PGS.TS Mai Thị Hoàng Minh
Đại học Kinh tế TP.Hồ Chí Minh
Trong xu thế hội nhập và phát triển kinh tế quốc tế theo hướng toàn cầu hoá, Việt Nam ngày càng chứng tỏ là quốc gia đã và đang vận hành theo thể chế kinh tế thị trường với sự tăng trưởng ngày càng cao và đi vào thế ổn định, đảm bảo an sinh xã hội. Trong thành tựu chung đó, chúng ta không thể phủ nhận vai trò của các cơ quan thực hiện chức năng kiểm tra, kiểm soát và giám sát các hoạt động kinh tế - tài chính - ngân sách nhằm không ngừng nâng cao tính minh bạch và lành mạnh nền tài chính quốc gia; đồng thời gia tăng tính hiệu lực và hiệu quả của bộ máy nhà nước đối với nền kinh tế - xã hội.
Sự nghiệp đổi mới đất nước, trước hết là đổi mới tư duy kinh tế thực sự khởi sắc và đạt được những kết quả bước đầu có ý nghĩa đối với đời sống xã hội; trong đó, sự xuất hiện của hệ thống kiểm toán nói chung đã đánh dấu quá trình chuyển đổi tư duy kinh tế thực chất hơn. Cho đến nay, mới chỉ gần 20 năm, hệ thống kiểm toán Việt Nam đã nhanh chóng được chấp nhận là một trong những công cụ quản lý kinh tế - tài chính hữu hiệu, sản phẩm của nền kinh tế thị trường theo xu hướng hội nhập và phát triển kinh tế quốc tế; từng bước khẳng định vai trò và vị trí không thể thiếu được nhằm thực hiện chức năng kiểm tra, kiểm soát đối với hoạt động kinh tế - tài chính - ngân sách. Trong phạm vi bài viết này, tác giả chỉ nhấn mạnh vai trò của hoạt động kiểm toán với quản lý NSNN.
Từ chuyển đổi nhận thức về tư duy kinh tế…
Ngân sách nhà nước (NSNN), hay ngân sách Chính phủ, là một thành phần trong hệ thống tài chính. Luật NSNN được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XI, kỳ họp thứ hai thông qua ngày 16 tháng 12 năm 2002, quy định: “NSNN là toàn bộ các khoản thu, chi của Nhà nước đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định và được thực hiện trong một năm để bảo đảm thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của Nhà nước”.
Tại Điều 3 Luật này cũng quy định: “NSNN được quản lý thống nhất theo nguyên tắc tập trung dân chủ, công khai, minh bạch, có phân công, phân cấp quản lý, gắn quyền hạn với trách nhiệm.
Quốc hội quyết định dự toán ngân sách nhà nước, phân bổ ngân sách trung ương, phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước”.
Trong cơ chế quản lý mới, Nhà nước quản lý và điều hành nền kinh tế không phải bằng biện pháp hành chính mà bằng luật pháp, bằng hệ thống đòn bẩy và công cụ kinh tế. Kinh tế thị trường đòi hỏi hoạt động kinh tế - tài chính phải diễn ra một cách bình đẳng, minh bạch, công khai. Thông tin kinh tế - tài chính do hạch toán kế toán xử lý, tổng hợp và cung cấp, phục vụ việc ra các quyết định phải đảm bảo yêu cầu đầy đủ, trung thực, có độ tin cậy cao.
Muốn vậy, vấn đề đầu tiên là việc thu thập, xử lý và cung cấp thông tin kinh tế- tài chính của doanh nghiệp, của Nhà nước phải dựa trên các quy định của luật pháp; trước hết là luật pháp về kế toán, thống kê, về thông tin kinh tế; phải tuân thủ các chuẩn mực và nguyên tắc kế toán; phải dựa vào năng lực và sự tuân thủ luật pháp của các nhà tài chính- kế toán. Nhà nước, các nhà đầu tư, các doanh nghiệp và thương nhân rất cần độ tin cậy cao của thông tin kinh tế - tài chính nhận được để sử dụng, để xem xét, cân nhắc khi đưa ra quyết định đầu tư, quyết định kinh doanh và quyết định những vấn đề kinh tế - tài chính ngân sách của địa phương, của đất nước. Do vậy, các thông tin kinh tế - tài chính do các nhà kế toán cung cấp đòi hỏi phải được đánh giá và xác nhận một cách khách quan, trung thực bởi một cơ quan chuyên môn bên ngoài hoặc một tổ chức có tư cách pháp nhân được cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước công nhận và cho phép hành nghề. Đó chính là hoạt động kiểm toán và do các kiểm toán viên thực hiện.
