Một số vấn đề cần chú ý trong quá trình khảo sát thu thập thông tin về hệ thống kiểm soát nội bộ đối với kiểm toán ngân sách địa phương

09/03/2009
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Để nâng cao chất lượng kiểm toán Báo cáo quyết toán ngân sách các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cần phải xây dựng kế hoạch kiểm toán phù hợp với điều kiện thực tiễn đáp ứng các mục tiêu, nội dung kiểm toán. Trong đó việc nghiên cứu, đánh giá hệ thống kiểm soát nội bộ là một vấn đề quan trọng nhằm xác định phương pháp, phạm vi, nội dung kiểm toán để nâng cao chất lượng và hiệu quả kiểm toán.

Hệ thống kiểm soát nội bộ là toàn bộ các chính sách, các bước kiểm soát và thủ tục kiểm soát được thiết lập nhằm điều hành các hoạt động của đơn vị. Hệ thống kiểm soát nội bộ gồm:

- Môi trường kiểm soát chung: Phản ánh đặc thù về quản lý thể hiện quan điểm, phong cách điều hành và phương pháp kiểm soát ban lãnh đạo đơn vị. Cơ cấu tổ chức được xác định mối quan hệ trách nhiệm và quyền hạn đang tồn tại từ nơi ra quyết định quản lý đến bộ phận truyền đạt thông tin và triển khai các quyết định đó.

- Hệ thống kế toán: Phải thỏa mãn các mục tiêu của kiểm soát nội bộ từ việc tập hợp tài liệu, chứng từ kế toán, phân loại, phân tích, ghi sổ kế toán đến việc tổng hợp lập báo cáo kế toán.

- Các thể thức kiểm soát: Là những chế độ, thể thức và quy trình hạch toán kế toán được ban lãnh đạo xây dựng để thỏa mãn các mục tiêu quản lý của họ. Mỗi đơn vị có rất nhiều thể thức và chế độ, trong đó sự cách ly thích hợp về trách nhiệm để ngăn ngừa sai phạm cố ý cũng như vô ý, các sổ chi tiết có quan hệ chặt chẽ với tài khoản kế toán và việc kiểm soát vật chất với tài sản và sổ kế toán.

Theo quy định của Luật NSNN, mỗi cấp chính quyền là một cấp ngân sách, ngân sách cấp dưới là một bộ phận cấu thành của ngân sách cấp trên, do đó ngân sách cấp tỉnh thể hiện tổng số thu - chi của 3 cấp ngân sách là ngân sách cấp tỉnh, ngân sách cấp huyện thị và ngân sách cấp xã, phường. Như vậy hệ thống kiểm soát nội bộ của ngân sách cấp tỉnh có phạm vi rất rộng, kiểm toán viên không thể thu thập đầy đủ các thông tin, tài liệu về hệ thống kiểm soát nội bộ của các cấp ngân sách. Do đó cần tập trung đi sâu thu thập các thông tin, tài liệu về hệ thống kiểm soát nội bộ của ngân sách cấp tỉnh, cụ thể:

1. Các văn bản liên quan đến quản lý và điều hành ngân sách của tỉnh, thành phố

- Đối với Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố: Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố về phê chuẩn quyết toán ngân sách địa phương trước niên độ kiểm toán; Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố về các mục tiêu kinh tế, văn hóa xã hội và dự toán ngân sách niên độ kiểm toán.

- Đối với Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố: Quyết định về tỷ lệ điều tiết nguồn thu giữa các cấp ngân sách, định mức phân bổ dự toán. Cơ chế điều hành ngân sách, quy định thưởng vượt thu...; Quyết định về phân cấp ngân sách các cấp; Quy định về phân cấp quản lý vốn đầu tư xây dưng cơ bản. Thẩm quyền phê duyệt dự án đầu tư xây dựng cơ bản của thủ trưởng các cơ quan, ban, ngành của tỉnh và thẩm quyền của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện; Các quy định khác liên quan đến quản lý tài chính, ngân sách.

- Đối với các cơ quan tài chính tổng hợp của tỉnh, thành phố

+ Sở Tài chính: Các văn bản hướng dẫn về quản lý tài chính, kế toán, định mức chi tiêu, công tác khóa sổ cuối năm, quy định về thời hạn nộp báo cáo quyết toán của các đơn vị dự toán...

+ Cục thuế: Các văn bản hướng dẫn về quản lý thu thuế, các quy trình thu thuế, hướng dẫn thực hiện miễn giảm thuế, hoàn thuế, lập sổ thuế. Quy định việc quản lý biên lai, ấn chỉ. Quy định về xử lý nợ đọng thuế...

