Tham nhũng - nhận dạng và các chế tài pháp lý

09/03/2009
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XI ngày 13 tháng 6 năm 2005 Quốc hội đã thảo luận và cho ý kiến vè Dự án Luật phòng, chống tham nhũng. Theo chương trình, Dự án Luật sẽ được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 8, dự kiến sẽ họp trong tháng 10, 11 năm 2005. Bài viết nêu và làm sáng tỏ các hành vi tham nhũng làm căn cứ đề ra các chế tài phòng, chống.

 PGS. TS Đặng Văn Thanh

Qua gần 20 năm đổi mới, nền kinh tế đất nước đã thoát khỏi suy thoái, tăng trưởng GDP ở mức cao, bình quân trên dưới 7/năm, có năm đã đạt trên 9, bốn năm 2001-2004 đạt bình quân 7,3; năng lực sản xuất được tăng cường, nhiều cơ sở hạ tầng được tạo dựng, quy mô kinh tế phát triển, tiềm lực tài chính đã mạnh hơn. Các cân đối vĩ mô của nền kinh tế được duy trì ổn định. Tuy vậy, trên con đường phát triển và hội nhập đất nước vẫn còn những nguy cơ và thách thức to lớn, trong đó có nguy cơ tham nhũng và gian lận. Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VIII đã nhận định: “Nạn tham nhũng là một nguy cơ trực tiếp quan hệ đến sự sống còn của hệ thống chính trị”. Vì vậy, Đại hội đã đề ra hai nhiệm vụ: “Phải tiến hành đấu tranh kiên quyết, thường xuyên và có hiệu quả chống nạn tham nhũng trong bộ máy nhà nước, trong các ngành, các cấp, từ trung ương đến cơ sở. Kết hợp những biện pháp cấp bách với những giải pháp có tầm chiến lược nhằm vừa hoàn thiện cơ chế, chính sách, kiện toàn tổ chức, chấn chỉnh công tác quản lý, khắc phục sơ hở vừa xử lý nghiêm kịp thời mọi vi phạm, tội phạm, huy động và phối hợp chặt chẽ mọi lực lượng đấu tranh nhằm ngăn chặn, duy trì và loại trừ tệ nạn tham nhũng”. Đại hội Đảng IX cũng đánh giá: “Tình trạng quan liêu tham nhũng, lãng phí... vẫn còn nghiêm trọng và khá phổ biến... và đó là những điều xã hội bức xúc nhất và hạn chế những thắng lợi của chúng ta”. Nhìn nhận vấn đề một cách trực diện hơn, phát biểu tại diễn đàn Quốc hội Khóa XI kỳ họp thứ 5, Thủ tướng Phan Văn Khải đã thẳng thắn chỉ rõ: “Cái hư hỏng, đồi bại chính từ sự thoái hóa (quan liêu, tham nhũng, ham chức quyền, danh lợi, dối trá, mất đoàn kết) trong một số những người có chức, có quyền thuộc bộ máy công quyền và khu vực kinh tế nhà nước...”.

Nhận diện tham nhũng

Tham nhũng là mối nguy cơ xâm hại đến hệ thống chính trị và bộ máy nhà nước. Tham nhũng là quốc nạn. Tham nhũng và gian lận là một loại tội phạm kinh tế, là hành vi nguy hiểm cho xã hội, bởi vì đó là hành vi do người có năng lực trách nhiệm hình sự thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý. ở mức độ khác nhau, tệ nạn tham nhũng diễn ra trên tất cả các lĩnh vực, có nơi, có lúc nghiêm trọng gây thiệt hại lớn đến tài sản của nhà nước, tác động tiêu cực đến trật tự, kỷ cương phép nước, ảnh hưởng đến uy tín của Đảng và nhà nước. Tham nhũng là hành vi của người có chức vụ, có quyền trong xã hội đã lợi dụng chức vụ và quyền đó để tham ô, ăn cắp, nhận và đưa hối lộ hoặc cố ý làm trái pháp luật, trái quy định của nhà nước vì động cơ vụ lợi, gây thiệt hại đến tiền, tài sản của nhà nước, tập thể và nhân dân, vi phạm các hoạt động đúng đắn của các cơ quan, tổ chức.

