Bàn về nội dung kiểm toán tính kinh tế, hiệu lực và hiệu quả của dự án đầu tư

09/03/2009
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Đặc điểm quan trọng của sản phẩm xây dựng cơ bản là những công trình mang tính chất đơn lẻ, việc xác định mục tiêu kiểm toán đối với từng dự án có những điểm khác biệt song mục tiêu cơ bản đối với kiểm toán

Đặc điểm quan trọng của sản phẩm xây dựng cơ bản là những công trình mang tính chất đơn lẻ, việc xác định mục tiêu kiểm toán đối với từng dự án có những điểm khác biệt song mục tiêu cơ bản đối với kiểm toán dự án đầu tư là:

- Đánh giá việc tuân thủ Quy chế Quản lý đầu tư và xây dựng;

- Đánh giá tình hình và tìm ra những sai sót trong công tác nghiệm thu quyết toán khối lượng hoàn thành trong tất cả các bước từ khảo sát, thiết kế, thi công, giám sát thi công, mua sắm thiết bị và những khối lượng phát sinh;

- Đánh giá tính kinh tế, hiệu lực và hiệu quả của dự án đầu tư.

Để có thể đánh giá được tính kinh tế, hiệu lực và hiệu quả của dự án, kiểm toán viên phải tiến hành kiểm toán các hoạt động quản lý của dự án xem có phù hợp với các nguyên tắc, chính sách của Nhà nước hay không? Đánh giá hiệu quả sử dụng các nguồn lực bao gồm cả việc kiểm tra các hệ thống thông tin, mức độ hoạt động và hệ thống giám sát mà đơn vị áp dụng để đạt được mục tiêu đề ra và cuối cùng là so sánh kết quả thực tế đạt được với kết quả dự kiến sẽ đạt được của dự án đầu tư.

Một trong những nội dung quan trọng phải thực hiện trước khi tiến hành kiểm toán là phải thiết lập được các tiêu chí kiểm toán để làm cơ sở so sánh với kết quả thực hiện của dự án. Các tiêu chí kiểm toán được thiết lập phải đảm bảo độ tin cậy, tính khách quan, dễ hiểu và được chấp nhận. Việc thiết lập tiêu chí kiểm toán có thể căn cứ vào các tài liệu, số liệu như: chính sách của Nhà nước về quy hoạch, đầu tư, xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội; dự án đầu tư được phê duyệt; các định mức kinh tế – kỹ thuật, các tiêu chuẩn kỹ thuật có liên quan đến dự án; số liệu, tài liệu của những dự án tương tự đã thực hiện; các tài liệu, số liệu của chính dự án đó sau khi đã hoàn thành; các văn bản pháp luật có liên quan.v.v... Do đặc thù của dự án đầu tư, mỗi dự án có quy mô, phạm vi và tính chất khác nhau nên không thể thiết lập tiêu chí chung cho tất cả các cuộc kiểm toán mà chỉ có thể thiết lập tiêu chí cho từng cuộc kiểm toán riêng biệt, tiêu chí kiểm toán có thể là kết quả thực hiện của một dự án tương tự, là suất đầu tư, hoặc mức độ ảnh hưởng tới sự phát triển kinh tế - xã hội của ngành, vùng.v.v...

Với những lý do trên, trong phạm vi bài viết này chỉ đề xuất những nội dung kiểm toán có tính chung nhất đối với các dự án đầu tư, đưa ra những cơ sở để thiết lập tiêu chí kiểm toán đối với từng nội dung mà không thiết lập các tiêu chí kiểm toán cụ thể, tuỳ thuộc vào tính chất, quy mô từng cuộc kiểm toán riêng biệt có thể bổ sung hoặc lược bớt những nội dung cho phù hợp.

Thứ nhất, kiểm toán việc lập, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư

Cơ sở thiết lập tiêu chí kiểm toán là: các thông số về quy hoạch vùng, ngành; nhiệm vụ kinh tế - xã hội các giai đoạn; các tiêu chuẩn, quy chuẩn ngành, lĩnh vực; thông số kỹ thuật xây dựng, suất đầu tư, các thông số một số công trình, dự án tương tự,…

Các nội dung cần kiểm toán:

