Tài chính quân đội là tổng thể các quan hệ kinh tế - tài chính trong các lĩnh vực hoạt động khác nhau của Quân đội. Do vậy việc quản lý tài chính quân đội vừa phải tuân thủ các nguyên tắc chung của quản lý tài chính, vừa phải thích ứng với những đặc thù của Quân đội. Bài viết này hướng vào nghiên cứu việc giải quyết mối quan hệ trên.
Quản lý tài chính là một bộ phận của quản lý kinh tế xã hội nói chung, và mang tính chất tổng hợp. Theo nghĩa rộng, quản lý tài chính được hiểu là việc dùng tiền để làm phương tiện quản lý hệ thống kinh tế xã hội thông qua việc sử dụng các chức năng vốn có của nó; Theo nghĩa hẹp thì quản lý tài chính được xem là phương sách điều hành hoạt động tài chính trong đó tài chính được coi như là đối tượng của quản lý.
Tài chính quân đội là một bộ phận của nền tài chính quốc gia, Do đó chất lượng quản lý tài chính trong quân đội ảnh hưởng trực tiếp đến việc giải quyết các mối quan hệ kinh tế tài chính quốc gia. Hơn nữa quản lý tài chính trong các đơn vị quân đội có vai trò quan trọng trong việc đảm bảo cho quân đội thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ được giao. Thông qua quản lý tài chính để giám sát tính mục tiêu, tính hiệu quả của các mặt hoạt động quân sự nhằm tăng cường kỷ luật tài chính trong quân đội góp phần thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, không để xảy ra tham nhũng trong quân đội đồng thời nâng cao sức mạnh chiến đấu của quân đội.
Quản lý tài chính trong quân đội giai đoạn hiện nay cần phải đạt được mục tiêu là: Mọi khoản chi tiêu trong các đơn vị dự toán quân đội đều phải đảm bảo đúng chế độ tiêu chuẩn, đúng nội dung và trong dự toán được duyệt, phù hợp với định mức của Nhà nước và quân đội ban hành với yêu cầu triệt để tiết kiệm . Đặc biệt trong điều kiện Ngân sách nhà nước còn nhiều khó khăn càng cần có biện pháp quản lý chặt chẽ qua các khâu trong trình tự lập, chấp hành và quyết toán Ngân sách.
Để đạt được mục tiêu của quản lý tài chính trong quân đội cần phải có các biện pháp quản lý hiệu quả, phù hợp với đặc điểm tài chính quân đội.
Là một bộ phận của tài chính nhà nước, mọi hoạt động của tài chính quân đội nói chung đều phải tuân theo các nguyên tắc, chế độ, thể lệ cơ bản về kinh tế - tài chính và phụ thuộc vào khả năng tài chính của Nhà nước. Bên cạnh đó hoạt động tài chính quân đội cũng có những đặc điểm riêng, có hệ thống tổ chức hợp lý, thực hiện những nhiệm vụ cụ thể nhằm đáp ứng yêu cầu xây dựng lực lượng, sẵn sàng chiến đấu, chiến đấu thắng lợi, tham gia xây dựng kinh tế và thực hiện các nhiệm vụ khác được Đảng, Nhà nước giao.Tài chính quân đội có đặc điểm chủ yếu sau:
Một là, hoạt động chủ yếu của tài chính quân đội là quản lý và sử dụng ngân sách nhà nước đảm bảo cho việc thực hiện các nhiệm vụ của quân đội .
Mục tiêu của tài chính quân đội là đáp ứng tốt nhất nhu cầu tài chính cho việc xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, đủ sức hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ quân sự và quốc phòng; quốc phòng kết hợp với kinh tế, kinh tế kết hợp với quốc phòng. Nguồn đảm bảo chủ yếu là kinh phí do Ngân sách nhà nước cấp .