Hoạt động kiểm toán ở Việt Nam được hình thành và phát triển từ đầu thập niên 90 của thế kỷ trước. Cụ thể, Kiểm toán độc lập hình thành năm 1991; Kiểm toán Nhà nước (KTNN) thành lập năm 1994. Có thể khẳng định rằng, dù hệ thống kiểm toán ở Việt Nam hình thành và phát triển muộn mằn hơn so với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới nhưng đã góp phần tích cực vào quá trình quản lý, sử dụng tiết kiệm, đúng mục đích, có hiệu quả các nguồn lực tài chính và tài sản trong xã hội, góp phần làm lành mạnh hoá thông tin tài chính trong nền kinh tế quốc dân. Hoạt động của hệ thống kiểm toán Việt Nam đã và đang từng bước khẳng định vị trí, vai trò của mình thông qua việc hoàn hiện hệ thống pháp luât. Cụ thể là:
Kể từ khi có Nghị định số 70/CP ngày 11/7/1994 của Chính phủ về việc thành lập Cơ quan KTNN để giúp Thủ tướng Chính phủ thực hiện chức năng kiểm tra, xác nhận tính đúng đắn, hợp pháp của tài liệu và số liệu kế toán, báo cáo quyết toán của cơ quan Nhà nước, các đơn vị sự nghiệp, đơn vị kinh tế nhà nước và các đoàn thể quần chúng, các tổ chức xã hội sử dụng kinh phí do NSNN cấp. KTNN thực hiện kiểm toán theo chương trình, kế hoạch kiểm toán hàng năm do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, cung cấp kết quả kiểm toán cho Chính phủ và các cơ quan nhà nước khác theo quy định của Chính phủ. Sau đó, Luật Ngân sách nhà nước (năm 2002) đã xác định tính độc lập, quy định chức năng của KTNN trong kiểm toán NSNN và trách nhiệm báo cáo kết quả kiểm toán với Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan khác theo quy định của pháp luật; thực hiện kiểm toán khi Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ có yêu cầu.
Điều 48 Luật Ngân hàng nhà nước cũng quy định báo cáo quyết toán hàng năm của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phải được KTNN kiểm tra và xác nhận. Ngoài ra Luật Doanh nghiệp nhà nước (DNNN), Luật Các tổ chức tín dụng… cũng đều có những điều khoản quy định liên quan đến KTNN và hoạt động kiểm toán nhà nước.
Nghị định số 93/2003/NĐ-CP ngày 13/8/2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của KTNN đã xác định, KTNN là cơ quan trực thuộc Chính phủ, thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan thuộc Chính phủ quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực theo quy định của Chính phủ. Ngoài chức năng kiểm toán báo cáo tài chính, Nghị định số 93/2003/NĐ-CP còn chính thức xác nhận chức năng kiểm toán tính tuân thủ pháp luật và tính kinh tế trong quản lý, sử dụng NSNN và tài sản công.
Cho đến nay, Luật KTNN được Quốc hội khoá XI, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 14/6/2005, Chủ tịch nước ký Lệnh công bố ngày 24/6/2005 và có hiệu lực thi hành từ 01/01/2006. Đây là một đạo luật quan trọng trong hệ thống pháp luật của Nhà nước ta, là công cụ pháp lý để tăng cường kiểm tra, kiểm soát các nguồn lực tài chính nhà nước, đồng thời là cơ sở pháp lý cao nhất hiện nay quy định một cách đầy đủ, toàn diện, có hệ thống về tổ chức và hoạt động của KTNN. Luật này quy định: “KTNN là cơ quan chuyên môn về lĩnh vực kiểm tra tài chính nhà nước do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật” và “KTNN có chức năng kiểm toán báo cáo tài chính, kiểm toán tuân thủ, kiểm toán hoạt động đối với cơ quan, tổ chức quản lý, sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước”.
