"Với tính chất tương đồng trong hoạt động, hai bên có thể hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau trên nhiều mặt"

09/03/2009
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Qua 60 năm hoạt động và 20 năm đổi mới, ngành Thanh tra Tài chính đã góp phần to lớn tăng cường kỷ cương, kỷ luật về tài chính; là công cụ quan trọng của Nhà nước và ngành Tài chính trong công tác quản lý kinh tế, tài chính; đã nhận nhiều phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước, ông có thể vui lòng chia sẻ những kinh nghiệm và những vấn đề đáng quan tâm của Thanh tra Tài chính với Kiểm toán Nhà nước, một ngành cũng hoạt động trong lĩnh vực kiểm tra, giám sát lĩnh vực tài chính, ngân sách nhà nước nhưng đang trong quá trình hình thành và phát triển?

(Ông Nguyễn Kim Liên - Chánh Thanh tra Tài chính trả lời phỏng vấn của Tạp chí Kiểm toán")

Qua 60 năm hoạt động và 20 năm đổi mới, ngành Thanh tra Tài chính đã góp phần to lớn tăng cường kỷ cương, kỷ luật về tài chính; là công cụ quan trọng của Nhà nước và ngành Tài chính trong công tác quản lý kinh tế, tài chính; đã nhận nhiều phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước, ông có thể vui lòng chia sẻ những kinh nghiệm và những vấn đề đáng quan tâm của Thanh tra Tài chính với Kiểm toán Nhà nước, một ngành cũng hoạt động trong lĩnh vực kiểm tra, giám sát lĩnh vực tài chính, ngân sách nhà nước nhưng đang trong quá trình hình thành và phát triển?

Trong 60 năm qua, lịch sử thanh tra tài chính Việt Nam gắn liền với lịch sử của Nhà nước cách mạng Việt Nam. Qua mỗi thời kỳ cách mạng, Thanh tra Tài chính đều góp phần tích cực vào sự nghiệp chung, tạo nên bề dầy truyền thống của ngành. Phát huy truyền thống đó, đội ngũ cán bộ, thanh tra viên của Thanh tra Tài chính luôn phấn đấu hoàn thành những nhiệm vụ được giao và đã đạt được những thành tích nhất định, được Đảng và Nhà nước tặng thưởng nhiều phần thưởng như Huân chương Lao động, Huân chương Độc lập...

Để đạt được những kết quả đó, trong thời gian qua, được sự quan tâm của Lãnh đạo Bộ Tài chính cũng như những cơ quan có liên quan, Thanh tra Tài chính đã từng bước kiện toàn tổ chức bộ máy, xây dựng được đội ngũ cán bộ, thanh tra viên có đủ năng lực chuyên môn nghiệp vụ, có phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp, xây dựng được hệ thống quy trình, quy chế và từng bước hoàn thiện hệ thống quy trình, quy chế này làm cơ sở cho việc nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, cũng như quản lý chặt chẽ các Đoàn Thanh tra bằng hệ thống quy chế công việc chung, từ đó bảo đảm chất lượng của từng cuộc thanh tra, cũng như ngăn ngừa được những hiện tượng tiêu cực có thể nảy sinh. Trong hoạt động thanh tra, Thanh tra Tài chính thực hiện phương châm lấy xây để chống, bên cạnh việc phát hiện, làm rõ những vi phạm trong công tác quản lý kinh tế, tài chính của đơn vị được thanh tra để đưa ra những kết luận, kiến nghị chấn chỉnh kịp thời, Đoàn Thanh tra còn góp phần nâng cao năng lực, trình độ quản lý của cán bộ quản lý tại cơ sở, qua đó, nâng cao hiệu quả thực sự của công tác thanh tra.

