Trong thực tế có rất nhiều thông tin về các chính sách của Nhà nước được tồn tại dưới dạng các thông tin do các bên thứ ba cung cấp...
Tuy chúng ta chưa tiến hành thống kê để biết được tỷ lệ các thông tin do bên thứ 3 cung cấp so với tổng số thông tin mà các cơ quan chức năng có được là bao nhiêu, nhưng vấn đề đặt ra là cần phải đảm bảo và nâng cao chất lượng của các thông tin này. Việc đảm bảo đó phải được thực hiện một cách đồng bộ trong tất cả các khâu từ khâu hoạch định đến khâu thực hiện và báo cáo về chủ trương, chính sách đó. Nhưng trong thực tế, việc đảm bảo độ tin cậy của các thông tin do bên thứ 3 cung cấp chưa được quan tâm một cách đúng mức. Điều này thể hiện ở chỗ việc ban hành các nguyên tắc, các quy định cũng như các ứng dụng thực hành trong việc đảm bảo mức độ tin cậy của các thông tin đều bị coi nhẹ.
Các thông tin do bên thứ ba cung cấp có được từ rất nhiều nguồn khác nhau. Chúng có thể được cung cấp bởi các Bộ trong Chính phủ, các tổ chức nghiên cứu nhà nước, các cơ quan nghiên cứu thương mại/ bán thương mại, các tỉnh và thành phố, các trường đại học, các tổ chức hành chính độc lập... Căn cứ vào mức độ rủi ro của các thông tin người ta tạm thời phân chia nguồn cung cấp thông tin thành 4 loại[1] như sau:
- Các tổ chức có chức năng cung cấp thông tin;
- Các tổ chức phải chịu trách nhiệm đối với những người sử dụng thông tin;
- Các tổ chức khác có lợi ích liên quan đến nội dung của các thông tin đó;
- Các tổ chức khác không có lợi ích liên quan đến nội dung của các thông tin.
Loại thông tin thứ nhất được cung cấp bởi những cơ quan có chức năng thu thập, xử lý và công bố những thông tin đó theo quy định luật pháp. Hầu như đất nước nào cũng có những cơ quan theo kiểu này - đó là cơ quan thống kê của Nhà nước. Tuy nhiên, loại thông tin nào cũng có những rủi ro đặc thù. Đối với loại thông tin này, rủi ro của chúng thể hiện ở chỗ chúng được tạo ra trên cơ sở của giả định là luật pháp đã đưa ra những điều khoản đảm bảo chất lượng của chúng. Do vậy, người sử dụng những thông tin loại này thường có xu hướng chấp nhận mà không cần phải kiểm tra lại. Chính việc bỏ qua đó là nguyên nhân làm cho mức độ rủi ro của những thông tin loại này trở nên rất cao.
Loại thông tin thứ hai có nguồn gốc từ những tổ chức có trách nhiệm đối với những khoản tiền mà họ đã nhận từ Chính phủ để có được những thông tin đó. Đó là những tổ chức như các cơ quan quản lý hành chính, chính quyền địa phương các cấp và các tổ chức được trợ cấp tài chính từ phía Nhà nước. Những thông tin loại này có mức độ rủi ro cao bởi quyền lợi của người cung cấp thông tin được gắn liền với chúng.
Loại thông tin thứ ba được xuất phát từ những người có lợi ích gắn liền với nội dung của thông tin. Một điều dễ hiểu là tổ chức nào cũng có những lợi ích của riêng mình. Đó có thể là những lợi ích về tài chính hoặc phi tài chính nhưng có tính chất trọng yếu. Một lợi ích được coi là trọng yếu nếu các thông tin làm ảnh hưởng đến nhận thức của xã hội về tổ chức đó. Một lợi ích về mặt tài chính sẽ xuất hiện nếu tổ chức cung cấp thông tin là một tổ chức nghiên cứu vì mục đích thương mại. Người ta dễ dàng nhận thấy có mối liên kết giữa những thông tin được cung cấp và việc ký kết hợp đồng trong tương lai. Rủi ro gắn với những thông tin loại thứ ba này được coi là ở mức trung bình cao.
