Có nên sử dụng giá trị hợp lý là cơ sở tính giá duy nhất trong kế toán tài chính

06/04/2011
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Bắt đầu từ năm 2005, Hội đồng Chuẩn mực kế toán quốc tế (IASB) chính thức triển khai Dự án xây dựng và ban hành hệ thống chuẩn mực Báo cáo tài chính quốc tế (IFRS) thay thế cho hệ thống chuẩn mực kế toán quốc tế (IAS) hiện hành. Cùng với việc triển khai dự án này, IASB cũng có những thay đổi quan trọng trong cách tiếp cận về kế toán và báo cáo tài chính theo hướng chuyển từ quan điểm kế toán theo giá phí lịch sử và đặt trọng tâm vào kế toán doanh thu, chi phí theo các giao dịch thực hiện sang cách tiếp cận dựa trên nguyên tắc ghi nhận tài sản, nợ phải trả theo giá trị hợp lý và ghi nhận doanh thu, chi phí theo sự biến động của giá trị tài sản, nợ phải trả.

Kết quả của dự án này, trong thời gian gần đây, IASB đã ban hành nhiều chuẩn mực kế toán, chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế. Trong đó, giá trị hợp lý được quy định như một cơ sở định giá được khuyến khích áp dụng. Có thể đề cập đến việc sử dụng giá trị hợp lý trong kế toán bất động sản đầu tư; tài sản sinh học, tài sản cố định nắm giữ để bán, các khoản thanh toán trên cơ sở cổ phiếu, công cụ tài chính, hợp nhất kinh doanh…

Trong các chuẩn mực hiện hành, IASB đều sử dụng định nghĩa “giá trị hợp lý là mức giá mà một tài sản có thể được trao đổi giữa các bên có đầy đủ hiểu biết trong một giao dịch ngang giá” và hướng dẫn xác định giá trị hợp lý dựa trên 3 quan điểm: quan điểm thị trường, quan điểm thu nhập và quan điểm giá phí.

Kể từ khi IASB công bố quan điểm sử dụng rộng rãi giá trị hợp lý trong các chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế đã hình thành một diễn đàn trao đổi giữa những nhà nghiên cứu, thực hành kế toán, những người sử dụng thông tin kế toán. Có nhiều quan điểm khác nhau xung quanh việc sử dụng phổ biến cơ sở tính giá này. Trong đó, có không ít các quan điểm không đồng thuận. Thậm chí, một số ý kiến cho rằng chính việc sử dụng giá trị hợp lý là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng “bong bóng tài sản” – một lý do gây ra các cuộc khủng hoảng tài chính, tín dụng.

Chúng tôi cho rằng để đánh giá một cách xác đáng việc sử dụng giá trị hợp lý có thực sự hợp lý hay không trước hết phải hiểu rõ mục đích cung cấp các thông tin tài chính và các yêu cầu cơ bản đối với các thông tin này.

Sử dụng giá trị hợp lý có đáp ứng tốt mục tiêu cung cấp thông tin tài chính?

Nói một cách khái quát, mục tiêu cung cấp thông tin tài chính là đáp ứng yêu cầu ra quyết định kinh tế của nhà đầu tư, người cho vay và chủ nợ hiện tại cũng như trong tương lai của doanh nghiệp. Mục tiêu cung cấp thông tin tài chính được cụ thể hoá theo các khía cạnh sau:

Một là, thông tin tài chính phải phản ánh được “bức tranh tài chính rõ ràng” về các hoạt động của đơn vị.

Hai là, thông tin tài chính phải thực sự hữu ích trong đánh giá quy mô, thời gian và mức độ chắc chắn của các dòng tiền trong tương lai.

Ba là, thông tin tài chính phải phản ánh tính thanh khoản và khả năng linh hoạt về tài chính của doanh nghiệp để khai thác cơ hội và đối phó với khủng hoảng.

Giá trị hợp lý là cơ sở tính giá phản ánh mức giá kỳ vọng của thị trường hiện tại và tương lai đối với một tài sản hoặc một khoản nợ phải trả. Do vậy, trong mối quan hệ với các cơ sở định giá khác thay thế, giá trị hợp lý được coi là cơ sở định giá giúp thông tin tài chính phản ánh tốt nhất dòng tiền tương lai của đơn vị cũng như khả năng thanh khoản và linh hoạt tài chính của đơn vị. Có thể khẳng định, sử dụng giá trị hợp lý làm cơ sở định giá sẽ đáp ứng tốt các mục tiêu cung cấp thông tin tài chính mà các Báo cáo tài chính hướng tới.

