Một số yêu cầu về Kế hoạch kiểm toán phục vụ giám sát của Quốc hội trong năm 2006

09/03/2009
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Sau khi xin ý kiến các vị đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XI, Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã có công văn đồng ý để Kiểm toán Nhà nước triển khai thực hịên kế hoạch kiểm toán năm 2006. Để Kiểm toán Nhà nước triển khai thực hịên kế hoạch kiểm toán có chất lượng, đáp ứng được yêu cầu giám sát của Quốc hội và Uỷ ban thường vụ Quốc hội, theo chúng tôi cần lưu ý một số yêu cầu sau đây

GS-TSKH Tào Hữu Phùng Phó Chủ nhiệm Uỷ ban KT & NS của Quốc hội

 Sau khi xin ý kiến các vị đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XI, Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã có công văn đồng ý để Kiểm toán Nhà nước triển khai thực hịên kế hoạch kiểm toán năm 2006. Để Kiểm toán Nhà nước triển khai thực hịên kế hoạch kiểm toán có chất lượng, đáp ứng được yêu cầu giám sát của Quốc hội và Uỷ ban thường vụ Quốc hội, theo chúng tôi cần lưu ý một số yêu cầu sau đây:

Một là: Nghị quyết số 50/2005/NQ ngày 29/11/2005 của Quốc hội về chương trình và kế hoạch giám sát trong năm 2006 là một đạo luật đòi hỏi các cơ quan nhà nước, các ngành, các cấp phải triệt để tuân thủ. Kiểm toán Nhà nước với tư cách là cơ quan chuyên môn trong lĩnh vực kiểm tra tài chính nhà nước cần kịp thời cung cấp thông tin từ hoạt động kiểm toán báo cáo tài chính, kiểm toán tuân thủ và kiểm toán hoạt động để phục vụ Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc và các Uỷ ban của Quốc hội thực hiện kế hoạch giám sát trong năm 2006. Vì vậy, ngay từ những tháng đầu và quý đầu năm 2006, Kiểm toán Nhà nước cần chú trọng những thông tin kiểm toán về tình hình thực hiện các dự án đầu tư XDCB, hoạt động của hệ thống ngân hàng, chất lượng tín dụng, hoạt động của DNNN cổ phần hoá, tình hình quản lý và sử dụng đất đai, chính sách hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở, nước sinh hoạt cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo có hoàn cảnh khó khăn (chương trình 134). Đặc biệt, Kiểm toán Nhà nước cần cung cấp thông tin và kịp thời lập báo cáo kiểm toán quyết toán NSNN năm 2004 trên cơ sở báo cáo của từng cuộc kiểm toán; lập và gửi báo cáo kiểm toán theo quy định tại Điều 53 và 54 của Luật Kiểm toán Nhà nước để phục vụ Quốc hội xem xét phê chuẩn tổng quyết toán NSNN năm 2004 vào kỳ họp thứ 9.

Trong quá trình thực hiện kế hoạch kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước cần có kiến nghị kịp thời với Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ những điều kiện cần thiết để bảo đảm cho kế hoạch kiểm toán đạt hiệu quả cao nhất.

Hai là: Căn cứ vào yêu cầu, nhiệm vụ, thời gian, nhân lực của Kiểm toán Nhà nước, cần ưu tiên thực hiện kiểm toán việc sử dụng ngân sách, vốn và tài sản nhà nước của các bộ, ngành, các cấp chính quyền địa phương, các đơn vị, dự án, chương trình có sử dụng nhiều ngân sách, tiền và tài sản nhà nước. Theo tinh thần đó, không nhất thiết kiểm toán các dự án mới đi vào hoạt động hoặc các dự án có quy mô và tính chất hoạt động không lớn. Ưu tiên kiểm toán các dự án, chương trình sử dụng vốn vay nước ngoài, vốn ODA để thực hiện các công trình quan trọng quốc gia trong một số lĩnh vực như giao thông, thuỷ lợi, phát triển rừng, thực hịên trên địa bàn một số tỉnh. Ưu tiên kiểm toán các đơn vị đã nhiều năm chưa được kiểm toán hoặc đã được kiểm toán nhưng có vấn đề “nóng” đang nổi lên trong quản lý và sử dụng ngân sách, tiền, tài sản nhà nước được Quốc hội và cử tri quan tâm.

Ba là: Trong quá trình thực hiện kế hoạch kiểm toán cần kết hợp kiểm toán báo cáo tài chính với kiểm toán tuân thủ và kiểm toán hoạt động; chú trọng kiểm toán tính hiệu quả của một số công trình quan trọng quốc gia, tính hịêu quả trong sử dụng ngân sách của một số bộ, ngành và địa phương có số thu chi ngân sách lớn. Kiểm toán một số hoạt động theo chuyên đề (như kiểm toán các chương trình mục tiêu quốc gia, các công trình quan trọng quốc gia, đầu tư XDCB từ nguồn NSNN…) nhằm phát hiện các hành vi tham nhũng, lãng phí, góp phần thực hiện Luật phòng chống tham nhũng và Luật thực hành tiết kiệm chống lãng phí vừa được Quốc hội thông qua.