Thời gian tới, Thanh tra Tài chính tiếp tục hoàn thiện hệ thống tổ chức cơ cấu bộ máy của Thanh tra Bộ, Thanh tra các Tổng cục theo tinh thần của Nghị định 81/2005/NĐ-CP của Chính phủ. Đồng thời, tiếp tục bổ sung hoàn hiện hệ thống quy trình thanh tra cho phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ được giao. Có kế hoạch đào tạo bồi dưỡng để nâng cao hơn nữa phẩm chất chính trị, trình độ, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ thanh tra viên, xứng đáng là tai mắt của trên, là bạn của dưới, là những người chiến sỹ trên tuyến đầu của mặt trận chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.

Được biết trong thời gian qua hành lang pháp luật cho hoạt động thanh tra tài chính đã được hoàn thiện cơ bản, điển hình là việc Quốc hội thông qua Luật Thanh tra năm 2004 và mới đây Chính phủ đã ban hành Nghị định 81/2005/NĐ-CP; ngoài ra còn có các văn bản pháp luật liên quan như Luật Phòng chống tham nhũng, Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Luật Kiểm toán Nhà nước... xin đồng chí cho biết điều đó tạo thuận lợi như thế nào đối với hoạt động thanh tra tài chính?

Luật Thanh tra năm 2004 ra đời đã hình thành một khung pháp lý đầy đủ, toàn diện, tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho công tác tổ chức và hoạt động của hệ thống thanh tra nói chung và thanh tra tài chính nói riêng. Năm 2005, Chính phủ ban hành Nghị định 81/2005/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của Thanh tra Tài chính đã tạo ra bước ngoặt mang tính bản lề cho Thanh tra Tài chính kiện toàn hệ thống tổ chức và hoạt động của mình. Bên cạnh đó, Luật Kiểm toán Nhà nước được Quốc hội khóa XI, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 14/6/2005 cũng tạo điều kiện cho việc phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn giữa Kiểm toán Nhà nước và hệ thống thanh tra nói chung, Thanh tra Tài chính nói riêng. Điều này giúp cho các cơ quan có chức năng thanh tra, kiểm tra, giám sát có thể hoàn thiện hoạt động của mình trên cơ sở quy định của Luật, đồng thời, cũng tạo ra khả năng phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan này (trong đó có Kiểm toán Nhà nước và Thanh tra Tài chính) trong quá trình hoạt động.

Đồng thời, việc một số văn bản luật liên quan như Luật phòng, chống tham nhũng, Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được Quốc hội thông qua cũng tạo nên cơ sở pháp lý vững chắc để Thanh tra Tài chính có thể nâng cao hiệu lực của công tác thanh tra; giúp cho các kết luận, kiến nghị thanh tra mang tính khả thi cao, nhất là đối với thủ trưởng cơ quan, đơn vị có sai phạm trong công tác quản lý kinh tế, tài chính. Đây có thể nói là một trong những điểm quan trọng nhất để Thanh tra Tài chính góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh chống các hành vi tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, phát huy vai trò của mình trong hệ thống quản lý tài chính, ngân sách nhà nước.

Một trong những nỗ lực của Nhà nước trong việc xây dựng và ban hành hệ thống chính sách, chế độ về hoạt động thanh tra, kiểm tra tài chính nói chung đó là loại trừ và giảm bớt sự trùng chéo, giảm sự phiền hà cho đối tượng của hoạt động thanh tra, kiểm tra; lĩnh vực Kiểm toán Nhà nước và Thanh tra Tài chính gần đây đã được ban hành những văn bản quan trọng như nêu trên, xin đồng chí cho biết ý kiến đánh giá về vấn đề này?

Việc loại trừ và giảm bớt sự trùng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm tra đã được chú trọng từ nhiều năm nay. Năm 1998, khi Chính phủ ban hành Nghị định 81/1998/NĐ-CP về công tác thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp thì công tác thông tin, phối hợp giữa các cơ quan có chức năng thanh tra, kiểm tra để tránh chồng chéo càng được tăng cường, không chỉ đối với hoạt động thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp mà kể cả các lĩnh vực khác. Riêng trong lĩnh vực tài chính, ngày 19/11/2002, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã có Quyết định số 142/2002/QĐ-BTC ban hành quy chế phân định nhiệm vụ của từng cơ quan trong ngành tài chính khi thanh tra, kiểm tra nhằm tránh chồng chéo và xử lý khi có chồng chéo. Những năm qua Thanh tra Chính phủ, Thanh tra Tài chính và Kiểm toán Nhà nước đã thực hiện chế độ thông báo kế hoạch thanh tra, kiểm tra hằng năm, từ đó đã góp phần tránh chồng chéo ngay từ khâu kế hoạch.

