Bàn về vai trò của Kiểm toán Nhà nước trong phòng chống hối lộ và tham nhũng

09/03/2009
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Tham nhũng được coi là một nguy cơ, là quốc nạn. Quốc hội đang xem xét, thông qua luật phòng, chống tham nhũng. Hối lộ cũng là một nạn, xảy ra thường ngày ở khắp nơi. Hối lộ và tham nhũng tuy là 2 loại việc khác nhau nhưng có liên quan với nhau, chúng vừa là nguyên nhân, vừa là kết quả của nhau, nên cùng một lúc phải phòng, chống cả hai mới có thể đạt được kết quả.

 1. Hối lộ

Trước khi nói về hối lộ, cần phải phân biệt nó với hình thức quà biếu, tặng hợp lý mang nghi lễ kính trọng, nhớ ơn tới người bề trên trong gia đình, thầy cô giáo có công dạy mình, người thuộc quan hệ xã hội đã giúp đỡ mình trong quá trình công tác, người là ân nhân, bạn bè thân thiết...

Quà biếu, tặng theo ý nghĩa trên là nghĩa cử tốt đẹp, mang tính thuần phong mỹ tục của người Việt Nam ta, là nét văn hóa thanh lịch ở khắp vùng quê tới chốn thị thành. Nhưng rất tiếc, nét đẹp văn hóa này chỉ còn giữ được trong một bộ phận hoặc một vài trường hợp nhất định. Còn lại đã biến tướng, dùng hình thức quà biếu để thực hiện mục đích trục lợi trên nhiều phương diện xã hội, đó là sự hối lộ.

Sự hối lộ xảy ra bao giờ cũng có người đưa hối lộ và người nhận hối lộ.

Người đưa hối lộ thường là một cá nhân hoặc có một số ít trường hợp là một số cá nhân kết thành một dây; có trường hợp lấy danh nghĩa là một tập thể, một tổ chức.

Nguồn tiền hoặc tài sản đưa hối lộ thường là của cá nhân hoặc là tiền do tham nhũng mà có. Nếu là tập thể đi hối lộ là tiền của tập thể được lấy từ quỹ chung hoặc hạch toán vào chi phí kinh doanh hoặc kinh phí hoạt động của đơn vị.

Người đi hối lộ thì muôn hình vạn trạng. Chung quy lại có thể có mấy dạng chủ yếu sau:

- Hối lộ để chạy chức, chạy quyền xuất hiện ở một bộ phận cán bộ, công chức trong cơ quan, Đảng, chính quyền các cấp.

Người đã bỏ tiền để chạy chọt, khi đã an bài phải tìm cách thu hồi khoản đã chi bằng con đường trước đó đã đi, nhưng đổi vế trở thành người nhận hối lộ từ người khác hoặc tham nhũng tiền nhà nước.

- Hối lộ để chạy bằng cấp, xin việc làm ngày càng phát triển khi xã hội xuất hiện cung vượt cầu trong việc tuyển chọn người lao động. Ở những nơi làm việc có thu nhập cao, ngoài bằng cấp để đủ tiêu chuẩn thi vào còn phải "chạy trong" mới tìm được một chỗ làm việc.

Một số người chưa học hết cấp, hoặc học rồi mà thiếu điểm, thiếu môn, phải bỏ tiền đi hối lộ để được bằng. Trắng trợn hơn, có người không học cũng sẵn sàng bỏ tiền mua bằng. Trường hợp này nằm ngoài giới hạn hối lộ, trở thành tội phạm xã hội.

Hối lộ để chạy bằng thường nhằm mục đích hợp thức hóa tiêu chuẩn đầu vào trong khâu tuyển dụng lao động; trong khâu quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ.

Hối lộ để được vào nơi làm việc có thu nhập cao là sự tính toán, "hạch toán kinh tế" của người đi xin việc.

Đồng tiền của cá nhân đi hối lộ rơi vào túi một số người trong cơ quan, tổ chức sử dụng lao động và một số người có chức quyền.

