Một số ý kiến về công tác quản lý tài sản trong các đơn vị hành chính sự nghiệp

09/03/2009
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Sự tăng trưởng của nền kinh tế đòi hỏi phải huy động tối đa mọi nguồn lực, trong đó tài sản công được coi là một nguồn lực quan trọng và cần thiết, nhất là trong điều kiện đất nước ta đang tập trung phát triển nền kinh tế nhanh và bền vững. Do vậy nếu không đặt vấn đề quản lý tài sản công một cách có hiệu quả thì cũng có nghĩa chúng ta đang sử dụng nguồn lực to lớn của quốc gia một cách lãng phí và cũng là khe hở cho nạn tham nhũng, biển thủ tài sản công...

Tài sản công được hiểu là những tài sản thuộc sở hữu của Nhà nước. Nói rộng ra chúng thuộc sở hữu của toàn dân. Do vậy quản lý và sử dụng có hiệu quả tài sản công được coi là nghĩa vụ và trách nhiệm không chỉ đối với Chính phủ mà đối với tất cả các Bộ, ngành, địa phương, các tổ chức, đơn vị và nhân dân.

Nguồn gốc hình thành tài sản công chủ yếu từ Ngân sách nhà nước và tài nguyên quốc gia. Tài sản công bao gồm: Tài sản quốc gia do Chính phủ sở hữu, tài sản do các cấp địa phương quản lý, tài sản nhà nước do doanh nghiệp nhà nước quản lý, tài sản do các cơ quan hành chính sự nghiệp quản lý, tài sản do các dự án viện trợ vay nợ hình thành, tài sản nhà nước trong các tổ chức chính trị - xã hội... Hiện nay nước ta chưa có số liệu thống kê nào xác định được toàn bộ giá trị cũng như số lượng tài sản công trên toàn quốc để quản lý và theo dõi.

Vấn đề quản lý tài sản công là một đề tài lớn, trong khuôn khổ bài viết này chỉ giới hạn bàn về vấn đề quản lý tài sản trong các đơn vị hành chính sự nghiệp.

Trong thời kỳ bao cấp, công tác quản lý tài sản công thiếu chặt chẽ, đất đai, nhà xưởng, tài sản còn bị sử dụng lãng phí, thất thoát… đã làm giảm nội lực của nền kinh tế. Cùng với sự chuyển đổi nền kinh tế và xu thế hội nhập đòi hỏi phải thay đổi cơ chế chính sách về quản lý tài sản công, đặc biệt là quản lý tài sản trong các đơn vị hành chính sự nghiệp và các doanh nghiệp nhà nước.

Năm 1998, Nhà nước đã tiến hành tổng kiểm kê nhằm đánh giá lại tài sản cố định tại các đơn vị hành chính sự nghiệp, tuy nhiên số liệu đó cũng chưa đầy đủ và toàn diện, mới chỉ dừng lại ở 2 loại tài sản chính trong các đơn vị hành chính sự nghiệp là trụ sở và xe công.

Một thực tế cho thấy trong những năm qua, việc mua sắm và quản lý tài sản tại khu vực hành chính sự nghiệp còn nhiều bất cập, nhất là tại các đơn vị quản lý nhà nước chưa thực hiện khoán kinh phí, cụ thể:

Đối với việc mua sắm tài sản : Các đơn vị HCSN mua sắm tài sản phải theo dự toán được duyệt, nhưng dự toán lại không sát với nhu cầu thực tế (về chủng loại, chất lượng và giá cả). Nhiều đơn vị do còn nặng tư tưởng bao cấp nên khi lập dự toán chưa xuất phát từ nhu cầu thực tế dẫn đến khi mua tài sản về không sử dụng được, để tồn kho gây lãng phí. Đồng thời việc kiểm tra kiểm soát của cơ quan chủ quản chưa tốt nên có tình trạng nơi thừa nơi thiếu. Mặc dù Chính phủ và Bộ Tài chính có những văn bản quy định rất chặt chẽ về quy định mua sắm và quản lý tài sản nhưng tình trạng đấu thầu hình thức vẫn còn phổ biến, như chia nhỏ gói thầu để không phải đấu thầu, nâng khống giá hoặc thay đổi chủng loại để thu lợi bất chính, chưa thực sự quan tâm đến chất lượng tài sản.