Với sự ra đời của các văn bản quan trọng như Luật Thanh tra, Luật Kiểm toán Nhà nước, Nghị định 81/2005/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của Thanh tra Tài chính thì việc chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm tra tài chính, ngân sách càng khó có khả năng xảy ra, vì mỗi cơ quan đều có chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn riêng. Tuy nhiên, giữa Thanh tra Tài chính và Kiểm toán Nhà nước vẫn có khả năng xảy ra sự trùng chéo khi Kiểm toán Nhà nước thực hiện hoạt động kiểm toán thuân thủ và kiểm toán hoạt động. Còn với hoạt động kiểm toán báo cáo tài chính của Kiểm toán Nhà nước, thì ngay cả khi Kiểm toán Nhà nước thực hiện việc kiểm toán đối với tất cả các đơn vị dự toán, thì Thanh tra Tài chính, với chức năng quản lý Nhà nước của mình vẫn phải thực hiện việc thanh tra định kỳ hoặc đột xuất nhằm phục vụ yêu cầu quản lý của ngành vì hoạt động kiểm toán báo cáo tài chính mới chỉ là việc kiểm tra, đánh giá và xác nhận tính đúng đắn, trung thực của báo cáo tài chính.

Thực tế những năm qua cho thấy, thường ở những khâu, những nơi có vấn đề trong quản lý thì dễ bị nảy sinh hiện tượng trùng chéo trong thanh tra, kiểm tra. Trong khi đó, Kiểm toán không có điều kiện đi sâu vào bản chất của mỗi hiện tượng, hành vi vi phạm pháp luật trong quản lý kinh tế - tài chính nên có thể để lọt các hành vi vi phạm không bị phát hiện. Do đó, sự phối hợp chặt chẽ và toàn diện giữa Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ, Thanh tra Tài chính là một yêu cầu cơ bản đối với hoạt động của các cơ quan này nhằm giảm bớt sự chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm tra; đồng thời bảo đảm phát hiện kịp thời các hành vi vi phạm trong quản lý kinh tế - tài chính.

Nhìn từ góc độ kết quả hoạt động của Thanh tra Tài chính những năm gần đây, đặc biệt là các đợt thanh, kiểm tra trên diện rộng về việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2002-2003 cùng với việc tổ chức thanh tra một số chuyên đề gần đây, đồng chí nhận định như thế nào về những khó khăn và thách thức mà Thanh tra Tài chính và Kiểm toán Nhà nước sẽ gặp trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ và tham gia phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm chống lãng phí trong thời gian tới và khả năng phối hợp, hỗ trợ lẫn nhau để hoàn thành nhiệm vụ trên?

Về những khó khăn, thách thức mà Thanh tra Tài chính và Kiểm toán Nhà nước gặp phải trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chính trị của mình, có thể thấy trên một số mặt sau đây:

Thứ nhất, chúng ta phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, hệ thống cơ chế, chính sách, pháp luật còn đang trong quá trình hoàn thiện, vì vậy đứng trước mỗi vấn đề đúng, sai trong công tác quản lý kinh tế, tài chính đòi hỏi phải có cái nhìn toàn diện. Chúng ta đấu tranh không khoan nhượng đối với những hành vi tham nhũng, lãng phí, tiêu cực nhưng không vì thế mà làm mất đi những nhân tố mới, tích cực, có thể có những cách làm hay, chưa có tiền lệ, chế độ chính sách chưa đề cập tới thì những người làm công tác thanh tra, kiểm tra cũng phải đủ sự tỉnh táo để nhận ra, từ đó có những kiến nghị phù hợp nhằm hoàn thiện hệ thống cơ chế chính sách. Nếu không đủ sự nhạy cảm cần thiết thì có thể người cán bộ làm công tác thanh tra, kiểm tra sẽ làm triệt tiêu những nhân tố mới, tích cực, hoặc cũng có thể bỏ lọt nhũng hành vi vi phạm pháp luật không bị xử lý.

