nhắc nặng, nhẹ, thiệt, hơn khi xử lý các quan hệ tài chính. Nhà quản lý, Giám đốc tài chính phải có kế hoạch dài, trung hạn, ngắn hạn và có lộ trình thực thi các giải pháp. Dù ở cấp độ nào, theo chúng tôi, Tài chính doanh nghiệp cần làm tốt 4 việc sau đây:
- Nắm vững định chế, điều lệ, quy tắc, nội quy quản lý tài chính chi phối hoạt động Tài chính doanh nghiệp.
- Am hiểu tường tận chiến lược, đặc điểm tổ chức sản xuất kinh doanh, tổ chức phân cấp hạch toán của doanh nghiệp
- Thực hiện tốt các chức năng của tài chính là phân phối, kiểm tra (giám đốc) các quan hệ tài chính tại doanh nghiệp
- Tổ chức và thực hiện các nhiệm vụ cụ thể như sau:
+ Thường xuyên phân tích để nhận diện, "bắt mạch" được thực trạng tài chính
+ Hoạch định chiến lược tài chính, chiến lược vốn
+ Luôn tỉnh táo, lập quỹ dự phòng để giảm thiểu và tài trợ rủi ro trong kinh doanh
+ Luôn xây dựng cơ cấu tài sản hợp lý
+ Chủ động và cảnh giác để duy trì khả năng thanh toán, đủ sức thanh khoản các nhu cầu sống còn của doanh nghiệp
+ Hạch toán đầy đủ, kịp thời, đúng đắn mọi diễn biến của tình hình tài sản; công khai, minh bạch; chống tham nhũng, lãng phí, lạm quyền trong quản lý điều hành tài chính
+ Luôn luôn tôn trọng và thực thi nguyên tắc lợi ích, nguyên tắc trách nhiệm vật chất, trách nhiệm pháp lý, trách nhiệm dân sự của mọi tổ chức, cá nhân can dự vào các quan hệ Tài chính doanh nghiệp, trước hết là đối với người đứng đầu./.
Theo Tạp chí Kiểm toán số 4/2011