"Mong sao Kiểm toán Nhà nước góp phần đắc lực trong việc giữ tiền và giữ người cho đất nước"

09/03/2009
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Từ khi được thành lập đến nay, một trong những nhiệm vụ quan trọng và xuyên suốt của cơ quan Kiểm toán Nhà nước là cung cấp thông tin phục vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và Chính phủ trong việc xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng về kinh tế, ngân sách của đất nước. Với tư cách là Lãnh đạo một cơ quan của Quốc hội, xin đồng chí vui lòng cho biết ý kiến đánh giá về việc thực hiện nhiệm vụ trên của Kiểm toán Nhà nước những năm vừa qua?

(Trả lời phỏng vấn Tạp chí Kiểm toán của đồng chí Nguyễn Thị Hoài Thu - Chủ nhiệm Uỷ ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội)

Từ khi được thành lập đến nay, một trong những nhiệm vụ quan trọng và xuyên suốt của cơ quan Kiểm toán Nhà nước là cung cấp thông tin phục vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và Chính phủ trong việc xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng về kinh tế, ngân sách của đất nước. Với tư cách là Lãnh đạo một cơ quan của Quốc hội, xin đồng chí vui lòng cho biết ý kiến đánh giá về việc thực hiện nhiệm vụ trên của Kiểm toán Nhà nước những năm vừa qua?

Kiểm toán Nhà nước là cơ quan hỗ trợ , cung cấp thông tin phục vụ họat động các cơ quan của Quốc hội trong đó có họat động giám sát chi tiêu ngân sách nhà nước. Vừa qua, trong báo cáo của các đoàn giám sát của UBTVQH về xây dựng cơ bản, về khám chữa bệnh cho nhân dân cũng có sự góp phần rất lớn của cơ quan kiểm toán tìm ra được những sai sót trong việc sử dụng các nguồn vốn.

Luật Kiểm toán Nhà nước đã được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ ngày 1/1/2006 quy định Kiểm toán Nhà nước là cơ quan chuyên môn do Quốc hội thành lập. Xin đồng chí cho biết những yêu cầu đặt ra của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội nói chung và ủy ban Các vấn đề xã hội nói riêng đối với hoạt động kiểm toán nhà nước trong giai hiện nay và tiếp theo?

Kiểm toán Nhà nước là cơ quan chuyên môn về lĩnh vực kiểm tra tài chính nhà nước, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật.Với chức năng và nhiệm vụ của Kiểm toán Nhà nước nên việc Quốc hội đã quyết định Kiểm tóan Nhà nước phải là cơ quan độc lập, không trực thuộc Chính phủ để kết quả kiểm toán sẽ mang tính chính xác và khách quan hơn. Do vậy Kiểm toán Nhà nước là cơ quan chuyên môn do Quốc hội thành lập.

Những yêu cầu cần đặt ra của Quốc hội nói chung và ủy ban Các vấn đề xã hội nói riêng là Kiểm toán Nhà nước phải tăng cường vai trò của mình trong việc trợ giúp các họat động của Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội. Với ủy ban chúng tôi, hàng năm chúng tôi đều có cuộc họp với các Bộ , ngành chức năng thuộc lĩnh vực mà ủy ban quan tâm để nghe các Bộ, ngành báo cáo việc thực hiện ngân sách trong năm qua và dự toán ngân sách trong năm tới xem có phù hợp hay không? Nếu có sự tham gia của kiểm toán trong giai đoạn này thì việc đánh giá sử dụng ngân sách nhà nước sẽ hiệu quả hơn.

Trong thời gian tới Kiểm toán Nhà nước phải mở rộng các lọai hình kiểm toán, tham gia ý kiến nhiều hơn vào dự toán ngân sách nhà nước trước khi trình Quốc hội thông qua, cần hoàn thiện chuẩn mực kiểm toán, nâng cao chất lượng kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước hàng năm, đổi mới và tăng cường công tác quản lý họat động kiểm toán. Và một điều không thể thiếu là phải tuyên truyền, tổ chức triển khai Luật kiểm toán nhà nước đến mọi tổ chức và công dân để thực hiện tốt công tác này.

Trong cơ chế hiện hành của nước ta Đảng lãnh đạo, nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ. Ba bộ phận này phải vững như "kiềng ba chân" thì đất nước mới vững chắc đi lên.

Trong lĩnh vực quản lý tài sản công nói chung và quản lý ngân sách nói riêng có thanh tra chuyên ngành, có cơ quan kiểm tra, có cơ quan kiểm sát và có cơ quan giám sát. Có thể ví như là "những cặp mắt thần" soi xét việc phân bổ và chi tiêu công sản, chi tiêu ngân sách của nhà nước. Tuy nhiên phải là "những cặp mắt thần" thực sự, chủ nhân của những cặp mắt ấy phải có cái tâm trong sáng đi liền với tài năng và đạo đức.

