Tăng cường sự phối hợp hoạt động giữa kiểm toán nhà nước và thanh tra tài chính nhằm phát huy hiệu quả công tác quản lý tài chính ngân sách

09/03/2009
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Trong những năm qua, nhờ những thành tựu của quá trình đổi mới kinh tế - xã hội của đất nước, nền kinh tế của nước ta liên tục tăng trưởng. Tốc độ tăng trưởng GDP thực tế luôn đạt mức cao trong khu vực và trên thế giới. Số liệu thống kê cho thấy, tốc độ tăng trưởng GDP bình quân trong giai đoạn 1997-2000 là 6,4/năm, trong đó năm 2001 đạt 6,9; năm 2002 đạt 7,1; năm 2003 đạt 7,3; năm 2004 đạt 7,7 và năm 2005 là 8,4/năm.

Nền kinh tế tăng trưởng mạnh đã tạo ra sự tăng thu đáng kể cho ngân sách Nhà nước, đảm bảo nguồn cho chi ngân sách. Tỷ lệ thu ngân sách tính trên GDP năm 2000 đạt 20,5 GDP, đến năm 2003 đạt 23,1 GDP, năm 2005 dự kiến đạt trên 23,5 GDP. Tỷ lệ chi NSNN năm 2000 đạt 22,6 GDP, năm 2003 đạt 25,1 GDP, năm 2005 đạt trên 25,6 GDP. Nguồn thu ngân sách Nhà nước tăng trưởng đều theo xu hướng tích cực đã đảm bảo nguồn cho các khoản chi của ngân sách Nhà nước, kể cả chi thường xuyên và nhu cầu chi cho đầu tư phát triển. Điều này đã góp phần thúc đẩy sự phát triển tương đối đồng đều nền kinh tế - xã hội của đất nước. Đặc biệt là việc thực hiện đầu tư cho hàng loạt những công trình trọng điểm, sự thành công trong chương trình xóa đói, giảm nghèo đã góp phần ổn định và từng bước nâng cao đời sống nhân dân, tạo điều kiện cho sự phát triển bền vững, nâng cao vị thế của Việt Nam trong cộng đồng quốc tế.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đáng khích lệ thì hiện tượng tham nhũng, tiêu cực, lạm dụng, sử dụng lãng phí ngân sách Nhà nước vẫn diễn ra với những diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ làm tổn hại đến sự phát triển kinh tế của đất nước. Trong tình hình đó, việc kiện toàn hệ thống thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động kinh tế - xã hội là một trong những vấn đề mà Đảng và Nhà nước ta quan tâm, chú trọng. Một trong những mốc quan trọng của quá trình này, đó là sự ra đời của Luật Thanh tra được Quốc hội khóa XI, kỳ họp thứ 5 thông qua ngày 15/6/2004, Luật Kiểm toán Nhà nước được Quốc hội khóa XI, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 14/6/2005. Việc Quốc hội thông qua những luật này đã hình thành nên một khuôn khổ pháp lý tương đối hoàn chỉnh cho tổ chức và hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát của các cơ quan chức năng, mà cụ thể là hệ thống Thanh tra và Kiểm toán Nhà nước.

Để tạo nên hiệu quả tổng hợp trong công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, cần thiết phải có sự phối hợp giữa các cơ quan có chức năng thanh tra, kiểm tra, giám sát nhằm cung cấp kịp thời, đầy đủ cho Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan quản lý chức năng trong quá trình quản lý, điều hành. Nhất là trong điều kiện cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí quyết liệt như hiện nay, các cơ quan này đều đứng trên “tuyến đầu” của mặt trận đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Trong đó, do tính chất tương đồng trong hoạt động, sự phối hợp giữa Kiểm toán Nhà nước và Thanh tra Tài chính ngày càng trở thành yêu cầu của thực tiễn quản lý. Tuy nhiên, để sự phối hợp hoạt động có hiệu quả cao, cần làm rõ một số điểm sau:

Thứ nhất, về mục đích hoạt động:

Mục đích hoạt động của Thanh tra Tài chính là nhằm ngăn ngừa, phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật, chế độ, chính sách về tài chính; phát hiện những sơ hở trong cơ chế quản lý, chính sách, pháp luật để kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền các biện pháp khắc phục, góp phần hoàn thiện cơ chế, chính sách quản lý tài chính, kinh tế của nhà nước; phát huy nhân tố tích cực; góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý tài chính nhà nước; bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể liên quan.

Mục đích hoạt động kiểm toán nhà nước là nhằm phục vụ việc kiểm tra, giám sát của Nhà nước trong quản lý, sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước; góp phần thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng, thất thoát, lãng phí, phát hiện và ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật; nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước.

