Vai trò của kế toán trong phòng chống tham nhũng trong điều kiện nền kinh tế chuyển đổi của Việt Nam

11/05/2010
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

  Tham nhũng là một vấn đề toàn cầu. Nạn tham nhũng tồn tại trong hầu hết các nền kinh tế, đặc biệt ở các nước đang phát triển hoặc các nước có nền kinh tế chuyển đổi. Tham nhũng đặc biệt trở nên phổ biến khi nền kinh tế đang ở giai đoạn ‘tăng trưởng nóng’ do các cơ chế kiểm soát và cơ sở hạ tầng không đáp ứng được những thay đổi của hoạt động kinh tế. Điều này dẫn đến nhu cầu tăng cường vai trò các công cụ quản lý, trong đó có kế toán, trong việc kiểm soát và thông tin về các hoạt động tham nhũng. Bài viết này đánh giá mối quan hệ giữa kế toán và hoạt động tham nhũng, từ đó đưa ra những giải pháp nhằm tăng cường hiệu lực của các nhân viên kế toán trong công cuộc phòng chống tham nhũng trong điều kiện nền kinh tế chuyển đổi của Việt Nam.

 1. Tham nhũng – Bản chất và tác hại

Có rất nhiều quan điểm và cách định nghĩa khác nhau về tham nhũng. Theo Luật Phòng chống tham nhũng được Quốc hội thông qua ngày 29 tháng 11 năm 2005, tham nhũng được hiểu là “hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó vì vụ lợi” (Điều 1- Luật Phòng, chống tham nhũng – TLTK5). Theo định nghĩa gần đây của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), tham nhũng là ‘lạm dụng quyền được giao để tư lợi” (IMF, 2005 – TLTK3).

Như vậy, bản chất của tham nhũng là dùng các tài sản công, có thể là tài sản của Nhà nước hoặc tổ chức, để tư lợi cho cá nhân. Tham nhũng có thể biểu hiện dưới nhiều hình thức khác nhau, ví dụ như việc hối lộ, gian lận, các khoản chi bất hợp pháp hoặc các hình thức rửa tiền. Tham nhũng có thể được thực hiện dưới hình thức cơ bản là sự trao đổi tiền, nhưng cũng có thể dưới những hình thức phức tạp hơn như sử dụng ảnh hưởng cá nhân để có được những lợi ích khác.

Những nghiên cứu gần đây cho thấy tham nhũng là một căn bệnh tồn tại trong nhiều hình thái kinh tế – xã hội và gây ra những hậu quả nghiêm trọng. Tham nhũng được coi là cản trở lớn nhất cho phát triển kinh tế xã hội và là vấn đề trọng tâm của công cuộc xoá đói giảm nghèo (World Bank, 2005- TLTK4). Tham nhũng là nguyên nhân làm thất thoát tài sản của Nhà nước và xã hội và làm giàu bất chính cho một bộ phận cá nhân. Tham nhũng làm tăng chi phí và giảm cơ hội đầu tư và kinh doanh của các doanh nghiệp, tạo ra cơ chế độc quyền hành chính, làm tính cạnh tranh do giá thành cao bởi doanh nghiệp tốn thêm chi phí ngầm. Tham nhũng cũng làm giảm cơ hội đầu tư của doanh nghiệp. Nghiêm trọng hơn, tham nhũng làm xói mòn các giá trị đạo đức và giảm tính tôn trọng pháp luật của các thành viên trong xã hội. Tham nhũng cũng làm giảm chất lượng của các yếu tố cơ sở hạ tầng của nền kinh tế, từ đó kìm hãm sự phát triển kinh tế-xã hội.

2. Tham nhũng nhìn từ mối quan hệ cung cầu

Tham nhũng hiểu theo nghĩa hẹp là lợi dụng chức vụ quyền hạn cá nhân để tư lợi. Tuy nhiên, nếu xét tham nhũng trên góc độ vĩ mô, tham nhũng là một hiện tượng kinh tế - xã hội được điểu khiển bởi quy luật cung-cầu (Xem Everett, 2007 – TLTK2). Do đó việc phòng chống tham nhũng sẽ có hiệu quả nếu xét theo nguồn gốc cung - cầu của hiện tượng tham nhũng, từ đó hạn chế tham nhũng cả ở góc độ cung và cầu.