Cùng với sự ra đời của Luật KTNN, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Luật Phòng, chống tham nhũng, Luật Thanh tra, Luật Ban hành các văn bản quy phạm pháp luật… đã quy định nhiều nội dung liên quan đến chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của KTNN. Điều đáng quan tâm là, Nghị quyết số 916/2005/NQ-UBTVQH11 ngày 15/9/2005 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về cơ cấu tổ chức của KTNN và Nghị định số 91/2008/NĐ-CP ngày 18/8/2008 của Chính phủ về công khai kết quả kiểm toán và kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán của KTNN.
Để Luật KTNN trở thành hiện thực, KTNN đã phối hợp xây dựng và tổ chức thực hiện các quy chế phối hợp với các cơ quan, như: Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội, Bộ Quốc phòng, Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Bộ Công an, Toà án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao và Thanh tra Chính phủ,...; đồng thời, phối hợp xây dựng và tổ chức thực hiện thỏa thuận hợp tác thông tin, tuyên truyền với Thông tấn xã Việt Nam.
Gần đây nhất, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Quyết định số 198/QĐ-TW ngày 25/11/2008 quy định mối quan hệ công tác giữa Ban cán sự Đảng Toà án Nhân dân tối cao, Ban cán sự Đảng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, Ban cán sự Đảng KTNN đối với tổ chức và người đứng đầu các tổ chức có liên quan.
Đối với các doanh nghiệp kiểm toán (gọi chung là kiểm toán độc lập) được điều chỉnh bằng Nghị định số 07/CP ngày 29 tháng 01 năm 1994 của Chính phủ ban hành "Quy chế Kiểm toán độc lập trong nền kinh tế quốc dân" quy định: “về kiểm toán viên, doanh nghiệp kiểm toán, giá trị của kết quả kiểm toán, các trường hợp kiểm toán bắt buộc và các quy định khác liên quan đến hoạt động kiểm toán độc lập nhằm thống nhất quản lý hoạt động kiểm toán độc lập, xác định quyền và trách nhiệm của đơn vị được kiểm toán và doanh nghiệp kiểm toán, bảo vệ lợi ích của cộng đồng và quyền lợi hợp pháp của nhà đầu tư, đảm bảo cung cấp thông tin kinh tế, tài chính trung thực, hợp lý, công khai, đáp ứng yêu cầu quản lý của cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và cá nhân”. Sau đó là Nghị định số 105/2004/NĐ-CP ngày 30/3/2004 của Chính phủ về kiểm toán độc lập và Nghị định số 30/2009/NĐ-CP ngày 30/3/2009 của Chính phủ sửa đổi một số điều khoản trong Nghị định 105 đã ban hành ngày 30 tháng 3 năm 2004 về kiểm toán độc lập; đồng thời, Bộ Tài chính ban hành 38 chuẩn mực kiểm toán áp dụng cho hoạt động kiểm toán độc lập và kiểm soát chất lượng kiểm toán.
Đối với kiểm toán nội bộ, KTNN đang chủ trì cùng các cơ quan chức năng xây dựng Dự thảo về kiểm toán nội bộ trình Chính phủ ban hành.
Như vậy, tính đến nay, trong hệ thống kiểm toán ở Việt Nam, KTNN là cơ quan chuyên môn về lĩnh vực kiểm tra tài chính nhà nước do Quốc hội thành lập đã và đang được điều chỉnh bằng những văn bản quy phạm pháp luật hoàn chỉnh nhất, đáp ứng nhu cầu đòi hỏi ngày càng cao về đổi mới tư duy kinh tế; trước hết là nhận thức về vai trò của hệ thống kiểm tra, kiểm soát, kiểm toán nhằm bảo đảm cho sự minh bạch của nền tài chính quốc gia.