Tham nhũng là nguy cơ cùng với các nguy cơ khác đã trở thành trở lực và thách thức to lớn đối với đất nước trong thời kỳ đổi mới và phát triển.Tham nhũng, gian lận có thể là một hành vi phạm tội được quy định trong Bộ luật Hình sự hoặc những hành vi vi phạm chức trách công vụ mà chưa đến mức tội phạm. Thực chất, tham nhũng là sự lợi dụng chức, quyền của nhà nước, của một tổ chức, một nhóm người mà mình đại diện để trục lợi riêng. Nếu xét ở góc nhìn của xã hội thì tham nhũng trước hết phải được đánh giá như một hiện tượng xã hội tiêu cực, tha hóa với ba mức độ biểu hiện: tội phạm hình sự, sự vi phạm pháp luật, sự đồi bại về đạo đức và vi phạm các chuẩn mực xã hội.

Xét về phạm vi hoạt động của xã hội, thì tệ nạn tham nhũng chủ yếu có mặt ở hai phạm vi quan hệ :

- Một, tham nhũng là hành vi thể hiện bản chất phản bội lại chức trách công vụ (mua bán, đổi chác những gì không phải là của bản thân mình mà là của công, của công vụ do chức trách công vụ mang lại, trái với thực chất của công vụ mà anh ta được giao). Do đó, có thể khẳng định tham nhũng theo cách hiểu như vậy, chỉ xảy ra trong lĩnh vực quan hệ quyền lực và trong hệ thống quản lý ở những người nắm tiền, tài sản, có quyền trong cơ chế xin -cho hoặc ban phát chức vụ, lợi lộc.

- Hai, tham nhũng có biểu hiện trong quan hệ thương mại hay còn gọi là tham nhũng thương mại. Về hình thức, cũng là những hành vi lợi dụng cương vị thương mại, kinh doanh của những người có vai trò quản lý kinh tế, giữ cương vị đại diện đơn vị trong ký kết hợp đồng, thực hiện hợp đồng, trong mua bán, quản lý và sử dụng tiền, tài sản. Khác với những hành vi ở nhóm thứ nhất là ở đây là quan hệ kinh doanh, không nằm trong phạm vi quyền lực hay quản lý nhà nước.

Tệ nạn tham nhũng cũng có thể được phân tích từ hai khía cạnh: khía cạnh khách quan và khía cạnh chủ quan.

Về khía cạnh khách quan : Những đặc điểm khách quan là những thông số về hành vi tham nhũng đã xảy ra. Trước hết, nói lên mức độ phổ biến của các hành vi tham nhũng. Những thông số như vậy cho phép biết được những hành vi đó đã gây ra những thiệt hại như thế nào. Nhiều thống kê chưa đầy đủ cũng đã cho thấy các tài sản của nhà nước, của nhân dân bị chiếm đoạt, bị thất thoát lớn hơn nhiều so với những vi phạm và tội phạm khác cộng lại, đã làm tổn hại nặng nề về kinh tế và chính trị. Cần để cho nhân dân biết được điều đó. Nếu nhân dân biết được đầy đủ về những thiệt hại như vậy thì mới tạo lập và củng cố được quyết tâm chống tham nhũng ở mức cao hơn hiện nay. Thiết hại không chỉ được đo về kinh tế, vật chất mà còn đo được cả về mặt tư tưởng, chính trị, xã hội, đạo đức và lối sống. Sự băng hoại về đạo đức, sự vi phạm các chuẩn mực thông thường của cuộc sống còn nghiêm trọng hơn nhiều so với những thiệt hại vật chất cụ thể. Các thông số sẽ giúp cho biết có bao nhiêu hành vi thuộc loại chủ động xâm hại, và bao nhiêu hành vi thuộc loại bất hành vi, tức là không làm trọn một chức trách, công vụ phải làm để gây ra tổn hại cho nhà nước, cho nhân dân. Dấu hiệu khách quan còn có ý nghĩa là: Có bao nhiêu hành vi tham nhũng đã mang lại những hậu quả thực tế và có bao nhiêu hành vi ở dạng tạo ra nguy cơ dẫn đến những hậu quả tai hại; có bao nhiêu hành vi chỉ là nhất thời, còn bao nhiêu là hành vi liên tục, kéo dài trong một khoảng thời gian dài, ngắn khác nhau, mang tính trầm kha.