2.1 Các yếu tố cung về tham nhũng

Yếu tố cung của tham nhũng bao gồm những điều kiện vật chất và phi vật chất từ đó hành vi tham nhũng có thể được thực hiện, bao gồm các yếu tố luật pháp, văn hóa, môi trường kinh doanh và cả yếu tố con người. Yếu tố cung của tham nhũng gắn liền với các điều kiện để tham nhũng có thể trở thành hiện thực, bao gồm:

- Tham nhũng gắn liền với sự yếu kém của cơ chế quản lý và luật pháp của Nhà nước, bao gồm hệ thống đăng ký cấp phép kinh doanh, hệ thống thuế và các quy định về quản lý kinh doanh. Tham nhũng thường xuất phát từ việc thiếu đồng bộ cơ chế thưởng phạt, thiếu các chuẩn mực quốc gia và hệ thống giáo dục đồng bộ. Tham nhũng gắn liền với sự khai thác tính kém hiệu lực và kẽ hở của hệ thống luật pháp và sử dụng sai công nghệ (Nguyễn Hữu Phúc, TLTK6). Trên phương diện quốc tế, tham nhũng được coi là một bộ phận của rủi ro chính trị và kinh tế.

- Tham nhũng là kết quả của sự thiếu đồng bộ và thiếu khoa học của hệ thống quản lý trong các tổ chức, bao gồm hệ thống quản lý nhân sự, thông tin tài chính và kế toán. Tham nhũng gắn liền với hạn chế về chính sách và quy trình kiểm soát của một tổ chức dẫn đến hiện tượng tự do thái quá, thiếu công khai và minh bạch và thiếu các quy trình kiểm tra giám sát có hiệu lực.

- Tham nhũng gắn liền với các yếu tố lực lượng tham gia vào hoạt động tham nhũng bao gồm các bên tham gia trong việc sử dụng tài sản công vào mục đích riêng, không chỉ bao gồm công chức nhà nước mà còn là các nhân viên và các nhà quản lý trong các doanh nghiệp, các tổ chức tài chính hoặc các tổ chức phi Chính phủ,..

Việc phân tích bản chất và các nhân tố ảnh hưởng đến hành vi tham nhũng cho thấy rằng để kiểm soát tham nhũng, cần phải có sự tác động đối với các yếu tố của cả cung và cầu. Mặt khác, một trong những đặc điểm cơ bản của các hoạt động tham nhũng là chúng thường gắn liền với các nghiệp vụ tài chính (chẳng hạn các khoản chi trả bất thường hoặc các nghiệp vụ ghi khống trên sổ sách kế toán). Do đó chúng cũng là đối tượng phản ánh của kế toán. Mặt khác, kế toán với vai trò đo lường, ghi chép về các hoạt động kinh tế trong các tổ chức là một nhân tố trong hệ thống các yếu tố cung về tham nhũng.

2.2 Các yếu tố cầu về tham nhũng

Xét đến yếu tố cầu về tham nhũng là xét đến nguồn gốc phát sinh tham nhũng. Xét ở mức độ cá nhân, tham nhũng xuất phát từ tính tư lợi và tính cơ hội nhằm thoả mãn nhu cầu cá nhân. Hành vi tham nhũng được hiểu là những tính toán và hành động có chủ đích nhằm lợi dụng cơ chế thiếu đồng bộ để thu lợi cá nhân. Những yếu tố ảnh hưởng đến cầu về tham nhũng bao gồm:

- Trách nhiệm của cá nhân tham gia vào việc quản lý tài sản và các nguồn lực, bao gồm trách nhiệm công việc và trách nhiệm dân sự (trách nhiệm trước công chúng). Trách nhiệm này có xu hướng tỷ lệ nghịch với cầu tham nhũng, tức là các cá nhân có trách nhiệm càng cao thì càng có ít động cơ để tiến hành các hành vi tham nhũng.

