Ghana: Sai phạm trong giải ngân Quỹ học bổng GETFund  

27/03/2020
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

  Ngày 24/02/2020, Tổng Kiểm toán Nhà nước Ghana Daniel Yaw Domelevo đã công bố bản Báo cáo kiểm toán hoạt động đối với Quỹ Tín thác Giáo dục Ghana (GETFund) cho giai đoạn 2012-2018. Báo cáo kết luận nhiều sai phạm trong việc thực hiện các quy định, chính sách về trao học bổng, đồng thời đưa ra một số khuyến nghị về việc sửa đổi Đạo luật GETFund 2000 của Ghana.

Cấp nhiều học bổng không đúng đối tượng

Tổng Kiểm toán Daniel Yaw Domelevo cho biết: “Mục đích của cuộc kiểm toán là để xác định xem GETFund có hành động theo đúng nhiệm vụ đề ra trong Đạo luật GETFund 2000 của Ghana liên quan đến việc quản lý Quỹ học bổng hay không”. Kết quả kiểm toán cho thấy, nhiều người thụ hưởng học bổng trong thời gian được kiểm toán không phải là đối tượng thực sự cần hỗ trợ ngân sách. Ông Domelevo đã đệ trình bản Báo cáo lên Quốc hội Ghana, trong đó có nêu tên của 86 người thụ hưởng không hợp lệ, một số trong số họ là các giảng viên, chính trị gia, quan chức chính phủ, nghị sĩ, người đứng đầu các tổ chức công...

Theo Tổng Kiểm toán Domelevo, GETFund đã chi 1,8 triệu Cedi (khoảng 320.000 USD) cho 86 người thụ hưởng này. Được biết, Bộ trưởng Bộ Giáo dục Matthew Opoku-Prempeh, Nghị sĩ Quốc hội Sarah Adwoa Safo, Thư ký Điều hành của Hội đồng Giáo dục và Đánh giá Chương trình Quốc gia (NaCCA) Hamidu Armah đều là những người được thụ hưởng từ Quỹ học bổng này. Cụ thể, bà Sarah Adwoa Safo được hưởng tiền trợ cấp sinh hoạt phí 12.800 USD khi học tại Trường Harvard Kennedy ngoài 17.004 USD tiền học phí, hay TS. Hamidu Armah được nhận 38.400 Bảng Anh sinh hoạt phí ngoài 33.000 Bảng Anh tiền học phí khi nghiên cứu Triết học tại Đại học Aberdeen, Anh.

Báo cáo chỉ trích Ban Lãnh đạo tiền nhiệm của GETFund đã vi phạm một số điều khoản của Đạo luật GETFund trong việc trao học bổng. GETFund là một trong những sáng kiến ​​của Chính phủ Ghana được thành lập theo luật của Nghị viện nhằm cung cấp hỗ trợ ngân sách để trao học bổng cho những người học có tài năng, nhưng thực sự cần hỗ trợ để tiếp tục theo đuổi nghiên cứu tại các tổ chức đại học được công nhận ở Ghana. Trong số hơn 3.000 học bổng được trao, có tới hơn 2.000 suất được trao cho những người theo học các khóa học ở nước ngoài, trong khi các khóa học này hoàn toàn có thể được thực hiện tương đương tại các tổ chức giáo dục công lập trong nước với chi phí ít tốn kém hơn.
 
Cần xây dựng quy trình, điều kiện chặt chẽ hơn

Tổng Kiểm toán Ghana đặc biệt nhấn mạnh: “Quá trình lựa chọn ứng viên là chưa công bằng, còn thiên lệch và không được cơ cấu chặt chẽ”. Các kiểm toán viên chính phủ cho biết, những người nhận học bổng hầu hết thuộc các gia đình có tiền, có địa vị, có ảnh hưởng trong xã hội và không thực sự có nhu cầu cần hỗ trợ ngân sách để tiếp tục theo đuổi việc học tập. Báo cáo kiểm toán kết luận rằng, những sai phạm trong việc cấp học bổng của GETFund dẫn đến việc nhiều sinh viên tài năng thực sự cần các khoản chu cấp lại bị bỏ rơi phía sau để phục vụ những mục đích có hơi hướng chính trị, trục lợi khác.

Ông Domelevo khuyến nghị Ban Lãnh đạo hiện tại của GETFund cần nhanh chóng tiến hành sửa đổi Đạo luật GETFund 2000, theo đó xây dựng các hệ thống chính sách, quy trình và điều kiện chặt chẽ, công bằng hơn để đảm bảo việc sử dụng hiệu quả các nguồn ngân sách công. “GETFund cần thiết lập các biện pháp để quản lý việc trao học bổng phù hợp với số ngân sách được phân bổ”, Báo cáo khẳng định. Theo ông Domelevo, cựu lãnh đạo GETFund dường như quản lý việc trao học bổng dựa theo những nhận định chủ quan và vi phạm nguyên tắc về đối tượng thụ hưởng.  

Phản hồi lại các kết quả của bản Báo cáo, ông Sam Garba - cựu Giám đốc GETFund trong giai đoạn 2012-2016 - đã bác bỏ mọi hành vi sai trái liên quan đến công tác quản lý học bổng trong thời gian ông tại vị và cho rằng ông chỉ tuân theo quy trình hiện hành trong việc trao học bổng. Theo ông, việc giải ngân các khoản học bổng đều phục vụ các hoạt động và chương trình giáo dục vì lợi ích chiến lược của quốc gia.

Bản Báo cáo của Tổng Kiểm toán Daniel Yaw Domelevo mặc dù gây nhiều tranh cãi và phản bác từ một số quan chức Chính phủ khi tên tuổi của họ bị nêu đích danh trong tài liệu Báo cáo, song cũng nhận được nhiều sự ủng hộ từ các bên. Ở một khía cạnh rộng hơn, bản Báo cáo đã cho thấy những vấn đề bất cập trong công tác quản lý ngân sách công ở quốc gia này. Được biết, Ủy ban Đạo đức Quốc gia Ghana sẽ vào cuộc để xác minh lần hai những phát hiện từ bản Báo cáo của Tổng Kiểm toán và để đảm bảo không có người thụ hưởng hợp lệ nào bị xúc phạm hay bôi nhọ danh dự.

(Theo Modern Ghana và Ghana Web)
(Báo Kiểm toán số 13/2020)

Xem thêm »