Về công tác kế toán trong quản lý thuế

09/03/2009
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Ngày 27 tháng 6 năm 2007, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 72/2007/TT-BTC hướng dẫn việc đăng ký và quản lý hành nghề kế toán. Thông tư này là cơ sở pháp lý cho hoạt động cung cấp dịch vụ kế toán và là cơ sở phục vụ quản lý Nhà nước về hoạt động cung cấp dịch vụ kế toán. Trong bài viết này chúng tôi muốn đánh giá việc thực hiện đăng ký và quản lý hành nghề kế toán góp phần quan trọng trong việc thực hiện tốt công tác quản lý thuế ở Việt Nam hiện nay.

Kế toán là công cụ quản lý kinh tế quan trọng, có nhiệm vụ tính toán, phản ánh quá trình hoạt động kinh tế và kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh. Trong nền kinh tế thị trường, kế toán là phong vũ biểu xác định nguồn thông tin trung thực để xác định tình hình tài chính, kết quả hoạt động và nghĩa vụ thuế của từng đối tượng nộp thuế. Số liệu kế toán trung thực được công bố công khai sẽ là cơ sở để kê khai thực hiện nghĩa vụ thuế của cơ sở kinh doanh và là căn cứ cho việc thanh tra, kiểm tra của cơ quan thuế. Trong xu thế hội nhập, kế toán trở thành một nghề độc lập, có tổ chức riêng, có chuyên môn, kỹ thuật riêng và là một môn khoa học riêng. Luật kế toán năm 2003 quy định tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật có quyền hành nghề kế toán và tất cả các doanh nghiệp thuộc mọi lĩnh vực, mọi thành phần kinh tế và các đơn vị hành chính sự nghiệp được quyền thuê các doanh nghiệp dịch vụ kế toán hoặc cá nhân có đăng ký kinh doanh dịch vụ kế toán để làm kế toán hoặc kế toán trưởng.

Để đảm bảo sự phát triển lành mạnh của dịch vụ kế toán, kiểm soát được chất lượng dịch vụ đồng thời đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp khi thuê dịch vụ kế toán - một dịch vụ kinh doanh có giá trị tư vấn pháp lý cao - Tại Nghị định 129/2004/NĐ-CP ngày 31/5/2004, Chính phủ đã giao Bộ Tài chính quy định cụ thể việc đăng ký và quản lý doanh nghiệp và cá nhân hành nghề kế toán.

Trên tinh thần đó, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 72/2007/TT-BTC ngày 28/6/2007 nhằm hướng dẫn cụ thể việc đăng ký và quản lý hành nghề kế toán đối với cá nhân và doanh nghiệp có đăng ký kinh doanh dịch vụ kế toán.

Để tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến thực hiện các quy định liên quan đến hành nghề kế toán và hoạt động nghề nghiệp kế toán, đặc biệt là các quy định liên quan đến đăng ký hành nghề và quản lý hành nghề kế toán, ngày 12 tháng 10 năm 2007 tại Hà Nội và ngày 16 tháng 10 năm 2007 tại TP. Hồ Chí Minh, Bộ Tài chính cùng với Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam đã tổ chức Hội nghị về đăng ký và quản lý hành nghề kế toán nhằm triển khai thực hiện Thông tư số 72/2007/TT-BTC ngày 27/6/2007.

Tình trạng khá phổ biến hiện nay ở các tỉnh, thành phố là các doanh nghiệp nhỏ và vừa thuê các tổ chức, cá nhân chưa đủ điều kiện hành nghề cung cấp dịch vụ ghi sổ và lập báo cáo tài chính. Các cơ quan thuế vẫn tiếp nhận báo cáo tài chính của các doanh nghiệp được lập bởi các tổ chức, cá nhân chưa đủ điều kiện hành nghề. Nguyên nhân của các tồn tại trên là do các cơ quan thuế chưa nắm được các quy định về hành nghề kế toán và chưa biết được các tổ chức, cá nhân nào được phép cung cấp dịch vụ kế toán. Bởi vì hiện nay danh sách các tổ chức, cá nhân đủ tiêu chuẩn, điều kiện hành nghề kế toán vẫn chưa được Bộ Tài chính và tổ chức nghề nghiệp công khai. Thậm chí khái niệm hành nghề kế toán còn xa lạ và mới mẻ với các doanh nghiệp, các đơn vị hành chính sự nghiệp và các cơ quan thuế, cơ quan đăng ký kinh doanh. Luật Quản lý thuế được thông qua tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khoá XI và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/07/2007, một trong những yêu cầu cơ bản của Luật Quản lý thuế là nâng cao tính tự giác tuân thủ của người nộp thuế với cơ chế quản lý thuế mới là người nộp thuế tự tính, tự khai và nộp thuế vào ngân sách Nhà nước và chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả kê khai của mình. Như vậy, một hệ thống sổ sách kế toán rạch ròi, minh bạch không chỉ giúp cho doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh mà còn là cơ sở cho việc thực hiện tốt chính sách thuế. Công tác kế toán đóng vai trrò quan trọng trong quản lý thuế. Không có công tác kế toán, cơ sở khoa học của thuế, tính minh bạch và tính khách quan của thuế không còn nữa và tất cả các loại thuế hiện hành, tựu trung chỉ thể hiện một hình thức, đó là thuế khoán.

