Những tác động tích cực nhìn từ góc độ công khai minh bạch trong hoạt động của KTNN

09/05/2011
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

LÊ MINH NAM- Kiểm toán Nhà nước Chuyên ngành VI

Công khai minh bạch là đòi hỏi tất yếu đối với hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước trong tiến trình xây dựng nhà nước pháp quyền, dân chủ ở tất cả các quốc gia trên thế giới.

Trên bình diện xã hội Việt Nam hiện nay, việc công khai hoá, minh bạch hoá hoạt động của bộ máy nhà nước là đòi hỏi quan trọng trong quá trình xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, xây dựng Nhà nước pháp quyền của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Xác định rõ tầm quan trọng của công khai minh bạch, Đảng và Nhà nước ta đã có chủ trương từng bước phát triển các hình thức công khai, minh bạch như sửa đổi Luật bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp theo hướng mở rộng dân chủ, xây dựng Nhà nước pháp quyền; ban hành các Nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về bồi thường thiệt hại cho người bị oan sai, về kê khai tài sản đối với ứng cử viên đại biểu Hội đồng nhân dân…; Chính phủ cũng đã ban hành các Nghị định ban hành quy chế thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan nhà nước; ban hành quy chế thực hiện dân chủ ở cơ sở; quy chế thực hiện dân chủ ở doanh nghiệp nhà nước, công khai tài sản cán bộ công chức…Gần đây, công khai minh bạch đã được quy định cụ thể về nguyên tắc, nội dung trong Luật phòng, chống tham nhũng và các văn bản hướng dẫn thi hành. Theo đó, những quy định mở rộng phạm vi, hình thức công khai và quyền yêu cầu cung cấp thông tin của cá nhân, tổ chức nhằm đảm bảo cho việc công khai minh bạch được thực hiện đã được thể chế hóa, cụ thể hóa bằng các văn bản hướng dẫn. Ngoài ra, trong lộ trình xây dựng pháp luật nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý xã hội, Việt Nam đang trong quá trình hoàn thiện nội dung dự thảo Luật tiếp cận thông tin nhằm nâng cao hơn nữa công tác công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình trong hoạt động của bộ máy nhà nước nhằm xây dựng một nền hành chính hiện đại, xây dựng xã hội công bằng, dân chủ và tiến bộ.

Công khai, minh bạch là nhiệm vụ của Kiểm toán Nhà nước: Được thành lập từ năm 1994, Kiểm toán Nhà nước là một cơ quan công quyền có chức năng kiểm tra giám sát việc quản lý, sử dụng tiền, ngân sách và tài sản nhà nước. Thời điểm này, Kiểm toán Nhà nước được thành lập nhằm đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính nhà nước và thúc đẩy tiến trình công khai, minh bạch trong quản lý sử dụng các nguồn lực công. Sự xuất hiện của Kiểm toán Nhà nước trong hệ thống bộ máy nhà nước ở giai đoạn cần phải tinh gọn đã khẳng định - công khai minh bạch thực sự là một nhu cầu bức thiết đối với sự vận động và phát triển của xã hội Việt Nam trong thời kỳ đổi mới. Sau đó, để hoàn thiện hơn nữa vai trò của Kiểm toán Nhà nước, đến năm 2005, Luật Kiểm toán Nhà nước được Quốc hội khóa 11 thông qua đã xác lập vị trí pháp lý của Kiểm toán Nhà nước là cơ quan chuyên môn về lĩnh vực kiểm tra tài chính nhà nước do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật. Cũng theo luật, Kiểm toán Nhà nước có trách nhiệm công khai báo cáo kiểm toán năm và báo cáo kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán; công khai báo cáo kiểm toán của cuộc kiểm toán. Kết quả sau hơn 5 năm thực hiện Luật Kiểm toán Nhà nước, công tác công khai minh bạch của Kiểm toán Nhà nước xét trên cả trên khía cạnh tự thân để đáp ứng xu thế chung của nền công vụ và công khai minh bạch kết quả kiểm toán theo luật đều mang đến những ảnh hưởng tích cực cho bản thân Kiểm toán Nhà nước và cho toàn xã hội.