Bốn là: Trong quá trình kiểm toán báo cáo quyết toán NSNN của các bộ, ngành, địa phương, cần chú trọng kiểm toán các hoạt động thu và chi NSNN, đề xuất cụ thể các khoản cần truy thu và các khoản cần xuất toán hoặc giảm trừ trong dự toán năm sau. Chú trọng kiểm toán các lĩnh vực hoạt động tương đối gần nhau và có nhiều dư luận quan tâm (như y tế, giáo dục, khoa học công nghệ; hoặc thuế, hải quan, kho bạc), kiểm toán chi đầu tư XDCB từ nguồn NSNN phục vụ cho yêu cầu chấn chỉnh công tác quản lý ngân sách, quản lý và nâng cao hiệu quả đầu tư XDCB của Quốc hội. Đồng thời, chú trọng cả kiểm toán việc quản lý và sử dụng vốn ODA trong lĩnh vực giao thông, thuỷ lợi, phát triển nông nghịêp nông thôn; kiểm toán các quỹ tài chính nhà nước (như quỹ bảo hiểm xã hội, quỹ hỗ trợ phát triển, quỹ đầu tư phát triển địa phương…)

Năm là: Ngoài các đối tượng kiểm toán đã được xác định trong kế hoạch kiểm toán năm 2006, Kiểm toán Nhà nước cần dự phòng lực lượng và chuẩn bị kế hoạch tập trung kiểm toán những đối tượng theo yêu cầu của Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội để trên cơ sở đó lập báo cáo kiểm toán đột xuất theo quy định tại điều 53 của Luật KTNN. Đó có thể là những đối tượng sử dụng nhiều ngân sách, tiền và tài sản nhà nước; những đối tượng “có vấn đề” mà Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc và các Uỷ ban của Quốc hội quan tâm; những đối tượng mà lâu nay Kiểm toán nhà nước chưa thực hiện kiểm toán hoặc kiểm toán chưa triệt để. Thực hịên kiểm toán theo yêu cầu của Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội phải bảo đảm tính chính xác cao, không dàn đều, cân nhắc và lựa chọn hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm giữa các bộ, ngành, lĩnh vực, các địa phương, vùng miền.

Sáu là: Để có thêm thông tin cung cấp cho Quốc hội và bổ sung kế hoạch kiểm toán được đầy đủ, phản ánh được nhiều lĩnh vực, nhiều đối tượng, vừa có tính chất phòng ngừa, vừa có tính chất răn đe, thì có thể tiến hành kiểm toán thêm các đơn vị, dự án lớn thuộc Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Đài truyền hình Việt Nam, Bộ Giáo dục Đào tạo, dự án đường Hồ Chí Minh, các Cụm cảng hàng không, các chương trình mục tiêu quốc gia như Báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Kinh tế và Ngân sách đã đề xuất. Thực hiện đầy đủ kế hoạch kiểm toán đã được Quốc hội và Uỷ ban TVQH cho ý kiến với chất lượng cao, đúng tiến độ và cung cấp thông tin kịp thời, tham gia các hoạt động giám sát của Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Kiểm toán Nhà nước sẽ góp phần xứng đáng tạo ra sự chuyển biến lớn trong quản lý tài chính, ngân sách, vốn và tài sản nhà nước, bắt đầu từ năm 2006 – năm đầu tiên thực hiện Luật kiểm toán Nhà nước và các Nghị quyết mới của Uỷ ban thường vụ Quốc hội.

Bảy là: Thực hiện kế hoạch kiểm toán cần tránh chồng chéo với kế hoạch Thanh tra tài chính, Thanh tra Chính phủ và cơ quan kiểm tra của Đảng, nhưng đồng thời cũng cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa Kiểm toán Nhà nước với các cơ quan này để hoạt động kiểm toán nhà nước phát huy được vai trò tích cực trong việc thực hiện chức năng và nhịêm vụ theo quy định của Luật Kiểm toán Nhà nước, tạo ra chỗ dựa vững chắc để Quốc hội, Chính phủ sửa đổi, bổ sung những cơ chế và chính sách quản lý phù hợp, đáp ứng được yêu cầu chiến lược phát triển kinh tế-xã hội trong thời kỳ mới.

Tám là: Kế hoạch kiểm toán năm 2006 mới chỉ thực hiện kiểm toán tại 10 bộ, cơ quan TW; 50 tỉnh thành trong cả nước; 14 dự án thuộc lĩnh vực đầu tư XDCB; 20 doanh nghiệp nhà nước; một số đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và khối các cơ quan Đảng; nhưng với cách thức tổ chức kiểm toán theo quy trình hợp lý, khoa học, bám sát Luật KTNN sẽ chắc chắn đạt hiệu quả cao, đáp ứng yêu cầu phục vụ giám sát của Quốc hội và Uỷ ban thường vụ Quốc hội. Trên cơ sở đó, Kiểm toán Nhà nước sẽ ngày càng phát huy vai trò to lớn trong việc giúp Quốc hội thực hiện tốt hơn chức năng giám sát và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước.

Với vị thế mới là cơ quan chuyên môn trong lĩnh vực kiểm tra tài chính nhà nước do Quốc hội thành lập, họat động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, Kiểm toán nhà nước sẽ thực hịên tốt chức năng kiểm tra, kiểm toán theo pháp luật, đồng thời sẽ giúp Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội giám sát việc quản lý và sử dụng ngân sách của các cơ quan Nhà nước, các đơn vị sự nghiệp, đơn vị kinh tế Nhà nước và các đoàn thể quần chúng, các tổ chức xã hội. Đến lượt mình, Quốc hội với tư cách là cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất, cần sử dụng Kiểm toán Nhà nước như một công cụ hữu hiệu để thực hịên quyền giám sát tối cao theo quy định của pháp luật, nhất là triển khai thực hịên có hiệu quả chương trình giám sát năm 2006 theo Nghị quyết của Quốc hội. Để Kiểm toán Nhà nước đáp ứng được yêu cầu nêu trên của Quốc hội cần tạo điều kịên thụân lợi về tổ chức, nhân sự, kinh phí và chế độ tiền lương hợp lý cho Kiểm toán Nhà nước đủ sức hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao./.

Xem thêm »