Công tác quản lý tài sản trong các đơn vị HCSN còn nhiều yếu kém Co các đơn vị còn nặng tính bao cấp nên chưa thực sự quan tâm đến hiệu quả sử dụng tài sản, việc hạch toán và theo dõi tài sản không kịp thời và đầy đủ, kế toán chưa tính hao mòn và trích khấu hao tài sản cố định đúng chế độ qui định, thậm chí có đơn vị không phản ánh tài sản vào sổ và báo cáo kế toán. Đây là kẽ hở để phát sinh thất thoát, nhất là các loại tài sản và thiết bị chuyên dùng điện tử, tin học. Vì vậy công tác quản lý tài sản chưa được phát huy.

Hiệu quả sử dụng cũng như việc tính toán lợi ích kinh tế trong tương lai của các tài sản của các đơn vị chưa được quan tâm đúng mức. Đối với tài sản của các đơn vị HCSN, tính kinh tế không được coi là tiêu chuẩn quan trọng nhất, nhiều đơn vị ỷ lại vào nguồn kinh phí ngân sách cấp để hoạt động do vậy chưa phát huy được hiệu quả tiềm năng vốn có hoặc sử dụng nguồn lực này một cách lãng phí. Có thể thấy vẫn còn nhiều đơn vị chiếm giữ nhà đất vượt định mức, sử dụng tài sản nhà nước sai mục đích, cho thuê tài sản tạo nguồn thu không hợp pháp, mua xe và sử dụng xe công tràn lan lãng phí, không hiệu quả, mua tài sản không sử dụng để tồn kho nhiều năm...

Nguyên nhân những tồn tại trên là:

Thứ nhất, hệ thống pháp luật về quản lý tài sản công chưa đồng bộ. Năm 1998, Chính phủ ban hành Nghị định 14/1998/NĐ- CP ngày 6/3/1998 về quản lý tài sản nhà nước. Năm 1999, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 2 văn bản quy định tiêu chuẩn định mức xe ô tô và trụ sở làm việc trong các cơ quan nhà nước, các đơn vị sự nghiệp. Năm 2004, Chính phủ ban hành Nghị định 197/2004/NĐ- CP và Nghị định 198/ 2004/ NĐ- CP ngày 3/12/2004 hướng dẫn thi hành Luật Đất đai. Có thể nói việc ban hành kịp thời các văn bản này đã khắc phục một phần nào những tồn tại trong công tác quản lý tài sản công, xong mới chỉ dừng lại quản lý một số loại tài sản chủ yếu là đất đai, trụ sở và xe công do vậy chưa mang tính toàn diện và đầy đủ.

Thứ hai, công tác quản lý tài sản công chưa gắn kết với công tác lập dự toán, cấp phát và quyết toán kinh phí về đầu tư, mua sắm và sửa chữa cải tạo tài sản dẫn đến một số tài sản được hình thành từ nguồn vốn đầu tư không được quản lý và theo dõi. Thực tế cho thấy có rất nhiều tài sản như nhà cửa, trụ sở, ô tô, máy móc thiết bị được hình thành từ các nguồn vốn đầu tư, nguồn vốn vay nợ viện trợ tại các ban quản lý dự án các bộ, ngành, các đơn vị HCSN nhưng thoát ly khỏi sự kiểm soát và quản lý của nhà nước dẫn đến sử dụng sai mục đích và lãng phí mà điển hình là vụ PMU18.

