Luật kiểm toán nhà nước và tính độc lập của cơ quan KTNN Việt Nam

09/03/2009
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Luật Kiểm toán nhà nước (sau đây gọi là Luật KTNN) được thông qua tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XI ngày 14/6/2005 và có hiệu lực từ ngày 01/01/2006. Lần đầu tiên hoạt động của Kiểm toán Nhà nước Việt Nam được điều chỉnh bằng một văn bản Luật. Điều này cho thấy vai trò của KTNN ngày càng trở nên quan trọng trong công tác kiểm tra, kiểm soát các hoạt động kinh tế, tài chính của Nhà nước, là một bộ phận không thể thiếu trong một nhà nước pháp quyền

Luật KTNN ra đời đã nâng cao vị thế pháp lý, góp phần đảm bảo tính độc lập của KTNN Việt Nam. Bài viết này, tác giả trình bày việc xem xét và đối chiếu những nội dung của Luật KTNN với các nguyên tắc cơ bản của Tuyên bố Lima nhằm có được một cách nhìn tổng thể về xu thế phát triển của KTNN Việt Nam trong bối cảnh hội nhập kinh tế khu vực và thế giới; đặc biệt là đánh giá về tính độc lập của KTNN Việt Nam.

Những nguyên tắc cơ bản được thể hiện trong Tuyên bố Lima (được thông qua tại Đại hội INTOSAI lần thứ 9, 1977 tại Lima, Peru), tính độc lập được cấu thành bởi 3 yếu tố là Sự độc lập về mặt tổ chức, Sự độc lập về mặt chuyên môn và Sự độc lập về mặt tài chính.

1. Tính độc lập về mặt tổ chức

Điều 5- Tuyên bố Lima quy định:" Các SAI chỉ có thể thực hiện được nhiệm vụ của mình một cách khách quan và hiệu quả khi nó có vị trí độc lập với cơ quan được kiểm tra và được bảo vệ trước những ảnh hưởng từ bên ngoài". Do vậy, tính độc lập về mặt tổ chức của SAI là tiền đề cơ bản của công tác kiểm tra tài chính có hiệu quả. Đây là điều kiện tiên quyết để các SAI thực hiện một cách hữu hiệu các cuộc kiểm toán.

Trước khi Luật KTNN có hiệu lực, quyền hoạt động độc lập của KTNN Việt Nam đã được xác lập trong Điều 2, Nghị định 93: "Khi thực hiện kiểm toán, cơ quan KTNN hoạt động độc lập, chỉ tuân theo pháp luật". Tuy nhiên địa vị pháp lý – là cơ quan thuộc Chính phủ nên chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức được điều chỉnh chung bằng Nghị định số 30/2003/NĐCP ngày 01/04/2003 đã hạn chế đáng kể quyền độc lập của KTNN Việt Nam.

Một trong những điểm khác biệt cơ bản giữa Luật KTNN và Nghị định 93 trước đây là quy định mới về địa vị pháp lý của KTNN Việt Nam. Điều 13 Luật KTNN quy định: "KTNN là cơ quan chuyên môn về lĩnh vực kiểm tra tài chính nhà nước do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật ". Như vậy, địa vị pháp lý của KTNN được xác lập bởi Luật KTNN, tách cơ quan KTNN ra khỏi hệ thống hành pháp, góp phần đảm bảo tính độc lập trong các hoạt động của KTNN.

Ngoài ra, còn có sự thay đổi lớn trong cơ chế bổ nhiệm Tổng KTNN. Theo Luật KTNN, Tổng KTNN do Quốc hội bầu, miễn nhiệm và bãi nhiệm theo đề nghị của Uỷ ban thường vụ Quốc hội sau khi trao đổi thống nhất với Thủ tướng Chính phủ. Như vậy, Quốc hội – cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất đã quy định thẩm quyền và quy trình bổ nhiệm Tổng KTNN. Điều này góp phần đảm bảo tính độc lập, khách quan của Tổng KTNN nói riêng và cơ quan KTNN Việt Nam nói chung khi tiến hành các cuộc kiểm toán. Ngoài ra, quy định về nhiệm kỳ của Tổng KTNN, Phó tổng KTNN lệch với nhiệm kỳ của Quốc hội cũng là một trong những yếu tố quan trọng đảm bảo hoạt động của KTNN không bị "ảnh hưởng bởi những yếu tố bên ngoài ".

Như vậy, với những nội dung về việc tách cơ quan KTNN Việt Nam ra khỏi khối hành pháp; quy định cơ chế bổ nhiệm, miễn nhiệm và bãi miễn chức danh Tổng KTNN; tự chủ trong công tác nhân sự, tuyển dụng cán bộ nêu trên có thể nói Luật KTNN Việt Nam đã thực sự tôn trọng và quán triệt một cách đầy đủ nguyên tắc đầu tiên về tính độc lập của SAI –Sự độc lập về mặt tổ chức.