Nguồn thông tin cuối cùng là nguồn thông tin từ những cơ quan, tổ chức tiến hành việc thu thập thông tin phục vụ cho bản thân mà không quan tâm xem Chính phủ sẽ sử dụng chúng như thế nào. Những thông tin có nguồn dạng này là những ấn phẩm của các trường đại học, các tổ chức siêu quốc gia. Người ta rất khó đưa ra một sự đánh giá tổng quát về mức độ rủi ro của những thông tin loại này, bởi có sự khác biệt về tiêu thức đánh giá thông tin cũng như cách thức thu thập và xử lý thông tin giữa các nhà cung cấp, và giữa các loại sản phẩm... Như vậy để đánh giá mức độ rủi ro của những thông tin loại này người ta phải tiến hành việc đánh giá riêng biệt cho từng trường hợp một. Nói chung, rủi ro của những nguồn thông tin loại này có mức độ trung bình thấp.
Các cơ quan, tổ chức chính phủ sử dụng thông tin của các bên thứ ba để điều hành và quản lý, lập ngân sách và tổ chức hạch toán, phục vụ cho công tác hoạch định chính sách... Trong hoạt động kiểm toán nhà nước, các cơ quan kiểm toán tối cao nói chung và KTNN Việt Nam nói riêng đều sử dụng các thông tin do bên thứ ba cung cấp để phục vụ cho hoạt động kiểm toán nhằm phục vụ cho việc kiểm tra, giám sát của Nhà nước trong quản lý, sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước; góp phần thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật...; nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước[2]. Các thông tin mà cơ quan KTNN sử dụng thường là các thông tin thuộc loại thứ 2 - những thông tin có mức độ rủi ro cao bởi quyền lợi của người cung cấp thông tin được gắn liền với chúng. Vậy vấn đề đặt ra là cơ quan KTNN phải có các biện pháp cần thiết để đảm bảo mức độ tin cậy của những thông tin đó.
Hệ thống kiểm soát nội bộ (KSNB) của đơn vị được kiểm toán tác động đến mọi khía cạnh về độ tin cậy của các thông tin mà đơn vị được kiểm toán đã cung cấp trong các báo cáo tài chính, báo cáo quyết toán ngân sách và báo cáo quyết toán vốn đầu tư XDCB. Chính vì vậy mà các kiểm toán viên (KTV) của cơ quan KTNN cần tiến hành đánh giá hệ thống KSNB để kiểm tra độ tin cậy của những thông tin đó nhằm nâng cao chất lượng và hạn chế rủi ro trong hoạt động kiểm toán. Để đánh giá hệ thống KSNB, các KTV tiến hành 3 bước là: Thu thập thông tin; Kiểm tra hệ thống KSNB; và Đánh giá hệ thống KSNB. Tuy nhiên, trong thời gian qua công tác đánh giá hệ thống KSNB của đơn vị được kiểm toán của KTNN còn bộc lộ những hạn chế nhất định. Cụ thể là:
- Chuẩn bị kiểm toán: KTV thu thập thông tin chưa đầy đủ về hệ thống KSNB của đơn vị, chưa đánh giá hiệu lực của hệ thống đó để lập danh mục các đơn vị được kiểm toán; chưa chú trọng đến việc đánh giá các thủ tục kiểm soát, đặc biệt là việc nghiên cứu tài liệu nội bộ của ngành có liên quan đến công tác quản lý tài chính;
- Thực hành kiểm toán: Có thể nói việc nghiên cứu và đánh giá hệ thống KSNB của các KTV nhà nước còn khá sơ sài, chủ yếu được thực hiện bằng kinh nghiệm và dừng lại ở mức thu thập thông tin. Điều này được thể hiện ở chỗ KTV chưa chú trọng nghiên cứu và đánh giá hệ thống KSNB theo chiều sâu cho từng hoạt động hoặc nghiệp vụ, chu trình cụ thể được kiểm toán như nhận diện và đánh giá các nhược điểm của hệ thống đó. Trong nhiều trường hợp các thử nghiệm cơ bản về số dư lại được thực hiện trước các thử nghiệm kiểm soát; KTV chưa thực hiện xem xét đầy đủ các mục tiêu và yêu cầu kiểm soát, chưa thật sự chú trọng tới tính hiệu lực của hệ thống KSNB để giảm hoặc tăng thêm việc tiến hành các thử nghiệm cơ bản; KTV cũng chưa đánh giá hệ thống kế toán về tổ chức bộ máy kế toán, thực hiện chức năng kiểm soát của kế toán.