Kể từ khi có Luật Kế toán thì công tác kế toán trong các doanh nghiệp đã có sự thay đổi về chất. Tuy nhiên, ở từng lúc từng nơi, công tác kế toán doanh nghiệp chưa được quan tâm đúng mức. Theo số liệu của Tổng cục thống kê, khối doanh nghiệp dân doanh hiện nay có khoảng hơn 230.000 doanh nghiệp đã được cấp giấy phép hoạt động và 18.500 hợp tác xã. Nhưng số lượng các doanh nghiệp thực sự coi công tác hạch toán kế toán là một trong những công cụ quản lý góp phần nên sự thành công của doanh nghiệp thì chưa nhiều. Một số doanh nghiệp coi công tác kế toán chỉ là một công cụ để đối phó với kiểm tra, giám sát của Nhà nước; việc ghi chép, cập nhật, lưu trữ sổ sách của doanh nghiệp còn yếu, chưa đúng với yêu cầu của pháp luật.

Giữa kế toán doanh nghiệp và công tác quản lý thuế có một mối quan hệ rất chặt chẽ thông qua các Báo cáo tài chính. Theo quy định hiện hành, cuối niên độ kế toán doanh nghiệp phải lập báo cáo gồm: Bảng cân đối kế toán, Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh, Báo cáo lưu chuyển tiền tệ. Hiện nay Luật Quản lý thuế đã có hiệu lực thi hành. Luật này đề cao vai trò của các chủ thể kinh tế chấp hành luật pháp, nghĩa là người nộp thuế, cơ quan quản lý thuế và các tổ chức, cá nhân có liên quan. Trong đó người nộp thuế là chủ thể chính, chủ động trong việc kê khai, xác định thuế với Nhà nước trên cơ sở các hoạt động thực tế của họ và nộp thuế vào ngân sách đầy đủ, đúng hạn. Cơ quan thuế giữ vai trò kiểm tra, giám sát để đảm bảo thu đúng, thu đủ, thu kịp thời tiền thuế vào ngân sách nhà nước, đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế, giúp họ hiểu chính sách thuế, biết cách thực hiện các thủ tục hành chính thuế theo đúng quy định của pháp luật. Do vậy, doanh nghiệp phải coi trọng công tác kế toán mới xác định được chính xác số thuế phải nộp cho Nhà nước.

Rõ ràng việc Bộ Tài chính triển khai công tác đăng ký và hành nghề kế toán trong thời gian này sẽ góp phần quan trọng trong việc thực hiện công tác quản lý thuế trong điều kiện nhà nước đã cho phép các doanh nghiệp tự kê khai thuế. Bởi vì, theo quy định hiện hành thì hàng năm, doanh nghiệp dịch vụ kế toán phải đăng ký hành nghề kế toán với Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam (VAA), phải có xác nhận của VAA , khi ký tên trong các tài liệu liên quan đến dịch vụ kế toán thì người hành nghề kế toán phải xuất trình chứng chỉ hành nghề kế toán do Bộ Tài chính cấp.

Thông qua đăng ký hành nghề kế toán, các thông tin được trình bày trên báo cáo tài chính sẽ tránh khỏi sự thiếu trung thực, qua đó sẽ góp phần thực hiện tốt công tác quản lý thuế của Nhà nước./.

Các tài liệu tham khảo :

- Báo cáo các quy định mới về đăng ký và quản lý hành nghề kế toán của BTC.

- Thực hiện đăng ký quản lý hành nghề kế toán góp phần tăng cường tài chính quản lý thuế Nhà nước của Tổng cục thuế.

Xem thêm »