- Hối lộ để chạy tội, có thể thấy ở mức thấp là hối lộ cảnh sát giao thông của người phạm luật giao thông; hối lộ của cá nhân, cán bộ, công chức khi vi phạm kỷ luật; hối lộ của cá nhân phạm tội trong giai đoạn điều tra thụ án; hối lộ của phạm nhân để được ra tù trước hạn; hối lộ của kẻ buôn lậu, kẻ phá rừng để dễ bề hoạt động và cả khi bị bắt...

Nạn đi hối lộ gắn bó với một bộ phận người biến chất trong xã hội nhằm leo cao, củng cố quyền hành, che giấu tội lỗi (kể cả tội ác) để kiếm lợi bất chính trong cương vị công tác hoặc trong làm ăn phi pháp. Cá biệt, có trường hợp bằng con đường hối lộ, các băng đảng xã hội đen được bảo kê đã gây bao tội ác với người dân, với xã hội trong một thời gian dài.

Số người nhận hối lộ thường ít hơn số người đi hối lộ. Người nhận hối lộ thường là người có chức, có quyền trong guồng máy nhà nước, trong một số tổ chức, doanh nghiệp nhà nước. Nhìn chung người đi hối lộ và người nhận hối lộ không tố cáo lẫn nhau, trừ trường hợp kẻ nhận hối lộ đòi hỏi quá mức và trắng trợn với người đi hối lộ, hoặc nhận hối lộ mà không đáp ứng yêu cầu của kẻ hối lộ.

Nạn hối lộ gia tăng thúc đẩy sự suy thoái đạo đức, lối sống của một bộ phận trong xã hội; đến mức họ cho rằng chẳng gì bằng có tiền, có tiền là mua được tất cả, thậm chí chi phối được cả hoạt động của cơ quan hành pháp và cơ quan bảo vệ pháp luật. Nạn hối lộ gây nhức nhối trong xã hội không kém gì nạn tham nhũng; nó làm ảnh hưởng trực tiếp đến vật chất của người dân lương thiện khi có việc cần phải chạy đến "cửa quan" xin giải quyết.

Cả 2 loại người trong nạn hối lộ đều phải bị lên án, song phải tập trung lên án mạnh với kẻ nhận hối lộ bởi vì loại này có thể thay đổi vị trí tội lỗi, lúc này là người nhận hối lộ, lúc khác lại là đi hối lộ.

Chống nạn hối lộ là công việc bức bách trong xã hội không kém gì chống tham nhũng.

- Biện pháp trực tiếp là phát động quần chúng tố giác cơ quan có trách nhiệm xử lý công khai đúng người, đúng việc và đưa kết quả xử lý ra trước công luận.

- Biện pháp gián tiếp mang tính ngăn chặn như xây dựng đúng cơ chế tuyển dụng, thực hiện quy trình công khai, dân chủ trong tuyển chọn, bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo; công khai hóa tiêu chuẩn đạo đức công vụ của cán bộ công chức, trách nhiệm của cán bộ- công chức với dân. Với nhân dân, xác lập đúng quyền và trách nhiệm tuân thủ quy định của nhà nước trong quan hệ dân sự, tránh tình trạng chạy chọt tiêu chuẩn, chế độ trong trường hợp không đủ hoặc không có tiêu chuẩn bằng con đường đi hối lộ.

Trong công tác bố trí cán bộ, phải đề cao hơn nữa vai trò gương mẫu. liêm khiết của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, từ đó tạo động lực xây dựng chế độ công vụ trong sạch trong hệ thống các cơ quan nhà nước.

2. Tham nhũng

Tham nhũng gắn liền với một số cán bộ- công chức thuộc loại có chức, có quyền song đang trên đà suy thoái, biến chất vừa tham lam, vị kỷ, vừa chạy theo mốt ăn chơi trác táng dẫn đến sa đọa nhiều mặt về đạo đức.

Đối tượng tham nhũng là tiền (hoặc tài sản) có nguồn gốc của nhà nước, của một số tổ chức xã hội.