- Sự cần thiết của dự án đầu tư; nhu cầu và quy mô đầu tư; diện tích và việc bố trí các hạng mục chính, phụ trợ, mối tương quan hợp lý giữa diện tích sử dụng chính và diện tích sử dụng phụ; địa điểm đầu tư, điều kiện cung cấp các yếu tố nguyên nhiên liệu đầu vào, yếu tố thị trường, tiêu thụ sản phẩm; phương án khai thác dự án và sử dụng lao động;

- Nguyên vật liệu xây dựng (đã được thủ nghiệm hay chưa? Có đảm bảo tính kinh tế và phù hợp với mục đích sử dụng? ở đây cần xem xét tới khả năng nếu đầu tư cho những loại nguyên vật liệu cao nhưng lại giảm được chi phí bảo trì, bảo dưỡng, nếu xét về lâu dài thì đây là giải pháp kinh tế...); các phương án thiết kế kiến trúc; phương án, giải pháp thiết kế phù hợp với điều kiện khí hậu, môi trường, văn hoá - xã hội; phương án công nghệ có phù hợp với mục đích sử dụng? Phương án giải phóng mặt bằng, tái định cư và phương án hỗ trợ xây dựng hạ tầng kỹ thuật nếu có; đánh giá tác động môi trường, các giải pháp phòng, chống cháy, nổ và các yêu cầu về an ninh, quốc phòng.

- Xem xét tổng thể nhu cầu vốn đầu tư, tổng mức đầu tư của dự án; khả năng huy động nguồn vốn và khả năng cấp vốn theo tiến độ; phương án hoàn trả vốn đối với dự án có yêu cầu thu hồi vốn và phân tích đánh giá hiệu quả kinh tế, hiệu quả xã hội của dự án.

Thứ hai, kiểm toán thiết kế, dự toán xây dựng công trình

Cơ sở thiết lập tiêu chí kiểm toán là: Kết quả thiết kế cơ sở; quy chuẩn, tiêu chuẩn về diện tích, tỷ lệ, công suất, các định mức kinh tế- kỹ thuật phù hợp, các yêu cầu đặc thù của dự án…

Các nội dung cần kiểm toán:

- Kiểm tra sự phù hợp giữa hồ sơ thiết kế với thiết kế cơ sở đã được duyệt và sự phù hợp về kiến trúc, quy hoạch xây dựng;

- Việc lựa chọn dây truyền và thiết bị công nghệ có hợp lý hay không? Tính đúng đắn của các định mức kinh tế – kỹ thuật, định mức chi phí, đơn giá; biện pháp thi công sử dụng; việc vận dụng các định mức, đơn giá, các chế độ, chính sách có liên quan và các khoản mục chi phí trong dự toán theo quy định;

Thứ ba, kiểm toán việc lựa chọn nhà thầu

Cơ sở thiết lập tiêu chí kiểm toán là: Năng lực nhà thầu về công nghệ, kỹ thuật, tài chính, kinh nghiệm, độ tin cậy; các giải pháp thực hiện, thi công dự án, tiến độ; phương án sử dụng nguồn nguyên vật liệu; quản lý chất lượng; giá gói thầu phù hợp với khối lượng, nguyên vật liệu và chất lượng công trình…

Các nội dung cần kiểm toán:

- Phương thức lựa chọn nhà thầu (Đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế, chỉ định thầu) có hiệu quả không? Có ưu tiên hình thức đấu thầu rộng rãi không? Việc tổ chức đấu thầu có đảm bảo tính cạnh tranh, công bằng? Hồ sơ mời thầu có rõ ràng, đầy đủ? Tiêu chí chấm thầu và việc chấm thầu có khách quan, công bằng hay không?

- Kết quả đấu thầu có lựa chọn được nhà thầu có năng lực tốt nhất, phù hợp với dự án đầu tư và có đảm bảo tính kinh tế? Việc lựa chọn nhà thầu phải dựa trên cơ sở những đánh giá cả về mặt kỹ thuật và kinh tế, đây cũng là một căn cứ để kết luận là việc lựa chọn nhà thầu có đảm bảo tính kinh tế hay không (trong trường hợp nhà thầu đưa ra giá thấp nhất mà không được lựa chọn thì phải xem xét tới yếu tố nhà thầu bỏ giá cao nhưng đưa ra được các giải pháp, điều kiện tốt hơn về kỹ thuật, điều kiện bảo hành, bảo trì, thời gian thi công, ...).