Về khía cạnh chủ quan: Nhận thức về đặc điểm, dấu hiệu chủ quan trước hết giúp chúng ta hiểu về chủ thể - đối tượng, người tham nhũng theo chức vụ, vị trí, phạm vi công tác, lứa tuổi, xuất thân, nghề nghiệp,... Kẻ phạm tội tham nhũng, gian lận lần đầu, nhất thời hay là kẻ tái phạm nguy hiểm... Tiếp đó là những chỉ số về động cơ, mục đích, mức độ tội lỗi... Tham nhũng là những hành vi lợi dụng địa vị công tác vì vụ lợi cá nhân, dù là lợi dụng thì cũng là thái độ cố ý. Tuy nhiên, cũng có thể có lỗi vô ý để hậu quả xảy ra.Tuy nhiên, chúng ta phải thừa nhận những khó khăn mà cuộc đấu tranh chống tham nhũng đã và đang gặp phải, những khó khăn bắt nguồn từ chính những đặc tính của các hành vi tham nhũng. Những hành vi đó có những cái chung nhất là mức độ ẩn (khó phát hiện) rất lớn so với những gì phát hiện được. Người ta đã nói tới sự liên kết, “gắn bó”, chẳng hạn giữa người nhận hối lộ và người đưa hối lộ, có khi người đưa hối lộ do bị sách nhiễu, bị bức bách, nhưng không hiếm các trường hợp có sự “muốn mất tiền”, có sự tự nguyện, tức là được người nhận hối lộ “vui lòng” nhận, người đi hối lộ “vui lòng” và “tự nguyện” đưa. Vì vậy, sự điều tra, khám phá không dễ thành công. Những gì chúng ta biết được, nhiều khi chỉ là một phần nhỏ của một bức tranh rất tối và rất rộng.

Hơn nữa, một yếu tố thuộc về đặc điểm nữa của tham nhũng là địa vị xã hội của người tham nhũng. Nếu như, đối với các vi phạm và tội phạm khác, yếu tố địa vị xã hội phần lớn không có hoặc rất thấp thì đối với tham nhũng đây là yếu tố gây cản trở lớn cho sự nhận biết và điều tra, xét xử. Người tham nhũng có thể (và đã luôn luôn) sử dụng lợi thế đó từ hai phía: phía cấp trên và từ phía cấp dưới hoặc dân thường, bởi sự nể trọng chức vụ và vị trí công tác mà Đảng, Nhà nước và nhân dân đã giao cho họ đảm trách. Đó là chưa kể đến sự bao che lấp liếm từ nhiều phía với rất nhiều loại động cơ khác nhau. Một khó khăn nữa trong việc phát hiện và đấu tranh chống tham nhũng là các vụ việc tham nhũng thường gắn liền với các phạm vi chuyên môn, nghiệp vụ hoặc quản lý. Để nhận ra hành vi gian lận và tham nhũng đòi hỏi phải có kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ, kiến thức và năng lực quản lý. Trong nhiều trường hợp, vụ việc không chỉ có yếu tố trong nước mà còn có yếu tố nước ngoài hoặc quốc tế. Những hành vi gian lận và tham nhũng luôn thay hình, đổi dạng liên tục, càng về sau càng tinh vi, càng gian giảo khiến “người thường” hay “mắt thường” không dễ dàng nhận ra được chứ chưa nói đến chống hay ngăn chặn.

Gian lận thường được đặc trưng bởi hành động lường gạt, dối trá và giấu diếm hay hành động lợi dụng lòng tin của chủ thể khác để thu lợi phi pháp và thiếu trung thực. Nói cách khác, gian lận chủ yếu là quan hệ tương hỗ, phi pháp giữa hai thực thể, qua đó một bên chủ tâm lừa gạt bên kia bằng những phương pháp sai trái nhằm thu lợi phi pháp và không chính đáng. Nếu gian lận được hiểu là một hành động phi pháp và không có nhiều sự khác nhau giữa hệ thống tư pháp của các quốc gia thì tham nhũng được biểu hiện hết sức đa dạng và rất khác nhau. Căn cứ vào chủ thể của hành vi là những người có chức vụ, có quyền hành và với động cơ là vì vụ lợi, thì tham nhũng được biểu hiện dưới các hình thức: gian lận, ăn cắp và tham ô tài sản của công, của người khác; đưa và nhận hối lộ, đút lót và tống tiền, dùng tài sản nhà nước, tài sản công làm của hối lộ, lợi dụng chức vụ quyền hạn để đưa hối lộ, môi giới hối lộ, lợi dụng chức vụ quyền hạn, tín nhiệm lừa đảo chiếm đoạt tài sản nhà nước, tài sản công, tài sản của người khác; lợi dụng chức vụ quyền hạn gây ảnh hưởng đến người khác để vụ lợi, lập quỹ trái phép để vụ lợi; khai khống hay khai thiếu, trốn lậu thuế, phí, buôn lậu, bao che buôn lậu, gian lận trong công vụ và hoạt động thương mại.

