Luật kiểm toán nhà nước năm 2005, một công cụ pháp lý quan trọng trong hoạt động kiểm tra, giám sát các nguồn lực tài chính nhà nước

09/03/2009
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Kiểm toán Nhà nước trực thuộc Chính phủ được thành lập và hoạt động theo Nghị định số 70/CP ngày 11/7/1994 của Chính phủ, với chức năng kiểm tra, đánh giá, xác nhận tính đúng đắn, hợp pháp, độ tin cậy của các thông tin, số liệu kiểm toán về Ngân sách nhà nước, về hoạt động tài chính nhà nước, phục vụ cho Quốc hội, Chính phủ trong các quyết định, các quyết sách. Thời gian qua, Kiểm toán nhà nước (KTNN) đã làm được nhiều việc góp phần nâng cao chất lượng, độ tin cậy của thông tin tài chính - kế toán, chỉ ra các sai phạm, yếu kém, các sơ hở trong quản lý tài chính, giúp Nhà nước, các đơn vị hiểu rõ hơn thực trạng công tác quản lý tài chính, tuân thủ và chấp hành pháp luật, kỷ luật tài chính, sử dụng và bảo vệ nguồn lực quốc gia, nguồn vốn của Nhà nước. Thông tin và kết luận của Kiểm toán nhà nước đã cung cấp cho Chính phủ, Quốc hội làm các căn cứ cho các quyết định ở tầm vĩ mô và giám sát các hoạt động tài chính, phân bổ và sử dụng Ngân sách nhà nước.

Kiểm toán Nhà nước trực thuộc Chính phủ được thành lập và hoạt động theo Nghị định số 70/CP ngày 11/7/1994 của Chính phủ, với chức năng kiểm tra, đánh giá, xác nhận tính đúng đắn, hợp pháp, độ tin cậy của các thông tin, số liệu kiểm toán về Ngân sách nhà nước, về hoạt động tài chính nhà nước, phục vụ cho Quốc hội, Chính phủ trong các quyết định, các quyết sách. Thời gian qua, Kiểm toán nhà nước (KTNN) đã làm được nhiều việc góp phần nâng cao chất lượng, độ tin cậy của thông tin tài chính - kế toán, chỉ ra các sai phạm, yếu kém, các sơ hở trong quản lý tài chính, giúp Nhà nước, các đơn vị hiểu rõ hơn thực trạng công tác quản lý tài chính, tuân thủ và chấp hành pháp luật, kỷ luật tài chính, sử dụng và bảo vệ nguồn lực quốc gia, nguồn vốn của Nhà nước. Thông tin và kết luận của Kiểm toán nhà nước đã cung cấp cho Chính phủ, Quốc hội làm các căn cứ cho các quyết định ở tầm vĩ mô và giám sát các hoạt động tài chính, phân bổ và sử dụng Ngân sách nhà nước.

Tuy nhiên kết quả trên còn ở mức khiêm tốn, chưa đáp ứng yêu cầu của Chính phủ và Quốc hội; kiểm toán chưa khẳng định một cách thật đầy đủ, khách quan về mức độ tin cậy của số liệu dự toán, về số đúng hoặc gần đúng của dự toán ngân sách, của quyết toán ngân sách và tình hình sử dụng các quỹ của Nhà nước ngoài ngân sách. Quốc hội thiếu những căn cứ và chỗ dựa mang tính chuyên môn để thảo luận và quyết định, nhất là trong đầu tư xây dựng cơ bản, lĩnh vực mà nhân dân và Quốc hội rất quan tâm, chưa có câu trả lời thật rõ ràng về độ tin cậy của quyết toán, về sự lãng phí, thất thoát dù là của một công trình, một dự án cụ thể; của một ngành, một địa phương. Khiếm khuyết này do nhiều nguyên nhân, cả về chủ quan và khách quan, trong đó phải kể đến là: hệ thống pháp luật kiểm toán nhà nước còn rải rác ở nhiều văn bản khác nhau làm hạn chế hiệu lực, hiệu quả của hoạt động KTNN; chưa có một văn bản pháp lý cao về vị thế, tổ chức và hoạt động của KTNN.

Để khắc phục những tồn tại, hạn chế của hệ thống pháp luật về Kiểm toán nhà nước Quốc hội khóa XI, kỳ họp thứ 7 đã thông qua Luật Kiểm toán nhà nước. Luật Kiểm toán nhà nước được ban hành là một bước tiến quan trọng trong việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật về kinh tế, tài chính, là công cụ pháp lý để tăng cường kiểm tra, kiểm soát hoạt động quản lý, sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước, góp phần làm minh bạch và lành mạnh hoá nền tài chính quốc gia.

