Công tác kế toán theo mô hình Công ty mẹ - Công ty con ở Việt Nam và thế giới

11/05/2010
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

  Toàn cầu hoá là một xu thế tất yếu, nó vừa mang lại cơ hội, vừa mang lại thách thức đối với các quốc gia trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng.Trong xu thế toàn cầu hóa, phạm vi hoạt động của các doanh nghiệp được mở rộng ra ngoài phạm vi lãnh thổ quốc gia, tính chất hoạt động ngày càng đa dạng phức tạp, mức độ cạnh tranh ngày càng gay gắt. Hiện nay, ở Việt Nam, mô hình tổ chức doanh nghiệp nhà nước thành các tổng công ty đã thể hiện nhiều hạn chế. Trong khi đó, mô hình công ty mẹ - công ty con là mô hình tiên tiến được nhiều nước trên thế giới thực hiện. Việc chuyển đổi các tổng công ty sang mô hình công ty mẹ - công ty con là phù hợp với xu thế chung của thế giới.

MÔ HÌNH CÔNG TY MẸ- CÔNG TY CON Ở MỘT SỐ QUỐC GIA TRÊN THẾ GIỚI

Mô hình công ty mẹ - công ty con ở các nước phát triển trên thế giới đã có từ lâu nhưng chủ yếu trong lĩnh vực kinh tế tư nhân. Do đặc điểm về tổ chức quản lý kinh doanh khác biệt đã chi phối đến đặc điểm tổ chức công tác kế toán trong các doanh nghiệp hoạt động theo mô hình này, mà cụ thể là chi phối đến tổ chức bộ máy kế toán và công tác kế toán phục vụ cho việc lập và trình bày báo cáo tài chính hợp nhất. Do đó, có nhiều nghiên cứu ở các nước tập trung vào hai nội dung này của tổ chức công tác kế toán trong các công ty mẹ - con.

Trên thế giới không có quy định chính thức về tổ chức bộ máy kế toán đối với mô hình công ty mẹ- công ty con. Tuỳ thuộc vào quy mô của từng tập đoàn, yêu cầu về tổ chức thông tin tài chính theo lĩnh vực, bộ phận, khu vực địa lý mà có tổ chức bộ máy kế toán phù hợp. Nhưng nhìn chung, tổ chức bộ máy kế toán theo mô hình công ty mẹ - công ty con tại hầu hết các nước trên thế giới đều có đặc điểm sau:

- Do công ty mẹ và công ty con chỉ có quan hệ về vốn, công ty mẹ và các công ty con là các pháp nhân độc lập, nên thông thường, kế toán của công ty mẹ và công ty con chỉ có quan hệ nghiệp vụ và phối hợp cung cấp thông tin, số liệu với nhau mà không có quan hệ chi phối theo hình thức mệnh lệnh hành chính.

- Việc lập báo cáo tài chính hợp nhất rất phức tạp, nên bộ máy kế toán phục vụ cho việc lập và trình bày báo cáo tài chính hợp nhất trong nhiều tập đoàn còn lớn hơn bộ máy kế toán phục vụ cho công tác lập báo cáo tài chính của riêng công ty mẹ.

Báo cáo tài chính hợp nhất phản ánh tình hình biến động tài sản và nguồn vốn tại một thời điểm và tình hình kết quả hoạt động trong kỳ của một nhóm các công ty có quan hệ sở hữu vốn lẫn nhau và trình bày chúng như thể là báo cáo tài chính của một thực thể pháp lý duy nhất. Do việc lập và trình bày báo cáo tài chính hợp nhất chỉ nhằm mục đích quản lý trong nội bộ doanh nghiệp và phục vụ các cổ đông nên báo cáo tài chính hợp nhất không mang tính pháp lý và phạm vi các công ty phải lập và trình bày báo cáo tài chính hợp nhất cũng bị thu hẹp hơn.

Các nước trên thế giới có quy định khác nhau về phạm vi các công ty phải lập và trình bày báo cáo tài chính hợp nhất. Nhưng nhìn chung phần lớn các quốc gia đều tuân thủ các quy định về lập và trình bày báo cáo tài chính hợp nhất của Uỷ ban chuẩn mực kế toán quốc tế. Một số nước không áp dụng toàn bộ hoặc một phần các quy định của Uỷ ban chuẩn mực kế toán quốc tế thì phạm vi các công ty phải lập báo cáo tài chính hợp nhất có thể khác biệt.

