Theo một cuộc điều tra của tờ Nhật báo Guardian (Anh), Tập đoàn bán lẻ thời trang Boohoo đã hợp tác với ít nhất 18 nhà máy, xưởng sản xuất quần áo ở TP. Leicester (miền Trung nước Anh) trong khi nhiều cuộc kiểm toán phát hiện các nhà máy này đã cố tình vi phạm nhiều quy định trong suốt những năm qua.
Hàng loạt sai phạm tại 18 nhà máy
Các báo cáo kiểm toán của bên thứ ba được thực hiện trong 4 năm (từ năm 2017 đến đầu năm 2020) đã chỉ ra hàng loạt sai phạm nghiêm trọng tại các nhà máy ở Leicester. Các vấn đề được nhấn mạnh đã tồn tại trong hoạt động của 18 nhà máy suốt nhiều năm như: hồ sơ, chứng từ của các nhà máy không được ghi chép, lưu giữ đầy đủ; nhân viên không tuân thủ giờ làm việc, công nhân chỉ được trả từ 3 - 4 Bảng/giờ, thấp hơn mức lương tối thiểu được quy định…
Theo các báo cáo kiểm toán, các nhà máy trên từng bị nhiều đơn thư cáo buộc vì quá lỏng lẻo trong công tác quản lý người lao động. Tình trạng công nhân không đi làm đúng giờ và tự ý rời khỏi ca làm việc thường xuyên xảy ra. Nhiều người đã làm việc nhiều hơn thời gian thỏa thuận trong hợp đồng lao động nhưng vẫn không nhận được số tiền tương xứng. Số giờ làm của công nhân trên thực tế và trong hồ sơ chấm công không trùng khớp gây khó khăn cho việc xác minh mức lương trả cho người lao động. Đến nay, nhiều nhà máy vẫn thực hiện chấm công bằng cách viết tay thay vì vi tính hóa công việc này.
Đơn cử, tại Onyx Fashion - một nhà máy cung cấp các sản phẩm cho Boohoo, một cuộc kiểm toán đã chỉ ra rằng, các nhà quản lý thừa nhận tình trạng nhiều công nhân làm toàn thời gian đã bị ghi sai là nhân viên làm việc bán thời gian, do đó, số tiền lương của họ cũng bị giảm xuống rất nhiều.
Bên cạnh đó, một báo cáo kiểm toán năm 2018 xem xét các hoạt động của Nhà máy sản xuất quần áo Ezili Dariyai cho biết, bảng chấm công tại đây không có chữ ký của người lao động và các kiểm toán viên đã không thể xác minh các khoản thanh toán cho người lao động có tuân thủ các quy định hiện hành không. Với tình trạng quản lý yếu kém, sau đó, Nhà máy sớm rơi vào cảnh nợ nần, Giám đốc bị sa thải.
Nhiều vấn đề khác cũng bị lên án tại các nhà máy trên như: không đảm bảo các chính sách về sức khỏe cho công nhân; điều kiện làm việc không an toàn, không đầy đủ; các vấn đề về phòng, chống cháy nổ không được đảm bảo; vào các dịp lễ lớn, công nhân không được nhận tiền thưởng theo quy định; nhiều quyền lợi cơ bản khác cũng không được đảm bảo…
Cần tăng cường trao đổi hoạt động với đối tác
Trong số 18 nhà máy trên, 10 nhà máy hiện chưa đưa ra lời bình luận, 8 nhà máy còn lại bày tỏ quan điểm chưa hoàn toàn thống nhất với tất cả phát hiện trong các báo cáo kiểm toán chỉ ra và cần thêm thời gian để xem xét những phát hiện, khuyến nghị kiểm toán.
Boohoo cho biết, Tập đoàn đã tự tiến hành một số cuộc điều tra và cũng nhận thấy các vấn đề tương tự như trên tại một số nhà máy sản xuất bị Guardian lên án. Tập đoàn đã tạm ngừng hợp tác với các nhà máy này cho đến khi các vấn đề trên được giải quyết.
Đại diện Boohoo nhấn mạnh: “Sau khi phát hiện những hành vi không tuân thủ ở một số nhà sản xuất, chúng tôi đã đình chỉ đơn đặt hàng đến khi họ có hành động thích hợp để giải quyết các vấn đề được chỉ ra trong các báo cáo kiểm toán. Trong số đó, có một số nhà máy cũng đã được Guardian chỉ ra còn tồn đọng sai phạm”.
Theo bà Claudia Webbe - Nghị sĩ của Leicester East, một khu vực bầu cử của Quốc hội Vương quốc Anh, nơi có nhiều nhà máy đặt trụ sở, Boohoo đã phá vỡ những nguyên tắc, những quy định cơ bản, điều này là không thể chấp nhận được, bà cũng kêu gọi Boohoo cần khẩn trương công bố danh sách đầy đủ các nhà cung cấp của Tập đoàn tại TP. Leicester để tiến hành xem xét thêm.
Các báo cáo kiểm toán đã dẫn chứng những tài liệu, được cho là "tiếng chuông" cảnh báo tới Boohoo và các thương hiệu thời trang khác về việc cần tăng cường trao đổi công tác giám sát với các nhà máy, xưởng sản xuất đối tác, điển hình là vấn đề trả lương cho công nhân, những vấn đề đã bị chỉ trích thường xuyên trong nhiều năm qua.
(Theo theguardian.com và tổng hợp)
(Báo Kiểm toán số 44/2020)