… Đến những kết quả bước đầu thực sự có ý nghĩa
Sự ra đời và phát triển của KTNN trước hết là do yêu cầu của việc kiểm tra, giám sát một cách độc lập từ bên ngoài đối với quá trình quản lý, điều hành và sử dụng NSNN nói riêng và các nguồn lực tài chính công nói chung một cách tiết kiệm và hiệu quả nhất. Nếu nhìn trên góc độ lợi ích cộng đồng và lợi ích của xã hội thì KTNN là công cụ giúp cho công dân có thể tham gia, giám sát Chính phủ, các cơ quan, tổ chức có sử dụng NSNN, là cơ sở để thực hiện đầy đủ quyền làm chủ của nhân dân trong quá trình quản lý tài chính của Nhà nước. Đứng trên góc độ thực hiện quyền kiểm tra, giám sát tối cao của Quốc hội đối với Chính phủ về quản lý, điều hành NSNN thì KTNN được xem là một công cụ để Quốc hội thực hiện tốt nhất các quyền này. KTNN thực hiện kiểm tra, giám sát một cách toàn diện đối với quá trình quản lý, điều hành và sử dụng NSNN đối với Chính phủ và các cơ quan của Chính phủ từ việc lập dự toán ngân sách, tổ chức thực hiện và lập báo cáo quyết toán ngân sách hàng năm. Ý kiến nhận xét của KTNN về các dự toán ngân sách và các báo cáo quyết toán ngân sách của Chính phủ là cơ sở quan trọng để Quốc hội xem xét, phê duyệt dự toán ngân sách và báo cáo quyết toán ngân sách. Đồng thời, KTNN là cơ quan tư vấn cho Quốc hội về việc ban hành các đạo luật về tài chính nhà nước. Đứng trên góc độ quản lý, điều hành và sử dụng NSNN thì KTNN là cơ quan thực hiện chức năng giải toả trách nhiệm cho Chính phủ và cơ quan của Chính phủ trước Quốc hội, trước nhân dân về hiệu quả quản lý, điều hành và sử dụng NSNN. KTNN là cơ quan tư vấn quan trọng cho Chính phủ trong việc đề ra các chính sách kinh tế, tài chính để quản lý, điều hành và sử dụng tiết kiệm có hiệu quả NSNN.
Kể từ khi Luật KTNN có hiệu lực thi hành, hoạt động kiểm toán nhà nước đã từng bước đi vào cuộc sống và trở thành nhu cầu của đời sống xã hội. Điều đó được thể hiện khá rõ nét: Năm 2006, KTNN tiến hành trên 100 cuộc kiểm toán báo cáo quyết toán NSNN năm 2005 - đây là con số kỷ lục kể từ khi KTNN chính thức đi vào hoạt động và đã phát hiện, kiến nghị xử lý tài chính trên 7.600 tỷ đồng; trong đó: số kiến nghị tăng thu ngân sách gần 1.900 tỷ đồng, giảm chi ngân sách gần 1.340 tỷ đồng, các khoản phải nộp, hoàn trả và quản lý qua ngân sách 1.350 tỉ đồng; số đã bị cho vay, cho tạm ứng sai quy định, đến cuối năm vẫn chưa thu hồi được là 1.570 tỷ đồng cùng một số sai phạm khác hơn 1.100 tỷ đồng. Năm 2007, với 120 cuộc kiểm toán (quy mô tăng hơn 20 so với năm 2006), KTNN đã phát hiện, kiến nghị xử lý về tài chính với tổng số tiền trên 10.188 tỷ đồng; trong đó: số kiến nghị tăng thu ngân sách trên 1.770 tỷ đồng, giảm chi ngân sách trên 1.308 tỷ đồng, các khoản phải nộp, hoàn trả và quản lý qua ngân sách trên 5.673 tỷ đồng, các khoản nộp và giảm chi khác không thuộc ngân sách trên 1.183 tỷ đồng, nợ đọng ngân sách xác định tăng trên 252 tỷ đồng. Song, vấn đề có ý nghĩa quan trọng là, thông qua hoạt động kiểm toán, KTNN đã tập trung đánh giá tình hình thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong các tổ chức, cơ quan, đơn vị được kiểm toán. Các kết luận, kiến nghị kiểm toán đã chú trọng xem xét trách nhiệm