Về nội dung hệ thống báo cáo tài chính hợp nhất thì hiện nay theo thông lệ quốc tế và hầu hết các quốc gia trên thế giới như Anh, Mỹ, Úc… báo cáo tài chính hợp nhất bao gồm 05 báo cáo chính:

- Bảng cân đối kế toán hợp nhất;

- Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh hợp nhất;

- Báo cáo lưu chuyển tiền tệ hợp nhất;

- Báo cáo biến động vốn chủ sở hữu;

- Thuyết minh báo cáo tài chính hợp nhất.

Nguyên tắc, thủ tục và quy trình lập báo cáo tài chính nhìn chung được các nước tuân thủ thống nhất theo quy định của Uỷ ban chuẩn mực kế toán quốc tế. Riêng đối với việc tổ chức hệ thống sổ kế toán chi tiết phục vụ cho quá trình hợp nhất báo cáo tài chính có sự khác nhau. Ở Mỹ và một số quốc gia châu Âu tổ chức sổ kế toán chi tiết phục vụ cho hợp nhất báo cáo tài chính thành một hệ thống sổ riêng biệt, độc lập với hệ thống sổ kế toán thông thường để lập báo cáo tài chính riêng của công ty. Trong khi ở các quốc gia khác, kế toán bao gồm tất cả sổ chi tiết tài khoản hợp nhất thành từng phần riêng biệt trên Sổ cái hợp nhất. Làm theo cách này thì Sổ cái hợp nhất sẽ rất dài và khó đối chiếu cũng như thực hiện.

MÔ HÌNH CÔNG TY MẸ- CÔNG TY CON Ở VIỆT NAM

Đối với Việt Nam, mô hình tổ chức kinh doanh công ty mẹ - công ty con là mô hình tổ chức mới, ra đời trong điều kiện chuyển đổi doanh nghiệp theo hướng kinh tế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước. Chính phủ và Bộ Tài chính cũng đã có một số quyết định về thí điểm mô hình công ty mẹ - con và quy chế quản lý tài chính mẫu đối với một số tổng công ty. Tuy nhiên, các đơn vị triển khai còn nhiều lúng túng, vướng mắc về nhiều mặt. Đặc biệt tổ chức công tác kế toán ở các doanh nghiệp theo mô hình công ty mẹ- công ty con chưa được nghiên cứu, hướng dẫn đầy đủ nên việc tổ chức vận dụng đối với các doanh nghiệp trong điều kiện chuyển đổi hình thức tổ chức gặp nhiều khó khăn. Hiện nay có rất ít đề tài khoa học trong nước đề cập đến vấn đề này, đặc biệt là nghiên cứu một cách có hệ thống và đầy đủ về vấn đề tổ chức công tác kế toán trong doanh nghiệp hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con.

Tổ chức công tác kế toán ở các doanh nghiệp hoạt động theo mô hình công ty mẹ - con.

Một số nguyên tắc tổ chức công tác kế toán

Tổ chức công tác kế toán ở các doanh nghiệp hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con là việc thu nhận, xử lý, hệ thống hoá và cung cấp toàn bộ thông tin về hoạt động kinh doanh của các đơn vị nhằm phục vụ cho công tác quản lý kinh tế - tài chính ở đơn vị, bằng các phương pháp kế toán, phương pháp chứng từ kế toán, phương pháp tính giá. Do vậy, tổ chức công tác kế toán trong các doanh nghiệp hoạt động theo mô hình này phải mang tính hệ thống, khoa học, hợp lý và phải tuân thủ một số nguyên tắc cơ bản sau:

- Tổ chức công tác kế toán tại doanh nghiệp phải đúng theo quy định của chế độ kế toán áp dụng cho các doanh nghiệp theo quyết định số 15/2006/QĐ-BTC ngày 20/03/2006 của Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành và các văn bản hướng dẫn chế độ kế toán Nhà nước hiện hành.

- Tổ chức công tác kế toán ở doanh nghiệp phải phù hợp với đặc điểm hoạt động, chức năng, nhiệm vụ, phù hợp với quy mô, địa bàn hoạt động của doanh nghiệp đó nhằm phục vụ tốt yêu cầu quản lý trong doanh nghiệp.

- Tổ chức công tác kế toán phù hợp với trình độ chuyên môn nghiệp vụ của cán bộ làm công tác kế toán, trình độ trang thiết bị, công nghệ và kỹ thuật tính toán xử lý thông tin của doanh nghiệp.

