Sử dụng báo cáo kiểm toán phụcvụ quyết định của quốc hội và hội đồng nhân dân về kinh tế tài chính

09/03/2009
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Những năm gần đây Quốc hội, Hội đồng nhân dân ngày càng thể hiện rõ là cơ quan có quyền lập hiến, lập pháp và quyết định những chính sách cơ bản của đất nước, của địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân.

Những năm gần đây Quốc hội, Hội đồng nhân dân ngày càng thể hiện rõ là cơ quan có quyền lập hiến, lập pháp và quyết định những chính sách cơ bản của đất nước, của địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân. Đồng thời, cũng là cơ quan thực hiện quyền giám sát tối cao đối với toàn bộ hoạt động của Nhà nước Trung ương và nhà nước địa phương. Những nhiệm vụ kinh tế xã hội, những vấn đề tài chính, nhiệm vụ ngân sách Nhà nước được Quốc hội, HĐND xem xét, quyết định và thực hiện giám sát đã góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả và hiệu lực hoạt động của Quốc hội, của HĐND, góp phần tích cực vào việc kiện toàn bộ máy Nhà nước, tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan Quốc hội, của HĐND với các cơ quan hành pháp và tư pháp, nhất là trong việc thảo luận, tìm biện pháp giải quyết các vấn đề bức xúc về kinh tế xã hội, những vấn đề tài chính, tiền tệ của đất nước, của địa phương.

- Nội dung những vấn đề kinh tế, tài chính trình ra Quốc hội, HĐND để thảo luận và quyết định là khá toàn diện, từ những vấn đề kinh tế vĩ mô như quy hoạch, kế hoạch dài hạn, tốc độ và chất lượng tăng trưởng kinh tế, cơ cấu và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, các cân đối kinh tế tài chính, cho đến các vấn đề cụ thể như dự toán thu, cho NSNN, giao, phân bổ nguồn thu, nhiệm vụ chi, phê chuẩn quyết toán NSNN, ngân sách địa phương. Các báo cáo về tình hình thực hiện nhiệm vụ kế hoạch và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm được chuẩn bị khá chi tiết và gửi đến đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND trước mỗi kỳ họp.

- Ủy ban Kinh tế và Ngân sách của Quốc hội, Ban Kinh tế - Ngân sách, của HĐND chủ trì thẩm tra các báo cáo kinh tế - xã hội, báo cáo tài chính - ngân sách. Công việc thẩm tra được tiến hành thận trọng, chu đáo theo quy trình khá chặt. Ủy ban KT&NS của Quốc hội, Ban KTNS của HĐND với tư cách là cơ quan thẩm tra tổ chức nghiên cứu báo cáo, tiến hành các cuộc giám sát qua báo cáo và trên thực tế; tổ chức sưu tầm, thu thập và đánh giá thông tin kinh tế xã hội, thông tin kinh tế, tài chính; tổ chức các phiên họp toàn thể Ủy ban, Ban với sự tham gia của các Ủy ban, các cơ quan của Quốc hội, các Bộ, ban, ngành ở TW, sự tham gia của các Ban, các sở, ngành tại địa phương để thẩm tra báo cáo của Chính phủ của Ủy ban nhân dân, nghe báo cáo chuyên đề hoặc giải trình về những vấn đề cụ thể… để đưa ra những nhận định, những đánh giá. Báo cáo thẩm tra của Ủy ban KT&NS của Ban KT&NS được chuẩn bị cô đọng, xúc tích, phân tích và mổ xẻ thực trạng, nguyên nhân và nêu lên những giải pháp, những nhóm giải pháp mang tính đột phá, thiết thực. Các báo cáo thẩm tra là căn cứ quan trọng mang tính gợi mở để Quốc hội, HĐND thảo luận, quyết định.

- Quốc hội, HĐND tiến hành thảo luận công khai về tình hình kinh tế - xã hội tại các phiên họp. Trong nhiệm kỳ Quốc hội XI và nhiệm kỳ gần đây của HĐND lần đầu tiên mọi vấn đề thu, chi NSNN của từng ngành, từng cấp chính quyền được đặt lên bàn nghị sự, được công khai để cùng bàn bạc, trao đổi. Đây là bước tiến quan trọng trong tiến trình đảm bảo thực quyền của cơ quan dân cử trong các quyết định về kinh tế, tài chính.