1. Công khai minh bạch trong hoạt động của Kiểm toán Nhà nước:
Thứ nhất
, Kiểm toán Nhà nước đã từng bước hoàn thiện quá trình công khai minh bạch hệ thống văn bản pháp quy điều chỉnh hoạt động của cơ quan mình. Đây chính là nguồn thông tin quan trọng cung cấp cho các đơn vị được kiểm toán, các cơ quan quản lý nhà nước, cho công dân và toàn xã hội nắm bắt để chấp hành quy định pháp luật về kiểm toán cũng như giám sát hoạt động của Kiểm toán Nhà nước. Khi người dân, đơn vị được kiểm toán nắm rõ được chức năng, nhiệm vụ; quyền hạn và nghĩa vụ của Kiểm toán Nhà nước, kiểm toán viên nhà nước, họ sẽ tự giác thực hiện nghĩa vụ theo quy định pháp luật đồng thời có căn cứ giám sát hoạt động của cơ quan và cán bộ Kiểm toán Nhà nước. Về phía Kiểm toán Nhà nước, với tôn chỉ mục đích hoạt động độc lập, khách quan và chỉ tuân theo pháp luật cùng với chịu sự giám sát rộng khắp từ xã hội sẽ giúp cơ quan này làm việc có trách nhiệm và hiệu quả hơn. Công khai minh bạch về cơ sở pháp lý cũng giúp cho Kiểm toán Nhà nước tránh được những “vùng tối” trong hoạt động, giảm nguy cơ lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thực hiện nhiệm vụ của cán bộ kiểm toán viên. Bên cạnh đó, công khai hệ thống văn bản pháp lý về Luật Kiểm toán Nhà nước và các văn bản hướng dẫn, các quy trình, chuẩn mực, quy chế làm việc của Đoàn kiểm toán,…đầy đủ, rõ ràng, minh bạch sẽ thiết lập nên một cấu trúc vững chắc giúp công việc kiểm toán đạt chất lượng cao, ràng buộc cán bộ, kiểm toán viên nhà nước làm việc có trách nhiệm, đúng pháp luật và hiệu quả hơn.
Thứ hai, công khai kế hoạch kiểm toán hàng năm: Cuối mỗi năm, Kiểm toán Nhà nước đều xây dựng kế hoạch kiểm toán trên cơ sở các yêu cầu khách quan trong quản lý vĩ mô nền kinh tế, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội và gửi kế hoạch kiểm toán đến từng đối tượng dự kiến sẽ kiểm toán năm sau. Ngoài ra, Kiểm toán Nhà nước còn tổ chức họp báo để công khai kế hoạch kiểm toán trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đây là một nỗ lực nhằm loại bỏ những yếu tố có tính nhạy cảm trong quyết định lựa chọn đơn vị kiểm toán của một số bộ phận trực tiếp thực hiện kiểm toán đồng thời tạo điều kiện cho các đơn vị được kiểm toán chủ động cân đối thời gian, bố trí công việc để làm việc với Kiểm toán Nhà nước. Sâu xa hơn nữa, xét trên phạm vi tổng thể, giai đoạn công khai kế hoạch kiểm toán có tác động cảnh tỉnh mạnh mẽ ý thức tôn trọng pháp luật của các đối tượng kiểm toán (dù là thụ động) tạo nên hiệu ứng điều chỉnh những gian lận, sai sót trước