Cơ chế tự chủ và việc tổ chức bộ máy kế toán trong đơn vị sự nghiệp công lập có thu

24/02/2011
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Cơ chế quản lý trong mỗi thời kỳ sẽ chi phối đến tổ chức bộ máy quản lý nói chung, tổ chức bộ máy kế toán nói riêng. Mỗi thời kỳ, mỗi giai đoạn, cơ chế này có sự khác nhau; chính vì vậy, tổ chức bộ máy kế toán với tư cách là một sản phẩm của cơ chế quản lý cũng có sự khác nhau.

Với mục tiêu thúc đẩy việc sắp xếp, tổ chức bộ máy tinh gọn nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công việc của đơn vị sự nghiệp có thu (SNCT) công lập chống lãng phí khi sử dụng kinh phí nhà nước cấp,... trong giai đoạn thực hiện khoán biên chế, trên cơ sở rà soát lại chức năng, nhiệm vụ của đơn vị SNCT công lập, cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện giao biên chế lao động cho đơn vị. Từ đó đơn vị SNCT công lập được quyền quyết định sắp xếp lại tổ chức, biên chế lao động trong đó có nhân sự cho bộ máy kế toán trong nội bộ của mình. Số lượng lao động kế toán được giao khoán, nguồn kinh phí thực hiện chi trả các khoản liên quan đến thu nhập, quyền lợi của lao động kế toán cũng bị giới hạn trong phạm vi dự toán được duyệt. Do đó, đơn vị SNCT công lập khó chủ động tuyển dụng lao động nói chung, lao động kế toán nói riêng khi không tiết kiệm được kinh phí quản lý hành chính từ việc giao khoán. Việc sa thải lao động kế toán cũng gặp khó khăn bởi bị ràng buộc nhiều về Luật Lao động. Số lượng biên chế lao động kế toán được khoán ổn định trong một giai đoạn nhất định, trong khi đó việc sắp xếp lao động kế toán cũng ít biến động  và chỉ được xem xét lại trong một số trường hợp nhất định như Nhà nước thay đổi chính sách tiền lương, phụ cấp hay đơn vị được cơ quan có thẩm quyền bổ sung thêm nhiệm vụ; sáp nhập, chia tách đơn vị SNCT công lập theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền... Tình hình đó đã hạn chế tính năng động, sáng tạo và tự chủ của đơn vị.

 Nhằm phát huy mọi khả năng của đơn vị để cung cấp dịch vụ công với chất lượng cao cho xã hội, tăng nguồn thu, từng bước giải quyết thu nhập cho người lao động, nhà nước đã thực hiện giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho đơn vị SNCT công lập trong việc sắp xếp lại bộ máy, sử dụng lao động theo Nghị định 43/2006/NĐ-CP ngày 25 tháng 4 năm 2006 của Chính phủ. Cơ chế tự chủ đã cho phép đơn vị SNCT công lập được thành lập hay sáp nhập, giải thể các tổ chức sự nghiệp trực thuộc để thực hiện hoạt động dịch vụ phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và quy chế hoạt động cụ thể cho các tổ chức trực thuộc này. Những công việc cần bố trí lao động thường xuyên, tuỳ theo mức độ tự chủ về kinh phí hoạt động, đơn vị SNCT công lập được quyền quyết định biên chế lao động của đơn vị ở các mức độ khác nhau. Những đơn vị SNCT công lập đã tự bảo đảm toàn bộ kinh phí hoạt động sẽ được quyền quyết định hoàn toàn về biên chế, hình thức tuyển dụng lao động cho đơn vị mình. Những đơn vị SNCT công lập tự bảo đảm một phần kinh phí hoạt động hay do NSNN bảo đảm toàn bộ kinh phí hoạt động, số biên chế lao động tại đơn vị do cơ quan chủ quản trực tiếp quyết định trên cơ sở định mức biên chế hàng năm được giao và kế hoạch biên chế hàng năm do đơn vị xây dựng. Những công việc không cần bố trí lao động thường xuyên, đơn vị SNCT công lập được quyền quyết định ký hợp đồng thuê, khoán; ký hợp đồng hợp tác khác với chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước để đáp ứng yêu cầu chuyên môn của đơn vị.

 Chính vì vậy, cơ chế tự chủ đã tạo hành lang pháp lý cho các đơn vị SNCT công lập có quyền chủ động hơn về biên chế, quản lý, sử dụng lao động kế toán khi hoàn thiện tổ chức bộ máy kế toán. Cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tổ chức bộ máy tạo điều kiện cho đơn  vị SNCT công lập được làm việc thực sự được quyền quyết định về nhân sự nói chung, lao động kế toán nói riêng. Trước đây các đơn vị SNCT công lập phần lớn chỉ được phụ trách về chuyên môn mà không có quyền tự quyết khi điều hành nên khó phát triển. Để nâng cao hiệu quả hoạt động dịch vụ, các đơn vị được chủ động xây dựng phương án sắp xếp tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, giảm những phòng, ban có chức năng trùng lặp, chồng chéo; xây dựng cơ cấu, chức danh viên chức nhằm nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ lao động; chủ động ký kết các hợp đồng lao động phù hợp với khối lượng công việc và khả năng nguồn tài chính, giảm dần áp lực về biên chế, tháo gỡ cho các đơn vị có nhu cầu lao động lớn nhưng được giao biến chế thấp.

 Song cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tổ chức bộ máy, biên chế cũng có những mặt trái của nó nếu không điều hành và kiểm soát chặt chẽ việc tuyển dụng, sử dụng và sa thải lao động tại  đơn vị SNCT công lập. Dựa vào quyền tự quyết định trong tổ chức bộ máy, nếu phương án tự chủ thực hiện thiếu kiểm soát chặt chẽ, tạo nên bộ máy quản lý nói chung, bộ máy kế toán nói riêng cồng kềnh, hoạt động kém hiệu quả. Ngoài ra, quy trình, thủ tục tuyển dụng lao động kế toán tại đơn vị SNCT hiện nay chưa có văn bản quy định cụ thể, chi tiết. Nếu việc đánh giá lao động kế toán nặng về hình thức, mang tính định tính; chưa có đủ các tiêu chí để xác định, định lượng, đánh giá thật khách quan, chính xác; nếu quy trình tuyển dụng, sử dụng, sa thải lao động không được thực hiện nghiêm túc, chất lượng lao động kế toán sẽ không đáp ứng được yêu cầu công việc, không tạo được môi trường tốt để người lao động kế toán làm việc và phát triển.

Nếu nghiên cứu kỹ và tuỳ điều kiện và môi trường của từng đơn vị SNCT công lập, để áp dụng cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm về bộ máy sẽ có thể đưa lại hiệu năng quản lý và hoạt động cao cho bộ máy kế toán, đáp ứng yêu cầu phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của đơn vị./.

Th.s Lê Thị Thanh Hương
Trường Đại học Lao động - Xã hội
Theo Tạp chí Kiểm toán số 1/2011


 

Xem thêm »