Tội trốn thuế và trách nhiệm của Kiểm toán viên Nhà nước

11/05/2010
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

 Thuế là khoản tiền hay hiện vật mà người dân hoặc các tổ chức kinh doanh phải nộp cho nhà nước tuỳ theo mức quy định nhằm huy động tài chính cho chính quyền, tái phân phối thu nhập, hay điều tiết các hoạt động kinh tế-xã hội.

 Trốn, lậu thuế là hành vi phạm pháp của các cá nhân và pháp nhân nhằm không phải nộp thuế hoặc không phải nộp đủ số thuế mà họ phải đóng. Trốn, lậu thuế khác với tránh thuế vì tránh thuế là hành vi hợp pháp nhằm giảm thiểu số thuế phải đóng.

Để thực hiện được hành vi trốn lậu thuế, các đối tượng thường dùng các thủ đoạn như: tránh gặp mặt hoặc không trình diện cơ quan thu và khai man; việc khai man thuế thường thấy qua việc doanh nghiệp không phát hành hóa đơn bán hàng theo quy định để cơ quan thu không xác định được đủ giá trị thuế phải thu; cá nhân khai không đủ thu nhập của mình để lậu thuế thu nhập; khai man thuế hải quan thường thấy qua việc doanh nghiệp hoặc cá nhân khai báo giá trị hàng hóa nhập khẩu thấp hơn giá trị thực sự của chúng; hành vi của các nhân viên của cơ quan thu nhằm bỏ qua cho hành vi trốn lậu thuế của cá nhân và pháp nhân và kiếm lợi riêng cho mình cũng là hành vi trốn lậu thuế.

Trốn lậu thuế đã gây nên tình trạng thất thu thuế, gây tổn hại lớn cho thu ngân sách nhà nước. Thất thu thuế là một hiện tượng thực tế khách quan vốn có của bất kỳ hệ thống thuế khoá nào. Nó phản ánh hai mặt của một vấn đề: lợi ích của Nhà nước và lợi ích của người nộp thuế. Trên thực tế thì hai lợi ích này thường mâu thuẫn với nhau. Nhà nước luôn có khuynh hướng tăng nguồn thu từ thuế, trong khi đó người nộp thuế luôn mong muốn càng giảm số thuế phải nộp càng nhiều càng tốt. Hay nói cách khác, ở đâu có thuế khoá thì ở đó có thất thu.

Thất thu thuế biểu hiện, diễn biến rất đa dạng và phức tạp tuỳ theo điều kiện của nền kinh tế - xã hội của một Quốc gia, song có thể khái quát hoá thành 2 dạng: thất thu thực tế và thất thu tiềm năng.

- Thất thu thực tế là có nhiều khoản thu được quy định rõ ràng trong các luật thuế, song do nhiều nguyên nhân số tiền đó không được tập trung vào ngân sách đúng quy định.

- Thất thu tiềm năng là thực tế có nhiều nguồn thu cần thiết phải động viên vào ngân sách nhưng lại không thu được vì chưa có quy định của luật pháp.

Điều 161 của Bộ Luật Hình sự Việt Nam năm 1999 quy định về tội trốn thuế như sau:

1. Người nào trốn thuế với số tiền từ 50 triệu đồng đến dưới 150 triệu đồng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi trốn thuế hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các Điều 153- 160, 164, 193, 195, 196, 230, 232, 233, 236 và 238 của Bộ luật này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ một lần đến 5 lần số tiền trốn thuế hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến hai năm.

2. Phạm tội trốn thuế với số tiền từ 150 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng hoặc tái phạm về tội này, thì bị phạt tiền từ một lần đến năm lần số tiền trốn thuế hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

3. Phạm tội trốn thuế với số tiền từ 500 triệu đồng trở lên hoặc trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng khác, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ một lần đến ba lần số tiền trốn thuế.