Đặc điểm này đòi hỏi công tác đảm bảo, quản lý tài chính quân đội phải quán triệt và thực hiện tốt nguyên tắc tiết kiệm, chấp hành nghiêm các chế độ, chính sách, tiêu chuẩn, định mức . Đồng thời, việc đánh giá hiệu quả công tác tài chính phải xuất phát từ mục tiêu hoàn thành nhiệm vụ quân sự và theo mối tương quan giữa chi phí với nhiệm vụ được giao theo hướng hoàn thành nhiệm vụ ở mức cao nhất với mức chi phí xác định hoặc hoàn thành nhiệm vụ với chi phí thấp nhất.
Đặc điểm này còn cho thấy những nhu cầu đảm bảo tài chính của quân đội phụ thuộc vào khả năng chi cho quốc phòng, an ninh của Ngân sách nhà nước, phụ thuộc vào sự phát triển của nền kinh tế đất nước. Do vậy khi xác lập nhu cầu đảm bảo tài chính của toàn quân cũng như của từng đơn vị, một trong những vấn đề rất quan trọng mang tính nguyên tắc là không thể thoát ly khả năng chi cuả Ngân sách nhà nước hoặc khả năng bảo đảm của đơn vị cấp trên . Trong chi tiêu, sử dụng ngân sách phải thực hiện đúng chỉ tiêu, nội dung kế hoạch tài chính được phê duyệt; Công tác quản lý phải tuân thủ chế độ, tiêu chuẩn, chính sách, nguyên tắc, thể lệ được quy định trong các văn bản pháp quy của Nhà nước, của Quân đội như: Luật Ngân sách nhà nước, Điều lệ Công tác tài chính Quân đội nhân dân Việt Nam, Nghị định, Thông tư do cơ quan chức năng ban hành v.v…
Hai là, tài chính quân đội là một phạm trù kinh tế quân sự, bị chi phối bởi các quy luật kinh tế và các quy luật chiến tranh.
Tài chính quân đội trước hết chịu sự chi phối của các quy luật kinh tế vì tài chính quân đội là một bộ phận của tài chính nhà nước, là hệ thống các quan hệ đầu tư, hoạt động phân phối dưới hình thức giá trị nhằm phục vụ cho các hoạt động quân sự . Các quy luật kinh tế như quy luật giá trị, quy luật cạnh tranh, quy luật cung cầu, quy luật lưu thông tiền tệ v.v.. tác động, chi phối đến tài chính quân đội như một tất yếu khách quan. Mặt khác tài chính quân đội phục vụ cho các hoạt động quân sự. Vì vậy nó chịu sự chi phối bởi các đặc thù của hoạt động quân sự, của các quy luật chiến tranh.
Tính chất đặc thù của các hoạt động quân sự như tính chất mệnh lệnh, tính chất cơ mật, quyết liệt và cơ động cao; tính đặc trưng của cơ cấu tổ chức, môi trường hoạt động đặc biệt, có lúc trong thời bình, có lúc trong thời chiến, … ảnh hưởng và chi phối một cách trực tiếp, toàn diện các mặt hoạt động tài chính quân đội . Hoạt động tài chính quân đội phải lấy việc phục vụ nhiệm vụ quân sự là mục tiêu hàng đầu song không phải chi tiêu với bất cứ giá nào; Tổ chức quản lý hoạt động này phải phù hợp với yêu cầu hoạt động quân sự và thích ứng với hệ thống đảm bảo theo từng cấp chiến lược, chiến dịch, chiến thuật, trong tình huống khẩn trương cũng có thể đảm bảo vượt cấp.
Từ sự phân tích trên có thể rút ra kết luận: Tài chính quân đội là một phạm trù kinh tế quân sự, chịu sự chi phối của các quy luật kinh tế và các quy luật chiến tranh.
Quán triệt đặc điểm này đòi hỏi trong quản lý phải nắm vững nội dung, yêu cầu của các quy luật kinh tế và biết vận dụng các quy luật này trong thực tiễn để đảm bảo cho hoạt động tài chính quân đội đạt được hiệu quả toàn diện, thích ứng với các tình huống, các trạng thái sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu của quân đội.
Ba là, hệ thống đảm bảo và quản lý của tài chính quân đội được xây dựng trên cơ sở kết hợp giữa phân cấp theo ngành đảm bảo vật chất và theo đơn vị sử dụng từng cấp.