Thứ hai, về chức năng hoạt động:

Các cơ quan Thanh tra Tài chính thực hiện chức năng thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành trong lĩnh vực tài chính theo quy định của pháp luật. Vì phạm vi quản lý nhà nước trong lĩnh vực tài chính rất rộng, từ quản lý, sử dụng ngân sách, tài sản của Nhà nước đến thuế, hải quan, chứng khoán, giá cả, dự trữ quốc gia... Do đó, Thanh tra Tài chính với tư cách là một công cụ quan trọng của Nhà nước và ngành Tài chính trong công tác quản lý kinh tế - tài chính cũng phải thực hiện chức năng thanh tra hành chính, thanh tra chuyên ngành trong tất cả các hoạt động thuộc phạm vi quản lý nhà nước của ngành.

Trong khi đó, theo quy định của Luật Kiểm toán Nhà nước, Kiểm toán Nhà nước có chức năng kiểm toán báo cáo tài chính, kiểm toán tuân thủ, kiểm toán hoạt động đối với cơ quan, tổ chức quản lý, sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước.

Thứ ba, về đối tượng của Thanh tra Tài chính và Kiểm toán Nhà nước:

Đối tượng thanh tra của Thanh tra Tài chính, ngoài các tổ chức và cá nhân thuộc quyền quản lý của Bộ Tài chính và Sở Tài chính tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, đối tượng của thanh tra tài chính còn có các tổ chức, cá nhân Việt Nam và tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam có nghĩa vụ chấp hành quy định của pháp luật về các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Tài chính và Sở Tài chính. Còn đối tượng kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước là hoạt động có liên quan đến quản lý, sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước.

Thứ tư, về nội dung hoạt động:

Trong hoạt động thanh tra hành chính, Thanh tra Tài chính thực hiện thanh tra, kiểm tra đối với các tổ chức, cá nhân thuộc quyền quản lý của Bộ Tài chính và Sở Tài chính tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc thực hiện chính sách, pháp luật và nhiệm vụ do cấp có thẩm quyền giao. Trong hoạt động thanh tra chuyên ngành, Thanh tra Tài chính thực hiện việc thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách, pháp luật về lĩnh vực tài chính, xử lý hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật đối với các vi phạm của các tổ chức, cá nhân liên quan. Đồng thời, Thanh tra Tài chính còn phát hiện, lập biên bản, có biện pháp ngăn chặn, quyết định theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Bên cạnh đó, một trong những nội dung hoạt động rất quan trọng của Thanh tra Tài chính là giải quyết khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo; phòng ngừa và đấu tranh chống tham nhũng theo quy định của pháp luật. Kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật phù hợp với quy định của luật, pháp lệnh và yêu cầu quản lý nhà nước về lĩnh vực tài chính.

Kiểm toán Nhà nước thực hiện việc kiểm toán báo cáo tài chính để kiểm tra, đánh giá, xác nhận tính đúng đắn, trung thực của báo cáo tài chính; Kiểm toán tuân thủ để kiểm tra, đánh giá và xác nhận việc tuân thủ pháp luật, nội quy, quy chế mà đơn vị được kiểm toán phải thực hiện; Kiểm toán hoạt động để kiểm tra, đánh giá tính kinh tế, hiệu lực và hiệu quả trong quản lý và sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước.

Thứ năm, về tính chất pháp lý của Kết luận thanh tra và Báo cáo kiểm toán:

Có thể thấy rằng, Kết luận thanh tra và Báo cáo kiểm toán đều có giá trị pháp lý cao và các đơn vị được thanh tra, kiểm toán đều phải có nghĩa vụ chấp hành. Đồng thời, tuỳ theo tính chất, mục đích của từng cuộc thanh tra, kiểm toán mà các văn bản này được các cơ quan quản lý chức năng sử dụng theo yêu cầu quản lý của mình.

Luật Thanh tra quy định người ra Kết luận thanh tra phải là Thủ trưởng cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền (người ra Quyết định thanh tra), và chỉ có Kết luận thanh tra (trên cơ sở Báo cáo kết quả thanh tra của Trưởng đoàn thanh tra) do người này ban hành mới có hiệu lực pháp lý chính thức. Có thể thấy rằng, quy định này tạo ra mối quan hệ pháp lý minh bạch giữa cơ quan thanh tra và đối tượng thanh tra. Hình thành mối quan hệ pháp lý cân xứng giữa một bên là cơ quan nhà nước có thẩm quyền được Nhà nước cho phép tiến hành thanh tra đưa ra Kết luận thanh tra với một bên là đối tượng thanh tra có nghĩa vụ thực hiện, chấp hành các kết quả pháp lý từ cuộc thanh tra. Báo cáo kiểm toán là văn bản do Trưởng đoàn kiểm toán ký trên cơ sở kết quả hoạt động kiểm toán tại đơn vị nhằm xác nhận tính đúng đắn, trung thực của báo cáo tài chính, báo cáo quyết toán ngân sách; đánh giá việc tuân thủ pháp luật, tính kinh tế, hiệu lực và hiệu quả trong quản lý, sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước.