Thứ ba, việc công khai quỹ công cũng như tài sản công chưa được thực hiện tốt. Mục đích của việc công khai là tăng cường tính minh bạch và tăng cường sự giám sát nhằm hạn chế thất thoát và lãng phí trong quản lý và sử dụng các nguồn lực nói trên. Mặc dù chúng ta đang ở thời đại của công nghệ thông tin và truyền thông nhưng việc thực hiện công khai trên các phương tiện thông tin còn hạn chế, chưa phát huy hiệu quả.

Thứ tư, công tác kiểm tra kiểm soát của Nhà nước trong việc quản lý sử dụng tài sản công chưa toàn diện và mang tính hệ thống. Xuất phát từ số lượng các đơn vị hành chính sự nghiệp của nước ta rất lớn tới hàng trăm nghìn đơn vị, phạm vi phân bố rộng không tập trung, có nhiều cấp quản lý, chỉ riêng công tác thống kê tài sản cũng là vấn đề phức tạp do đó công tác kiểm tra, kiểm soát cũng gặp nhiều khó khăn.

Thứ năm, việc phân cấp quản lý nhà nước về quản lý tài sản công chưa gắn trách nhiệm với quyền hạn trong việc quản lý tài sản và chưa có quy định cụ thể về chế tài xử phạt. Chính phủ ban hành Nghị định 10/2002/ NĐ- CP cũng như Nghị định 43/2006/NĐ- CP đã phần nào phân quyền cho các đơn vị tự chủ và tự chịu trách nhiệm trong hoạt động nhưng các quy định về quyền lợi và nghĩa vụ cũng như các chế tài chưa rõ ràng do vậy trong khi triển khai gặp nhiều vướng mắc.

Để khắc phục những tồn tại nêu trên trong công tác quản lý tài sản công cần có các giải pháp sau:

Trước hết, Nhà nước phải xây dựng một hệ thống pháp lý đồng bộ về quản lý tài sản công, trong đó cần thiết phải xây dựng Pháp lệnh về quản lý và sử dụng tài sản công.

Thứ hai, Chính phủ cần tổ chức tiến hành tổng điều tra lại toàn bộ tình hình quản lý và sử dụng tài sản trong các đơn vị HCSN để có định hướng và giải pháp phù hợp, ban hành các quy định cụ thể về điều chuyển tài sản, bán và chuyển đổi sở hữu.

Thứ ba, Bộ Tài chính phối hợp với các Bộ ngành có liên quan tham mưu trình Chính phủ sửa đổi ban hành kịp thời các định mức, tiêu chuẩn về sử dụng tài sản; ban hành quy định công khai công quỹ cũng như tài sản công, quy định công khai mua bán tài sản. Đối với các địa phương, Sở Tài chính cần mở một trang thông tin riêng (trang web) thông báo giá những tài sản thông dụng để các đơn vị tham khảo và so sánh.

Thứ tư, đối với các đơn vị hành chính sự nghiệp, Nhà nước có cơ chế tăng cường và mở rộng hơn nữa quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm tiến tới giảm dần sự bao cấp của Nhà nước đồng thời phải có chế tài nghiêm về xử lý những vi phạm trong công tác quản lý vốn và tài sản.

Cuối cùng là tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra kiểm soát của Nhà nước về quản lý tài sản công, trong đó ngoài việc xây dựng cơ chế kiểm tra kiểm soát phù hợp thì việc tăng cường năng lực cũng như đạo đức nghề nghiệp của đội ngũ cán bộ thanh kiểm tra cũng là một nội dung quan trọng.

Theo quy định của Luật Kiểm toán Nhà nước tại Điều 37 điểm 2, quy định nội dung kiểm toán báo cáo tài chính đối với các đơn vị thuộc lĩnh vực hành chính, sự nghiệp và các tổ chức có sử dụng ngân sách nhà nước thì kiểm toán tài sản là một trong những nội dung quan trọng của cuộc kiểm toán. Hoạt động kiểm toán của KTNN sẽ góp phần tăng cường công tác quản lý, sử dụng tài sản ở đơn vị HCSN nói riêng và tài sản công của Nhà nước nói chung có hiệu quả. /.

Xem thêm »