Thứ tư, kiểm toán hợp đồng và việc thực hiện hợp đồng xây dựng

Cơ sở thiết lập tiêu chí kiểm toán là: Các văn bản quy phạm pháp luật về hợp đồng; điều kiện hợp đồng trong hồ sơ mời thầu, dự thầu; Biên bản thương thảo hợp đồng; các cam kết của nhà thầu…

Các nội dung cần kiểm toán

- Việc đàm phán, ký kết hợp đồng: có trên cơ sở kết quả lựa chọn nhà thầu, điều kiện thực hiện công việc, hồ sơ mời thầu, hồ sơ đấu thầu, đề xuất của nhà thầu được lựa chọn hay không?

- Kiểm tra tính đầy đủ của hợp đồng xây dựng và các tài liệu kèm theo.

- Phương thức thanh toán: theo phương thức trọn gói (khoán gọn), giá cố định hay giá điều chỉnh?

Thứ năm, kiểm toán việc quản lý thi công xây dựng

Cơ sở thiết lập tiêu chí kiểm toán: Các quy định về an toàn lao động, vệ sinh môi trường, phòng chống cháy nổ, an ninh, quốc phòng...; Bảng tiến độ thi công; Các quy định về quản lý chất lượng công trình xây dựng…

Các nội dung cần kiểm toán:

- Công tác tổ chức thi công có đảm bảo theo đúng quy định? Thời gian khởi công, hoàn thành có đảm bảo đạt tiến độ? Có phù hợp với tổng tiến độ dự án được phê duyệt?

- Khối lượng, chất lượng thi công xây dựng có được tính toán, xác nhận giữa các bên có liên quan? Sự hợp lý, đúng đắn của các khối lượng phát sinh ngoài thiết kế, dự toán?

Thứ sáu, kiểm toán điều kiện, năng lực của tổ chức cá nhân trong hoạt động xây dựng

Cơ sở thiết lập tiêu chí kiểm toán là: Tư cách pháp nhân; năng lực kỹ thuật, độ tin cậy, tài chính, kinh nghiệm, đội ngũ cán bộ của tổ chức, cá nhân tham gia dự án và các tiêu chuẩn bắt buộc của Nhà nước…

Các nội dung cần kiểm toán

Các tổ chức, cá nhân khi tham gia hoạt động xây dựng phải có đủ điều kiện, năng lực phù hợp với từng loại dự án, khi kiểm toán nội dung này cần xem xét điều kiện, năng lực của các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động xây dựng như: chủ nhiệm lập dự án; tư vấn lập dự án; giám đốc tư vấn quản lý dự án; tư vấn quản lý dự án; chủ nhiệm khảo sát xây dựng; tư vấn khảo sát xây dựng; điều kiện, năng lực của chủ nhiệm thiết kế xây dựng công trình, giám sát thi công công trình …..

Thứ bảy, kiểm toán cơ chế, hình thức quản lý điều hành dự án, các quy chế quản lý giám sát nội bộ

Cơ sở thiết lập tiêu chí kiểm toán là: Các văn bản pháp luật của Nhà nước có liên quan; các quy chế quản lý, giám sát nội bộ

Các nội dung cần kiểm toán

- Việc quản lý điều hành dự án có theo các quy định của Nhà nước? Việc ban hành các quy chế quản lý, giám sát nội bộ có đúng quy định, đúng thẩm quyền?

- Quy chế quản lý, giám sát nội bộ có phù hợp với quy định của pháp luật và việc tổ chức thực hiện các quy chế nội bộ cũng như hiệu quả của quy chế?

Tài liệu tham khảo

1. Các chuẩn mực Kiểm toán Nhà n­ớc và h­ớng dẫn Kiểm toán hoạt động của INTOSAI và ASOSAI; Nhà xuất bản thống kế, 2004;

2. Luật kiểm toán nhà n­ớc;

3. Luật xây dựng;

4. Luật đấu thầu;

5. Nghị định 88/1999/NĐ-CP của Chính phủ quy định về việc ban hành quy chế đấu thầu;

6. Nghị định 209/2004/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý chất l­ợng công trình xây dựng;

7. Nghị định 16/2005/NĐ-CP của CP về quản lý Dự án ĐTXD công trình ngày 07/02/2005;

8. Sổ tay về kiểm toán hoạt động, lý thuyết và thực tiễn; bản dịch của Ch­ơng trình hợp tác và phát triển thể chế của Cơ quan Kiểm toán Quốc gia Thuỷ Điển (RRV).

Xem thêm »