Nói tóm lại, tham nhũng là tất cả các hành động dùng công quyền trái với đạo đức nghề nghiệp để tư lợi hoặc các hành động xuyên tạc sự thật nhằm mục đích được hối lộ hay được ân huệ. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã coi tham ô là hành động xấu xa nhất, tội lỗi, đê tiện nhất trong xã hội và Người chỉ rõ: "Tham ô là trộm cướp của công, chiếm của công làm của tư".

Nguyên nhân của tình trạng tham nhũng

Nạn tham nhũng và gian lận có ở mọi nơi, mọi lúc ở cả những khu vực nhà nước cũng như khu vực kinh tế tư nhân. Vì vậy, vấn đề đấu tranh phòng và chống các tệ nạn này là một vấn đề bức xúc đang đặt ra đối với Đảng và Nhà nước ta nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội trong thời kỳ mới và sự mong đợi của nhân dân. Những năm qua Đảng và Nhà nước đã tăng cường đấu tranh chống tham nhũng và gian lận. Các ngành, các cấp đã có nhiều cố gắng trong việc phát hiện và xử lý kịp thời nhiều hành vi tham nhũng, thu hồi lại một phần tài sản cho nhà nước và nhân dân. Mặc dù vậy, cuộc đấu tranh chống tham nhũng vẫn chưa đạt kết quả như mong muốn. Tình trạng tham ô, hối lộ, sách nhiễu, biển thủ, cố ý làm sai, trái các quy định của Nhà nước... vẫn diễn ra phổ biến, thậm chí có nơi, có lĩnh vực còn phát triển nghiêm trọng hơn trước. Tình hình đó do nhiều nguyên nhân, trong đó có các nguyên nhân chủ yếu sau:

Một là - Việc tổ chức và triển khai cuộc đấu tranh chống tham nhũng chưa ngang tầm với thực tế đang diễn ra, nhiều cấp, nhiều ngành chưa quan tâm một cách triệt để, sâu sắc để làm đầy đủ trách nhiệm trong cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng ngày càng phức tạp và quyết liệt hơn.

Hai là - Công tác giáo dục, quản lý cán bộ, công chức bị buông lỏng, thiếu thường xuyên, thiếu chặt chẽ, một bộ phận cán bộ, công chức thoái hóa biến chất, chạy theo lối sống thực dụng của kinh tế thị trường, bất chấp pháp luật và đạo lý. Cái xấu bắt nguồn từ chủ nghĩa cá nhân đã lây lan nhanh trong công chức, đó là bệnh ham quyền, ham chức, ham lợi, ham danh, chạy theo đồng tiền, theo lối sống thực dụng, hưởng thụ, bất chấp pháp luật và đạo lý, bệnh không trung thực, gian dối, lắt léo...

Ba là - Các biện pháp phòng ngừa phát hiện và ngăn chặn tham nhũng còn thiếu và sử dụng chưa có hiệu quả.

Bốn là - Hệ thống pháp luật của Việt Nam còn trong quá trình hoàn thiện, chưa đồng bộ và thiếu cụ thể. Các khung hình phạt trong Luật hình sự đối với hành vi tham nhũng cũng như mức xử lý chưa nghiêm, chưa đủ sức ngăn chặn, cảnh tỉnh, thiếu tính giáo dục và răn đe.

Năm là - Nhiều chính sách quản lý còn bất hợp lý, sơ hở, chưa đồng bộ, chưa nhất quán, còn nhiều kẽ hở cho bọn tham nhũng lợi dụng luồn lách, như chính sách thuế xuất nhập khẩu, các quy định về thương mại, về cấp phép, cấp hạn ngạch hàng nhập xuất, quản lý hải quan. Các chính sách bất cập chậm được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình mới, do vậy vừa gây phiền hà vừa để cho bọn xấu có chỗ lợi dụng, gian lận và chiếm đoạt bất hợp pháp tiền, tài sản của tổ chức, cá nhân.

Sáu là - Từ khi Pháp lệnh chống tham nhũng được ban hành, công tác tổ chức chỉ đạo, kiểm tra ở một số bộ, ngành, địa phương có quan tâm triển khai, quán triệt nhưng còn mang tính hình thức, chỉ chuyển biến ở cấp lãnh đạo, chưa biến thành hành động ở cấp cơ sở. Các biện pháp tổ chức thực hiện chưa được cụ thể hóa, còn mang tính đối phó trước mắt, thiếu tính hệ thống. Sự phối hợp giữa các lực lượng, giữa các ngành chức năng có nơi, có lúc chưa đồng bộ, thiếu kịp thời nên việc phát hiện, trao đổi thông tin, điều tra, xử lý đạt hiệu quả thấp.

