Tìm kiếm con đường hình thành kiểm toán hợp tác xã

09/03/2009
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Sau hơn 10 đàm phán ký kết và thởa thuận với các nước thành viên của tổ chức thương mại thế giới (WTO), ngày 7/11/2006 vừa qua Việt Nam đã là thành viên thứ 150 của tổ chức này. Điều này đồng nghĩa với việc tạo ra rất nhiều cơ hội cũng như những thách thức cho các đơn vị kinh tế nói chung và các hợp tác xã nói riêng ở Việt Nam.

Đây cũng chính là thời điểm đòi hỏi các đơn vị sản xuất kinh doanh tự đánh giá, tự nhìn lại và từng bước chuẩn bị cho quá trình hội nhập kinh tế đầy cam go hiện nay. Trong đó việc công khai tài chính, công khai năng lực và hiệu quả hoạt động cũng như việc minh bạch hệ thống nguyên tắc và chu trình quản lý là một đòi hỏi thực tế. Trong quá trình này, việc tiến hành hoạt động kiểm toán là một tất yếu.

Kiểm toán nói chung được hiểu là một quá trình thu thập và đánh giá bằng chứng về những thông tin được kiểm tra nhằm xác định và báo cáo về mức độ phù hợp giữa những thông tin đó với các chuẩn mực được thiết lập.

Kiểm toán là một công cụ quản lý hiệu quả giúp các đơn vị phát triển, mở rộng sản xuất, kinh doanh, đồng thời giúp cho các bên quan tâm đến thông tin của đơn vị được kiểm toán có thể đưa ra quyết định đầu tư phù hợp nhất. Điều này cũng lý giải vì sao, ở các nước phát triển trên thế giới, người ta coi kiểm toán là tất yếu. Trong khi đó, hoạt động kiểm toán của Việt Nam vẫn còn chưa thực sự được quan tâm đầy đủ, thậm chí nhiều đơn vị còn chưa hiểu kiểm toán là gì? Vì sao phải kiểm toán? hoặc đánh đồng kiểm toán với thanh tra kinh tế.

Lịch sử phát triển của hoạt động kiểm toán ở Việt Nam mới chỉ thực sự bắt đầu từ năm 1991 với sự ra đời của hai đơn vị kiểm toán là Công ty kiểm toán Việt Nam (VACO) và Công ty dịch vụ tài chính kế toán và kiểm toán (AASC). Cho đến nay, chúng ta đã có ba loại hình kiểm toán cơ bản: kiểm toán độc lập, kiểm toán nội bộ và kiểm toán nhà nước với 2 hình thức: bắt buộc và tự nguyện chịu sự kiểm tóan. Với tư cách là một đơn vị kinh thế đặc thù, tổ chức kinh tế mang tính xã hội cao, các HTX hiện nay không thuộc đối tượng bắt buộc phải chịu sự kiểm toán nhưng nếu các HTX muốn tham gia vào hoạt động kiểm toán thì phải thông qua các tổ chức kiểm toán mà không phải là tổ chức kiểm toán dành riêng cho khu vực kinh tế này. Đó cũng là lý do mà thời gian qua số lượng HTX chịu sự kiểm toán không nhiều. Điều này không có nghĩa là các cơ sở kinh tế hợp tác, các HTX thờ ơ với công tác kiểm toán, mà họ mong muốn có một loại hình kiểm toán phù hợp với điều kiện đặc thù của khu vực HTX và nó phải thực sự là công cụ trợ giúp, tư vấn cho HTX về các mặt: tổ chức, quản lý theo đúng quy định của pháp luật, giúp HTX tránh được rủi ro, thất thoát tài sản, hạch toán đúng, kịp thời và minh bạch, cải thiện điều kiện kinh doanh, bảo vệ lợi ích xã viên, tạo niềm tin của xã viên đối với HTX, nâng cao vị thế của HTX. Điều đó đòi hỏi các cơ quan quản lý Nhà nước phải đặt vấn đề về sự hình thành và phát triển kiểm toán HTX với quan điểm coi kiểm toán hợp tác xã là một loại hình dịch vụ đặc thù dành riêng cho khu vực kinh tế hợp tác xã và phải có các tổ chức kiểm toán chuyên biệt thuộc hệ thống cơ quan đại diện hỗ trợ hợp tác xã tiến hành.