+ Cục Hải quan: Các văn bản hướng dẫn về quản lý thu thuế xuất, nhập khẩu, các quy trình về thủ tục hải quan, hướng dẫn thực hiện miễn, hoàn thuế, lập sổ thuế. Quy định về xử lý nợ đọng thuế...

+ Kho bạc Nhà nước tỉnh: Các văn bản hướng dẫn về hạch toán các khoản thu, chi, kiểm soát các khoản chi, thanh toán vốn đầu tư xây dựng cơ bản, khoá sổ cuối năm, xác nhận kinh phí tồn cuối năm...

+ Một số văn bản hướng dẫn của các cơ quan khác, như: Sở Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn về lập kế hoạch đầu tư xây dựng cơ bản, Sở Giáo dục & đào tạo hướng dẫn về thu học phí...

2. Kết quả thanh tra nội bộ

Thu thập thông tin về kết quả thanh tra nội bộ nhằm đánh giá hiệu lực và xác định được kết quả của hệ thống kiểm soát nội bộ, qua đó đánh giá được chất lượng công tác quản lý tài chính, ngân sách của địa phương cũng như tại các đơn vị. Cần tập trung thu thập thông tin ở những cơ quan: Thanh tra Nhà nước, Thanh tra Sở Tài chính, Thanh tra Cục thuế, Thanh tra Hải quan và Thanh tra Kho bạc. Với những nội dung cụ thể là:

- Thanh tra Nhà nước, Thanh tra Sở Tài chính: Kết quả thanh tra năm trước niên độ kiểm toán, kết quả xử lý đối với từng đơn vị, từng dự án... Các kiến nghị về sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ các quy định của các ngành, các đơn vị không phù hợp với quy định của nhà nước. Mặt khác cần nắm kết quả kiểm tra, duyệt quyết toán của Sở Tài chính đối với các đơn vị dự toán.

- Thanh tra Cục thuế, Cục Hải quan: Kết quả thanh tra năm trước niên độ kiểm toán về xử lý các đối tượng trốn lậu thuế, xử lý nợ đọng thuế. Kiểm tra sau hoàn thuế và việc thực hiện nghĩa vụ thuế của các đối tượng. Kiểm tra nội bộ ngành về việc thực hiện các quy trình quản lý thu thuế...

- Kho bạc Nhà nước: ngoài việc nắm kết quả thanh tra nội ngành cần nắm tổng hợp các khoản chi không hợp lý, không đủ điều kiện quyết toán đã được Kho bạc từ chối thanh toán, chi trả.

3. Kế hoạch thanh, kiểm tra của các cơ quan

Việc nắm kế hoạch thanh tra niên độ kiểm toán của các cơ quan thanh tra ở địa phương nhằm đánh giá mức độ hoạt động của hệ thống kiểm soát nội bộ ở địa phương, mặt khác khi lập kế hoạch kiểm toán tránh được sự chồng chéo, nhằm hạn chế phiền hà cho đơn vị được kiểm toán. Thu thập thông tin này chủ yếu ở các cơ quan: Thanh tra Nhà nước tỉnh, Thanh tra Sở Tài chính.

Trong quá trình thu thập những thông tin để đánh giá hệ thống kiểm soát nội bộ, cần phối hợp chặt chẽ với Hội đồng nhân dân địa phương để có thêm những thông tin nhằm đánh giá được chính xác.

Ngoài việc thu thập thông tin, tài liệu về hệ thống kiểm soát nội bộ của ngân sách cấp tỉnh, cũng cần thu thập thêm thông tin về hệ thống kiểm soát nội bộ của một số ngân sách cấp huyện mang tính đặc thù, chi phối đến hoạt động thu -chi ngân sách của tỉnh, thành phố để bổ sung cho ý kiến đánh giá, nhận xét về hệ thống kiểm soát nội bộ được vững chắc.

Trên cơ sở những thông tin thu thập được, cần đưa ra những nhận xét đánh giá sát thực về chất lượng và hiệu quả hoạt động của hệ thống kiểm soát nội bộ của ngân sách cấp tỉnh, thành phố để xác định trọng yếu và rủi ro kiểm toán. Việc đánh giá đúng hệ thống kiểm soát nội bộ có ý nghĩa quan trọng trong việc lập kế hoạch kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách tỉnh, thành phố, giúp kiểm toán viên đưa ra được phương pháp kiểm toán phù hợp, đảm bảo mục tiêu, chất lượng kiểm toán, tiết kiệm được thời gian và kinh phí cho cuộc kiểm toán. /.

Xem thêm »