Như vậy, qua một số điểm phân tích trên đây, có thể thấy rằng, mặc dù có những tương đồng trong quá trình hoạt động giữa Thanh tra Tài chính và Kiểm toán Nhà nước, nhưng có những điểm khác nhau về mục đích, chức năng, đối tượng và nội dung hoạt động. Tuy nhiên, trong lĩnh vực quản lý sử dụng ngân sách Nhà nước thì hoạt động của Thanh tra Tài chính và Kiểm toán Nhà nước nảy sinh “vùng chồng lấn”, nhất là khi Kiểm toán Nhà nước thực hiện hoạt động kiểm toán tuân thủ và kiểm toán hoạt động.

Để tránh chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm tra, giảm bớt sự phiền hà cho đối tượng của hoạt động thanh tra, kiểm tra, trong những năm qua, Thanh tra Chính phủ, Thanh tra Tài chính và Kiểm toán Nhà nước đã thực hiện chế độ thông báo kế hoạch thanh tra hằng năm nhằm tránh sự trùng chéo ngay từ khâu kế hoạch. Sự phối hợp thông tin trong quá trình hoạt động cũng đã bước đầu được thực hiện, song so với tiềm năng và tính chất tương đồng của Kiểm toán Nhà nước và Thanh tra Tài chính vẫn còn ở mức độ khiêm tốn.

Nhằm tăng cường sự phối hợp hoạt động giữa Kiểm toán Nhà nước và Thanh tra Tài chính, phát huy hiệu quả tổng hợp trong quản lý tài chính, ngân sách, cần chú trọng một số vấn đề sau:

Một là, tiếp tục duy trì chế độ thông báo kế hoạch thanh tra hằng năm, để tránh sự chồng chéo ngay từ khâu kế hoạch. Tuy nhiên, trong kế hoạch kiểm toán cũng cần xác định rõ nội dung, tính chất của từng cuộc kiểm toán. Vì rõ ràng, hoạt động thanh tra tài chính và kiểm toán chỉ trùng lắp khi Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán tuân thủ và kiểm toán hoạt động. Còn đối với kiểm toán báo báo tài chính, thì ngay cả khi Kiểm toán Nhà nước mở rộng hoạt động, thực hiện việc kiểm toán đối với tất cả các đơn vị dự toán, thì Thanh tra Tài chính, với chức năng quản lý Nhà nước của mình vẫn phải thực hiện việc thanh tra định kỳ hoặc đột xuất nhằm phục vụ yêu cầu quản lý của ngành.

Hai là, nghiên cứu xây dựng cơ chế phối hợp thông tin trong hoạt động của Thanh tra Tài chính và Kiểm toán Nhà nước nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác thanh tra tài chính và kiểm toán nhà nước. Vừa đảm bảo tránh chồng chéo, trùng lắp trong hoạt động thanh tra, kiểm tra, vừa đảm bảo tính ngăn chặn, phòng ngừa các hành vi vi phạm pháp luật trong quản lý, sử dụng ngân sách Nhà nước.

Ba là, nghiên cứu xây dựng ngân hàng cơ sở dữ liệu về các đối tượng của thanh tra, kiểm toán, ngân hàng dữ liệu về văn bản pháp quy dùng chung cho hoạt động thanh tra, kiểm toán nhằm giúp ích thiết thực cho các đoàn thanh tra, kiểm toán trong quá trình công tác. Trước mắt, khi chưa xây dựng được ngân hàng cơ sở dữ liệu dùng chung này thì thực hiện cơ chế chia sẻ thông tin theo nguồn dữ liệu mà mỗi bên có được, nhất là thông tin về kết quả kiểm tra, thanh tra định kỳ, làm cơ sở cho việc kiến nghị điều chỉnh, xây dựng cơ chế quản lý tài chính phù hợp với yêu cầu của từng thời kỳ.

Bốn là, thực hiện việc trao đổi kinh nghiệm, nghiên cứu chung giữa Kiểm toán Nhà nước và Thanh tra Tài chính nhằm góp phần phát huy những thế mạnh mà mỗi bên có được, phục vụ cho sự nghiệp cách mạng chung của đất nước trong thời kỳ mới.

Năm là, nghiên cứu thực hiện việc đào tạo chung giữa hai bên nhằm trang bị cho đội ngũ cán bộ, thanh tra viên, kiểm toán viên những kiến thức bổ trợ cần thiết phục vụ cho công tác của mình, chẳng hạn như tổ chức những đợt đào tạo ngắn hạn về thực hiện nguyên tắc kiểm toán, chuẩn mực kế toán, nghiệp vụ thanh tra chuyên ngành tài chính... để nâng cao kỹ năng chuyên môn cho đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác thanh tra, kiểm tra.

----------------------------------------

* Thanh tra Tài chính - Bộ Tài chính

Xem thêm »