Luật KTNN đã xác định rõ phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, nguyên tắc hoạt động và địa vị pháp lý của KTNN, gồm địa vị pháp lý, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức của KTNN; nhiệm vụ, quyền hạn của kiểm toán viên nhà nước; đơn vị được kiểm toán và tổ chức, cá nhân có liên quan; hoạt động và bảo đảm hoạt động của KTNN. Đối tượng áp dụng Luật KTNN gồm: Đơn vị được kiểm toán; KTNN; tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến hoạt động kiểm toán nhà nước.

Về nguyên tắc hoạt động kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước, Luật quy định KTNN hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật; trung thực, khách quan. Có thể nói, độc lập và chỉ tuân theo pháp luật là nguyên tắc cơ bản, quan trọng xuyên suốt đối với hoạt động kiểm toán của KTNN; nguyên tắc này dựa trên cơ sở KTNN với tư cách là cơ quan kiểm tra tài chính bên ngoài của nhà nước. Nguyên tắc này bảo đảm cho hoạt động KTNN phù hợp với thông lệ quốc tế. Trung thực, khách quan là nguyên tắc gắn với bản chất, chi phối toàn diện hoạt động kiểm toán và không thể tách rời nguyên tắc độc lập và chỉ tuân theo pháp luật của hoạt động kiểm toán.

Về địa vị pháp lý: Luật xác định địa vị pháp lý của KTNN là cơ quan chuyên môn về lĩnh vực kiểm tra tài chính nhà nước do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật. KTNN có chức năng kiểm toán báo cáo tài chính, kiểm toán tuân thủ, kiểm toán hoạt động đối với mọi cơ quan, tổ chức quản lý, sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước. Trong đó kiểm toán báo cáo tài chính để đánh giá, xác nhận tính đúng đắn, trung thực của báo cáo tài chính là chức năng đặc thù của kiểm toán nói chung và KTNN nói riêng.

Về nhiệm vụ, quyền hạn của KTNN: Với vị thế là cơ quan chuyên môn về kiểm tra tài chính nhà nước do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật. Ngoài những nhiệm vụ, quyền hạn đã được giao Luật KTNN bổ sung các nhiệm vụ, quyền hạn mới cho KTNN, đó là: Tự quyết định kế hoạch kiểm toán hằng năm và báo cáo với Quốc hội, Chính phủ trước khi thực hiện; xem xét quyết định việc kiểm toán khi Thường trực Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có yêu cầu; trình ý kiến của KTNN để Quốc hội xem xét, quyết định dự toán, phân bổ, phê chuẩn quyết toán Ngân sách nhà nước; tham gia với Uỷ ban kinh tế và ngân sách của Quốc hội, các cơ quan khác của Quốc hội, Chính phủ trong việc xem xét, thẩm tra dự toán Ngân sách nhà nước, phân bổ ngân sách trung ương; tham gia với Uỷ ban kinh tế và ngân sách trong hoạt động giám sát về lĩnh vực tài chính ngân sách; tổ chức báo cáo kết quả kiểm toán năm và kết quả thực hiện kiến nghị kiểm toán với Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội; gửi báo cáo kiểm toán cho Hội đồng Dân tộc, các uỷ ban của Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; cung cấp kết quả kiểm toán cho Bộ tài chính, Hội đồng nhân dân nơi kiểm toán và cơ quan khác theo quy định của pháp luật; công bố công khai kết quả kiểm toán; chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra xem xét, xử lý các vi phạm theo quy định của pháp luật; tổ chức thi và cấp chứng chỉ kiểm toán viên nhà nước; chỉ đạo hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ kiểm toán nội bộ. Đây là một bước phát triển quan trọng về tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của KTNN, khắc phục được những hạn chế của các Văn bản pháp luật dưới luật trước đây. Là cơ quan của Quốc hội, KTNN hoạt động có hiệu quả hơn, tránh tình trạng "vừa đá bóng, vừa thổi còi" ngăn ngừa tham nhũng, và phù hợp với chức năng giám sát của Quốc hội, thể hiện đúng là công cụ mạnh của Nhà nước trong việc kiểm tra, giám sát các hoạt động kinh tế, tài chính.