khi kiểm toán tiến hành công việc cụ thể của các đơn vị này. Thực tế, từ trước đến nay, chưa có một báo cáo hoặc văn bản nào chỉ ra kết quả hoạt động kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước đạt được ngay từ giai đoạn công khai kế hoạch kiểm toán, bởi vì đây là những kết quả thầm lặng, có tác động sâu rộng nhưng lại khó lượng hóa để báo cáo thành con số cụ thể. Như chúng ta đã biết, phản ứng của các đơn vị dự kiến được kiểm toán là tìm mọi cách hoàn chỉnh, sửa chữa những tồn tại, thiếu sót khi biết chắc chắn có cơ quan công quyền tiến hành kiểm tra, kiểm soát và đó cũng là  phản ứng hoàn toàn tự nhiên. Với quy định hiện nay, thời gian lập và nộp báo cáo tài chính, báo cáo quyết toán cho niên độ “bị” kiểm toán (năm trước) hoàn toàn cho phép các đơn vị có thể hoàn thiện những sai sót, sửa chữa những lỗi lầm, khắc phục những vi phạm…trước khi báo cáo và làm việc với Kiểm toán Nhà nước (do hậu kiểm ở thời điểm năm sau). Ở đây, nếu xét về “thành tích” cụ thể, công khai kế hoạch sẽ làm số lượng kết quả kiểm toán thực tế của Kiểm toán Nhà nước giảm thấp, nhưng đánh giá về tác động đến ý thức tuân thủ luật pháp của đơn vị được kiểm toán theo chiều sâu và hiệu quả xã hội thì công khai kế hoạch kiểm toán lại mang ý nghĩa tích cực. Vì vậy, cho dù ý thức chấp hành pháp luật của các đơn vị được kiểm toán khi tiếp nhận thông tin kế hoạch kiểm toán chỉ là thụ động nhưng nếu Kiểm toán Nhà nước có chương trình kiểm toán thường xuyên hơn chắc chắn họ sẽ chủ động, tự giác hơn. Điều này cho thấy, đôi khi tính nhân văn của hoạt động công khai minh bạch còn có hiệu ứng tích cực hơn những biện pháp xử phạt cứng rắn.
Thứ ba, công khai trong quản trị bộ máy: Kiểm toán Nhà nước cũng đã tiến hành công khai minh bạch thông tin về hoạt động quản lý chi tiêu nội bộ, phân phối thu nhập, tiền lương; trong kê khai tài sản cá nhân; Công khai minh bạch trong thực hiện chế độ nâng lương, nâng ngạch, tuyển dụng, luân chuyển, bổ nhiệm, khen thưởng, kỷ luật…Kết quả đạt được của hoạt động công khai minh bạch trong quản trị nội bộ đã xây dựng nên một tập thể đoàn kết, nhất trí nỗ lực nâng cao hiệu quả công việc. Công khai minh bạch cũng giúp cho cơ quan tạo nề nếp kỷ luật làm việc, tăng cường kiểm soát nội bộ và nâng cao trách nhiệm giải trình của các bộ phận. Công khai minh bạch cũng đã hình thành các kênh giám sát khách quan, phòng ngừa tiêu cực…có sự tham gia của tất cả các thành viên trong tổ chức, từ đó tạo nền tảng cho việc xây dựng một tổ chức gắn kết, vận hành ngày một hiệu quả và hiệu lực hơn.