Sử dụng giá trị hợp lý có đảm bảo thông tin tài chính là thích hợp?

Thông tin được coi là thích hợp nếu thông tin đó giúp người sử dụng ra các quyết định kinh tế bằng cách đánh giá các sự kiện trong quá khứ, hiện tại và tương lai. Một cách cụ thể hơn, thông tin tài chính là thích hợp nếu nó đáp ứng được các mục tiêu đã đề cập. Như đã phân tích ở trên, xem xét yêu cầu thích hợp, thông tin tài chính được xác định theo giá trị hợp lý có ưu thế hơn so với thông tin được xác định theo giá gốc hoặc các cơ sở tính giá khác có thể sử dụng.

Tuy nhiên, đối với những người sử dụng thông tin tài chính mà quyết định của họ phụ thuộc vào các khoản thu nhập đã thực hiện từ hoạt động của doanh nghiệp thì thông tin về giá trị tăng thêm hoặc giảm đi do sự biến động giá trị hợp lý của tài sản hoặc nợ phải trả (được ghi nhận vào thu nhập hoặc chi phí) là những thông tin không có nhiều ý nghĩa.

Mặc dù vẫn có những quan điểm khác nhau về tính thích hợp của thông tin tài chính trên cơ sở giá trị hợp lý song nhìn chung các chuyên gia kế toán đều cho rằng giá trị hợp lý vẫn là cơ sở tính giá đáp ứng tốt nhất yêu cầu (thích hợp). Chúng tôi chia sẻ quan điểm này. Đây cũng là lý do giải thích tại sao giá trị hợp lý ngày càng được sử dụng rộng rãi và được đánh giá là một cơ sở tính giá thích hợp nhất.

Sử dụng giá trị hợp lý có đáng tin cậy không?

Để xác định giá trị hợp lý, đơn vị báo cáo có thể áp dụng các phương pháp theo trình tự ưu tiên sau: (1) Sử dụng giá thị trường của tài sản và nợ phải trả hoàn toàn giống với tài sản và khoản nợ cần tính giá; (2) Sử dụng giá cả thị trường của tài sản và nợ phải trả tương tự và thực hiện điều chỉnh để tính; (3) Sử dụng các giả định và áp dụng các mô hình tính toán để xác định giá cả hợp lý.

Như vậy, trong trường hợp có thị trường hoạt động cho tài sản và nợ phải trả cần tính giá, việc sử dụng giá cả quan sát được của thị trường một cách trực tiếp hoặc giá thị trường được điều chỉnh làm giá trị hợp lý có thể đảm bảo được mức độ tin cậy thoả đáng. Tuy nhiên, trong trường hợp không có thị trường hoạt động thì việc sử dụng các giả định và mô hình tính toán sẽ khó đạt được độ tin cậy cho dù các mô hình được áp dụng một cách khách quan. Chính vì mối quan ngại này mà nhiều chuyên gia kế toán khuyến nghị không nên quá lạm dụng giá trị hợp lý đặc biệt là không nên áp dụng cơ sở tính giá này khi không có thị trường hoạt động cho tài sản và nợ phải trả tương tự.

Sử dụng giá trị hợp lý có làm giảm bớt sự phức tạp và đảm bảo sự dễ hiểu của thông tin tài chính?

Trong điều kiện tồn tại thị trường hoạt động của tài sản và nợ phải trả hoàn toàn giống với tài sản và nợ phải trả cần tính giá, việc xác định giá trị hợp lý là không quá phức tạp. Khi đó, giá trị hợp lý chính là mức giá quan sát được từ các giao dịch thực tế trên thị trường trong điều kiện tương tự. Những người sử dụng thông tin có thể hiểu được ý nghĩa kinh tế của các thông tin tài chính được xác định theo giá trị hợp lý trong trường hợp này.

Tuy nhiên, trong các trường hợp khác, tài sản và nợ phải trả của doanh nghiệp có tính cá biệt hoặc thị trường giao dịch là thị trường không hiệu quả (đặc biệt đối với các nước đang phát triển, chậm phát triển) việc xác định giá trị hợp lý là khá phức tạp. Sự phức tạp này chủ yếu là do việc thu thập thông tin và xác định mức độ điều chỉnh giá thị trường, xác định các giả định, số liệu đầu vào của các mô hình tính toán giá trị hợp lý và những thông tin giải trình cần thiết trình bày trong thuyết minh Báo cáo tài chính.

