Tìm hiểu bảng điểm Piotroski trong phân tích báo cáo tài chính

18/01/2011
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

ThS Lương Thị Thanh Việt

"The Piotroski Score"- Bảng điểm đánh giá báo cáo tài chính (BCTC) Piotroski. Bảng điểm được Giáo sư Joseph D. Piotroski- Trường Đại học Chicago (hiện ông đang giảng dạy tại Đại học Standfod) phát triển và giới thiệu ra công chúng lần đầu tiên vào năm 2000. Bài viết này nhằm giới thiệu nội dung chính của bảng điểm Piotroski và cách thức vận dụng bảng điểm Piotroski trong phân tích BCTC.

Theo Piotroski, để đánh giá sức mạnh tài chính của một doanh nghiệp, người phân tích cần xác định và đánh giá 9 chỉ tiêu trên BCTC tương ứng với thang điểm từ 0 đến 9.

 1. Lợi nhuận sau thuế (Net income or Earning after tax):

Lợi nhuận sau thuế là chỉ tiêu mấu chốt để đánh giá kết quả kinh doanh trong kỳ của doanh nghiệp và là chỉ tiêu dùng để đánh giá hiệu quả kinh doanh theo thời gian. Nếu lợi nhuận của doanh nghiệp là một số dương và tăng theo thời gian, doanh nghiệp sẽ được tính 1 điểm.

2. Dòng tiền lưu chuyển thuần từ hoạt động doanh (Net operating Cash Flow):

Dòng tiền lưu chuyển thuần từ hoạt động kinh doanh được coi là một chỉ tiêu thể hiện khả năng thanh khoản trong kỳ của doanh nghiệp và là biểu hiện của khả năng sinh lợi theo thời gian. Khả năng sinh lợi của doanh nghiệp thường gắn chặt với khả năng thanh khoản.

Dòng tiền lưu chuyển thuần từ hoạt động kinh doanh

=

Dòng tiền thu từ hoạt động kinh doanh

-

Dòng tiền chi cho hoạt động kinh doanh


3. Sức sinh lợi của tài sản (Return on assets - ROA):

Sức sinh lợi của tài sản đo lường khả năng sinh lợi của tài sản bình quân trong doanh nghiệp. Chỉ tiêu này cho biết, một đơn vị tài sản bình quân sử dụng vào hoạt động kinh doanh đem lại mấy đơn vị lợi nhuận sau thuế. Nếu doanh nghiệp có trị số ROA năm nay cao hơn ROA năm trước sẽ được cộng thêm 1 điểm.

Sức sinh lợi của tài sản (ROA)

=

Lợi nhuận sau thuế

Tổng tài sản bình quân


4. Chất lượng của lợi nhuận (Quality of Earnings):

Chất lượng của lợi nhuận là chỉ tiêu khá đặc biệt so với các chỉ tiêu khác. Chỉ tiêu này được xem như là một tiêu thức cảnh báo các màn phù phép của kế toán có thể làm cho lợi nhuận của doanh nghiệp không trung thực. Chất lượng của lợi nhuận là số chênh lệch giữa doanh thu tiêu thụ cao hơn chi phí hoặc do chi phí giảm thấp. Chất lượng của lợi nhuận có quan hệ mật thiết với dòng tiền lưu chuyển thuần từ hoạt động kinh doanh. Vì thế, nếu doanh nghiệp có dòng tiền lưu chuyển thuần từ hoạt động kinh doanh cao hơn lãi ròng sẽ được cộng thêm 1 điểm.

5. Hệ số nợ dài hạn so với tài sản (Long-Term Debt to Assets):

Hệ số nợ dài hạn so với tài sản là chỉ tiêu phản ánh mức độ tài trợ tài sản của doanh nghiệp bằng nợ dài hạn. Thực chất là xác định hệ số nợ dài hạn trên tổng tài sản nhằm xem xét khả năng tăng trưởng của nợ dài hạn có cao hơn tổng tài sản và có nguy cơ dẫn đến suy yếu khả năng thanh toán hay không. Nếu doanh nghiệp có trị số chỉ tiêu hệ số nợ dài hạn trên tổng tài sản năm nay thấp hơn năm trước sẽ được cộng 1 điểm. Trường hợp tổng nợ dài hạn bằng 0 thì cũng được cộng 1 điểm.