Bảy là - Một bộ phận cán bộ, công chức nhà nước vì lợi ích cá nhân , cục bộ của đơn vị, địa phương đã tiếp tay cho bọn gian lận trong thương mại, trong sử dụng công quỹ. Có không ít cán bộ, công chức thoái hóa biến chất, trong đó có cả một số cá nhân và đơn vị trong lực lượng chức năng bảo vệ pháp luật, chống buôn lậu; lực lượng kiểm tra, kiểm soát đã tham gia hoặc móc nối với bọn gian lận để được ăn chia hay nhận hối lộ.

Giải pháp phòng chống tham nhũng

Để tăng cường hơn nữa việc đấu tranh chống tham nhũng, gian lận trong hoạt động kinh tế cần phải có các giải pháp thật quyết liệt, thật hiệu quả. Chỉ có như vậy mới hy vọng lành mạnh hóa các quan hệ kinh tế xã hội, ổn định chính trị và phát triển kinh tế nhanh, bền vững.

Trước hết, cần tổng kết thực tiễn để nhận dạng, phân tích các điều kiện nảy sinh tham nhũng, môi trường tham nhũng, các loại và hình thức biểu hiện của tham nhũng, mối quan hệ giữa tham nhũng với tệ quan liêu trong bộ máy quản lý nhà nước, đề ra chiến lược phòng ngừa và chống tham nhũng. Các giải pháp phòng ngừa và chống tham nhũng phải rất cơ bản, đồng bộ nhằm ngăn chặn từ gốc, phát hiện xử lý nghiêm các vụ tham nhũng, đặc biệt là các vụ lớn. Chiến lược phòng ngừa và chống tham nhũng phải tiếp cận và gắn kết chặt chẽ với chương trình quốc gia phòng chống tội phạm nhằm phát huy rộng rãi phong trào chống tham nhũng. Cần phải nhìn nhận và thấy hết tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi gian lận và tham nhũng với biểu hiện là một loại tội phạm kinh tế, tội phạm do những người có đủ năng lực, trách nhiệm dân sự, hình sự gây ra.

Thứ hai, phải khẩn trương hoàn thiện các khuôn khổ pháp lý, đặc biệt là pháp luật về kinh tế. Hạn chế tối đa những sở hở tạo cơ hội cho sự gian lận và lách luật gây tổn hại cho lợi ích của nhà nước và công dân. Nâng cao trách nhiệm của cơ quan soạn thảo luật, nâng cao chất lượng của các Dự thảo luật. Tiếp tục đổi mới quy trình thảo luận, xem xét và thông qua luật của Quốc hội. Đảm bảo các quan hệ kinh tế, quan hệ xã hội đều được luật điều chỉnh và chế tài, các luật được ban hành, các chính sách được quy định trong luật cần có tính khả thi cao, đáp ứng và giải quyết các vấn đề bức xúc do cuộc sống đặt ra và là căn cứ để điều chỉnh, xem xét, đánh giá các hành vi trong xã hội. Luật phải ổn định, đồng thời được cập nhật, bổ sung phù hợp với sự phát triển, sự biến động của đời sống chính trị, kinh tế - xã hội.

Thứ ba, đề cao trách nhiệm công chức nhà nước, tạo lập và duy trì văn hóa công chức, văn hóa nghề nghiệp, văn minh công sở. Cần tạo lập và nâng cao trách nhiệm, công vụ của công chức, thái độ ứng xử của công chức trong giải quyết công việc, trong quan hệ với dân. Hết sức coi trọng việc giáo dục, trau dồi thường xuyên liên tục đạo đức, phẩm chất, ý thức trách nhiệm của công chức. Thực hiện dân chủ cơ sở trong nội bộ cơ quan và nội bộ nhân dân. Đề cao trách nhiệm và vai trò gương mẫu của người đứng đầu cơ quan, người lãnh đạo và coi đó là yếu tố quyết định để xây dựng cơ quan, đơn vị trong sạch vững mạnh. Coi xây dựng kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, thì phát triển văn hóa, văn hóa nghề, văn minh công sở, nếp sống mới, đời sống mới là củng cố nền tảng tinh thần của xã hội. Cần nâng tầm văn hóa của dân tộc, động viên toàn dân tộc, mọi binh chủng trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa, văn nghệ, dư luận xã hội để tuyên chiến với hiện tượng hủ bại, lười biếng, ăn trộm, ăn cắp... Ngăn chặn tham nhũng có hiệu quả phải thống nhất từ tư tưởng, nếp nghĩ và việc làm của cả xã hội, mỗi công chức, công dân, mỗi gia đình, dòng tộc, xóm làng, mỗi tập thể và cả cộng đồng. Lên án mạnh mẽ chứng vô cảm, thờ ơ, bàng quan trước tiêu cực và bức xúc. Tạo dựng và bảo vệ hệ giá trị xã hội đúng đắn, ngăn chặn sự lây lan và tiêu diệt cái hư hỏng, đồi bại từ sự thoái hóa, chống quan liêu, diệt trừ tham nhũng và như Bác Hồ đã dạy: “ Phải tẩy sạch nạn tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu”, tham ô là trộm cướp.

