Bổ sung, sửa đổi phương pháp tài khoản kế toán của công ty chứng khoán cho phù hợp với điều kiện hiện nay

09/03/2009
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Chế độ kế toán công ty chứng khoán được ban hành theo Quyết định số 99/2000/QĐ-BTC ngày 13/06/2000 của Bộ Tài chính quy định những vấn đề về kế toán đối với công ty chứng khoán. Tuy nhiên, từ khi ban hành cho đến nay đã trải qua khoảng thời gian tương đối dài với những thay đổi của thị trường chứng khoán, sự ra đời của Luật kế toán, 26 Chuẩn mực kế toán Việt Nam và các thông tư hướng dẫn thì việc cần thiết phải bổ sung, sửa đổi những nội dung mới là hoàn toàn cần thiết và cấp bách.

Xuất phát từ lý do này bài viết xin đề xuất hai nội dung chính góp phần hoàn thiện phương pháp tài khoản trong công ty chứng khoán như sau:

I. Bổ sung, sửa đổi phương pháp hạch toán đối với các tài khoản

1. Thuế GTGT đầu ra không phát sinh và không được khấu trừ thuế GTGT đầu vào:

Theo điểm 1.7 Thông tư số 32/2007/TT-BTC ngày 09 tháng 04 năm 2007 của Bộ tài chính quy định “Dịch vụ tín dụng và quỹ đầu tư bao gồm hoạt động cho vay vốn, bảo lãnh cho vay, chiết khấu thương phiếu và giấy tờ có giá trị như tiền, bán tài sản đảm bảo tiền vay để thu hồi nợ, cho thuê tài chính của các tổ chức tài chính tín dụng tại Việt Nam; các hoạt động chuyển nhượng vốn theo quy định của Luật Doanh nghiệp, Luật Hợp tác xã, Luật Doanh nghiệp Nhà nước (nay là Luật Doanh nghiệp); hoạt động kinh doanh chứng khoán, bao gồm môi giới, tự doanh, quản lý danh mục đầu tư, bảo lãnh phát hành, tư vấn đầu tư chứng khoán”. Như vậy, theo quy định mới này thì hoạt động kinh doanh chứng khoán không thuộc đối tượng chịu thuế GTGT. Do đó phát sinh doanh thu, giá bán trên Hóa đơn GTGT sẽ là giá chưa có thuế GTGT và dòng tiền thuế GTGT sẽ ghi “không thuộc đối tượng chịu thuế GTGT” và phần thuế GTGT đầu vào sẽ không được khấu trừ mà tính vào các chi phí liên quan theo quy định.

2. Trích lập, xử lý các khoản dự phòng

Thời điểm trích lập lần đầu tiên và các lần sau là cuối niên độ kế toán (cuối năm, cuối quý), và ghi nhận bằng bút toán sau:

- Khi trích lập dự phòng lần đầu đối với hoạt động tự doanh chứng khoán hoặc trích lập phần chênh lệch tăng thêm so với niên độ kế toán trước:

Nợ TK 631 (63196)/Có TK 129(1291, 1293, 1294), 229(2291, 2293)

+ Khi hoàn nhập hoặc điều chỉnh phần chênh lệch dự phòng giảm so với niên độ kế toán trước thì ghi giảm chi phí:

Nợ 129(1291,1293,1294), 229(2291,2293)/Có TK 631(63196)

- Trích lập dự phòng đối với chứng khoán của người Ủy thác đầu tư:

+ Trường hợp trong Hợp đồng ủy thác quy định bên ủy thác đầu tư vẫn phải chịu các khoản chi phí rủi ro liên quan đến chứng khoán, khi trích lập lần đầu hoặc trích lập phần dự phòng chênh lệch tăng thêm so với niên độ kế toán trước:

Nợ TK 346/Có TK 129(1292, 1293), 229(2292, 2293)

Khi hoàn nhập hoặc điều chỉnh phần chênh lệch dự phòng giảm so với niên độ kế toán trước kế toán ghi giảm trừ vào khoản trích lập:

Nợ TK 129 (1292,1293), 229 (2292, 2293)/Có TK 346

+ Trường hợp Hợp đồng ủy thác quy định bên Ủy thác đầu tư không phải chịu các rủi ro đầu tư chứng khoán, thì kế toán sẽ ghi:

Nợ TK 631(63196)/Có TK 129(1292,1293), 229(2292, 2293)

