Grab Philippines đối diện án phạt  hàng trăm nghìn USD  

26/12/2019
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

  Ủy ban Cạnh tranh Philippines (PCC) cho biết, Grab Philippines sẽ phải đối diện với án phạt mới lên đến 16,2 triệu Peso (320.000 USD) về hành vi đẩy giá và tỷ lệ hủy chuyến quá cao của tài xế. Thông tin này được đưa ra ngay sau khi Hãng kiểm toán của Anh Smith & Williamson phát hành Báo cáo kiểm toán đối với Grab Philippines cho năm tài khóa kết thúc tháng 10/2019.

Grab vi phạm các cam kết tự nguyện của Hãng

Theo đó, án phạt mới này bao gồm 14,15 triệu Peso cho hành vi đẩy giá và 2 triệu Peso cho tỷ lệ hủy chuyến 7,76% thay vì mức trần là 5%. PCC hiện đang yêu cầu Grab Philippines hoàn trả số tiền 14,15 triệu Peso vào tài khoản GrabPay trong vòng 60 ngày cho những khách hàng đã đặt dịch vụ di chuyển của Grab từ ngày 11/5 đến 10/8/2019.

Cam kết về giá và chất lượng dịch vụ của Grab đối với PCC là điều kiện để thông qua việc mua bán sáp nhập của Công ty này đối với Uber Philippines hồi năm ngoái. Song theo PCC, cam kết về giá của Grab Philippines dường như hoàn toàn tách biệt và độc lập với khung giá của Ủy ban Nhượng quyền và Quản lý vận tải đường bộ Philippines (LTFRB).

Thị trường dịch vụ vận chuyển hành khách trong những năm qua đã chứng kiến nhiều thay đổi đáng kể do sự thâu tóm Uber của Grab. Cụ thể, Công ty Grab Holdings Inc và MyTaxi PH Inc đã mua lại toàn bộ tài sản của Uber B.V và Uber Systems Inc tại Philippines cũng như tại Campuchia, Indonesia, Malaysia, Myanmar, Singapor, Thái Lan và Việt Nam. Chủ tịch PCC - ông Arsenio M. Balisacan - cho biết, với việc thực hiện đúng cam kết, mục đích của PCC là nhằm duy trì các điều kiện trước khi giao dịch trên thị trường và sẽ áp dụng hình phạt phù hợp nếu có dấu hiệu của sự độc quyền.

Hồi tháng trước, PCC đã thuê Hãng kiểm toán Smith & Williamson của Anh theo dõi việc tuân thủ đủ 7 điều kiện mà Grab đã đồng ý sau khi được phê chuẩn thương vụ mua lại Uber. Grab có thể sẽ phải chịu thêm các án phạt khác nếu bị phát hiện có sai phạm trong thời gian kiểm toán. PCC cho biết, mỗi vi phạm phát sinh có thể phải chịu một mức phạt hành chính từ 50.000 - 2 triệu Peso theo quy định của Luật Cạnh tranh Philippines.

Sau khi thâu tóm Uber, Grab đã chiếm hơn 90% thị phần gọi xe trực tuyến tại Philippines. Vào tháng 9, Grab đã được Cơ quan Giao thông đường bộ Philippines cho phép tăng nhẹ giá cước. Tuy nhiên, việc này đã khiến nhiều khách hàng phản ứng khi phải cùng lúc đối mặt với tỷ lệ lạm phát đang tăng.

Trong một phản hồi, đại diện Grab cho biết, Hãng này tôn trọng các phát hiện kiểm toán đưa ra và đổ lỗi cho việc không tuân thủ các cam kết tự nguyện là do thiếu xe để phục vụ nhu cầu đi lại ngày một gia tăng của người dân đô thị, thêm vào đó là tình trạng kẹt xe khiến chất lượng dịch vụ suy giảm.

Grab bị đưa vào tầm ngắm tại nhiều quốc gia Đông Nam Á

Có thể nói, trong thời gian qua, Grab Philippines đã gánh chịu một chuỗi các án phạt đều do vi phạm các cam kết tự nguyện của Hãng. Trước đó, PCC đã từng áp mức phạt 16 triệu Peso, tương đương 297.000 USD, với Grab và Uber vì hoàn tất sáp nhập trong lúc thương vụ vẫn đang được Cơ quan này xem xét. PCC nhìn nhận rằng, việc Uber rời khỏi Philippines sẽ giúp đối thủ Grab có được thế độc quyền trong thị trường chia sẻ xe cho tới khi có các DN mới tham gia cuộc chơi.

Không chỉ có Philippines, nhiều quốc gia ở Đông Nam Á hiện cũng đang tiến hành xem xét hoạt động của Grab. Tại Indonesia, Bộ Giao thông Indonesia cũng đưa ra yêu cầu đăng ký kinh doanh đối với 2 Hãng Go-Jek và Grab: trong vòng 2 tháng, 2 hãng xe sử dụng công nghệ này phải đăng ký hoạt động như công ty vận tải để đảm bảo đáp ứng các yêu cầu về an toàn trong dịch vụ vận tải công cộng, khả năng tăng phí và giám sát của các công ty đi xe.

Tại Malaysia, chính quyền Malaysia cũng thông báo sẽ đưa Hãng công nghệ vận tải Grab vào danh sách giám sát chống cạnh tranh sau khi Hãng này tiếp nhận mảng hoạt động kinh doanh tại Đông Nam Á của đối thủ Uber. Ủy ban Cạnh tranh của Malaysia sẽ kiểm soát Grab, đặc biệt nếu Hãng này có những hoạt động cạnh tranh không công bằng hoặc tăng phí đột ngột. Bộ trưởng Bộ Nội vụ Malaysia Nancy Shukri khẳng định, việc giám sát là cần thiết để đảm bảo cạnh tranh công bằng trong mảng dịch vụ vận tải này, tránh gây tổn hại tới lợi ích của người tiêu dùng.

Bà Shukri nhấn mạnh rằng, trong trường hợp có hiện tượng chống cạnh tranh, Đạo luật Cạnh tranh sẽ ngay lập tức có hiệu lực. Theo Bộ trưởng Shukri, tại cuộc họp diễn ra mới đây, Grab - công ty được định giá khoảng 6 tỷ USD - đã đảm bảo rằng trong quá trình chuyển giao, sẽ không xảy ra chuyện giá không hợp lý cũng như không có chuyện tăng phí vận chuyển.

(Theo Business Mirror và Philippine Star)
(Báo Kiểm toán số 52/2019)

Xem thêm »