người đứng đầu, địa chỉ cụ thể các tổ chức, cá nhân sai phạm. Khi phát hành báo cáo kiểm toán, KTNN đều có văn bản gửi các Bộ trưởng, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố, thủ trưởng các đơn vị thông báo kết luận và kiến nghị kiểm toán. Đồng thời, kết quả thực hiện các kết luận, kiến nghị của KTNN đều cho thấy rằng, hầu hết các đơn vị được kiểm toán đã nghiêm túc chấp hành việc xử lý tài chính, như: đối với niên độ ngân sách năm 2004 đạt 98; trong đó, các địa phương thực hiện đạt 98,5; các Bộ, cơ quan Trung ương và dự án đầu tư xây dựng thực hiện đạt 97,2. Năm 2007, KTNN đã gửi báo cáo kiểm toán đến Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, đến từng đại biểu Quốc hội và Tổng Kiểm toán Nhà nước báo cáo bằng văn bản với Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Uỷ ban của Quốc hội về thẩm định dự toán NSNN năm 2008; cung cấp và chuyển hơn 20 báo cáo kiểm toán cho Uỷ ban Kiểm tra Trung ương, cho cơ quan điều tra và cơ quan điều tra thuế. Đáng chú ý là những kết quả từ loại hình kiểm toán hoạt động tại các dự án đầu tư được Chính phủ giao (Cầu Vĩnh Tuy, Dự án Đường 5 kéo dài, Trung tâm Hội nghị Quốc gia… ); các Chương trình mục tiêu quốc gia (Chương trình 135, Chương trình Vệ sinh nước sạch và môi trường, Chương trình mục tiêu quốc gia về Giáo dục và Đào tạo…); Chuyên đề Quản lý và sử dụng phí giao thông đường bộ, Đề án 112 của Chính phủ… đã đánh dấu sự lớn mạnh về chất của thông qua những đề xuất với Quốc hội, Chính phủ hoàn thiện hệ thống pháp luật và cơ chế quản lý, giúp cho các Bộ, ngành, địa phương, các đơn vị được kiểm toán phát huy những mặt tích cực, khắc phục các khâu yếu trong hệ thống quản lý và kiểm soát nội bộ...
Có thể, nói với kết quả kiểm toán mà đã phát hiện được từ những sai phạm trong quản lý và sử dụng ngân sách dẫn đến thất thoát là rất lớn không chỉ là con số tăng thu, tiết kiệm chi hàng ngàn tỷ đồng cho NSNN, mà thông qua hoạt động kiểm toán nhà nước đã giúp cho các đơn vị được kiểm toán ngăn ngừa được những tiêu cực, lãng phí, thất thoát tiền, tài sản, hoàn thiện hơn công tác quản lý đảm bảo sử dụng nguồn lực tài chính quốc gia một cách tiết kiệm và hiệu quả hơn; bên cạnh đó còn góp phần cung cấp thông tin toàn diện, xác thực về tình hình quản lý tài chính và điều hành ngân sách của các cấp, các Bộ ngành, các doanh nghiệp; đặc biệt, KTNN còn kiến nghị với Chính phủ, Quốc hội và các cơ quan thẩm quyền góp phần sửa đổi, bổ sung hoàn thiện cơ chế, chính sách quản lý tài chính và tăng cường hiệu lực quản lý.
Cùng với sự phát triển của nền kinh tế thị trường với gần 20 năm hoạt động, bên cạnh KTNN, Kiểm toán độc lập của Việt Nam đã phát triển nhanh về số lượng và quy mô công ty cũng như nâng cao năng lực chuyên môn và chất lượng dịch vụ. Hầu hết các dịch vụ do các công ty kiểm toán cung cấp đã ngày càng được xã hội thừa nhận. Thông qua các hoạt động dịch vụ kiểm toán và tư vấn tài chính, kế toán, các công ty đã góp phần phổ cập cơ chế chính sách kinh tế tài chính, thực hiện công khai minh bạch báo cáo tài chính của các DNNN, ngăn ngừa lãng phí, tham nhũng, phục vụ đắc lực cho công tác quản lý và điều hành kinh tế - tài chính của Nhà nước.