Thứ tư, phải tăng cường côngtác thanh tra, kiểm tra. Chấn chỉnh và tăng cường năng lực các tổ chức thanh tra, kiểm tra, nâng cao hiệu quả các hoạt động thanh tra, kiểm tra gồm cả thanh tra Chính phủ, thanh tra chuyên ngành, thanh tra, kiểm tra nội bộ. Tạo lập hệ thống kiểm soát nội bộ trong từng cơ quan, từng tổ chức, đảm bảo mọi quy trình nghiệp vụ, quy trình hoạt động, đặc biệt các quy trình liên quan đến tài sản, chọn lựa và bổ nhiệm nhân sự... được quy định chặt chẽ, hợp lý, được tuân thủ nghiêm ngặt. Thanh tra, kiểm tra phải kịp thời phát hiện và đề xuất giải pháp xử lý các vụ tham nhũng, đặc biệt là các vụ lớn. Xử lý nghiêm các vụ có tổ chức, câu kết giữa những phần tử biến chất trong bộ máy công quyền với những kẻ xấu trong xã hội. Rất đáng tiếc là tỷ lệ các vụ tham nhũng được phát hiện rất thấp chỉ khoảng 5 -10, trong đó hầu hết không do cơ quan tự phát hiện và đấu tranh. Cần xem lại tình trạng dân chủ nội bộ, năng lực, phẩm chất cán bộ lãnh đạo và người thừa hành công vụ. Tăng cường, kiểm tra, thanh tra việc thực hiện chế độ công vụ của công chức, khuyến khích và tạo điều kiện cho mọi người phát huy quyền làm chủ theo pháp luật, phát hiện và đấu tranh với hiện tượng vi phạm, nhũng nhiễu tiêu cực, tham ô.

Thứ năm, xây dựng cơ quan chuyên trách đủ quyền lực, đủ thực lực để thực hiện việc phòng và chống tham nhũng. Hoạt động của cơ quan phải đảm bảo sự thống nhất trong chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, hội tụ được ý chí, sức mạnh của hệ thống chính trị, có quyền sử dụng, điều động những bộ máy chuyên môn, bộ máy quản lý để phục vụ công việc. Cần tăng cường các cơ quan chức năng cùng với động viên, tổ chức nhân dân tham gia tích cực, hiệu quả trong cuộc đấu tranh này.

Tóm lại, tham ô và gian lận cùng với các tệ nạn xã hội đã và đang là điều nhức nhối, diễn ra rất nghiêm trọng, là một nguy cơ. Tính phổ biến của tham nhũng rất cao xảy ra ở nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều địa phương, nhiều dự án... Tham nhũng có liên quan nhiều đến buôn lậu, gian lận thương mại, lừa đảo, ma túy... với những chủ thể tham nhũng có địa vị xã hội ngày càng cao, thủ đoạn ngày càng tinh vi và phức tạp. Cần có quyết tâm chống tham nhũng của toàn xã hội với những giải pháp quyết liệt, triển khai liên tục triệt để, xóa bỏ vùng cấm và khu trú của tham nhũng. Hy vọng và tin tưởng rằng với sự thống nhất ý chí và hành động, sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ phận của hệ thống chính trị ở tất cả các cấp, sự tham gia tích cực của chính quyền, của nhân dân chúng ta sẽ ngăn ngừa và từng bước đẩy lùi nạn tham nhũng, gian lận vì một nền kinh tế và xã hội giàu, mạnh, minh bạch và văn minh./.

Xem thêm »