Về hệ thống tổ chức và hoạt động của KTNN: KTNN được tổ chức và quản lý tập trung thống nhất gồm bộ máy điều hành, KTNN chuyên ngành, KTNN khu vực và các đơn vị sự nghiệp. Đây là mô hình thích hợp và hiệu quả qua thực tiễn hoạt động hơn 10 năm của KTNN, phù hợp với quy định về quản lý, điều hành Ngân sách nhà nước theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

Về giá trị của báo cáo kiểm toán: Theo quy định của Luật thì giá trị của báo cáo kiểm toán được xác định rõ là căn cứ pháp lý để xác nhận về tính đúng đắn, trung thực của báo cáo tài chính, báo cáo quyết toán ngân sách; về tính tuân thủ pháp luật, tính kinh tế, tính hiệu lực và hiệu quả trong quản lý, sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước. Đơn vị được kiểm toán phải thực hiện các kết luận, kiến nghị của KTNN đối với các sai phạm và thực hiện các biện pháp khắc phục các yếu kém do KTNN phát hiện và kiến nghị. Kết luận kiểm toán đã được cơ quan, người có thẩm quyền chấp nhận có giá trị bắt buộc thực hiện.

Như vậy, Luật KTNN đã khẳng định giá trị của báo cáo kiểm toán là công cụ cung cấp thông tin, phục vụ có hiệu quả cho công tác quản lý điều hành hoạt động tài chính nhà nước của cơ quan Nhà nước.

Về đối tượng kiểm toán; đơn vị được kiểm toán; giám sát và giải quyết kiến nghị: Đối tượng kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước là hoạt động có liên quan đến quản lý, sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước. Đơn vị được kiểm toán là tất cả các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và tổ chức quản lý, sử dụng NSNN, tiền và tài sản nhà nước. Luật quy định về quyền và nghĩa vụ của đơn vị được kiểm toán; theo đó đơn vị được kiểm toán có quyền từ chối cung cấp thông tin, tài liệu không liên quan đến nội dung kiểm toán; Thảo luận, giải trình bằng văn bản về dự thảo báo cáo kiểm toán; khiếu nại với KTNN về những vấn đề liên quan đến hoạt động kiểm toán; yêu cầu KTNN, kiểm toán viên nhà nước bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật. Quy định này đảm bảo cho việc kiểm soát, giám sát của Nhà nước đối với toàn bộ hoạt động kinh tế, tài chính của Nhà nước, cả về tài chính nhà nước và tài chính doanh nghiệp nhà nước và các tài sản nhà nước.

Luật KTNN 2005 là một công cụ pháp lý quan trọng, việc triển khai Luật KTNN sẽ là điều kiện quan trọng để KTNN khẳng định vị thế, nâng cao năng lực hoạt động, hiệu lực pháp lý, chất lượng và hiệu quả KTNN. Để làm được điều đó, theo chúng tôi:

- Thứ nhất: Cần có sự thống nhất về nhận thức, quan điểm đã được luật hoá, về nội dung hoạt động, tổ chức bộ máy, cơ chế vận hành của KTNN. Trước hết cần tuyên truyền sâu, rộng, đúng đối tượng để có những hiểu biết đúng, đủ và thống nhất về KTNN, về hoạt động KTNN.

- Thứ hai: Cần coi KTNN là một công cụ thực hiện quyền lực của nhân dân bằng kiểm kê, kiểm soát trong xây dựng và quản lý đất nước. Nhận thức như vậy sẽ xác định rõ phạm vi, đối tượng của hoạt động kiểm toán và lựa chọn phương pháp triển khai thích hợp.

- Thứ ba: KTNN cần làm tốt nhiệm vụ hỗ trợ Quốc hội, Hội đồng nhân dân trong việc tăng cường năng lực giám sát tài chính - ngân sách nhà nước, tăng cường năng lực, quan hệ với các cơ quan của quốc hội. Tham gia gián tiếp, trực tiếp thông qua hoạt động giám sát của Hội đồng dân tộc và các Uỷ ban của Quốc hội.

Nhà nước Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, là nhà nước của dân, do dân và vì dân. Hiệu lực, hiệu quả của Nhà nước có thể đạt được phụ thuộc khá lớn vào sự quản lý và vânh hành nền tài chính quốc gia lành mạnh, minh bạch. KTNN là công cụ quan trọng, có hiệu lực trong hệ thống tổ chức của nhà nước pháp quyền đó. Hiệu lực và hiệu quả của hoạt động kiểm toán được nâng cao góp phần bảo đảm thực hiện quyền của Quốc hội, của Hội đồng nhân dân trong các quyết định tài chính ngân sách và hoạt động giám sát./.

TS. Nguyễn Văn Thuận Bí thư Thành uỷ - Chủ tịch HĐND thành phố Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng

Xem thêm »