- Tổ chức công tác kế toán phải đảm bảo nguyên tắc khách quan, tài liệu thông tin kế toán phải đầy đủ, chính xác, kịp thời, có những bằng chứng tin cậy, các chứng từ ghi sổ kế toán phải hợp pháp, hợp lệ.

- Tổ chức công tác kế toán phải đảm bảo nguyên tắc tiết kiệm, thiết thực và có hiệu quả.

Nội dung cơ bản của công tác tổ chức kế toán ở các doanh nghiệp hoạt động theo mô hình công ty mẹ - con.

Mỗi doanh nghiệp hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con là một thực thể pháp lý bao gồm nhiều thành viên có thể hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Do đó tổ chức công tác kế toán trong loại hình doanh nghiệp này mang những đặc điểm riêng và đồng thời vẫn phải tuân thủ theo một hệ thống khoa học, hợp lý, phù hợp với yêu cầu của doanh nghiệp.

Doanh nghiệp hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con thực chất là một thực thể kinh tế bao gồm nhiều công ty thành viên, trong đó mỗi công ty tự tổ chức bộ máy kế toán riêng, lập báo cáo tài chính riêng, đồng thời cả tập đoàn cũng phải có báo cáo tài chính hợp nhất. Do đó bộ máy kế toán của tập đoàn được dựa theo loại hình tổ chức công tác kế toán phân tán.
* Tại phòng kế toán công ty mẹ thực hiện các công việc:

- Mỗi bộ phận kế toán thực hiện thu nhận, xử lý thông tin liên quan tới đối tượng kế toán thuộc công ty như: kế toán tài sản cố định, kế toán vật tư hàng hoá, kế toán đầu tư tài chính,…

- Bộ phận kiểm tra kế toán: Nhận và kiểm tra số liệu kế toán của công ty mẹ và số liệu các công ty con báo cáo.

- Bộ phận kế toán tổng hợp:

+ Căn cứ vào số liệu được thu nhận, xử lý từ các bộ phận kế toán của công ty mẹ cung cấp, lập báo cáo tài chính riêng của công ty mẹ.

+ Căn cứ vào báo cáo tài chính riêng của công ty mẹ và các báo cáo tài chính riêng của các công ty con, cùng những tài liệu liên quan, phân tích, tổng hợp số liệu lập báo cáo tài chính hợp nhất và trong trường hợp tập đoàn yêu cầu thì có thể lập báo cáo tài chính bộ phận kinh doanh.

* Tại công ty con thực hiện các công việc: tổ chức bộ máy kế toán để thu nhận, xử lý và cung cấp thông tin kinh tế - tài chính và các thông tin khác cần thiết.

- Phân công trách nhiệm từng bộ phận thu nhận, xử lý thông tin liên quan đến từng đối tượng kế toán tại công ty con: kế toán vật tư hàng hoá, kế toán tiền lương…

- Bộ phận kiểm tra và kế toán tổng hợp: Thực hiện kiểm tra số liệu, lập báo cáo tài chính riêng của công ty con, cung cấp giải trình những thông tin cần thiết bổ sung và báo cáo tài chính riêng của công ty con cho công ty mẹ, phục vụ cho công ty mẹ thực hiện các bút toán hợp nhất và lập báo cáo tài chính hợp nhất.

Thông tin kế toán là thông tin về những nghiệp vụ kinh tế - tài chính phát sinh trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh, sử dụng chi phí ở các đơn vị. Những thông tin này bao gồm thông tin về các nghiệp vụ kinh tế - tài chính phát sinh tác động đến tài sản của đơn vị (còn gọi là nghiệp vụ kinh tế - tài chính ban đầu) và thông tin về các nghiệp vụ xử lý thông tin ở phòng kế toán do nhân viên kế toán tiến hành khi phân bổ các loại chi phí cho các đối tượng chịu chi phí. Các thông tin này đều phải được ghi nhận, phản ánh vào các chứng từ kế toán để làm căn cứ ghi sổ kế toán.