Tham nhũng hiện nay chủ yếu xảy ra trong khâu đầu tư xây dựng cơ bản bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước (NSNN), trong việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia bằng nguồn vốn NSNN hoặc bằng tiền tài trợ của các tổ chức phi chính phủ. Thực chất của việc tham nhũng ở các khâu trên là rút ruột các công trình xây dựng để tạo nguồn chia chác trong một hệ thống từ người quyết định đầu tư, người thiết kế- lập dự toán, người quản lý dự án, người giám sát thi công, người duyệt quyết toán công trình..., đó là những đối tượng có trách nhiệm quản lý về XDCB ở một địa phương hay một bộ, ngành. Toàn bộ nguồn tiền để rải ra cho các đối tượng trên là do bên nhận thầu (bên B) lấy từ dự toán công trình để trang trải. Song chứng từ, tài liệu kế toán ở bên B bao giờ cũng "sạch sẽ", không bao giờ xuất hiện chứng từ chi cho người này, người khác nên khó phát hiện. Tiếp cận thực tiễn, có giám đốc công ty xây dựng đã bức xúc, nói thật rằng, với công trình làm đường giao thông, bên thắng thầu phải lo nộp đủ 10 cho ban quản lý dự án thì mới được khởi công. Đương nhiên, sau đó công trình giao thông bị bớt xén vật liệu, nhân công (nhưng vẫn hạch toán đủ theo chứng từ), khai khống khối lượng... khi quyết toán.

Ví dụ này và nhiều ví dụ khác tương tự đã đủ lý giải cho sự xuống cấp nhanh chóng của các công trình giao thông, thủy lợi, cầu, cống, nhà chung cư, văn phòng cơ quan, công trình văn hóa, thể thao, tượng đài trong những năm gần đây.

Tham nhũng cũng xảy ra trong khâu mua thiết bị, máy móc, phương tiện đi lại... trong các cơ quan hành chính, sự nghiệp và doanh nghiệp nhà nước. Việc giao dịch, mua, bán theo cơ chế thị trường được người bán hướng lợi ích cá nhân cho người mua, do đó người đi mua trở thành đối tác ăn ý với người bán để tham nhũng qua giá mua vật tư, máy móc, thiết bị.

Để thực hiện hành vi tham nhũng (móc tiền của nhà nước), dây tham nhũng được hình thành khéo và kín. Người nhận tiền tham nhũng (các cấp) có khi cho rằng chỉ là nhận quà biếu cảm ơn. Một số trắng trợn ấn định tỷ lệ ăn chia. Mọi trường hợp đều không để lại chữ ký nhận tiền, tức là không để lại bằng chứng khi có tố tụng.

Người sắp xếp nguồn tiền tham nhũng cũng không dám để lộ trên sổ kế toán của đơn vị mình, do tất yếu phải trà trộn vào các khoản chi tiêu báo cáo quyết toán, chẳng hạn như thủ đoạn nhập khống, xuất khống vật liệu, kê khai khống về thanh toán tiền thuê nhân công, thanh toán khống cho đội thi công với trường hợp thực hiện cơ chế khoán nội bộ về chi phí thi công... để rút tiền chuyển cho các nơi theo thỏa ước khi nhận thầu. Có trường hợp lo tạo nguồn tiền thông qua khoản tạm ứng cho đơn vị dưới, để đơn vị dưới có tiền để lo lót. Đơn vị dưới phải tự lo liệu “rút ruột” công trình để hoàn tạm ứng. Trường hợp không tự lo được thì khoản tạm ứng trở thành một nguyên nhân gây mất vốn của đơn vị. Có trường hợp doanh nghiệp không che đậy được khoản chi cho tham nhũng, đành phải kê vào chi phí kinh doanh một cách không trung thực, không hợp lý đã bị thanh tra, KTNN phát hiện. Có thể nói, người nhận đồng tiền tham nhũng cứ tưởng là một khoản quà biếu cảm ơn, nhưng người đưa tiền tham nhũng (chủ yếu là DNNN, tổ chức khác của nhà nước) là một sự bức xúc, nhưng vẫn phải làm vì quan hệ sinh tồn trong họat động của đơn vị. Đây là một nguyên nhân dẫn đến doanh nghiệp phải hạch toán vòng vo, chi phí không minh bạch, bị thâm hụt vốn.

Đấu tranh chống tham nhũng theo suy nghĩ của cá nhân tôi thì có thể tiến hành mấy biện pháp sau:

- Đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị và đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên, có thái độ lên án mạnh mẽ tệ tham nhũng. Phát động dũng khí đấu tranh với tệ tham nhũng, với từng con người cụ thể có hành vi tham nhũng.