Ở nước ta, hiện tượng trốn lậu thuế hay cụ thể là gian lận trong khấu trừ, hoàn thuế giá trị gia tăng đang là hiện tượng rất phổ biến, thủ đoạn ngày càng tinh vi và xảo quyệt. Theo kết quả kiểm toán hàng năm, KTNN đã phát hiện một số sai phạm phổ biến như: hạch toán doanh thu không đúng niên độ kế toán, doanh thu ghi trên hoá đơn thấp hơn giá thực tế thanh toán để giảm thuế GTGT đầu ra và giảm thu nhập chịu thuế, áp dụng sai thuế suất thuế GTGT, không phân bổ thuế GTGT đối với hàng không chịu thuế... Đối với thuế TNDN chủ yếu vi phạm ở những khoản chi không được phép hạch toán như quà biếu, tham quan, chi khuyến mãi... hoặc các hành vi gian lận trong hoàn thuế GTGT như thành lập nhiều DN trung gian ở nhiều nơi khác nhau, tổ chức mua bán lòng vòng hàng hoá, dịch vụ lập hồ sơ khống nhằm hạn chế sự kiểm soát của cơ quan thuế; lập hồ sơ khống xuất khẩu hàng hoá nhất là hàng nông, lâm, hải sản chưa chế biến qua đường biên giới đất liền để được hoàn thuế...; từ khi thực hiện việc điều chỉnh mức thuế suất thuế xuất khẩu, nhập khẩu ưu đãi đối với một số nhóm mặt hàng, lập tức xuất hiện hiện tượng doanh nghiệp xuất khẩu hạ giá khai báo tính thuế để gian lận thuế. Nếu như trước kia, hành vi gian lận về thuế qua giá chỉ xuất hiện ở hàng nhập khẩu thì thời gian gần đây, lực lượng hải quan đã phát hiện hành vi gian lận thuế qua giá đối với cả hàng xuất khẩu. Có những trường hợp doanh nghiệp “ẩn lậu” lên tới cả trăm tỷ đồng. Việc thành lập doanh nghiệp để mua bán, sử dụng hóa đơn GTGT bất hợp pháp đang là chiêu bài làm giàu bất chính được nhiều đối tượng sử dụng hiện nay. Loại tội phạm này thường hoạt động dưới phương thức và thủ đoạn là thành lập doanh nghiệp với rất nhiều ngành nghề kinh doanh, thuê nhà với hợp đồng ngắn hạn làm trụ sở công ty để có điều kiện mua hóa đơn GTGT. Sau khi mua được hóa đơn, các đối tượng bỏ trốn khỏi địa chỉ kinh doanh. Chỉ cần dạo qua thị trường và ghé vào bất cứ cửa hàng kinh doanh xe gắn máy nào cũng có thể dễ dàng phát hiện được những thủ đoạn gian lận thuế dưới hình thức ghi hoá đơn không đúng với giá thực bán; một chiếc xe Dylan giá bán trên thị trường khoảng 100 triệu đồng, nhưng trên hoá đơn các cơ sở này bán ra luôn chỉ ghi khoảng 60-70 triệu; chỉ tính riêng năm 2008 (kiểm toán niên độ 2007), Kiểm toán Nhà nước đã phát hiện nhiều sai phạm trong lĩnh vực thuế như: xác định sai thuế suất thuế GTGT; hạch toán thiếu doanh thu; hạch toán vào chi phí một số khoản chi phí không hợp lý, hợp lệ (kết quả kiểm toán 235 đơn vị, 21 bộ ngành và 194 đơn vị dự toán thuộc 35 địa phương đã xác định thuế và các khoản phải nộp tăng thêm 164,2 tỷ đồng...); công tác hoàn thuế, xoá nợ và miễn giảm thuế sai quy định thuộc trách nhiệm của các cơ quan thuế (năm 2007 có 11/35 địa phương miễn giảm thuế không đúng đối tượng, miễn giảm tiền thu sử dụng đất sai đối tượng, sai thẩm quyền... 68,1 tỷ đồng...); chi phí vượt định mức (kết quả kiểm toán hồ sơ thuế của 469 doanh nghiệp tại cơ quan thuế 35 tỉnh, KTNN xác định các khoản phải nộp NSNN tăng thêm 452,3 tỷ đồng)...

