Từ góc nhìn kiểm toán -thử tìm nguyên nhân thị trường chứng khoán việt nam đang liên tục điều chỉnh giảm

09/03/2009
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Thị trường chứng khoán (CK) Việt Nam suốt từ tháng 3 năm 2007 đến nay liên tục chao đảo theo chiều hướng đi xuống và chưa có dấu hiệu phục hồi. Nguyên nhân tại đâu đang là câu hỏi rất lớn cho các cơ quan quản lý nhà nước, cho các nhà đầu tư. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi sẽ tập trung làm rõ vấn đề công khai thông tin trên thị trường chứng khoán.

Nếu đánh giá một cách tổng quát, nền kinh tế Việt Nam đang phát triển với tốc độ cao, Việt Nam đồng thời là một quốc gia có một nền chính trị ổn định, bên cạnh đó, Việt Nam còn nhận được sự quan tâm rất lớn của các nhà đầu tư nước ngoài. Nhưng thị trường chứng khoán Việt Nam sau hơn 5 tháng tăng với tốc độ chóng mặt - giá trị giao dịch trong thời kỳ này bình quân từ 1500 đến 1800 tỷ đồng - đang dần dần “xẹp” xuống với giá trị giao dịch hàng ngày xoay quanh 750 tỷ đồng mà hiện chưa có lối thoát. Đã có nhiều ý kiến quan điểm khác nhau, nhưng chung quy lại có 3 nguyên nhân chính làm cho nhà đầu tư thua lỗ, mất niềm tin và “rút chạy” khỏi thị trường chứng khoán:

Thứ nhất, do chính sách quản lý của các cơ quan quản lý nhà nước không thích hợp, không rõ ràng làm cho các nhà đầu tư thiếu đi sự hỗ trợ các nguồn lực về tài chính và thiếu động lực để đầu tư vào thị trường chứng khoán.

Trước hết là Chỉ thị 03 của Ngân hàng Nhà nước được đưa ra như một giải pháp “mạnh” để làm giảm sốt quá nóng của thị trường CK Việt Nam trong khoảng từ tháng 01 đến tháng 3 năm 2007. Tuy nhiên đến nay đã hơn 10 tháng thị trường đã đi từ “nguội ” sang “lạnh” đến “đóng băng” thì Chỉ thị này vẫn còn có hiệu lực và còn được tăng cường thêm. Điều này đã biến Chỉ thị 03 của Ngân hàng Nhà nước thành cái “án treo” đối với thị trường CK Việt Nam . Chỉ thị 03 được thay thế bởi Quyết định 03 của Ngân hàng Nhà nước về thực chất là thắt chặt hơn việc cho vay chứng khoán nên "án treo" của Chỉ thị 03 thành “án chính thức” đối với thị trường chứng khoán của năm. Ở Trung Quốc, trong năm 2007, khi mà thị trường CK của nước này đang “sốt” thì Nhà nước Trung Quốc đã đưa phí giao dịch bán chứng khoán từ 0,1 đến 0,3 đồng thời bỏ thuế đánh vào lãi suất tiền gửi của công chúng nhằm hạn chế dòng tiền đổ vào thị trường chứng khoán, hạn chế sự phát triển “nóng” của thị trường. Toàn bộ quá trình ra quyết định điều chỉnh xảy ra trong vòng một tuần. Thị trường CK sau khi có phản ứng giảm xuống, lại trở về cân bằng ngay. Có thể nói Chỉ thị 03 của Ngân hàng Nhà nước mà nay là Quyết định 03 là nguyên nhân kéo dài nhất làm cho thị trường CK Việt Nam liên tục giảm suốt trong năm qua.

Dự thảo Thuế thu nhập cá nhân mà trực tiếp là thuế kinh doanh chứng khoán đối với các nhà đầu tư đến nay mặc dù đã được Quốc hội thông qua với mức thuế giảm từ 25 xuống 20 và đến năm 2009 mới thực hiện, nhưng sự không rõ ràng và không công bằng của Luật thuế này đang tác động khá lớn tới tâm lý của các nhà đầu tư CK. Theo số liệu thống kê hiện nay ở Việt Nam mới có 0,26 người dân đầu tư CK với khoảng 300.000 TK. So với Trung Quốc con số này là 20 - 25 và Mỹ khoảng 67 thì đây là một con số rất bé nhỏ, cần phải khuyến khích. Đầu tư CK là loại đầu tư có rủi ro rất cao, người đầu tư có thể mất toàn bộ tiền đầu tư khi sàn chứng khoán sụp đổ hoặc khi công ty niêm yết bị phá sản. Hơn nữa đây là nguồn vốn quan trọng nhất đối với sự phát triển các doanh nghiệp và điều này đồng nghĩa với việc tăng thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp cho Nhà nước trong hiện tại và tương lai vì sự phát triển của các doanh nghiệp là cơ sở để phát triển nền kinh tế, phát triển nguồn thu cho Nhà nước. Doanh nghiệp mới là nơi “đẻ” ra tiền cho ngân sách, cho xã hội. Chính vì vậy, việc đánh thuế đối với loại hình hoạt động này trong giai đoạn hiện nay là không nên. Nên chăng chỉ đánh thuế theo tỷ lệ bán chứng khoán với tỷ lệ 0,05 và nhà đầu tư CK được miễn thuế thu nhập cá nhân đối với khoản này. Hiện nay, cơ quan thuế đã đưa ra tỷ lệ đánh thuế trên giao dịch bán CK là 0,1 nhưng chưa rõ sau này tính thuế thu nhập cá nhân có bị đánh thuế lần nữa hay không? Khi nhà đầu tư lỗ thì Nhà nước giảm thuế như thế nào? Đây vẫn là một sự không rõ ràng…