Quyền quản lý, sử dụng tổng hợp các nguồn tài chính trên cơ sở tuân thủ chế độ, chính sách chung của đơn vị từng cấp được thực hiện nhằm phát huy tính tích cực, chủ động và trách nhiệm cụ thể của đơn vị từng cấp . Vai trò của các ngành đảm bảo vật chất được phát huy nhằm tăng cường tính tập trung, thống nhất trong đảm bảo và quản lý đối với phạm vi toàn quân . Sự kết hợp này được thực hiện thông qua sự chỉ đạo về nghiệp vụ và tổ chức đảm bảo vật chất của các ngành.
Đặc điểm này ảnh hưởng trực tiếp đến phương thức tổ chức và quản lý việc phân phối, cấp phát, chi tiêu, sử dụng, thanh quyết toán tài chính trong quân đội. Do vậy trong quản lý cần nắm vững các nguồn tài chính trong quân đội, khai thác động viên mọi tiền năng và nguồn lực, thực hiện cân đối tài chính tích cực. Chỉ có trên cơ sở nắm vững các nguồn tài chính mới có điều kiện thực hiện việc phân phối tài chính một cách chủ động, có kế hoạch và linh hoạt, đáp ứng tính kịp thời trong bảo đảm tài chính cho các hoạt động của quân đội, góp phần quan trọng nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn tài chính.
Đảm bảo tài chính là biểu hiện cụ thể của chức năng phân phối trong hoạt động thực tiễn của tài chính quân đội. Đó là tổng thể các biện pháp tổ chức và nghiệp vụ đảm bảo kịp thời nhu cầu tài chính cho các nhiệm vụ của Quân đội. Phương thức đảm bảo tài chính là tổng thể các phư§ơng pháp và hình thức tổ chức để thực hiện nhiệm vụ đảm bảo tài chính cho quân đội trong thời bình cũng như thời chiến và phụ thuộc vào quy mô, tính chất và điều kiện thực hiện nhiệm vụ của quân đội nói chung và từng đơn vị nói riêng.
*
* *
Trong tình hình hiện nay yêu cầu tăng cường công tác quản lý tài chính ngày càng trở nên cấp bách, Tài chính Quân đội cũng không phải là ngoại lệ. Để công tác tài chính Quân đội thực hiện đúng chức năng, hoàn thành nhiệm vụ được giao đòi hỏi trong quá trình hoạch định chính sách, đưa ra các quyết định quản lý cần phải quán triệt sâu sắc đặc điểm Tài chính Quân đội chỉ có như vậy các chính sách quản lý mới phù hợp, có tính khả thi và mang lại hiệu quả thiết thực. /.
Danh mục tài liệu tham khảo
1. Cục Tài chính (2002) Tài chính dự toán Quân đội; Nhà xuất bản Quân đội nhân dân.
2. Cục tài chính (2003) Kế toán dự toán Quân đội; Nhà xuất bản Quân đội nhân dân.
3. Đảng uỷ quân sự trung ương (2007) Nghị quyết 39/NQ-ĐU về tăng cường sự lãnh đạo của cấp uỷ Đảng đối với công tác tài chính nhiệm kỳ 2005-2010.
4. Đảng uỷ quân sự trung ương (2006) Quy chế 402/QC-ĐU về tăng cường sự lãnh đạo của cấp uỷ Đảng đối với công tác tài chính.
5. Chính phủ (2004) Nghị định 10/2004/NĐ-CP ngày 7 tháng 01 năm 2004 của Chính phủ về quản lý, sử dụng ngân sách và tài sản nhà nước đối với một số hoạt động thuộc lĩnh vực Quốc phòng - an ninh.
6. Bộ Tài chính - BQP (2004) Thông tư 23/2004/TTLT-BTC-BQP ngày 26 tháng 3 năm 2004. Hướng dẫn lập và chấp hành, quyết toán NSNN và quản lý tài sản đối với một số hoạt động thuộc lĩnh vực Quốc phòng - an ninh.