2. Tính độc lập về mặt chuyên môn

Theo Tuyên bố Lima, sự độc lập về mặt chuyên môn của SAI quan trọng không kém gì tính hiệu quả và khách quan của các hoạt động của SAI. Cần đảm bảo tính độc lập về mặt chuyên môn để SAI thực hiện các cuộc kiểm toán mà không bị can thiệp trái pháp luật vào hoạt động kiểm toán.

Tính độc lập về mặt chuyên môn, trước hết được hiểu là quyền hạn kiểm toán của SAI, hay ít nhất là những nguyên tắc cơ bản về quyền hạn kiểm toán của SAI; tiếp đó là tính độc lập trong việc xây dựng các chương trình kiểm toán, sự tự chủ trong việc lựa chọn các đơn vị được kiểm toán, lựa chọn những vấn đề cần được ưu tiên và áp dụng các phương pháp kiểm toán khi cần thiết mà không chịu bất kỳ sự can thiệp nào từ phía các cơ quan hành pháp; và cuối cùng là sự toàn quyền trong việc lập báo cáo kiểm toán.

So với Nghị định 93 trước đây, Luật KTNN đã có sự tiến bộ đáng kể trong việc đảm bảo tính độc lập về mặt chuyên môn của KTNN Việt Nam. Điều này được thể hiện rõ trong một số điều của Luật KTNN, trước hết là Điều 15:" KTNN tự quyết định kế hoạch kiểm toán hàng năm và báo cáo với Quốc hội, Chính phủ trước khi thực hiện "; tiếp đó là theo Điều 19, Tổng KTNN có quyền ban hành, hướng dẫn, kiểm tra và tổ chức thực hiện các chuẩn mực KTNN,... ban hành quy chế, quy trình và phương pháp chuyên môn, nghiệp vụ kiểm toán áp dụng trong tổ chức và hoạt động kiểm toán nhà nước...

Khoản 1, Điều 55 Luật KTNN đưa ra những căn cứ lập báo cáo kiểm toán. Theo đó, KTNN được toàn quyền tự quyết trong việc lập báo cáo kiểm toán của mình, mọi sự can thiệp từ phía các cơ quan hành pháp nhằm thay đổi nội dung của báo cáo kiểm toán đều được loại bỏ.

Những nội dung nêu trên về tính độc lập trong việc quyết định kiểm toán, xây dựng chương trình, kế hoạch và ban hành các quy chế, quy trình, phương pháp, chuẩn mực và báo cáo kết quả kiểm toán của KTNN cho thấy Luật KTNN Việt Nam đã đáp ứng đầy đủ nguyên tắc cơ bản thứ hai trong Tuyên bố Lima – nguyên tắc Tính độc lập về mặt chuyên môn.

3. Tính độc lập về mặt tài chính

Nguồn kinh phí cho hoạt động kiểm toán nhà nước được lấy từ ngân sách nhà nước. Để loại bỏ nguy cơ của việc thiếu hụt kinh phí làm ảnh hưởng đến các hoạt động của SAI, Tuyên bố Lima đòi hỏi phải đáp ứng đầy đủ những kinh phí cần thiết để nó có thể thực thi tốt những nhiệm vụ của mình.

Theo Nghị định 93, do hạn chế về mặt địa vị pháp lý –là một cơ quan thuộc Chính phủ–kinh phí hoạt động của KTNN do Chính phủ phê duyệt. Điều này đã làm cho tính độc lập của KTNN Việt Nam bị hạn chế một cách đáng kể. Luật KTNN ra đời đã khắc phục được hạn chế này. Điều 67k, khoản 1 xác định rõ quyền tự chủ trong việc quyết định ngân sách hoạt động của KTNN Việt Nam:" Kinh phí hoạt động của KTNN do KTNN lập dự toán và đề nghị Chính phủ trình Quốc hội phê duyệt". Hơn nữa, lãnh đạo KTNN còn có quyền tham dự các buổi thảo luận về ngân sách của Quốc hội và có quyền trình bày những nhu cầu về mặt tài chính của KTNN Việt Nam trong một số phiên họp quan trọng.

Đối chiếu với các nguyên tắc của Tuyên bố Lima, có thể thấy rõ là Luật KTNN Việt Nam cũng đã đưa ra những điều khoản đảm bảo sự độc lập về mặt tài chính của cơ quan KTNN Việt Nam. Như vậy, nguyên tắc cơ bản thứ ba trong Tuyên bố Lima cũng đã được tuân thủ.

Như vậy, với sự ra đời của Luật KTNN, KTNN Việt Nam đã có được sự độc lập xét trên cả 3 phương diện nói trên. Sự độc lập này là cơ sở để KTNN Việt Nam thực hiện tốt chức năng là công cụ kiểm tra tài chính Nhà nước nhằm góp phần phân bổ, quản lý và sử dụng các nguồn lực tài chính Nhà nước và tài sản công một cách hợp lý, tiết kiệm và hiệu quả. /.

Tài liệu tham khảo:

- Luật KTNN Việt Nam

- Tuyên bố Lima

- Tạp chí của INTOSAI

Xem thêm »