Khi hoàn nhập hoặc khi điều chỉnh phần chênh lệch dự phòng giảm so với niên độ kế toán trước, ghi giảm chi phí:

Nợ TK 129(1292,1293), 229(2292, 2293)/Có TK 631(63196)

- Trích lập dự phòng lần đầu hoặc trích lập phần chênh lệch dự phòng tăng thêm so với niên độ kế toán trước đối với khoản phải thu khó đòi:

Nợ TK 642 (6426)/Có TK 139

Khi hoàn nhập hoặc điều chỉnh phần dự phòng chênh giảm so với niên độ kế toán trước, ghi giảm chi phí:

Nợ TK 139/Có TK 642(6426)

Theo quy định của Quyết định 99/2000/QĐ-BTC thì cuối niên độ kế toán (N) công ty chứng khoán tiến hành trích lập khoản dự phòng, sang cuối niên độ kế toán sau (N+1), sẽ hoàn nhập toàn bộ các khoản này và trích lập các khoản mới. Với cách hạch toán theo quy định mới được trình bày như trên, thì cuối niên độ kế toán N, kế toán sẽ trích lập các khoản dự phòng và sang cuối niên độ kế toán sau (N+1) căn cứ vào số trích lập mới thì sẽ chỉ trích lập phần chênh lệch tăng thêm hoặc giảm trừ phần chênh lệch giảm đi.

3. Các phương pháp tính trị giá thực tế vật liệu xuất kho: Tuân theo chuẩn mực kế toán số 02 – Hàng tồn kho gồm 04 phương pháp: Phương pháp đích danh, phương pháp bình quân gia quyền, phương pháp nhập trước xuất trước và phương pháp nhập sau xuất trước.

4. Hạch toán khoản chiết khấu thanh toán được hưởng: đưa vào Doanh thu hoạt động tài chính hoặc cho khách hàng hưởng chiết khấu thanh toán ghi vào Chi phí hoạt động tài chính

Nợ TK 111, 112, 331/Có TK 515 hoặc Nợ TK 635/Có TK 111, 113, 131

5. Xuất kho Công cụ dụng cụ có giá trị lớn, sử dụng cho nhiều kỳ kinh doanh, ghi:

Nợ TK 142, 242/Có TK 153

Đồng thời tiến hành phân bổ lần đầu, ghi:

Nợ TK 631, 642/Có TK 142, 242

Các lần tiếp theo được phân bổ khi báo hỏng, báo mất hoặc hết thời hạn sử dụng, giá trị phân bổ các lần này theo công thức:

Số phân bổ lần sau

=

Giá trị CCDC hỏng

- Giá trị phế liệu thu hồi (nếu có)

- Khoản bồi thường vật chất (nếu có)

n

6. Góp vốn liên doanh với các doanh nghiệp khác bằng TSCĐ, vật tư hàng hóa:

Khi góp vốn liên doanh với các doanh nghiệp khác bằng tài sản, vật tư, hàng hóa phải xác định tỷ lệ lợi ích trong liên doanh.

- Góp vốn vào cơ sở kinh doanh đồng kiểm soát bằng tài sản:

+ Nếu giá do Hội đồng đánh giá cao hơn giá trị còn lại, ghi:

Nợ TK 222 – Giá do Hội đồng đánh giá

Nợ TK 214 – HM lũy kế

Có TK 211,213 – Nguyên giá

Có TK 3387 – tương ứng với phần lợi ích của mình trong liên doanh

Có TK 711 – tương ứng với phần lợi ích của các bên khác trong LD

Sau đó, định kỳ căn cứ vào thời gian sử dụng hữu ích của TSCĐ mà cơ sở kinh doanh đồng kiểm soát sử dụng, kế toán phân bổ doanh thu chưa thực hiện vào thu nhập khác trong kỳ

Nợ TK 3387/Có TK 711 – tương ứng với phần phân bổ trong kỳ

Trường hợp Hợp đồng liên doanh kết thúc hoạt động hoặc bên góp vốn chuyển nhượng phần vốn góp liên doanh cho đối tác khác, thì kết chuyển toán bộ khoản chênh lệch vào thu nhập khác, ghi: Nợ TK 3387/Có TK 711

+ Nếu gía do hội đồng đánh giá thấp hơn giá trị còn lại:

Nợ TK 222 – Giá do hội đồng đánh giá

Nợ TK 214 – HM lũy kế

Nợ TK 811 – Phần chênh lệnh đánh giá thấp

Có TK 211, 213 Nguyên giá

- Góp vốn vào cơ sở kinh doanh đồng kiểm soát bằng vật tư, hàng hóa:

+ Trường hợp giá do hội đồng đánh giá cao hơn giá trị vật tư, hành hóa xuất kho, ghi:

Nợ TK 222 –Giá do Hội đồng đánh giá

Có TK 152, 153, 155, 156 – giá trị xuất kho

Có TK 3387- tương ứng với lợi ích của mình trong LD

Có TK 711 – tương ứng với lợi ích của các bên khác trong LD

Khi cơ sở kinh doanh đồng kiểm soát bán số vật tư, hàng hóa đó cho bên thứ ba độc lập, thì kết chuyển vào thu nhập khác: Nợ TK 3387/Có TK 711

+ Trường hợp giá do Hội đồng đánh giá thấp hơn giá trị vật tư, hàng hóa xuất kho, ghi:

Nợ TK 222 – giá do Hội đồng đánh giá

Nợ TK 811 phần chênh lệch giảm

Có TK 152, 153, 155, 156 giá trị xuất kho

7. Trường hợp nhượng bán, thanh lý TSCĐ:

Nợ TK 811 – Giá trị còn lại và các chi phí liên quan đến nhượng bán, thanh lý

Nợ TK 214 – HM lũy kế

Có TK 211 – Nguyên giá

Đồng thời: Nợ TK 111, 112, 131...

Có TK 711- giá bán

8. Các điều kiện của thuê TSCĐ theo phương thức thuê tài chính được áp dụng theo quy định hiện hành

9. Hạch toán và xử lý chênh lệch tỷ giá hối đoái

Toàn bộ các khoản chênh lệch tỷ giá hối đoái phát sinh trong kỳ được phân vào một trong hai giai đoạn hoạt động là giai đoạn sản xuất kinh doanh (bao gồm cả hoạt động đầu tư XDCB trong giai đoạn này – nếu có) và giai đoạn đầu tư XDCB.

- Đối với giai đoạn sản xuất kinh doanh: Các khoản chênh lệch Tỷ giá hối đoái phát sinh trong kỳ sẽ được ghi nhận vào thu nhập hoạt động tài chính nếu lãi (TK 515) hoặc Chi phí hoạt động tài chính (TK 635) nếu lỗ. Cuối kỳ đánh giá lại các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ (Tiền mặt, tiền gửi ngân hàng, các khoản Nợ phải trả, Nợ phải thu, vay) phần chênh lệch tăng được phản ánh lũy kế vào bên Có TK 4131, phần chênh lệch giảm phản ánh lũy kế vào bên Nợ TK 4131, sau đó bù trừ lũy kế tăng và giảm được kết quả nếu lãi phản ánh vào doanh thu hoạt động tài chính, nếu lỗ phản ánh vào chi phí hoạt động tài chính.

- Đối với giai đoạn đầu tư XDCB: Các khoản chênh lệch tỷ giá hối đoái phát sinh trong kỳ và đánh giá lại cuối năm tài chính được phản ánh lũy kế vào TK 4132, sau đó khi kết thúc giai đoạn đầu tư XDCB sẽ tiến hành phân bổ số chênh lệch này vào thu nhập hoạt động tài chính hoặc chi phí hoạt động tài chính với thời gian phân bổ tối đa là 5 năm kể từ ngày kết thúc hoạt động đầu tư XDCB.

10. Xác định và hạch toán chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp: thực hiện theo như quy định của chuẩn mực số 17 – Thuế thu nhập doanh nghiệp

II. Bổ sung, sửa đổi các tài khoản kế toán

1. Bổ sung các Tài khoản

- Bổ sung TK 157 – Hàng hóa Bất động sản đầu tư

- Bổ sung các tài khoản cấp 2 của các tài khoản 211 – TSCĐ hữu hình và TK 213 – TSCĐ vô hình cho đầy đủ theo như quy định hiện hành, cụ thể:

+ TK 2111 Nhà cửa, vật kiến trúc, TK 2112 Máy móc thiết bị, TK 2113 Phương tiện vận tải, truyền dẫn, TK 2114 Thiết bị, dụng cụ quản lý, TK 2115 Cây lâu năm, súc vật làm việc và cho sản phẩm, TK 2118 TSCĐ hữu hình khác.

