CÁC RỦI RO NGHỀ NGHIỆP VÀ GIẢI PHÁP HẠN CHẾ RỦI RO TRONG HOẠT ĐỘNG KIỂM TOÁN

14/04/2010
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

  Kiểm toán Nhà nước ở Việt Nam mới được hình thành và phát triển 15 năm. Trong quá trình hoạt động, đội ngũ Kiểm toán viên nhà nước đã góp phần ngăn ngừa tệ tham nhũng, lãng phí tài sản công, làm lành mạnh hoá nền tài chính quốc gia; song bên cạnh đó hoạt động nghề nghiệp cũng luôn mang lại những rủi ro cho chính Kiểm toán viên và cơ quan KTNN cùng các tổ chức, cá nhân sử dụng tiền và tài sản của Nhà nước. Hệ quả của những rủi ro này không chỉ ảnh hưởng trước mắt mà có những rủi ro còn để lại ảnh hưởng rất lâu dài cho bản thân Kiểm toán viên, cũng như các tổ chức, cá nhân có liên quan.

  1. Nhận dạng những hậu quả rủi ro nghề nghiệp trong hoạt động kiểm toán
Thứ nhất, rủi ro nghề nghiệp gây cho kiểm toán viên:
- Tổn thất về tinh thần và uy tín cá nhân
- Dễ vi phạm pháp luật
- Giảm sút lòng tin với đồng nghiệp, sứt mẻ trong quan hệ xã hội
- Sự quan tâm chăm sóc gia đình, con cái bị giảm sút
Thứ hai, rủi ro nghề nghiệp gây cho đơn vị được kiểm toán, cho xã hội:
- Tổn hại về vật chất
- Tổn hại về uy tín, thương hiệu đơn vị và uy tín cá nhân người quản lý
Thứ ba, rủi ro nghề nghiệp gây thiệt hại cho chính cơ quan Kiểm toán nhà nước:
- Dư luận xã hội đánh giá không tốt về ngành
- Sự kỳ vọng của Đảng, Nhà nước và nhân dân giảm sút
2. Nguyên nhân và thực trạng dẫn đến các loại rủi ro nghề nghiệp trong hoạt động kiểm toán
Thứ nhất: Nguyên nhân do Kiểm toán viên
- Nếu năng lực chuyên môn hạn chế dễ dẫn đến các phân tích, nhận định, đánh giá, kết luận kiểm toán không phù hợp với các quy định của pháp luật, gây nên bức xúc cho những người quản lý trong đơn vị được kiểm toán, ảnh hưởng trực tiếp đến uy tín cá nhân kiểm toán viên và uy tín xã hội của cơ quan Kiểm toán Nhà nước. Từ chuyên môn hạn chế dẫn đến kết luận kiểm toán sai lệch khiến đơn vị được kiểm toán có thể tổn thất về vật chất khi bị bồi thường, nộp ngân sách nhà nước…tổn thất về uy tín, thương hiệu do bị đánh giá thiếu trung thực, minh bạch của báo cáo tài chính.v.v...
- Hiểu biết về pháp luật chưa đầy đủ là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến các hành vi áp đặt kết luận, chủ quan trong xử lý chuyên môn và trong quan hệ xã hội, không phân biệt những ranh giới giữa pháp luật hình sự và quan hệ dân sự, đơn giản hóa những hành vi ứng xử.
- Nếu KTV có tính bảo thủ, không thường xuyên nghiên cứu, cập nhật văn bản chế độ, lấy chủ nghĩa kinh nghiệm làm nền tảng để xử lý chuyên môn là nguyên nhân của những hành vi kết luận kiểm toán thiếu cơ sở pháp lý và thiếu tính thuyết phục dẫn đến kết quả kiểm toán không cao.
- Nếu KTV tự cao, thiếu khiêm tốn cũng sẽ là những nguyên nhân dẫn đến sự đánh giá không tốt về nhân cách của Kiểm toán viên nói riêng và góc nhìn thiếu thiện cảm đối với cơ quan Kiểm toán nhà nước nói chung của các đơn vị được kiểm toán.
Thứ hai: Nguyên nhân từ phía đơn vị được kiểm toán
- Do là một ngành nghề mới trong xã hội, Luật Kiểm toán nhà nước mới ra đời, bởi vậy không phải bất cứ đơn vị, cá nhân nào cũng có sự hiểu biết đầy đủ về cơ quan Kiểm toán Nhà nước. Từ những nhận thức không đầy đủ, hiểu sai về bản chất, chức năng và nhiệm vụ của Kiểm toán Nhà nước dẫn đến sự hợp tác lỏng lẻo, hời hợt; việc cung cấp thông tin tài liệu chậm trễ. Đây cũng là những nguyên nhân làm cho Kiểm toán viên không hoàn thành nhiệm vụ hoặc hoàn thành với mức độ thấp. Ngược lại, đối với một số đơn vị do hiểu được vai trò của Kiểm toán Nhà nước trong kiểm tra tài chính công và đặc biệt là trong công cuộc phòng, chống tham nhũng hiện nay, họ lo sợ bị phát hiện những hành vi gian dối trong quản lý, điều hành và sử dụng tiền và tài sản Nhà nước dẫn đến việc đối phó của tập thể, cá nhân đơn vị được kiểm toán, không tạo điều kiện cho hoạt động kiểm toán, nhiều người cố tình chậm trễ cung cấp tài liệu, hồ sơ do biết được thời gian kiểm toán có giới hạn. Nghiêm trọng hơn là sự manh nha sắp đặt đưa Kiểm toán viên vào bẫy vi phạm pháp luật để đổi lại những sai phạm bị phát hiện, hoặc dàn xếp kết quả kiểm toán theo hướng có lợi cho họ.
