Một số vấn đề về thanh tra, kiểm tra trong quản lý thuế theo cơ chế mới

09/03/2009
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Hiện nay, chúng ta đang dần chuyển sang cơ chế quản lý thuế mới: Cơ chế tự kê khai, tự nộp thuế và áp dụng quản lý thuế theo mô hình chức năng

Có thể nói, với việc đổi mới như vậy, các khâu của quá trình quản lý thuế đã được thay đổi căn bản: Phát sinh thêm những chức năng mới như tuyên truyền - hỗ trợ tổ chức, cá nhân nộp thuế; cưỡng chế thu nợ… Đồng thời tăng cường, củng cố một số chức năng như thanh tra, kiểm tra, pháp chế… Trong cách quản lý mới, một trong những khâu rất quan trọng là thanh tra, kiểm tra. Trong phạm vi bài viết này, xin được bàn thêm về vấn đề này.

Từ giải quyết giai đoạn quá độ giữa cơ chế cũ sang cơ chế mới

Một trong những nội dung của việc thực hiện cơ chế quản lý thuế mới là áp dụng phương pháp thanh tra, kiểm tra theo mức độ rủi ro. Trong khi chưa thật sự chuyển sang cơ chế quản lý thuế mới, cũng có nghĩa là việc thanh tra, kiểm tra chưa thật sự theo phương pháp đánh giá rủi ro thì chúng ta phải giải quyết một giai đoạn "quá độ" giữa cơ chế mới và cũ khi thực hiện công tác này. Vấn đề đặt ra là giải quyết giai đoạn đó như thế nào cho phù hợp và hiệu quả? Trước đây chúng ta tiến hành các bước ban đầu của công việc như chọn đối tượng, bố trí đội ngũ cán bộ thanh tra, kiểm tra… nhiều khi nặng cảm tính và chủ yếu xuất phát chủ quan từ phía cơ quan thuế thì theo cơ chế mới, cơ bản đã dựa vào tình hình chấp hành Pháp luật của cơ sở kinh doanh với việc phân tích kho dữ liệu có được tại cơ quan thuế. Tuy nhiên, thời kỳ "quá độ" chắc chắn kho dữ liệu có được là chưa đầy đủ và thiếu tính hệ thống vì thế tính chính xác của việc phân tích để chọn đối tượng thanh tra, kiểm tra cũng bị hạn chế. Mặt khác, tại một số cơ quan thuế, vẫn còn duy trì bộ phận chuyên quản thuế trực tiếp (với cơ chế mới sẽ không còn bộ phận này), điều này có tính 2 mặt của nó: Một mặt, bộ phận này sẽ giúp cho việc phân tích tình hình chấp hành Pháp luật thuế của các đối tượng có liên quan thực tế hơn. Nhưng mặt khác, tính khách quan của việc phân tích, đánh giá đối tượng nộp thuế sẽ chịu ảnh hưởng nhiều từ tác động mà có khi là chủ quan của bộ phận chuyên quản này. Trong điều kiện như vậy, để đạt hiệu quả, việc kết hợp trong phân tích, đánh giá tình hình chấp hành nghĩa vụ thuế của tổ chức, cá nhân nộp thuế để có được những quyết định thanh tra, kiểm tra chính xác cần phải được coi trọng về các mặt: con người, cơ chế và tư duy chỉ đạo.

Về quy trình thanh tra, kiểm tra mới

Theo quy trình thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp ban hành kèm theo Quyết định số 1166/QĐ-TCT ngày 31/10/2005 của Tổng Cục trưởng Tổng cục thuế thì việc lập kế hoạch thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp như sau:

"…Căn cứ hướng dẫn của Tổng cục Thuế và cơ sở dữ liệu về đối tượng nộp thuế (ĐTNT) đã tập hợp, Bộ phận thanh tra, kiểm tra Cục thuế địa phương tiến hành phân tích đánh giá rủi ro về số thu và mức độ tuân thủ pháp luật thuế của các ĐTNT, kết hợp với các thông tin nắm được qua công tác quản lý thuế trên địa bàn và nguồn nhân lực cân đối cho công tác thanh tra, kiểm tra ĐTNT thực hiện lập kế hoạch thanh tra, kiểm tra năm.