2. Công khai minh bạch kết quả kiểm toán theo Luật Kiểm toán Nhà nước:
Thực hiện Điều 58, 59 Luật Kiểm toán Nhà nước, Kiểm toán Nhà nước định kỳ tổ chức họp báo, công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng và đăng tải trên Trang thông tin điện tử và các ấn phẩm của mình về nội dung công khai kết quả kiểm toán và kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán. Ngoài ra, kết quả kiểm toán còn được công bố tại cuộc họp của các cơ quan, tổ chức, đơn vị được kiểm toán; thông báo bằng văn bản đến cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan; Cung cấp thông tin theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức theo đúng quy định của pháp luật. Công khai kết quả kiểm toán đã mang lại những tác động tích cực sau:
Một là, công khai kết quả kiểm toán góp phần xây dựng nền tài chính quốc gia minh bạch, bền vững. Công khai kết quả kiểm toán là kênh thông tin quan trọng cung cấp nguồn dữ liệu đã được thẩm định, qua đó giúp cho các đối tác thuộc các thành phần kinh tế yên tâm khi thiết lập quan hệ giao dịch kinh tế, hợp tác, đầu tư. Kiểm toán Nhà nước cũng công khai những thông tin trung thực, khách quan về thực trạng tài chính và quản lý của những đơn vị đã được kiểm toán giúp các nhà đầu tư  đưa ra các quyết định đầu tư trong sự tin cậy. Trên phạm vi hoạt động quản lý sử dụng ngân sách quốc gia hoặc công tác quản lý sử dụng vốn tài sản tại các tập đoàn kinh tế, công khai kết quả kiểm toán cũng giúp cho các thiết chế tài chính quốc tế có thể yên tâm quyết định cấp tín dụng cho các dự án đầu tư cấp quốc gia hoặc các đối tác nước ngoài có thể yên tâm ký kết các hợp đồng cung cấp hàng hóa, dịch vụ cho doanh nghiệp Việt Nam…
Hai là, công khai kết quả kiểm toán giúp các cơ quan quản lý nhà nước trong việc ra quyết định, triển khai công tác quản lý ngành và lĩnh vực tốt hơn. Công khai kết quả kiểm toán không chỉ giúp các cơ quan, đơn vị được kiểm toán khắc phục những tồn tại trong quản lý ngân sách-vốn tài sản nhà nước mà còn cung cấp thông tin cảnh báo cho các cơ quan chức năng tăng cường công tác quản lý những sai phạm ở những đơn vị khác có cùng loại hình hoạt động, cùng quy mô, đặc điểm nhưng chưa được kiểm toán. Những thông tin về kết quả kiểm toán sẽ giúp cho các cơ quan công quyền điều chỉnh hành vi quản lý, giám sát nhằm hoạt động có hiệu quả hơn. Những thông tin công khai về kiến nghị và kết quả thực hiện kiến nghị kiểm toán cũng là những dữ liệu quan trọng giúp các cơ quan nhà nước với chức năng của mình đưa ra những giải pháp khắc phục những tồn tại trên phạm vi rộng hơn, vĩ mô hơn chứ không chỉ gói gọn trong phạm vi các đơn vị được kiểm toán.
Ba là, công khai, minh bạch kết quả kiểm toán cũng giúp người dân tham gia giám sát các hoạt động của Chính phủ tốt hơn. Họ có thể đánh giá mức độ đạt được của các cam kết từ phía Chính phủ trong việc thực hiện các mục tiêu kinh tế xã hội xét trên khía cạnh những con số về kinh tế, ngân sách. Với những thông tin công khai, đại biểu Quốc hội, công dân có thể biết được Chính phủ đã sử dụng ngân sách bao nhiêu, cho công việc gì, nỗ lực của Chính phủ như thế nào. Công khai kết quả kiểm toán cũng là phương tiện giúp giải tỏa bức xúc hoặc nghi ngờ từ phía dư luận xã hội đối với công tác quản lý kinh tế- xã hội. Một số lĩnh vực hoạt động có ảnh hưởng lớn đến chính sách kinh tế vĩ mô, đời sống dân sinh, chính sách xã hội, niềm tin của công dân,…thường được dư luận xã hội quan tâm, tham gia ý kiến trên nhiều góc độ. Sau khi thực hiện kiểm toán và công bố kết quả kiểm toán, những băn khoăn, thắc mắc của người dân, của xã hội được giải đáp. Công khai đã góp phần tạo ổn định xã hội, tạo niềm tin cho công dân - những người đóng góp tiền thuế để đảm bảo sự vận hành của bộ máy công quyền và hy vọng được cung cấp những dịch vụ công xứng đáng với đồng tiền họ đã đóng góp. Có thể thấy, một số cuộc kiểm toán thời gian qua đã được Kiểm toán Nhà nước công khai theo quy định như: Chương trình 135, Đề án 112, Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước, Tập đoàn EVN, chính sách bù lỗ các mặt hàng dầu…đã được dư luận rất quan tâm và tiếp nhận kết quả kiểm toán với sự hài lòng, tin tưởng.