- Giá trị của các nguồn lực đặt dưới sự kiểm soát của các cá nhân hoặc tổ chức có khả năng tham nhũng, bao gồm cả sự phân cấp quyền lực trong quản lý tài sản trong một tổ chức và ưu thế tạo ra từ sự bất bình đẳng giữa các tổ chức và cá nhân đối trong các hoạt động kinh tế. Yếu tố này gắn liền với giá trị của các khoản tham nhũng và có xu hướng tỷ lệ thuận với nhu cầu phát sinh tham nhũng. Tham nhũng thường xuất hiện và phổ biến khi các tổ chức phát triển theo hướng độc quyền trong một ngành nghề hoặc một lĩnh vực.

- Nhận thức về các chuẩn mực đạo đức và giá trị xã hội của các cá nhân và tổ chức liên quan đến hành vi tham nhũng. ảnh hưởng của những chuẩn mực đạo đức và giá trị xã hội là những nhân tố tỷ lệ nghịch với nhu cầu tham nhũng.

3. Kế toán với chức năng kiểm soát tham nhũng

Quan điểm mới về kế toán gắn liền kế toán với môi trường chính trị xã hội. Kế toán là một lực lượng xã hội, là một phần của các vấn đề xã hội như hệ thống các quy định và quản lý, suy thoái tài chính, đói nghèo, phân biệt chủng tộc, chính trị, văn hoá và các kiến trúc thượng tầng khác. ảnh hưởng của quá trình toàn cầu hoá trên các lĩnh vực kinh tế xã hội có thể mang lại hậu quả tiêu cực nếu thiếu một cơ chế thông tin tài chính minh bạch dưới sự ghi chép, kiểm tra và báo cáo của kế toán. Các chương trình hỗ trợ phát triển, các nguồn đầu tư nước ngoài và các mối quan hệ thương mại quốc tế sẽ kém hiệu quả nếu thiếu các thông tin tài chính trung thực và khách quan. Do đó, các nhân viên kế toán phải ở vị trí tiên phong trong phòng chống tham nhũng (ICAEW, 2002 – TLTK1).

Kế toán thực hiện hai chức năng: thông tin và kiểm tra. Một mặt kế toán lập các báo cáo tài chính cung cấp thông tin về các nghiệp vụ kinh tế. Mặt khác kiểm tra giám sát tình hình thực hiện các chỉ tiêu ngân sách, kế hoạch sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. Trong sơ đồ tổ chức quản lý, các kế toán viên có vị trí thuận lợi trong việc phát hiện và đấu tranh chống tham nhũng. Tuy nhiên, một thực tế cho thấy là hầu hết các vụ tham nhũng đều mang dấu ấn của các nhân viên kế toán.

4. Các giải pháp nâng cao vai trò của kế toán trong phòng, chống tham nhũng

4.1 Nhóm giải pháp hạn chế các yếu tố cung về tham nhũng

Xét theo góc độ cung, tham nhũng gắn liền với vai trò của kế toán viên trong sơ đồ quản lý sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Do hoạt động kế toán - kiểm toán ở nước ta chưa thực sự được chuyên nghiệp hoá, phần lớn các kế toán viên làm việc trực tiếp trong doanh nghiệp và tự chịu trách nhiệm về số liệu kế toán cung cấp trên các báo cáo kế toán. Do đó làm phát sinh sự bao che yếu kém nghiệp vụ chuyên môn. Mặt khác, các nhân viên kế toán luôn ở thế bị động, đôi khi là sự phụ thuộc đối với hệ thống quản lý của doanh nghiệp. Để khắc phục những vấn đề này, cần thực hiện một số giải pháp sau:

Thứ nhất, xây dựng khung pháp luật đầy đủ và có hiệu lực để hỗ trợ cho hoạt động kế toán.

Từng bước đưa Luật Kế toán vào thực tiễn hoạt động kế toán trong các cơ quan quản lý nhà nước và các doanh nghiệp. Một trong những vấn đề cơ bản trong luật là nâng cao vai trò độc lập và tư cách đạo đức của các kế toán viên trong việc phòng chống tham nhũng. Luật Kế toán là cơ sở pháp lý quan trọng điều chỉnh hoạt động kế toán, là công cụ pháp lý quan trọng để hạn chế các hiện tượng tham nhũng. Tuy nhiên, một vấn đề là Luật Kế toán chưa được nhận thức đầy đủ trong đội ngũ những người làm kế toán. Nhiều điều luật còn chung chung và chưa phù hợp với sự phát triển của kế toán trong thời kỳ hội nhập kinh tế.