+ TK 2131 Quyền sử dụng đất, TK 2132 Quyền phát hành, TK 2133 Bản quyền, bằng sáng chế, TK 2134 Nhãn hiệu hàng hóa, TK 2135 Phần mềm máy vi tính, TK 2136 Giấy phép và giấy phép nhượng quyền, TK 2138 TSCĐ vô hình khác.

- Bổ sung TK 217 Bất động sản đầu tư

- Bổ sung TK cấp 2, TK 2147 Khấu hao Bất động sản đầu tư

- TK 331 Phải trả người bán, bổ sung TK cấp 3 3316 Thanh toán bù trừ giao dịch chứng khoán với Trung tâm giao dịch chứng khoán.

- Bổ sung các TK cấp 2 của TK 333 – Thuế và các khoản phải nộp nhà nước, cho đầy đủ như theo quy định: TK 3331 Thuế GTGT phải nộp, TK 3332 Thuế tiêu thụ đặc biệt, TK 3333 Thuế xuất nhập khẩu, TK 3334 Thuế thu nhập doanh nghiệp, TK 3335 Thuế thu nhập cá nhân, TK 3336 Thuế tài nguyên, TK 3337 Thuế nhà đất, tiền thuê đất, TK 3338 Các loại thuế khác, TK 3339 Phí, lệ phí và các khoản phải nộp khác.

- Bổ sung TK 515 Doanh thu hoạt động tài chính

- Bổ sung TK cấp 2 TK 63196 Chi phí dự phòng

- Bổ sung TK 635 Chi phí hoạt động tài chính

- Bổ sung TK 6426 Chi phí dự phòng

- Bổ sung TK 821 Chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp, với 2 TK cấp 2: TK 8211 Chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành và TK 8212 Chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hoãn lại

2. Đổi tên các Tài khoản

- TK 128 đổi tên thành Đầu tư dài hạn khác

- TK 142 đổi tên thành Chi phí trả trước ngắn hạn

- TK 222 đổi tên thành Vốn góp liên doanh

- TK 246 đổi tên thành TK 242 Chi phí trả trước dài hạn

- TK 334 đổi tên thành Phải trả người lao động

- TK 351 đổi tên thành Quỹ dự phòng trợ cấp mất việc làm

- TK 3387 đổi tên thành Doanh thu chưa thực hiện

- TK 413 đổi tên thành Chênh lệch tỷ giá hối đoái và đổi tên 02 TK cấp 2: TK 4131 Chênh lệch tỷ giá hối đoái đánh giá lại cuối năm tài chính, TK 4132 Chênh lệch tỷ giá hối đoái trong giai đoạn đầu tư XDCB

- TK 421 đổi tên thành Lợi nhuận chưa phân phối

- TK 711 đổi tên thành Thu nhập khác

- TK 811 đổi tên thành Chi phí khác

3.Bỏ các Tài khoản:

- Bỏ TK 416 Quỹ dự phòng trợ cấp mất việc làm

- Bỏ TK 513 Thu lãi đầu tư

- Bỏ TK 009 – Nguồn vốn khấu hao.

Với cách bổ sung và sửa chữa tên các TK như trên sẽ đảm bảo được các yêu cầu sau:

+ Vẫn phản ánh đúng bản chất các nghiệp vụ phát sinh trong lĩnh vực kế toán công ty chứng khoán

+ Tuân thủ các quy định mới nhất của các Chuẩn mực kế toán Việt Nam

+ Tạo nên sự khác biệt không lớn của tên gọi trong chế độ kế toán này với chế độ kế toán Doanh nghiệp – một chế độ kế toán tương đối phổ biến.

+ Tạo nên sự dễ làm, dễ hiểu hơn đối với phương pháp tài khoản của công ty chứng khoán

+ Phản ánh được các nghiệp vụ mới phát sinh trong nền kinh tế hiện nay.

+ Phân loại được các hoạt động: hoạt động kinh doanh chứng khoán, hoạt động tài chính và hoạt động khác góp phần quản trị các kết quả của các hoạt động cũng như phục vụ việc lập Báo cáo lưu chuyển tiền tệ được thuận lợi hơn.

Những TK có nội dung “khác” nên sử dụng thống nhất là đuôi tài khoản có số 8, chẳng hạn TK1238 Chứng khoán khác...

Xem thêm »