Thứ hai, về vấn đề công khai thông tin, Sở giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh và Trung tâm giao dịch chứng khoán Hà Nội được xem là 2 tổ chức giao “canh chợ” CK của Việt Nam. Uỷ ban CK là cơ quan điều hành cuộc chơi. Các cơ quan tổ chức này đã có nhiều nỗ lực, dựa vào các văn bản luật pháp để ban hành các quy định, quy chế nhằm bảo đảm các “chợ ” CK của Việt Nam hoạt động công bằng, lành mạnh và có hiệu quả. Tuy nhiên, rủi ro lớn nhất của nhà đầu tư trong kinh doanh CK là vấn đề thông tin công khai. Phần lớn các công ty niêm yết trên cả hai sàn CK của Việt Nam đều có các thông tin công khai không đúng thể thức, không đúng quy định theo Luật Kế toán.

Theo thông lệ quốc tế, đặc biệt là các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán phải thực hiện cơ chế thể thức công khai thông tin theo chuẩn mực kế toán và bị kiểm tra chặt chẽ. Theo đó, các báo cáo tài chính của các công ty niêm yết phải được kiểm toán và báo cáo kiểm toán được công khai kèm theo báo cáo tài chính. Mỗi trang báo cáo tài chính phải được xác nhận bởi chữ ký của kiểm toán viên thực hiện kiểm toán báo cáo và đóng dấu giáp lai của công ty kiểm toán với từng trang báo cáo này. Song, ở cả hai sàn CK Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội, báo cáo tài chính các công ty niêm yết 99 không có báo cáo kiểm toán đính kèm; thậm chí các báo cáo tài chính công khai đều không có chữ ký của người lập biểu, của kế toán trưởng, của giám đốc công ty niêm yết. Trường hợp nhà đầu tư, các tổ chức liên quan nếu dựa vào thông tin này để ra các quyết định mà bị thiệt hại thì không biết kiện ai vì không có người ký thì không có người chịu trách nhiệm(!)

Các thông tin của các công ty niêm yết nhìn chung chưa có cơ sở tin cậy. Ví dụ, một công ty S trên sàn Hà Nội có giá cổ phiếu có lúc lớn hơn 500.000đ/CP (mệnh giá 10.000 đồng), có báo cáo kết quả kinh doanh quí I, quí II năm 2007 dòng lãi ghi bằng mực đỏ (trong kế toán mực đỏ là ghi số âm, gọi là lỗ) trong bảng phân tích tài chính ghi ROE = 6; còn ROA =30. Với một người làm kế toán tuân theo Luật Kế toán sẽ gọi Báo cáo tài chính của công ty này do một người không hiểu gì về kế toán lập. Rất tiếc là tổ chức quản lý “chợ” CK Hà Nội không có ý kiến gì. Ở sàn CK Thành phố Hồ Chí Minh tình trạng không khá hơn. Một công ty niêm yết có vốn tự có sau năm 2006 là 11 tỷ trong khi lợi nhuận ròng là 21 tỷ; quý I năm 2007 là 14 tỷ. Trong khi họ chỉ trả cổ tức bằng tiền năm 2007 là 900 đồng trên một cổ phiếu, còn lại chủ yếu trả bằng cổ phiếu thưởng và phát hành cổ phiếu. Tương tự như vậy, nhiều công ty CK dựa vào thông tin không đáng tin cậy để “làm mưa làm gió” lừa đảo làm giá đối với thị trường. Tuy nhiên, các tổ chức “canh chợ” CK cũng không có một động thái nào để ngăn chặn việc này.

Thứ ba, niềm tin của nhà đầu tư chịu tác động khá lớn từ thị trường CK toàn cầu. Tuy nhiên, hiện nay thị trường CK toàn cầu đã hồi phục, tăng trưởng khá bền vững song thị trường CK Việt Nam vẫn chưa lấy lại được niềm tin của nhà đầu tư, thị trường vẫn tiếp tục chao đảo.

Chúng tôi viết bài này không nhằm mục đích phê phán bất cứ một cơ quan, tổ chức, cá nhân nào mà với mục đích lớn nhất là chỉ ra nguyên nhân làm cho thị trường CK Việt Nam đang bị đi xuống, cần có liều thuốc chữa chạy thích hợp. Và điều mong muốn lớn nhất của chúng tôi là thị trường CK Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển, nền kinh tế Việt Nam cất cánh, nguồn thu ngân sách thu ngày một nhiều hơn nhờ sự tăng trưởng của các doanh nghiệp Việt Nam./.

Xem thêm »