Thông qua dịch vụ kiểm toán, đặc biệt là kiểm toán báo cáo tài chính, các công ty đã góp phần giúp các doanh nghiệp, các dự án quốc tế, các đơn vị hành chính sự nghiệp nắm bắt được kịp thời, đầy đủ và tuân thủ đúng các quy định của các chính sách kinh tế, tài chính, loại bỏ được chi phí bất hợp lý, tạo lập được những thông tin tin cậy, từng bước đưa công tác quản lý tài chính, kế toán trong các DNNN vào nề nếp… Hoạt động kiểm toán độc lập đã xác định vị trí trong nền kinh tế thị trường và đã góp phần quan trọng trong việc làm lành mạnh hoá môi trường đầu tư và nền tài chính quốc gia.
Việc kiểm toán báo cáo quyết toán vốn đầu tư hoàn thành, mặc dù chi phí rất thấp, nhưng các công ty kiểm toán đã giúp các đơn vị xác định giá trị vốn đầu tư đúng đắn, góp phần loại bỏ các chi phí không hợp lý, hợp lệ, tiết kiệm chi phí đầu tư xây dựng cơ bản, góp phần làm lành mạnh hoá tài chính trong quản lý đầu tư xây dựng cơ bản.
Trong khi KTNN chưa đáp ứng được việc kiểm toán hàng năm đối với tất cả các đơn vị thụ hưởng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước, các Bộ, ngành và địa phương đã chủ động yêu cầu các đơn vị hành chính sự nghiệp thuê Kiểm toán độc lập kiểm toán báo cáo tài chính. Kiểm toán độc lập ngoài hoạt động chính là kiểm toán và tư vấn còn giữ một vai trò quan trọng trong việc đào tạo, phổ biến, hướng dẫn chế độ, chính sách quản lý kinh tế tài chính, thuế, kế toán trong nền kinh tế quốc dân.
Mặc dù mới chỉ xuất hiện từ năm 1997, kiểm toán nội bộ đã từng bước hình thành và phát triển, bước đầu đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận tại một số đơn vị và tổng công ty nhà nước. Kiểm toán nội bộ đã có những đóng góp thiết thực cho việc kiểm soát, quản trị nội bộ, phát hiện và ngăn chặn kịp thời những vi phạm trong hệ thống quản lý của đơn vị.
Có thể khẳng định một cách chắc chắn rằng, hoạt động kiểm toán của Việt Nam trong những năm qua đã đóng vai trò quan trọng trong việc phát hiện và kiến nghị xử lý những vi phạm về quản lý NSNN, giúp Quốc hội thực hiện quyền giám sát và giúp Chính phủ quản lý chặt chẽ hơn trong hệ thống NSNN nhằm chống thất thu, bội chi, lãng phí NSNN ở các Bộ ngành, địa phương và doanh nghiệp nhà nước; góp phần làm minh bạch nền tài chính quốc gia trong tiến trình đổi mới và hội nhập của Việt Nam./.
Tài liệu tham khảo:
1. Luật doanh nghiệp
2. Luật Kiểm toán nhà nước
3. Luật Ngân sách nhà nước
4. PGS.TS. Đặng Văn Thanh: “15 năm Kiểm toán độc lập ở Việt Nam thành công và triển vọng”
5. GS.TS. Vương Đình Huệ: “Những thành tựu và phát triển hệ thống kiểm toán Việt Nam (Tạp chí Phát triển - Kinh tế, số tháng 1/2009)
6. Bộ Tài chính: “Báo cáo tổng kết 15 năm hoạt động kiểm toán độc lập 1991- 2006”
7. TS. Lê Quang Bính: “Mối quan hệ giữa Kiểm toán Nhà nước , Kiểm toán độc lập với việc góp phần làm minh bạch, lành mạnh hoá nền tài chính quốc gia” (Bài tham luận tại Hội nghị tổng kết 15 năm hoạt động kiểm toán độc lập”.
8. Báo Tuổi trẻ, báo An ninh Thế giới, báo Hà Nội Mới…