Theo nguồn tin từ Bộ Công an, các vi phạm có chiều hướng tăng lên theo các năm, cụ thể: nếu năm 1999 chỉ phát hiện 3 vụ vi phạm, năm 2000 lên 17 vụ, năm 2001 phát hiện 64 vụ, thì tính đến hết tháng 8 năm 2002 đã phát hiện 147 vụ vi phạm với tổng số tiền bị chiếm đoạt khoảng 480 tỷ đồng; đã khởi tố 46 vụ, xử lý hành chính 25 vụ... Như vậy, hiện tượng gian lận trong việc khấu trừ, hoàn thuế GTGT không chỉ gây thiệt hại về nguồn thu cho ngân sách Nhà nước mà còn có những tác động xấu đến hoạt động sản xuất kinh doanh và sự tăng trưởng của nền kinh tế.

Để hạn chế thất thu thì phải có một chính sách thuế và phương thức quản lý phù hợp với tình hình phát triển của nền kinh tế, đảm bảo hài hoà lợi ích kinh tế giữa Nhà nước và người nộp thuế. Có thể nói nguyên nhân gây thất thu bắt nguồn từ một chính sách thuế và phương thức quản lý không phù hợp với sự phát triển của nền kinh tế. Vì vậy, việc tìm ra những nguyên nhân để có những giải pháp khắc phục kịp thời là một yêu cầu khẩn thiết được đặt ra đối với ngành thuế nói riêng và nền kinh tế nước ta nói chung. Nguyên nhân chủ yếu của hiện tượng gian lận này là:

- Các quy định của pháp luật về thuế GTGT hiện hành còn quá nhiều khe hở, nhiều bất cập, không phù hợp với thực tại và yêu cầu phát triển của nền kinh tế.

- Thuế GTGT là một loại thuế mới tiên tiến, nhưng công nghệ quản lý thu thuế của nước ta hiện nay chưa đáp ứng kịp của tính tiên tiến và hiện đại.

Từ hai lý do này đã tạo ra nhiều cơ hội thuận lợi, khiến các chủ thể kinh doanh phải trốn thuế, lậu thuế, vì nếu kinh doanh chân chính sẽ bị thua thiệt, lợi nhuận thấp hoặc không thể tồn tại trong môi trường cạnh tranh của nền kinh tế thị trường.

- Tư tưởng chỉ đạo trong cải cách thuế còn ảnh hưởng dấu ấn của cơ chế kế hoạch hoá tập trung. Chưa chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cần thiết để triển khai thực hiện thuế GTGT có hiệu quả.

- Quá trình cải cách thuế chỉ mới tập trung nhiều đến khía cạnh chính sách mà chưa có sự quan tâm thích đáng đến việc cải cách hành chính thuế ngay từ đầu. Điều này đã dẫn đến năng lực quản lý hành chính thuế thấp, hiệu quả chưa cao, làm xuất hiện nhiều tồn tại trong công tác hành thu.

- Các cơ quan thanh tra, kiểm tra và kiểm toán đã phát hiện nhiều sai phạm nhưng hầu hết chỉ kiến nghị thu hồi, chưa có biện pháp mạnh để kiến nghị xử lý đối với những trường hợp vi phạm pháp luật, đặc biệt là kiến nghị xử lý về trách nhiệm người đứng đầu còn hạn chế.

Trốn lậu thuế gây thất thoát thuế và làm giảm thu ngân sách. Tuy nhiên, ở nước ta việc xử lý vi phạm cho hành vi trốn lậu thuế thường rất nhẹ, trong khi đó ở một số nước, trong đó có Trung Quốc, mức phạt nặng nhất cho hành vi trốn lậu thuế là tử hình.

Vì vậy, để giảm thiểu các hành vi trốn lậu thuế cần phải có những giải pháp hữu hiệu nhằm khắc phục hiện tượng gian lận trong khấu trừ, hoàn thuế GTGT:

Một là, hoàn thiện hành lang pháp lý và chính sách về thuế

- Hoàn thiện các quy định của pháp luật và các chính sách về thuế của Nhà nước đảm bảo khoa học, chặt chẽ và có tính ổn định lâu dài, tránh sự thay đổi quá nhanh và nhiều làm cho các nhà quản lý thuế và người nộp thuế rơi vào tình trạng lúng túng trong thi hành, gây nên sự hoài nghi của các nhà đầu tư, làm phương hại đến lợi ích của người nộp thuế, tăng trưởng kinh tế và lợi ích của quốc gia.