Những hạn chế trong công tác đánh giá hệ thống KSNB đã làm cho KTV hoặc mất nhiều thời gian tiến hành các thử nghiệm để thẩm định chất lượng thông tin do đơn vị được kiểm toán cung cấp, hoặc bỏ qua thì sẽ dẫn đến rủi ro kiểm toán. Như vậy, đề ra và vận dụng những biện pháp cụ thể để đảm bảo chất lượng thông tin do đơn vị được kiểm toán cung cấp là việc làm mà cơ quan KTNN phải nhanh chóng thực hiện.
Đối với cơ quan KTNN
Trước hết phải xây dựng và ban hành những hướng dẫn nghiệp vụ về công tác đánh giá hệ thống KSNB, trong đó chú trọng đến các thành phần của hệ thống và cách đánh giá hiệu lực của hệ thống đó đối với các nghiệp vụ cơ bản liên quan đến công tác quản lý tài chính, kế toán. Thứ hai là phải kiểm tra, giám sát chất lượng đối với việc đánh giá hệ thống KSNB thông qua việc phê duyệt kế hoạch kiểm toán.
Đối với KTV
Khi kiểm tra hệ thống KSNB, KTV nên tìm cách để trả lời được các câu hỏi sau:
- Hệ thống KSNB có thật sự tồn tại không?
- Hệ thống đó có thực hiện đúng các chức năng của mình không?
- Hệ thống đó thực hiện các chức năng của mình có đúng quy cách không?
- Hệ thống đó thu được những kết quả gì và chất lượng hoạt động của nó có ổn định không?
Đối với công tác đào tạo
Đưa vào chương trình giảng dạy môn kiểm toán có nội dung về tìm hiểu và đánh giá hệ thống KSNB như là một yêu cầu bắt buộc.
Đòi hỏi của xã hội đối với Chính phủ của một đất nước trong việc công khai và minh bạch hoá về hoạt động của Chính phủ và những tác động của các chính sách mà Chính phủ đã đề ra ngày một tăng. Đó là một xu hướng tất yếu đối với mọi xã hội. Để có thể đáp ứng được yêu cầu này, Chính phủ phải cung cấp những thông tin trung thực và phải có cách để đảm bảo độ tin cậy của những thông tin đó. Một trong những cách mà Chính phủ có thể và vẫn đang thực hiện là dựa vào các kết quả kiểm toán của cơ quan KTNN nhằm đảm bảo chất lượng thông tin. Do vậy, KTNN phải không ngừng tăng cường trình độ và năng lực của mình để có thể đảm đương được trọng trách lớn lao đó. Ngoài ra, bên cạnh việc nâng cao chất lượng của nguồn thông tin hiện có, KTNN cần đa dạng hoá việc tìm kiếm và ứng dụng các nguồn thông tin khác nhau để tiến hành các cuộc kiểm toán có chất lượng và có tính khả thi cao, góp phần nâng cao năng lực giải trình trách nhiệm của Chính phủ.
Tài liệu tham khảo:
- Luật KTNN;
- Tạp chí INTOSAI số tháng 6/2005
- Và một số tài liệu khác.
[1] Tạp chí INTOSAI số tháng 7/2005