Thứ hai, tăng cường vai trò của kế toán trong khu vực sử dụng ngân sách nhà nước.

Do bản chất của kế toán là dựa trên nền tảng cơ cấu quản lý của các tổ chức cạnh tranh và vì lợi nhuận, kế toán phù hợp với chiến lược tăng cường thị trường hoá việc sử dụng vốn ngân sách nhà nước. Do đó, cần đưa quan điểm kế toán thị trường vào các đơn vị sử dụng ngân sách Nhà nước. Song song với việc làm này cần phải có những cải cách trong lĩnh vực quản lý tài sản công. Ví dụ cần lành mạnh hoá các khu vực dễ phát sinh tham nhũng thông qua việc thay thế hoặc thị trường hoá các quá trình sử dụng vốn ngân sách, giảm tính độc quyền của các doanh nghiệp nhà nước trong một số lĩnh vực, phi tập trung bộ máy nhà nước trong một số khâu, từ đó nâng cấp trách nhiệm của hệ thống quản lý và điều hành trung gian, tăng cường tính cạnh tranh của môi trường đầu tư và sử dụng ngân sách. Cần phải gắn chất lượng là tiêu chí hàng đầu. Sử dụng tiêu chí đánh giá hiệu quả và hiệu suất công việc thay vì các chỉ tiêu thành tích số lượng đơn thuần.

Thứ ba, tăng cường vai trò của các Hiệp hội kế toán – kiểm toán đối với hoạt động phòng chống tham nhũng.

Phát triển các cơ sở chuyên nghiệp về kế toán là một trong những giải pháp quan trọng trong phòng chống tham nhũng. Các Hiệp hội phải là những tổ chức độc lập quy tập các kế toán viên chuyên nghiệp hoạt động theo điều lệ và chuẩn mực nghề nghiệp. Vai trò của các Hiệp hội kế toán có thể được nâng cao thông qua các chương trình hành động sau:

- Nâng cao tính độc lập và trách nhiệm xã hội của các kế toán viên là thành viên của các Hiệp hội.

- Xây dựng các chương trình kết hợp với các cơ quan pháp luật từ đó giảm thiểu các hoạt động tham nhũng, tăng cường hiệu lực pháp lý của các văn bản pháp luật trong hoạt động nghề nghiệp của các cá nhân thành viên.

- Bảo vệ các cá nhân hoặc tổ chức thành viên trong việc phát hiện và báo cáo các hành vi tham nhũng.

- Thực thi các chương trình đào tạo kế toán dưới nhiều hình thức: thông tin báo chí, hội thảo, tập huấn,…từ đó nâng cao nhận thức về ảnh hưởng của tham nhũng và xây dựng động cơ thực hiện các chương trình hành động chống tham nhũng

- Khuyến khích các cá nhân và tổ chức thành viên áp dụng các tiêu chuẩn nghề nghiệp, từ đó đưa ra những nguyên tắc phòng chống tham nhũng và xây dựng hệ thống kiểm soat đủ mạnh để vạch trần các hoạt động tham nhũng.

4.2 Nhóm giải pháp hạn chế các yếu tố cầu về tham nhũng

Xét theo góc độ cầu, tham nhũng phát sinh từ yếu kém về trình độ và tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp của bản thân các nhân viên kế toán. Sự thiếu hụt về kiến thức, kỹ năng, phong cách làm việc chuyên nghiệp là những nguyên nhân dẫn đến hiện tượng tham nhũng ngay trong hoạt động kế toán. Tham nhũng cũng gắn liền với điều kiện thu nhập thấp của các nhân viên kế toán. Để khắc phục được những vấn đề này, cần thực hiện tốt những giải pháp sau:

Thứ nhất, áp dụng có hiệu quả các chuẩn mực nghề nghiệp kế toán. Xây dựng và áp dụng các chuẩn mực kế toán quốc gia phù hợp với thông lệ quốc tế là ưu tiên hàng đầu của việc chống tham nhũng và cần tuân thủ các nguyên tắc sau:

- Các chuẩn mực kế toán cần được vận dụng để xây dựng hệ thống thông tin quản lý tài chính minh bạch và có ích đối với người sử dụng thông tin.