- Chống đối của tập thể, cá nhân đơn vị được kiểm toán khi kết quả kiểm toán có ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh mạng chính trị của người quản lý, sự thiệt hại lớn về vật chất và sự vi phạm pháp luật. Khi bị phát hiện những sai phạm lớn thì tìm cách mua chuộc kiểm toán viên hoặc cố tình giải trình lắt léo kéo dài hòng gây nản chí cho Kiểm toán viên, thậm chí đặt điều, vu khống để đe dọa Kiểm toán viên, chia rẽ các thành viên trong Tổ kiểm toán...
- Mất đoàn kết nội bộ trong đơn vị được kiểm toán là nguyên nhân dẫn đến việc một số cá nhân sử dụng kết quả dự thảo hoặc chính thức của Kiểm toán viên để làm phương tiện tố cáo lẫn nhau, triệt hạ nhau khiến Kiểm toán viên có liên quan chịu nhiều ảnh hưởng trong quá trình xác minh làm rõ.
Thứ ba: Nguyên nhân từ những người quản lý hoạt động kiểm toán
Nếu năng lực quản lý chuyên môn yếu của những người quản lý trong hoạt động kiểm toán còn yếu cũng rất dễ đem lại rủi ro cho Kiểm toán viên.
Thứ tư: Nguyên nhân khác
- Sức ép về thời gian, về chất lượng kiểm toán là một thách thức thường xuyên đối với Kiểm toán viên.
- Thời gian đi kiểm toán xa nhà kéo dài là nguyên nhân làm cho nhiều Kiểm toán viên thiếu điều kiện chăm sóc gia đình con cái.
- Cám dỗ về vật chất là hiện tượng phải thường xuyên đối mặt.
- Sự can thiệp trái thẩm quyền nếu xảy ra cũng sẽ khiến Kiểm toán viên lâm vào tình trạng khó xử và Kiểm toán viên phải gánh chịu nếu xảy ra rủi ro.v.v...
3. Giải pháp hạn chế những rủi ro
Từ những nguyên nhân và thực trạng trên đây, chúng tôi xin đề xuất những giải pháp để hạn chế những rủi ro nghề nghiệp trong hoạt động kiểm toán như sau:
Một là: Để tạo dựng cơ sở hoạt động cho Kiểm toán viên, cần hoàn thiện hệ thống văn bản quản lý, văn bản qui phạm pháp luật, các qui trình, chuẩn mực liên quan đến hoạt động kiểm toán. Đặc biệt cần quán triệt tới từng KTV các qui tắc và chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp bởi tầm ảnh hưởng trong đạo đức ứng xử của Kiểm toán viên đối với lòng tin của nhân dân đang là thách thức với nghề nghiệp kiểm toán hiện tại cũng như trong tương lai. Hiện nay, việc xác định trách nhiệm cá nhân trong hoạt động kiểm toán chủ yếu được qui định tại Luật Kiểm toán Nhà nước và Qui chế tổ chức và hoạt động của Đoàn kiểm toán song chưa cụ thể hóa các hành vi và trách nhiệm cá nhân khi vi phạm pháp luật kiểm toán. Vì vậy, cần nghiên cứu ban hành văn bản xác định rõ hành vi vi phạm và trách nhiệm cá nhân trong toàn bộ hệ thống quản lý hoạt động kiểm toán, đặc biệt là trách nhiệm của những người trực tiếp tham gia hoạt động kiểm toán. Ngoài ra, việc bố trí Đoàn kiểm toán, Tổ kiểm toán phải phù hợp với khả năng và năng lực thực có, tránh chạy theo thành tích.
Hai là: Thường xuyên tổ chức hội thảo, trao đổi kinh nghiệm về quản lý điều hành hoạt động kiểm toán cho Kiểm toán trưởng, Trưởng đoàn và Tổ trưởng. Qua đó rút ra những bài học kinh nghiệm từ thực tiễn. Đồng thời tăng cường hướng dẫn giáo dục pháp luật cho Kiểm toán viên dưới nhiều hình thức, nhiều cấp độ. Tăng cường hơn nữa việc phổ biến sâu rộng Luật Kiểm toán nhà nước dưới nhiều hình thức, nhiều cấp độ tất cả những đối tượng thụ hưởng ngân sách nhà nước. Tổ chức sát hạch kiến thức chuyên ngành Kiểm toán viên hàng năm, thi Kiểm toán viên giỏi, Trưởng đoàn giỏi và Tổ trưởng giỏi. Ba là: Có cơ chế khuyến khích, khen thưởng, tạo cơ hội thăng tiến cho những người quản lý, cho những Kiểm toán viên có tâm huyết với nghề nghiệp, có chất lượng kiểm toán cao thông qua bình bầu và xét duyệt hàng năm.
Bốn là: Tăng cường hệ thống kiểm tra, kiểm soát nội bộ, có cơ chế phối hợp với các Bộ, ngành, các địa phương trong việc giám sát hoạt động kiểm toán.
Năm là: Trên cơ sở kinh phí cho phép, có thể trích lập Quĩ dự phòng rủi ro nghề nghiệp để kịp thời ứng phó với những tổn thất do rủi ro nghề nghiệp gây ra cho các đơn vị được kiểm toán và cho Kiểm toán viên./.
Vũ Văn Hồng- Trần Lê Tuấn

Xem thêm »