Thứ hai, việc thực hiện kết luận, kiến nghị qua thanh tra, kiểm toán của các đơn vị còn chưa được thực hiện triệt để, làm hạn chế tác dụng, hiệu quả của công tác thanh tra, kiểm tra. Chế tài xử lý, nhất là xử lý đối với cán bộ có sai phạm còn khó thực hiện, do đó tính răn đe chưa cao. Điều này cũng làm giảm hiệu lực, hiệu quả của công tác thanh tra, kiểm tra.

Thứ ba, để xây dựng được một đội ngũ cán bộ làm công tác thanh tra, kiểm toán có phẩm chất chính trị, năng lực chuyên môn đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đòi hỏi cả một quá trình lâu dài. Trong khi đó, chế độ đãi ngộ đối với đội ngũ này còn nhiều hạn chế, nhất là trong điều kiện công tác thường xuyên xa nhà, lại chịu những tác động bởi mặt trái của cơ chế thị trường. Vì vậy, công tác xây dựng lực lượng là một trong những khó khăn, thách thức đối với các cơ quan thanh tra, kiểm tra nói chung, Thanh tra Tài chính và Kiểm toán Nhà nước nói riêng.

Về khả năng phối hợp, hỗ trợ lẫn nhau giữa Kiểm toán Nhà nước và Thanh tra Tài chính. Với tính chất tương đồng trong hoạt động, hai bên có thể hợp tác, hỗ trợ nhau trên nhiều mặt như phối hợp, chia sẻ thông tin, dữ liệu; hợp tác trong việc nghiên cứu, trao đổi kinh nghiệm; hợp tác trong việc đào tạo kỹ năng nghiệp vụ... Điều này đòi hỏi sự nỗ lực cao của hai cơ quan, nếu có sự hợp tác chặt chẽ, chắc chắn hiệu quả hoạt động thanh tra, kiểm toán sẽ được nâng cao một bước.

Luật Kiểm toán Nhà nước có hiệu lực từ năm 2006 có quy định về việc công khai kết quả kiểm toán, một quy định mới trong hoạt động kiểm toán nhà nước, ông có thể vui lòng chia sẻ những kinh nghiệm của Thanh tra Tài chính về vấn đề này?

Luật Thanh tra năm 2004 có quy định về nguyên tắc hoạt động thanh tra, đó là hoạt động thanh tra phải tuân theo pháp luật; bảo đảm chính xác, khách quan, trung thực, công khai, dân chủ, kịp thời; không làm cản trở hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức, cá nhân là đối tượng thanh tra. Như vậy, có thể thấy rằng hoạt động thanh tra nói chung, thanh tra tài chính nói riêng được công khai ngay cả trong quá trình thanh tra. Khi có kết quả thanh tra, các văn bản mang tính pháp lý như Báo cáo kết quả thanh tra, Kết luận thanh tra đều được gửi tới những cơ quan có trách nhiệm liên quan, điều này đảm bảo tính công khai, minh bạch của hoạt động thanh tra, kiểm tra.

Đối với kết quả kiểm toán thì cũng tương tự, khi đã đảm bảo tính chính xác, khách quan của Báo cáo kiểm toán thì việc công khai kết quả kiểm toán sẽ góp phần nâng cao hiệu quả của công tác kiểm tra, kiểm toán. Yêu cầu công khai, minh bạch quá trình hoạt động và kết quả thanh tra, kiểm tra cũng là một trong những yếu tố đòi hỏi phải nâng cao chất lượng của từng cuộc thanh tra, kiểm tra, đó cũng chính là mục tiêu của mỗi cơ quan thực hiện chức năng này.

Đỗ Hồng Công (Thực hiện)

Xem thêm »