- Xem xét lại các chính sách kế toán trong các đơn vị có sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước, thay thế kế toán trên cơ sở tiền mặt bằng kế toán dồn tích, do:

+ Kế toán dồn tích cung cấp thông tin trung thực hơn về tính bền vững của các chính sách tài khoá

+ Kế toán dồn tích cung cấp các cơ sở để đánh giá trách nhiệm của chính phủ

+ Kế toán dồn tích làm giảm cơ hội tham nhũng và biển thủ do gắn liền với hiệu quả của các yếu tố đầu ra của các chương trình sử dụng vốn và đo lường giá trị

- Tiến hành các biện pháp kỹ thuật kế toán để phòng chống tham nhũng: Ví dụ phát hiện và ngăn chặn việc tạo lập các tài khoản ngoài sổ sách, việc cố ý để sót các nghiệp vụ kinh tế, ghi khống các chi phí, việc tạo lập các tài khoản vắng chủ hoặc lập các chứng từ giả. Ngoài ra cần cập nhật kỹ thuật và kỹ năng của kế toán nhằm thích ứng với sự thay đổi nhanh chóng của các nghiệp vụ kinh tế. Ví dụ việc áp dụng các phương pháp kế toán phù hợp với các nghiệp vụ mới trong thanh toán điện tử, các nghiệp vụ phòng chống trốn thuế, buôn lậu, rửa tiền.

Thứ hai, tăng cường nhận thức về vai trò và đạo đức nghề nghiệp của kế toán viên. Do kế toán viên là những người ở vị trí chiến lược trong các tổ chức, kế toán luôn ở vị trí thuận lợi cho việc tiếp xúc với các thông tin về tham nhũng. Kế toán phải chuyển từ vai trò người quan sát sang vai trò ngăn chặn và đẩy lùi nạn tham nhũng. Vấn đề tư tưởng đạo đức của kế toán là vấn đề trọng tâm hàng đầu, trong đó cần tập trung vào ba vấn đề:

- Mục đích tối cao của kế toán là phục vụ lợi ích cộng đồng, bao gồm lợi ích của Nhà nước và của nhân dân.

- Đặt trọng tâm vào tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp của kế toán. Cần xây dựng các tiêu chuẩn để đánh giá hành vi và đạo đức nghề nghiệp của các kế toán viên, qua đó nâng cao tính minh bạch trong việc cấp phép hành nghề kế toán – kiểm toán.

- Mở rộng phạm vi của các chuẩn mực nghề nghiệp, có sự so sánh về khác biệt giữa hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam và của các nước khác, từ đó đưa ra những giải pháp nhằm hạn chế sự khác biệt./.

Tài liệu tham khảo

1. Accountancy profession has key role to play in tackling corruption, The Institute of Chartered Accountants of England and Wales - ICAEW (2002),

Website: http://www/icaew.co.uk/index.cfm?AUBDTB2I_6977.

2. Accounting and the global fight against corruption, Everett, J., Neu, D. và Rahaman, S. (2007), Tạp chí Accounting, Organisations and Society, Số 32 (2007), Trang 513-542.

3. Back to basics—10 myths about governance and corruption, International Monetary Fund (2005) Website: http://www.imf.org/external/pubs/ft/fandd/2005/09/basics.htm.

4. Governance and anti-corruption. World Bank (2005).

Website: http://www.worldbank.org/wbi/governance/.

5. Luật phòng, chống tham nhũng, Số 55/2005/QH11, Quốc Hội nước Cộng hoà XHCN Việt Nam, 2005.

6. Năm giải pháp cơ bản phòng chống tham nhũng ở nước ta hiện nay, Nguyễn Hữu Phúc, Cổng Thông tin Thanh Tra Chính Phủ, Website: http://chongthamnhung.thanhtra.gov.vn/Desktop.aspx/Tintuc-Sukien/Nghien-cuu-Trao-doi

TS. Đặng Đức Sơn

Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc Gia Hà Nội

Xem thêm »