Đối với Chi cục thuế vì lý do chưa tập hợp đủ dữ liệu, chưa có điều kiện ứng dụng tin học để phân tích rủi ro thì lập kế hoạch thực hiện theo các bước sau:

Bước 1: Phân loại ĐTNT

Bộ phận thanh tra, kiểm tra Chi cục thuế phân tích thông tin kê khai thuế về doanh số, số thuế nộp, đối chiếu với các tài liệu liên quan như bản kê hóa đơn, báo cáo tài chính doanh nghiệp, kết quả phân loại doanh nghiệp hoàn thuế… đồng thời tra cứu so sánh với doanh thu, thuế kê khai cùng kỳ năm trước để phát hiện, phân tích lập danh sách các doanh nghiệp có dấu hiệu bất thường, cố tình khai man trốn thuế, ẩn lậu tiền thuế, chiếm đoạt tiền thuế của ngân sách nhà nước (số thuế kê khai quá thấp so với quy mô kinh doanh và bình quân cùng ngành nghề; đơn vị không có đầu tư xây dựng mới, không có doanh thu kinh doanh xuất khẩu nhưng thuế GTGT âm liên tục nhiều tháng; kê khai tồn kho hàng mua vào lớn không phù hợp với mặt bằng kho hàng và tình hình luân chuyển thị trường hàng cùng loại…).

Bước 2: Căn cứ danh sách các ĐTNT nghi vấn có dấu hiệu vi phạm nêu trên kết hợp với tình hình nắm được qua công tác quản lý và dự tính nguồn nhân lực danh cho công tác thanh tra, kiểm tra, Bộ phận thanh tra, kiểm tra thuộc Chi cục thuế lập kế hoạch thanh tra, kiểm tra ĐTNT năm báo cáo lãnh đạo Chi cục thuế xét trình Cục Thuế phê duyệt (kèm theo thuyết minh) trước ngày 15 tháng 11 hàng năm…"

Việc lập kế hoạch thanh tra, kiểm tra theo quy trình trên về lý thuyết theo chúng tôi là khá chặt chẽ. Tuy nhiên, vấn đề là để có thể rà soát và lọc chính xác số ĐTNT được thanh tra, kiểm tra thì việc cập nhật thông tin như thế nào, đảm bảo có đủ các căn cứ sát thực cần phải được quan tâm từ khâu lưu trữ hồ sơ tại chính bộ phận làm nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra; nhóm có trách nhiệm cập nhật thông tin ĐTNT đến bộ phận lưu trữ của cả đơn vị nói chung. Mặt khác tại các Chi cục thuế khi mà khả năng về tập hợp thông tin còn hạn chế thì việc sắp xếp, lựa chọn những người có khả năng phân tích, tổng hợp, có nhiệt huyết với công tác là yếu tố quan trọng hàng đầu. Cần chú ý lựa chọn những người có kinh nghiệm nhất định trong công tác quản lý để đảm nhận công việc này.

Những công cụ cần thiết cho áp dụng thanh tra, kiểm tra theo mô hình chức năng

Theo chúng tôi trong điều kiện trình độ thông tin phát triển nhanh như hiện nay tạo thuận lợi rất nhiều cho việc áp dụng thực hiện thanh tra, kiểm tra theo mức độ rủi ro. Vấn đề là tổ chức xử lý chúng như thế nào? Song song với tăng cường trang bị đồng bộ thông tin cho hệ thống ngành thuế thì việc trao đổi, kết nối thông tin giữa các ngành, các bộ phận có liên quan trên cùng địa bàn và trên diện quốc gia cần được coi trọng. Cũng cần chuyên môn hóa việc xử lý, phân tích các thông tin có được từ các cơ sở dữ liệu. Điều này có ý nghĩa rất lớn cho việc đánh giá một cách có hệ thống tình hình chấp hành nghĩa vụ thuế của các tổ chức, cá nhân để có các biện pháp quản lý và huy động ngân sách thích hợp. ở khía cạnh khác, trên tầm vĩ mô, cần áp dụng nhanh các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt bởi đó là điều kiện để có thể minh bạch hóa tốt nhất các khoản doanh thu, chi phí và thu nhập của tổ chức, cá nhân trong quá trình chấp hành pháp luật nhà nước làm cơ sở quan trọng cho đánh giá ĐTNT. Khi đã có cơ sở thông tin tốt thì vấn đề con người cũng phải được coi trọng về đào tạo hệ thống, tăng khả năng phân tích, đánh giá và trao đổi thông tin trên mạng diện rộng.

Đôi điều kết

Có thể khẳng định rằng, trong một xã hội mà Luật pháp ngày một đầy đủ, bao quát các hoạt động xã hội thì cũng có nghĩa là công tác thanh tra, kiểm tra các hoạt động kinh tế, xã hội cũng ngày càng phải được tăng cường và phát triển tương xứng. Việc đổi mới các phương pháp thanh tra, kiểm tra ở một ngành quan trọng như ngành thuế như là điều tất yếu. Các bước đi trong quá trình đổi mới đó phải thích hợp để không những tăng hiệu quả công tác quản lý thuế, phát triển kinh tế mà còn làm cơ sở cho việc đánh giá chính xác tình hình kinh tế - xã hội của đất nước theo hướng hiện đại hóa và hội nhập quốc tế./.

Tài liệu tham khảo:

- Quyết định số 1166/QĐ-TCT ngày 31/10/2005 của Tổng Cục trưởng Tổng cục thuế về việc lập kế hoạch thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp.

Xem thêm »