Hệ số nợ dài hạn so với tài sản

=

Tổng nợ dài hạn

Tổng tài sản

6. Hệ số khả năng thanh toán nợ ngắn hạn (Current Ratio):


Chỉ tiêu này đo lường khả năng thanh toán nợ ngắn hạn cũng như sự gia tăng của tài sản ngắn hạn thuần của doanh nghiệp. Một doanh nghiệp có trị số của chỉ tiêu này càng lớn hơn 1, khả năng thanh toán nợ ngắn hạn càng cao và ngược lại. Vì thế, khi xem xét, nếu hệ số khả năng thanh toán nợ ngắn hạn của doanh nghiệp năm nay cao hơn năm trước, doanh nghiệp được cộng thêm 1 điểm.

Hệ số khả năng thanh toán nợ ngắn hạn

=

Giá trị thuần của tài sản ngắn hạn

Tổng nợ ngắn hạn

7. Số lượng cổ phiếu phổ thông đang lưu hành (Shares Outstanding):


Số lượng cổ phiếu phổ thông đang lưu hành là một thước đo phản ánh tiềm năng có điều chỉnh của doanh nghiệp. Nếu trong kỳ doanh nghiệp phát hành nhiều cổ phiếu sẽ làm loãng chỉ tiêu "Lãi cơ bản trên mỗi cổ phiếu" (Earning per share - EPS), dẫn đến EPS có thể sẽ giảm. Vì thế, một doanh nghiệp có số lượng cổ phiếu phổ thông đang lưu hành hiện tại nhỏ hơn hoặc bằng số cổ phiếu phổ thông lưu hành năm trước cộng thêm 2 số cổ phiếu của năm đó, doanh nghiệp sẽ được cộng thêm 1 điểm.

8. Lợi nhuận gộp (Gross Margin):

Lợi nhuận gộp cũng là một trong những chỉ tiêu đo lường kết quả kinh doanh và khả năng sinh lợi (nếu so với doanh thu) từ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Một doanh nghiệp nếu có mức lợi nhuận gộp năm nay cao hơn lợi nhuận gộp năm trước sẽ được cộng thêm 1 điểm. Lợi nhuận gộp được xác định theo công thức:

Lợi nhuận gộp = Doanh thu thuần tiêu thụ - Giá vốn hàng tiêu thụ.

Để đánh giá khả năng sinh lợi, các nhà phân tích thường xác định chỉ tiêu “Hệ số giữa lợi nhuận so với doanh thu thuần” sau đây:

Hệ số giữa lợi nhuận gộp so với doanh thu thuần

=

Lợi nhuận gộp về tiêu thụ

Doanh thu thuần tiêu thụ



9. Số vòng quay của tài sản (Assets Turnover):


Số vòng quay của tài sản thể hiện khả năng khai thác các tài sản trong doanh nghiệp cao hay thấp. Một doanh nghiệp nếu có số vòng quay của tài sản năm nay cao hơn năm trước sẽ được cộng thêm 1 điểm.

Số vòng quay của tài sản

=

Doanh thu thuần tiêu thụ

Tổng tài sản bình quân


Các chỉ tiêu được các nhà phân tích thiết kế và thể hiện trên phần mềm cũng như trên các bảng tính và được tính toán xác định rất nhanh. Bảng điểm Piotroski được thiết kế và sử dụng phổ biến theo mẫu sau:

Bảng điểm Piotroski sử dụng trong phân tích báo cáo tài chính



Trên cơ sở bảng điểm Piotroski, các nhà phân tích sẽ tiến hành xếp hạng sức mạnh tài chính của các doanh nghiệp. Cụ thể:

* Nếu doanh nghiệp có tổng số điểm từ 5 điểm trở lên, tình hình tài chính của doanh nghiệp là lành mạnh;


* Nếu doanh nghiệp có tổng số điểm dưới 4 điểm, doanh nghiệp được coi là doanh nghiệp có tình hình tài chính yếu kém. Thông thường những doanh nghiệp này gặp khó khăn về tài chính và có thể dẫn đến phá sản.


Như vậy, bảng điểm Piotroski giúp các nhà phân tích đánh giá được sức mạnh tài chính của các doanh nghiệp một cách khái quát qua từng năm hoặc giữa các doanh nghiệp với nhau, từ đó đưa ra các quyết định kinh tế cho phù hợp. Trong trường hợp phân tích sức mạnh tài chính của các doanh nghiệp theo thời gian, các nhà phân tích có thể kết hợp với phương pháp đồ thị, phương pháp hồi quy... để phân tích và dự đoán xu hướng biến động tài chính của các doanh nghiệp./.

 (Nguồn: Tạp chí Nghiên cứu Khoa học kiểm toán số 38, tháng 12.2010)

Xem thêm »