Ngoài ra, Báo cáo tài chính lập theo cách tiếp cận giá trị hợp lý luôn tồn tại những mâu thuẫn về lôgic kinh tế nếu giá trị hợp lý được sử dụng triệt để đối với mọi khoản mục. Chẳng hạn, người sử dụng thông tin tài chính sẽ khó có thể hiểu ý nghĩa kinh tế của các khoản thu nhập phát sinh do biến động tăng giá trị hợp lý của một số tài sản trong khi mục đích nắm giữ tài sản này của doanh nghiệp là để có doanh thu trong dài hạn, chứ không phải bán tài sản trong ngắn hạn.

Sử dụng giá trị hợp lý có nâng cao tính so sánh của thông tin tài chính?

Về hình thức, việc sử dụng rộng rãi và nhất quán giá trị hợp lý trong đánh giá và ghi nhận tài sản, nợ phải trả sẽ nâng cao khả năng so sánh của thông tin tài chính giữa các kỳ kế toán của một đơn vị và giữa các đơn vị kế toán với nhau. Tuy nhiên, theo chúng tôi thực tế lại không như vậy. Chẳng hạn, để đánh giá hiệu quả hoạt động kinh doanh của đơn vị và theo thời gian, người sử dụng thông tin cần thông tin về thu nhập, chi phí và kết quả theo thời gian. Nếu kết quả hoạt động kinh doanh được ghi nhận trên cơ sở biến động về giá trị hợp lý thì thông tin kết quả hoạt động sẽ có ít ý nghĩa trong đánh giá hiệu quả hoạt động hiện tại và xu hướng biến động trong tương lai của kết quả kinh doanh vì sự biến động giá trị hợp lý hoàn toàn do các yếu tố của thị trường.

Ngoài ra, khi so sánh tình hình tài chính và tình hình kinh doanh giữa các đơn vị, việc áp dụng giá trị hợp lý như một cơ sở định giá phổ biến cũng có thể giảm đi ý nghĩa của kết quả phân tích do mục đích nắm giữ cùng một tài sản ở các đơn vị là khác nhau.

Qua phân tích ở trên, chúng tôi đi đến kết luận giá trị hợp lý là một cơ sở định giá có những ưu điểm khá rõ ràng với các cơ sở định giá khác (giá gốc, giá gốc được phân bổ…). Gắn với các mục đích và yêu cầu của thông tin tài chính, có thể nhận thấy giá trị hợp lý sẽ góp phần làm cho thông tin tài chính thích hợp hơn với nhu cầu sử dụng thông tin trong điều kiện nền kinh tế thị trường phát triển. Tuy nhiên, khi xét đến tính tin cậy, tính dễ hiểu và tính có thể so sánh, cơ sở tính giá này có những hạn chế nhất định. Hạn chế của cơ sở tính giá này càng thể hiện rõ khi nó được áp dụng để đánh giá các tài sản mà doanh nghiệp không có ý định bán, thanh toán trong ngắn hạn hoặc trong điều kiện không có thị trường hoạt động hiệu quả cho tài sản và nợ phải trả (như ở các nước đang hình thành và phát triển nền kinh tế thị trường).

Với những kết luận này, chúng tôi cho rằng, việc sử dụng giá trị hợp lý trong các chuẩn mực kế toán tài chính là một bước đi cần thiết trước sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế thị trường, sự phức tạp của các quan hệ đầu tư, tài chính và nhu cầu sử dụng thông tin tài chính. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng, không nên sử dụng giá trị hợp lý là một cơ sở định giá duy nhất cho mọi tài sản và nợ phải trả mà nên duy trì mô hình kết hợp các cơ sở định giá khác nhau. Trong đó, giá trị hợp lý được khuyến khích áp dụng trong những điều kiện tồn tại thị trường hoạt động cho tài sản hoặc nợ phải trả hoàn toàn giống về bản chất hoặc tương tự có thể so sánh. Đó là những trường hợp mà giá trị hợp lý được xác định một cách đáng tin cậy, đảm bảo được sự cân bằng hợp lý giữa yêu cầu (đáng tin cậy) và (thích hợp) của thông tin tài chính.

Tài liệu tham khảo:

- Hệ thống chuẩn mực kế toán, chuẩn mực Báo cáo tài chính quốc tế (IAS, IFRS).

- Hệ thống chuẩn mực kế toán Việt Nam (VAS).

- Dự thảo “Các quy định về đo lường giá trị hợp lý” – Hội đồng chuẩn mực kế toán quốc tế (5/2009).

- Trang tin điện tử: www.iasplus.com; www.iasb.com; www.fasb.com.

TS. Mai Ngọc Anh - Khoa Kế toán, Học viện Tài chính

(Theo tạp chí Nghiên cứu khoa học Kiểm toán số tháng 3/2011)

Xem thêm »