Tình trạng kêu ca, phẫn nộ về tham nhũng thì nhiều, nhưng chỉ ra người tham nhũng thì ít. Trong từng cơ quan, từng cấp quản lý ít khi thủ trưởng tự phát hiện và xử lý người tham nhũng trong cơ quan hoặc địa phương mình, bởi nhiều lý do tế nhị. Tình trạng bàng quan hoặc không muốn tố giác người có chức quyền tham nhũng là khá phổ biến. Vì vậy Đảng, nhà nước cần có chính sách phát động, khen thưởng, bảo vệ người tố giác tội phạm tham nhũng mới có thể chỉ ra người cụ thể tham nhũng trong cơ quan, địa phương.

- Công tác cán bộ cần được tiến hành cẩn trọng. Phải xem xét kỹ 2 mặt năng lực và đạo đức. Cán bộ trong giai đoạn hiện nay không thiếu người được đào tạo đủ loại trình độ, song năng lực thực tế luôn có khoảng cách với học vị được đào tạo. Vì vậy không nên “bằng cấp hóa” trong quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ. Chính xu hướng “bằng cấp hóa” đã thúc đẩy hiện tượng hối lộ để có bằng, mua bán bằng, chứng chỉ giả để được nằm vào khuôn tiêu chuẩn hóa cán bộ.

Đảng, Nhà nước vẫn luôn coi trọng mặt đạo đức của cán bộ. Song trong công tác cụ thể còn có những quan điểm xem xét khác nhau, chẳng hạn người có bản năng nhanh nhẹn, tháo vát, chịu chơi, thường được coi là cán bộ năng động, dễ thích ứng cơ chế thị trường. Người có nền đạo đức trung thực, thật thà, giữ gìn kỷ cương phép nước thì được khen, nhưng cũng bị chê là chặt chẽ, không phù hợp với xu thế mới. Trong thực tiễn, có trường hợp cái đúng không được chấp nhận, ngược lại cái sai nhưng đã đem lại lợi ích riêng tư, gây ấn tượng với cán bộ cấp trên thì đương nhiên là có lợi cho họ trong việc được giới thiệu, xem xét bổ nhiệm. Bởi vậy khi xem xét bổ nhiệm cán bộ có trường hợp mặt đức bị xem xét chủ quan biến dạng, mặt tài thì thông qua liệt kê bằng cấp, chứng chỉ. Đó là nguyên nhân của sự kết dây cán bộ, trong đó có một số cán bộ do đã có “chi ngầm” (hối lộ) thì phải tìm cách “thu ngầm” (nhận hối lộ, tham nhũng) để bù đắp khoản chi và thu lợi cho mình.

Tình trạng trên nếu để tồn tại và lan rộng trong bộ máy Nhà nước các cấp thì cũng đồng thời là nguyên nhân của sự tồn tại và lan rộng nạn hối lộ, tham nhũng. Vì vậy chiến lược phòng, chống tham nhũng phải được bắt đầu từ việc chấn chỉnh, đổi mới công tác cán bộ trong cả nước, từ trung ương xuống địa phương.

- Đẩy mạnh các biện pháp nghiệp vụ trong phòng, chống tham nhũng.

+ Phát động quần chúng, gồm cán bộ trong cơ quan Nhà nước, nhân dân ở địa phương đấu tranh chống tham nhũng. Công khai hóa cho quần chúng biết các khoản chi, tiêu chuẩn chi. Đặc biệt trong chi XDCB cần cho dân biết về chủ trương đầu tư, thiết kế xây dựng và dự toán, cơ quan quản lý dự án, cơ quan giám sát thi công, đơn vị nhận thầu, quyết toán công trình; tạo điều kiện để dân giám sát về tiến độ và chất lượng xây dựng công trình, có hòm thư kín tiếp nhận ý kiến phản ánh của dân.

+ Quy định bắt buộc việc hạch toán, quyết toán riêng từng công trình nhận thầu với bên B, tạo điều kiện thuận lợi cho phối hợp và giám sát của bên A với bên B, cho công tác kiểm toán, duyệt quyết toán giá trị công trình xây dựng.