Tuy nhiên, trên thực tế, Quốc hội, HĐND thực hiện nhiệm vụ quyết định các vấn đề kinh tế, tài chính vẫn còn nhiều khó khăn, nhiều hạn chế:

Thứ nhất, nhiều vấn đề kinh tế - tài chính mang tầm chiến lược, vĩ mô chưa được thảo luận một cách đầy đủ và thấu đáo, như quan điểm về tăng trưởng kinh tế, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế; định hướng và giải pháp phát triển kinh tế vùng, kinh tế ngành động lực; các cân đối vĩ mô, cán cân thương mại, cán cân thanh toán trong nước và quốc tế, vay nợ và trả nợ, mức và thời gian bội chi ngân sách, nguồn bù đắp bội chi. Có vấn đề hầu như chưa được đưa ra và thiếu những thảo luận cần thiết, như an ninh tài chính quốc gia, mức độ, tính chất lạm phát, giá trị đồng tiền Việt Nam, khối lượng tiền trong lưu thông, chính sách lãi suất, tỷ giá,…

Thứ hai, Quốc hội, HĐND chưa thực hiện đầy đủ quyền quyết định tài chính, phân bổ ngân sách như Hiến pháp quy định. Chất lượng thảo luận, quyết định ngân sách chưa cao, ít nhiều còn mang tính hình thức, chưa thỏa mãn và chưa đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của nhân dân, cử tri trong cả nước.

Thứ ba, hoạt động giám sát của Quốc hội, của HĐND về tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế- xã hội, tình hình chấp hành ngân sách còn hạn chế, hiệu quả chưa cao, hậu quả pháp lý của hoạt động giám sát còn thấp.

Nguyên nhân của tình hình trên có rất nhiều, nhưng một nguyên nhân khá quan trọng là Quốc hội, HĐND, các cơ quan của Quốc hội, của HĐND thiếu những thông tin toàn diện, cần thiết và tin cậy mang tính chuyên môn sâu làm căn cứ xem xét và đánh giá và quyết định. Quốc hội, HĐND thảo luận và cho ý kiến về tình hình kinh tế - xã hội, về tài chính và NSNN, một mặt trên cơ sở báo cáo của Chính phủ và các cơ quan của Chính phủ, trên cơ sở thông tin thu thập được qua hoạt động giám sát, qua tổng hợp ý kiến của cử tri cả nước; mặt khác, rất cần những thông tin và ý kiến đánh giá, xác nhận độ tin cậy thông tin từ những cơ quan chuyên môn.

Quan điểm sử dụng báo cáo kiểm toán trong thẩm tra, đánh giá, quyết định các vấn đề kinh tế tài chính.

- Kiểm toán là hoạt động kiểm tra đánh giá và xác nhận mức độ tin cậy của các thông tin kinh tế và tài chính. Kết quả kiểm toán về chất lượng và độ tin cậy của thông tin kinh tế tài chính như là sự phản biện khách quan, có bằng chứng pháp lý, là chỗ dựa và mang tính gợi mở để Quốc hội, HĐND hình thành ý kiến. Quyết định các vấn đề kinh tế, tài chính là quyền và nhiệm vụ của Quốc hội và HĐND.

- Kiểm toán nhà nước là công cụ kiểm tra, kiểm soát tài chính của nhà nước pháp quyền. Hoạt động kiểm toán nhà nước phải thật sự độc lập. Những đánh giá và xác nhận về thông tin kinh tế tài chính, ngân sách của KTNN phải thật sự khách quan. Cần sử dụng kết luận của kiểm toán sao cho có hiệu quả và thiết lập một quy trình thu nhận, cung cấp thông tin, đánh giá thông tin, tạo dựng quan hệ phối hợp công tác thật hiệu lực, hiệu quả.