Thời gian gần đây, Liên minh HTX Việt Nam có những hoạt động nghiên cứu về kiểm toán HTX. Nhiều cán bộ chủ chốt của Liên minh HTX Việt Nam đã được cử ra nước ngoài, tham gia các hội thảo khoa học về kiểm toán HTX và nghiên cứu kinh nghiệm kiểm toán HTX của một số nước trên thế giới như: CHLB Đức, Thái Lan, Nhật Bản,… nhằm từng bước xây dựng cơ sở khoa học hình thành tổ chức kiểm toán HTX ở nước ta. Tuy nhiên việc tổ chức kiểm toán hợp tác xã như thế nào để đạt được hiệu quả mà các HTX không từ chối là điều cần được xem xét. Bởi nếu hình thành và áp dụng không phù hợp có thể sẽ phản tác dụng kiểm toán. Vấn đề này hiện nay có hai quan điểm:

Với quan điểm thứ nhất: người ta cho rằng để giúp các HTX phát triển mạnh chúng ta cần phải coi thực hiện kiểm toán các HTX là bắt buộc, có như vậy mới tạo ra động lực phát triển cho HTX và nâng cao khả năng cạnh tranh cho thành phần kinh tế này. Nghĩa là nên hình thành kiểm toán HTX và bắt buộc các HTX chịu sự kiểm toán.

Quan điểm thứ hai cho rằng hình thành kiểm toán HTX nhưng không bắt buộc các hợp tác xã chịu sự kiểm toán, mà để cho các hợp tác xã tự nguyện chịu sự kiểm toán. Vì theo họ nếu đưa vào bắt buộc thì sẽ không hiệu quả do hầu hết các HTX của chúng ta còn đang phát triển ở quy mô thấp, sản xuất manh mún, trình độ quản lý và năng lực sản xuất, kinh doanh còn thấp. Hơn nữa việc kiểm toán cũng đòi hỏi một chi phí tài chính nhất định.

Cả hai quan điểm trên đều có những cơ sở riêng, song cần phải xuất phát từ hai phía: phía những cơ quan quản lý và bản thân các HTX, tức là phải xuất phát từ tình hình thực tế. Với các HTX hiện tại nếu thực hiện kiểm toán bắt buộc ngay thì mức độ hiệu quả rất thấp và dễ dẫn đến hiện tượng “sợ” kiểm toán, ngược lại để các HTX tự nguyện chịu sự kiểm toán thì sự phát triển của loại hình kinh tế này sẽ rất khó cải thiện vì thiếu động lực phát triển.

Do vậy để có thể tổ chức hoạt động kiểm toán hợp tác xã một cách khoa học, thời gian đầu (từ nay đến 2010) chúng ta chưa nên áp dụng bắt buộc cho tất cả các HTX, mà dừng lại ở một số đối tượng cụ thể ( những đối tượng làm ăn có hiệu quả, khả năng cạnh tranh lớn thông qua căn cứ doanh thu, thu nhập hàng năm: chẳng hạn doanh thu năm là trên 15 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế năm là 5 tỷ đồng…) nhằm mục đích cho các HTX làm quen dần với loại hình kiểm toán HTX. Đồng thời cũng coi đây là một quá trình thử nghiệm để từng bước hình thành và phát triển công tác Kiểm toán HTX. Trong quá trình này sẽ hình thành và hoàn thiện các quy định về nội dung, đối tượng, phương pháp kiểm toán cũng như đào tạo, bồi dưỡng trình độ hiểu biết của các kiểm toán viên HTX. Nhưng về lâu dài để các HTX phát triển vững mạnh, có thể trở thành những tổ chức kinh tế mạnh thì cần bắt buộc kiểm toán HTX. Có như vậy việc hình thành kiểm toán HTX mới thực sự thành công.

Trên đây là một vài ý kiến về việc hình thành kiểm toán HTX ở Việt Nam hiện nay, có những ý kiến còn mang tính chủ quan, tác giả rất mong nhân được ý kiến trao đổi và đóng góp của quý vị độc giả./.

Xem thêm »