- Tôn trọng thuộc tính trung lập của hệ thống thuế hiện đại, hạn chế tối đa các quy định miễn giảm, khấu trừ làm xói mòn những mục tiêu cốt lõi của thuế, dễ gây nên tình trạng trốn, lậu thuế.

- Quá trình cải cách hệ thống thuế phải gắn chặt với vấn đề cải cách quan hệ tài khoá giữa các cấp chính quyền, năng lực quản lý hành chính thuế, khả năng thu thuế và “văn hoá” của người nộp thuế, như vậy mới tạo ra sự quan tâm, trách nhiệm của các cấp chính quyền địa phương đối với việc triển khai thực hiện hệ thống thuế mới.

- Việc cải cách chính sách thuế phải đi đôi với các biện pháp cải cách về thể chế, về cơ cấu trên toàn bộ nền kinh tế; đặc biệt coi trọng các lĩnh vực hỗ trợ cho cải cách hệ thống thuế như: hệ thống kế toán, kiểm toán, hệ thống các luật lệ liên quan đến hệ thống thuế.

Hai là, hoàn thiện phương thức quản lý thu thuế

Để triển khai có hiệu quả các quy định của pháp luật về thuế, cơ quan thuế phải chú ý hoàn thiện các phương thức quản lý thu thuế, cụ thể như sau:

- Thống nhất sử dụng đồng bộ công nghệ thông tin vào việc quản lý thu thuế nói chung và thuế GTGT nói riêng, nối mạng vi tính trên toàn quốc nhằm thực hiện tốt việc kiểm tra đối chiếu hoá đơn, chứng từ đầu vào, đầu ra.

- Hoàn thiện quy trình quản lý thu thuế theo hướng đơn giản, khoa học và hiệu quả trên cơ sở kết quả rà soát lại các sơ hở trong công tác hoàn thuế nói chung và thuế GTGT nói riêng.

- Đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao trình độ nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp cho cán bộ thuế.

- Khen thưởng kịp thời các cá nhân và tập thể chấp hành tốt nghĩa vụ thuế với Nhà nước và áp dụng các hình thức xử lý nghiêm minh trong công tác hành thu và chấp hành luật thuế.

- Quy định bắt buộc đối với doanh nghiệp khi thực hiện tính thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ phải thực hiện thanh toán qua ngân hàng và tin học hoá công tác tài chính - kế toán.

- Các cơ quan chức năng của Nhà nước như thanh tra, điều tra và kiểm toán phối hợp chặt chẽ trong công tác quản lý thu thuế, xử lý vi phạm pháp luật về thuế.

Ba là, nâng cao trách nhiệm của Kiểm toán viên nhà nước

Chống thất thu thuế không phải là một vấn đề nan giải, song cần phải xác định đây là một cuộc đấu tranh lâu dài, bền bỉ bằng những quan điểm, chính sách và biện pháp xử lý thích hợp trong từng giai đoạn phát triển của nền kinh tế - xã hội. Đối với kiểm toán viên nhà nước, khi thực hiện kiểm toán ở các cơ quan thuế, các doanh nghiệp nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập cần đặc biệt quan tâm việc phân loại các sai phạm trong lĩnh vực thuế để có biện pháp củng cố chứng cứ và hồ sơ, bằng các biện pháp nghiệp vụ, đặc biệt là khai thác tối đa quyền điều tra của kiểm toán viên nhà nước theo quy định tại khoản 2 Điều 52 Luật Kiểm toán nhà nước, nhằm làm rõ các hành vi vi phạm pháp luật hình sự.

Trong hoạt động kiểm toán khi phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật về thuế, gian lận, trốn lậu thuế kiểm toán viên cần phân tích và xem xét kỹ lưỡng về bản chất hành vi để tiến hành xác minh đến cùng một sự việc và kết luận cụ thể, rõ ràng mức độ vi phạm của tập thể và cá nhân, nếu các hành vi đó đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì đề nghị chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra để làm rõ và xử lý theo đúng quy định của pháp luật, không nên ngại khó, ngại khổ mà né tránh, không xử lý dứt điểm và nghiêm khắc các hành vi vi phạm pháp luật./.

Ths. Hoàng Văn Chương

và Ths.Lưu Thị Thanh Hà

Xem thêm »