- Cần thống nhất về nhận thức, trong kinh tế thị trường, trong cơ chế quản lý kinh tế mới, Nhà nước lãnh đạo và quản lý nền kinh tế không phải bằng biện pháp hành chính mà bằng luật pháp, bằng biện pháp kinh tế, bằng đòn bẩy và công cụ kinh tế, đòi hỏi các hoạt động kinh tế phải bình đẳng, minh bạch, công khai. Thông tin kinh tế tài chính do kế toán, thống kê tạo lập và cung cấp phải đầy đủ, trung thực, tin cậy. Việc thu thập, xử lý và cung cấp thông tin kinh tế tài chính phải dựa trên các quy định của luật pháp, trước hết là luật pháp về kế toán, thống kê; phải dựa vào năng lực và sự tuân thủ luật pháp của các nhà tài chính kế toán. Nhà nước rất cần những thông tin có độ tin cậy cao để sử dụng trong việc xem xét, quyết định những vấn đề liên quan kinh tế - tài chính - ngân sách. Quốc hội- HĐND rất cần những thông tin không chỉ đầy đủ, toàn diện mà còn phải trung thực, khách quan, có độ tin cậy cao và chỉ có thể yên lòng, mạnh dạn quyết định các vấn đề kinh tế khi các thông tin kinh tế tài chính được đánh giá và xác nhận một cách khách quan, độc lập bởi một tổ chức hoặc các chuyên gia độc lập. KTNN, với chức năng kiểm tra, đánh giá, xác nhận tính đúng đắn, hợp pháp, độ tin cậy của các thông tin, số liệu về NSNN, về hoạt động tài chính nhà nước sẽ góp phần nâng cao chất lượng, độ tin cậy của thông tin tài chính - kế toán. KTNN giúp Nhà nước, các đơn vị quản lý và sử dụng ngân quỹ nhà nước hiểu rõ hơn thực trạng công tác quản lý tài chính, tuân thủ và chấp hành luật pháp, kỷ luật tài chính, sử dụng và bảo vệ nguồn vốn của Nhà nước tại từng đơn vị và trong toàn bộ nền kinh tế. Thông tin và kết luận của KTNN là căn cứ cho việc xem xét và đề ra các quyết định ở tầm vĩ mô, thực hiện việc giám sát các hoạt động tài chính, phân bổ và sử dụng NSNN.

- Hiểu đúng và thống nhất về Nhà nước Pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Việt Nam và sự phân công về nhiệm vụ, quyền hạn giữa cơ quan hành pháp, tư pháp và lập pháp trong hoạt động kinh tế tài chính là nhằm mục đích nâng cao trách nhiệm trước các quyết định kinh tế, tài chính. Cần có sự hợp tác thực sự, cởi mở giữa các cơ quan chuyên môn, cơ quan quản lý nhà nước với các cơ quan của Quốc hội, HĐND. Đồng thời, phải đảm bảo tính độc lập, tính khách quan của từng cơ quan trong quá trình thảo luận, xem xét, thẩm tra báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế - tài chính của đất nước. Tính độc lập khách quan của KTNN phải được đề cao và tôn trọng tuyệt đối.

- Kiểm toán không chỉ đánh giá độ tin cậy của thông tin kinh tế tài chính mà còn chỉ ra cái được, cái chưa được trong quản lý tài chính. Với những bằng chứng pháp lý, bằng nghiệp vụ chuyên môn, Kiểm toán xác nhận số đúng, số tin cậy của thu chi ngân quỹ nhà nước. Quyết định của Quốc hội, của HĐND được xem xét dựa trên nhiều căn cứ không chỉ kinh tế mà còn cả căn cứ chính trị, xã hội. Những căn cứ mang tính chuyên môn của kiểm toán rất quan trọng. Quốc hội, HĐND chỉ có thể thực hiện tốt chức năng, đảm bảo thực quyền trong các quyết định dự toán, phân bổ Ngân sách, phê chuẩn quyết toán và giám sát tình hình thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, của HĐND về tài chính ngân sách khi và chỉ khi Quốc hội, HĐND được sự trợ giúp đắc lực của cơ quan chuyên môn trong việc thẩm tra đánh giá kết quả các thông tin tài chính - kinh tế.

- Kiểm toán nhà nước là hoạt động chuyên môn, độc lập, theo nguyên tắc trung thực, khách quan và chỉ tuân theo pháp luật. Cần khẳng định kiểm toán nhà nước là công cụ quan trọng trong thực hiện quyền lực của nhân dân bằng kiểm kê và kiểm soát trong xây dựng và quản lý đất nước. Ý kiến xác nhận của KTNN là sự bảo đảm độ tin cậy của các thông tin tài chính, thông tin kế toán. Chức năng và nhiệm vụ của các Ủy ban của Quốc hội, các Ban của HĐND, đặc biệt là Ủy ban KT&NS là đánh giá kết quả KTNN và sử dụng kết quả kiểm toán vào việc thẩm tra các báo cáo kinh tế, tài chính, ngân sách.