Trong xã hội ta, nhiều "cái" đề là nhân dân: ủy ban nhân dân, Toà án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân... nhưng cũng có "cái" phải thuộc về nhà nước: Ngân hàng Nhà nước và hôm nay là Kiểm toán Nhà nước. Điều đó có ý nghĩa là lĩnh vực này nhân dân uỷ thác cho nhà nước do vậy nhà nước phải chịu trách nhiệm trước nhân dân, nhân dân có vai trò giám sát lại nhà nước.

Việc Quốc hội quyết định cơ quan Kiểm toán Nhà nước trực thuộc Quốc hội mang ý nghĩa rất sâu sắc. Kiểm toán Nhà nước phải là người giúp việc đắc lực cho Quốc hội - tức là cho nhân dân trong lĩnh vực tài chính, tiền tệ, tài sản vì đó cũng là mồ hôi công sức, đôi khi còn là xương máu của nhân dân. Vì vậy, yêu cầu rất cao đối với người làm kiểm toán dù là Tổng kiểm toán, kế toán hay là một nhân viên bình thường làm việc trong cơ quan Kiểm toán ở bất kỳ cấp nào cũng phải thật trong sạch, tôn trọng pháp luật, tôn trọng nguyên tắc, có lý, có tình trong xem xét - nhưngtuyệt đối không được tham ô, nhũng nhiễu đối tượng mình kiểm toán.

Kiểm toán có hiệu quả khi nào phát hiện và kịp thời ngăn chặn những hành vi phạm pháp của người chi tiêu ngân sách, ngăn ngừa những biểu hiện tiêu cực chứ không chờ đợi sai trái, vi phạm rồi mới xử lý thì sự việc cũng đã rồi.

Xin đồng chí vui lòng cho biết ý kiến đánh giá về đạo luật này; theo đồng chí khi Luật Kiểm toán Nhà nước được triển khai có thể sẽ gặp những thuận lợi, khó khăn gi? Những vấn đề gì Kiểm toán Nhà nước cần quan tâm để việc triển khai thực hiện Luật đạt hiệu lực, hiệu quả ngay từ bước đầu?

Đây là một Luật chuyên ngành, mà lại là một công việc còn mới so với nhiều người dân do vậy công việc triển khai đầu tiên phải là tuyên truyền để cho các cơ quan có chi tiêu ngân sách nhà nước biết mà thực hiện cho đúng luật nhất là các luật chuyên ngành như luật Ngân sách nhà nước, Luật kế toán, Luật thống kê và Luật kiểm toán nhà nước.

Hiện nay đang tồn tại rất nhiều vấn đề xã hội nhức nhối như tham nhũng, hối lộ, lãng phí; bên cạnh đó tệ quan liêu cửa quyền vẫn là nguyên nhân chính gây bức xúc cho xã hội về các vấn đề nhạy cảm như: nhà đất, hộ khẩu..., xin đồng chí vui lòng cho biết Kiểm toán Nhà nước cần phải làm thế nào để góp phần hạn chế những vấn đề trên?

Đó cũng chính là mục đích của kiểm toán nhà nước điều 3 của Luật kỉểm toán nhà nước. Qua các hoạt động kiểm tra, đánh giá và xác nhận tính đúng đắn, trung thực các báo cáo tài chính; việc tuân thủ pháp luật; tính kinh tế, hiệu lực và hiệu quả trong quản lý, sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước tôi hy vọng Kiểm toán Nhà nước sẽ góp phần hạn chế được những tiêu cực nêu trên.

Một trong những vai trò của Kiểm toán Nhà nước là hỗ trợ đối với họat động của các cơ quan trong bộ máy nhà nước, do vậy kiểm toán phải làm đúng chức năng, nhiệm vụ của mình để góp phần hạn chế những vấn đề trên.

Tại diễn đàn Quốc hội, đồng chí từng phát biểu cần mở rộng kiểm toán đến tất cả các bộ, ngành và địa phương, đồng chí có thể nói rõ thêm về vấn đề này?

Tôi rất hoan nghênh cơ quan Kiểm toán Nhà nước, tuy từ ngày thành lập đến nay rất ngắn, nhưng đã làm được nhiều việc có hiệu quả, đã mở rộng kiểm toán ra vài chục địa phương, nhiều bộ ngành. Theo tôi, nay có luật rồi trước mắt cần kiện toàn bộ máy cho thật chắc về số lượng mà nhất là chất lượng (nhấn mạnh chất lượng), cần mở rộng địa bàn nhiều hơn - chú ý lĩnh vực kinh tế đã đành nhưng không nên xem nhẹ lĩnh vực xã hội, quốc phòng an ninh nhất là những ngành, địa phương có nhiều dự án, nhiều nguồn tài trợ trong và ngoài nước. Mất tiền đã tiếc, mất người càng tiếc hơn nhiều. Vì vậy tôi mong sao Kiểm toán Nhà nước góp phần đắc lực trong việc giữ tiền và giữ người cho đất nước.

Quốc hội nói chung, Uỷ ban về Các vấn đề xã hội nói riêng đang đặt niềm tin vào cơ quan Kiểm toán Nhà nước.

Nguyễn Thị Hội (thực hiện)

Xem thêm »