+ Kết quả duyệt quyết toán công trình, kết quả kiểm toán (KTNN và kiểm toán độc lập) phải được công bố công khai và xử lý triệt để những khoản chi sai trong quyết toán. Vì vậy phải kết hợp giữa sự tố giác của quần chúng với các khâu nghiệp vụ, điều tra xét hỏi mới có thể tìm ra kẻ tham nhũng.

3. Kiểm toán Nhà nước, bằng hoạt động của mình có thể góp phần vào công cuộc phòng, chống tham nhũng.

Hối lộ thường là quan hệ giữa các cá nhân, không để lại bằng chứng trên chứng từ, sổ kế toán. Nguồn tiền đưa hối lộ cũng thường là của cá nhân nên không phải là đối tượng kiểm toán của KTNN.

Tham nhũng chủ yếu là tham nhũng tiền từ NSNN. NSNN là đối tượng kiểm toán quan trọng của KTNN, do đó cùng với việc kiểm toán xác định tình hình chấp hành dự toán thu- chi, hiệu quả chi của các cấp ngân sách, còn phải phát hiện và vạch ra sự thất thoát các khoản chi ngân sách, nêu ra đúng nguyên nhân chủ quan, khách quan và kiến nghị hướng xử lý tới cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Như vậy KTNN có khả năng xác định được số lượng tiền ngân sách bị thất thoát, khái quát được nguyên nhân, hướng thất thoát. Do KTNN không có chức năng điều tra xét hỏi nên kết quả phát hiện của KTNN phải được cơ quan có chức năng điều tra tiếp tục nghiệp vụ điều tra xét hỏi, truy tìm bằng chứng để có kết luận về tham nhũng. Song trên thực tế, việc kiến lập quan hệ giữa các cơ quan hữu trách không phải là dễ. Việc điều tra xét hỏi các vụ tham nhũng từ trước đến nay chủ yếu do cơ quan công an tiến hành. Ngành KTNN mỗi năm tiến hành hàng trăm cuộc kiểm toán lớn, nhỏ, theo đó kiểm toán hàng trăm đối tượng quản lý và sử dụng NSNN, chắc chắn sẽ phát hiện được những vụ tham nhũng trong chi đầu tư XDCB, mua sắm thiết bị, chi chương trình mục tiêu quốc gia. Nếu có cơ chế phối hợp với các cơ quan có chức năng điều tra xét hỏi thì số vụ tham nhũng trên đất nước ta được phanh phui sẽ nhiều hơn hiện nay.

KTNN có thể phát huy tác dụng nhiều hơn ở khâu phòng tham nhũng nếu triển khai loại hình kiểm toán hoạt động. Khi đó qua kiểm toán hoạt động sẽ có điều kiện xác định kịp thời tính kinh tế, tính hiệu quả, tính hiệu lực của hoạt động thu- chi ngân sách, phát hiện kịp thời sự thất thoát tiền ngân sách do chi sai mục đích, sai chế độ; vạch ra được sự lãng phí trong một số quyết định đầu tư, thực hiện một số chương trình mục tiêu.

Trong cuộc chiến chống tham nhũng, quan tâm đến biện pháp chống là cần thiết cho trước mắt và lâu dài. Song đi liền với chống, phải quan tâm đến việc xây một nền nếp quản lý ở các địa phương, đơn vị có nhiệm vụ quản lý thu- chi ngân sách. Qua việc kiểm toán hàng năm, các kiểm toán viên, các đoàn KTNN có điều kiện tổng hợp, đúc kết kinh nghiệm về quản lý tài chính- ngân sách ở các địa phương, đơn vị để nhân rộng kinh nghiệm quản lý tốt ra cả nước.

Đội quân Kiểm toán viên nhà nước mang đầy đủ tính nhân văn trong phong cách làm việc, có kỷ luật nghiêm, đảm bảo kết luận kiểm toán công minh, chính trực, thể hiện được dũng khí chống tham nhũng, lãng phí sẽ góp phần thiết thực vào sự nghiệp làm lành mạnh hóa nền tài chính quốc gia, góp phần tích cực vào ngăn chặn và chống tham nhũng, lãng phí./.

Xem thêm »