Phương thức sử dụng kết quả kiểm toán trong thảo luận và quyết định các vấn đề kinh tế, tài chính:

- Thông tin về kinh tế tài chính rất nhiều, rất phong phú và đa dạng, trong mỗi kỳ họp, cần phân tích và chọn lựa những vấn đề, những thông tin thiết thực, trọng yếu vừa mang tính tổng quát vừa mang tính chiến lược, phù hợp những vấn đề kinh tế - tài chính mà Quốc hội, HĐND và cử tri quan tâm. Ngoài những nội dung mang tính ổn định, mỗi kỳ họp cần tập trung xem xét, đánh giá và cho ý kiến về một hoặc một số vấn đề. Ví dụ như vấn đề thu ngân sách, vấn đề bội chi, nguồn bù đắp bội chi, vấn đề vay nợ, trả nợ, vấn đề chi cho đầu tư phát triển, chi cho giáo dục, phát triển khoa học và công nghệ, chi cho các chương trình mục tiêu… Quốc hội, HĐND cần dành thời gian và trí tuệ cho việc thảo luận, lựa chọn và quyết định các vấn đề mang tính chiến lược về kinh tế - tài chính, kế hoạch đầu tư dài hạn, ngân sách dài hạn, trung hạn (ngân sách đa niên độ), các cân đối sản xuất - tiêu dùng, tích lũy - tiêu dùng. Thông tin do KTNN cung cấp phải hướng vào những yêu cầu của Quốc hội, HĐND theo những chủ đề cần tập trung thảo luận và quyết định trong từng kỳ họp. Hoạt động của KTNN không chỉ kiểm toán báo cáo tài chính, kiểm toán tuân thủ, mà phải tăng cường kiểm toán hoạt động, kiểm toán hiệu quả, cung cấp những đánh giá về chính sách, về tính hiệu quả của hoạt động kinh tế, hoạt động đầu tư và thu chi ngân sách. Các chuyên đề giám sát được lựa chọn có trọng tâm, trọng điểm, mang tính điển hình và gắn với những nội dung của Nghị quyết Quốc hội, Nghị quyết HĐND. KTNN cần cung cấp thông tin và giúp Quốc hội, HĐND chuẩn bị chu đáo trên tất cả các mặt cho công tác giám sát.

- Tính độc lập là vấn đề cốt lõi và xương sống của hoạt động kiểm toán, được hiểu theo cả hai khía cạnh: kiểm toán phải hoàn toàn độc lập, khách quan, vô tư trong khi thực hiện nhiệm vụ và phải được đảm bảo sự độc lập bằng các quy định, chế tài để tránh mọi sự tác động trực tiếp hoặc gián tiếp. Khi tiến hành hoạt động nghiệp vụ, kiểm toán có thể tiếp cận đầy đủ các bằng chứng và nguồn gốc thông tin; khách quan trong thu thập, xem xét, đánh giá các thông tin, từ đó có những kết luận, xác nhận tin cậy về thực trạng hoạt động kinh tế - tài chính, đó là những kết luận có bằng chứng đã được đánh giá. Hội đồng dân tộc, các Ủy ban, các Ban của Quốc hội, HĐND có đủ căn cứ pháp lý để thảo luận, đưa ra nghị quyết về những vấn đề kinh tế - tài chính.

- Tăng cường tính minh bạch và độ tin cậy của thông tin phục vụ Quốc hội. HĐND. Đảm bảo mọi thông tin trình ra Quốc hội, HĐND có độ tin cậy cao, được đánh giá bởi cơ quan chuyên môn độc lập.

Thông tin cung cấp cho Quốc hội, HĐND phải minh bạch và có độ tin cậy cao. Trước hết là các thông tin về chiến lược và nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, định hướng tài chính, ngân sách, những đánh giá về ngân sách trung hạn, nguồn thu và nhiệm vụ chi. Tăng cường tính minh bạch của các quỹ tài chính, của ngân sách trong giai đoạn lập dự toán, đặc biệt là các cơ sở dữ liệu và tiêu chí dùng cho việc dự tính các nguồn thu và nhiệm vụ chi. Sớm chuyển sang áp dụng kế toán dồn tích thay cho phương pháp kế toán thực thu, thực xuất quỹ hiện nay, phản ánh xác thực hơn tình hình tài chính nhà nước, ngân quỹ quốc gia và NSNN theo nguyên tắc thừa nhận quyền và nghĩa vụ ngân sách gắn với năm ngân sách, chứ không phải là số thực thu và thực xuất quỹ. Số liệu cung cấp cho Quốc hội phải có xác nhận và đánh giá của cơ quan KTNN, phải đạt độ tin cậy cao nhất có thể.