Bốn là, công khai kết quả kiểm toán góp phần giáo dục, nâng cao ý thức chấp hành quy định pháp luật của các đơn vị, tổ chức tham gia quản lý, sử dụng tiền, tài sản, ngân sách nhà nước và các cá nhân có liên quan. Công khai thông tin kết quả kiểm toán liên quan trực tiếp đến uy tín của cá nhân lãnh đạo và tập thể đơn vị được kiểm toán. Đây là yếu tố có tác động gây áp lực cả bên trong và bên ngoài đối với các đơn vị trong nỗ lực tuân thủ pháp luật, nâng cao hiệu quả quản lý. Bên cạnh đó, kết quả kiểm toán công khai thể hiện cả những mặt tích cực và những yếu kém của đơn vị được kiểm toán, nêu cụ thể vi phạm và xác định rõ trách nhiệm của một số cá nhân - là kênh thông tin giúp công tác phòng chống tham nhũng lãng phí trong quản lý sử dụng ngân sách. Công khai kết quả kiểm toán cũng là nguồn thông tin để chia sẻ những kinh nghiệm tốt hoặc chỉ ra những tồn tại thiếu sót trong công tác điều hành, trong quản lý sử dụng tiền, tài sản của nhà nước cho các đơn vị chưa được kiểm toán. Họ có thể tham khảo thông tin kết quả kiểm toán để rà soát tiến trình hoạt động của mình nhằm đưa ra các biện pháp cải thiện công tác quản lý, nâng cao hiệu quả hoạt động. Từ đó, xét trên giác độ xã hội, công khai kết quả kiểm toán có tác dụng tôn vinh những điển hình làm tốt và phê phán những hành vi vi phạm. Đây cũng là phương tiện hữu hiệu góp phần tăng cường pháp chế, nâng cao ý thức trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân đối với xã hội, với quốc gia.
Năm là, công khai kết quả kiểm toán không chỉ tác động đến các đơn vị được kiểm toán và xã hội mà còn có tác động mạnh mẽ đến hoạt động quản lý và chất lượng công tác kiểm toán của chính Kiểm toán Nhà nước. Công khai kết quả kiểm toán chính là kênh thông tin quan trọng để các tổ chức, cá nhân trong xã hội có thể sử dụng để đánh giá hiệu quả hoạt động của Kiểm toán Nhà nước, giám sát chất lượng hoạt động kiểm toán, phản biện kết quả kiểm toán trên nhiều góc độ khác nhau. Ngoài ra, tác động của công khai kết quả kiểm toán còn có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín, danh dự, hoạt động của đơn vị được kiểm toán; đến uy tín, danh dự, sự nghiệp các cá nhân có liên quan. Chính vì vậy, trách nhiệm của Kiểm toán Nhà nước, kiểm toán viên nhà nước không chỉ nghiêm túc tuân thủ các quy trình, chuẩn mực nghề nghiệp mà còn phải thật sự cẩn trọng khi đưa ra các nhận xét, kết luận, kiến nghị của mình trên cơ sở tôn trọng đạo đức nghề nghiệp để đảm bảo tính trung thực, khách quan của kết quả kiểm toán. Đối mặt với những thách thức đó đã tạo áp lực cho Kiểm toán Nhà nước, kiểm toán viên Nhà nước phải cố gắng, nỗ lực để thực hiện nhiệm vụ một cách trách nhiệm, chất lượng và hiệu quả hơn.
Tóm lại, công khai minh bạch là xu thế tất yếu nhằm đáp ứng những đòi hỏi khách quan trong quá trình quản lý, điều hành đất nước. Thực hiện công khai minh bạch cũng phù hợp với xu thế hợp tác, hội nhập khu vực và thế giới để tăng trưởng của Việt Nam giai đoạn hiện nay. Đặc biệt, với vai trò, vị trí và nhiệm vụ của Kiểm toán Nhà nước, yêu cầu công khai, minh bạch cần phải được coi trọng như một công cụ thúc đẩy sự phát triển xã hội, tạo niềm tin và sự đồng thuận của người dân đối với chính sách quản lý, điều hành của Đảng, Nhà nước./.

Tài liệu tham khảo:
Luật Kiểm toán Nhà nước;
Luật phòng, chống tham nhũng;
Đề án và một số tài liệu về cải cách hành chính nhà nước ;
Tài liệu công khai kết quả kiểm toán.

Theo Tạp chí Kiểm toán số 4/2011
 

Xem thêm »