Thu nhận thông tin về các nghiệp vụ kinh tế - tài chính phát sinh phản ánh trong các chứng từ kế toán là công việc khởi đầu của quy trình kế toán, có ý nghĩa quyết định đến tính khách quan, trung thực của số liệu kế toán và báo cáo kế toán vì chứng từ kế toán là căn cứ để ghi chép, hệ thống hoá thông tin kế toán. Chứng từ kế toán còn là căn cứ không thể thiếu để phục vụ cho công tác kiểm tra, kiểm soát hoạt động kinh tế - tài chính ở các đơn vị.

Do các thành viên trong mô hình công ty mẹ - công ty con đều phải lập báo cáo tài chính riêng, và báo cáo tài chính hợp nhất được lập dựa trên báo cáo tài chính riêng của các công ty thành viên nên việc thu nhận, xử lý các chứng từ và ghi chép hạch toán ban đầu được tiến hành trong bộ máy kế toán của mỗi thành viên.

Mọi hoạt động kinh tế - tài chính phát sinh trong doanh nghiệp để làm căn cứ hạch toán đều phải được phản ánh, ghi chép đầy đủ, chính xác, kịp thời, khách quan vào chứng từ kế toán, sổ kế toán. Vì vậy nếu không có chứng từ kế toán thì không thể ghi vào sổ kế toán, tài khoản kế toán.

* Sổ kế toán là phương tiện để ghi chép, hệ thống hoá thông tin kế toán chi tiết tại các doanh nghiệp. Để quản lý có hiệu quả các hoạt động kinh tế - tài chính trong doanh nghiệp thì việc tổ chức tốt hệ thống sổ kế toán là điều kiện tiên quyết. Vì vậy người ta phải xây dựng kết cấu các mẫu sổ phù hợp với trình tự và phương pháp hệ thống hoá thông tin kế toán cụ thể trong từng doanh nghiệp.

* Mỗi tập đoàn có thể bao gồm nhiều công ty con hoạt động ở nhiều lĩnh vực khác nhau, hoặc nhiều khu vực khác nhau. Mối quan hệ giữa các bên liên quan của tập đoàn là vô cùng phức tạp và phong phú. Các bút toán hợp nhất rất đa dạng, phức tạp. Để tính được số liệu của tất cả các đơn vị thành viên trong tập đoàn khi thực hiện bút toán hợp nhất là không đơn giản. Chính vì vậy, bộ phận làm nhiệm vụ lập báo cáo tài chính hợp nhất cần thiết phải sử dụng hệ thống tài khoản để ghi chép trên một hệ thống sổ kế toán để phân tích, tổng hợp số liệu liên quan phục vụ cho yêu cầu lập báo cáo tài chính hợp nhất.

Trong một tập đoàn, do các đơn vị thành viên hạch toán độc lập nên có hệ thống báo cáo tài chính riêng của công ty mẹ và hệ thống báo cáo tài chính riêng của từng công ty con. Đồng thời, dựa trên báo cáo tài chính riêng của công ty mẹ và từng công ty con, tập đoàn thực hiện lập báo cáo tài chính hợp nhất.

Tất cả các công ty mẹ phải lập và trình bày báo cáo tài chính hợp nhất, trừ trường hợp công ty mẹ đồng thời là công ty con bị một công ty khác sở hữu toàn bộ hoặc gần như toàn bộ (trên 90 quyền biểu quyết) và nếu được cổ đông thiểu số trong công ty chấp thuận thì không phải lập và trình bày báo cáo tài chính hợp nhất.

Kiểm tra kế toán và kiểm toán nội bộ là một trong những nội dung quan trọng của tổ chức công tác kế toán. Công việc kiểm tra kế toán thường do một bộ phận nhân viên kế toán tiến hành theo sự hướng dẫn chỉ đạo của kế toán trưởng nhằm kiểm tra toàn diện tất cả các khâu của quá trình hạch toán, tất cả các nội dung cuả tổ chức công tác kế toán như: Kiểm tra việc lập và luân chuyển chứng từ kế toán, kiểm tra tính hợp lệ, hợp pháp của chứng từ, số liệu thông tin trên chứng từ, kiểm tra việc vận dụng hệ thống tài khoản kế toán, việc mở sổ kế toán, ghi sổ kế toán, kiểm tra tính chính xác, trung thực, khách quan của số liệu kế toán trong các báo cáo kế toán, kiểm tra việc chấp hành các chính sách chế độ về quản lý kinh tế - tài chính, chấp hành các chế độ, thể lệ kế toán, kiểm tra việc phân công, bố trí và tổ chức lao động kế toán./.

 
* Nguyễn Thu Hương

Xem thêm »