- Báo cáo kiểm toán sẽ đưa ra đánh giá về tính hợp pháp, hợp lệ, độ tin cậy và tính hiệu quả của các khoản thu, từng khoản chi ngân quỹ nhà nước, thu chi NSNN và quỹ NSNN. Ý kiến của KTNN phải là căn cứ tin cậy để Quốc hội, HĐND thảo luận, xem xét và quyết định các vấn đề tài chính, ngân quỹ và NSNN. Để đạt được điều đó KTNN phải tiến hành xem xét, đánh giá thông tin một cách khách quan, chỉ tôn trọng luật pháp và phản ảnh đúng sự thật. Cần kiểm soát và nâng cao phẩm chất và đạo đức nghề nghiệp của kiểm toán viên, đảm bảo cho họ có tiếng nói độc lập, khách quan. Kết luận của KTNN rất đa dạng, phong phú, liên quan nhiều nội dung, nhiều đối tượng được kiểm toán, vì vậy Ủy ban, Ban KT&NS của Quốc hội, HĐND có nhiệm vụ xem xét đánh giá những ý kiến của kiểm toán, tiến hành chọn lựa những nội dung cần thiết, có chủ định, tiến hành tổng hợp và trình Thường vụ Quốc hội, thường trực HĐND về những nội dung, mức độ của các ý kiến để cung cấp cho đại biểu Quốc hội và HĐND trước và trong các kỳ họp.

- Tổng KTNN với tư cách là người đại diện cơ quan KTNN, người được Quốc hội bầu được mời tham dự các phiên họp toàn thể của Ủy ban KT&NS, các kỳ họp Quốc hội, Thường vụ Quốc hội. Kiểm toán trưởng KTNN khu vực - người được Tổng KTNN ủy quyền, tham dự các kỳ họp của Ban Kinh tế - tài chính của HĐND, thường trực HĐND, các cuộc họp HĐND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Tại các phiên họp toàn thể Ủy ban KT&NS của Quốc hội để thẩm tra báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về kinh tế xã hội, về NSNN, Tổng KTNN được và phải trình bày ý kiến của cơ quan kiểm toán trên cơ sở kết quả kiểm toán. Trường hợp cần thiết, Ủy ban, Ban KT&NS của Quốc hội, HĐND sẽ trình bày ý kiến đánh giá về kết quả kiểm toán, yêu cầu bổ sung bằng chứng và đưa ra ý kiến hoặc kiến nghị cần thiết. Tổng KTNN cần và có trách nhiệm trình bày trong kỳ họp Quốc hội, HĐND báo cáo tổng hợp về kết quả kiểm toán trong năm trước khi Quốc hội, HĐND thảo luận và quyết định, ra nghị quyết về nhiệm vụ kinh tế xã hội, phê chuẩn dự toán và quyết toán NSNN. Trước đó, KTNN có trách nhiệm cung cấp đầy đủ kết luận và thông tin liên quan tới kết luận của KTNN cho Ủy ban, Ban KT&NS của Quốc hội, HĐND.

Để kết luận, xin được khẳng định, KTNN là công cụ kiểm tra tài chính của nhà nước để thực hiện quyền lực của nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng bằng kiểm kê, kiểm soát. ý kiến và xác nhận của KTNN là bảo đảm sự tin cậy của các thông tin kinh tế, tài chính, ngân sách trình lên Quốc hội, HĐND và công khai hóa. Cần xác lập quy trình và trách nhiệm cung cấp, sử dụng thông tin và đánh giá thông tin do kiểm toán cung cấp một cách có hiệu quả. Thảo luận và quyết định các vấn đề kinh tế - tài chính, giám sát tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế xã hội, tình hình lập và chấp hành NSNN là thẩm quyền của Quốc hội, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đây là công việc lớn, phức tạp nhưng có ý nghĩa quan trọng góp phần nâng cao chất lượng hoạt động tài chính, ngân sách, tạo dựng và củng cố lòng tin của dân vào Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Cần phải quan tâm chỉ đạo và sử dụng triệt để, đúng mức để KTNN phục vụ có hiệu quả việc nâng cao chất lượng, hiệu quả và đảm bảo thực quyền của Quốc hội, HĐND trong các quyết định về kinh tế, tài chính. Quốc hội và HĐND có thực quyền trong các quyết định về kinh tế, tài chính sẽ xứng đáng và làm trọn chức năng là cơ quan quyền lực cao nhất, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân./.

Xem thêm »