Kiểm toán hoạt động trong lĩnh vực môi trường - những kinh nghiệm từ quốc tế  

18/06/2021
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

  Kiểm toán hoạt động (KTHĐ) là một trong ba loại hình kiểm toán mà các cơ quan kiểm toán tối cao (SAI) có thể áp dụng khi thực hiện các cuộc kiểm toán môi trường (KTMT). Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, để thực hiện tốt KTHĐ trong lĩnh vực môi trường, các SAI cần xác định các tiêu chí kiểm toán, nhận diện được rủi ro, thách thức.

Các SAI chú trọng áp dụng kiểm toán hoạt động trong lĩnh vực môi trường

Theo khảo sát của Nhóm công tác về KTMT của Tổ chức quốc tế Các cơ quan Kiểm toán tối cao (INTOSAI), hầu hết các SAI đều có chức năng pháp lý về thực hiện KTMT. Khi thực hiện các cuộc kiểm toán này, loại hình kiểm toán mà các SAI áp dụng nhiều nhất là KTHĐ (chiếm 93%), tiếp theo là kiểm toán tuân thủ (88%) và kiểm toán tài chính (87%).

Việc thực hiện các cuộc KTHĐ về lĩnh vực môi trường sẽ giúp các SAI đánh giá được tính kinh tế, tính hiệu lực, tính hiệu quả trong công tác quản lý và bảo vệ môi trường. Có thể kể đến một số SAI đã chú trọng áp dụng KTHĐ trong lĩnh vực môi trường như: KTNN Hoa Kỳ (GAO), KTNN Vương quốc Anh (NAO), Văn phòng Tổng Kiểm toán Canada (OAG), KTNN Estonia (SAO), Văn phòng Tổng Kiểm toán của Nam Phi…

Tại Hoa Kỳ, năm 1990, GAO đã kiểm toán một chương trình với mục tiêu đảm bảo an toàn của hệ thống nước uống công cộng. Qua đó, GAO đưa ra kiến nghị nhằm đảm bảo rằng các nhà vận hành hệ thống nước được đào tạo và chứng nhận phù hợp, xử lý nghiêm minh đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm. Ngoài ra, GAO đã thực hiện các cuộc KTHĐ nhằm đánh giá Chương trình đảm bảo chất lượng nguồn nước, vai trò của Tổ chức Bảo vệ môi trường (EPA) trong kiểm soát chất lượng nguồn nước. Còn tại Anh, NAO cũng đã thực hiện các cuộc KTHĐ đối với nhiều vấn đề liên quan đến môi trường như: đánh giá tác động môi trường của các dự án xây dựng đường, tác động của việc sử dụng đất luyện tập quân sự của Bộ Quốc phòng, xem xét việc Bộ Môi trường sử dụng các công cụ chính sách để giảm thiểu tác động về môi trường của các văn phòng và tòa nhà…

Tại Việt Nam, năm 2018, KTNN đã thực hiện KTHĐ việc thực hiện giải pháp giảm sử dụng túi ni lông khó phân hủy tại TP. HCM theo Đề án của Chính phủ. Kết quả của cuộc kiểm toán này được lãnh đạo KTNN đánh giá cao. Ngoài ra, KTNN cũng đưa vào Kế hoạch kiểm toán năm 2020 cuộc KTHĐ quét, thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Bình Dương giai đoạn 2017-2019. Những năm tới, KTNN sẽ tiếp tục thực hiện các cuộc KTMT, trong đó chú trọng áp dụng loại hình KTHĐ.

Kinh nghiệm quốc tế về KTMT cho thấy, các cuộc KTHĐ trong lĩnh vực môi trường thường tập trung vào những chủ đề sau: kiểm toán hoạt động giám sát của Chính phủ đối với việc tuân thủ các quy định, pháp luật về môi trường; kiểm toán đánh giá tính hiệu quả của các chương trình về môi trường do Chính phủ thực hiện; kiểm toán đánh giá mức độ tác động tới môi trường của các chương trình khác do Chính phủ thực hiện; kiểm toán hệ thống cơ quan quản lý môi trường; đánh giá các chính sách và chương trình về môi trường được đề xuất. Qua kiểm toán, các SAI đã có nhiều phát hiện, kiến nghị nổi bật, giúp Chính phủ đưa ra các giải pháp, chính sách để quản lý môi trường một cách hiệu quả hơn.
 
Xác định tiêu chí phù hợp, nhận diện được rủi ro

Xu hướng của các SAI là ngày càng chú trọng áp dụng KTHĐ trong lĩnh vực môi trường. Để thực hiện tốt các cuộc kiểm toán này, ngoài việc tuân thủ các quy trình, chuẩn mực, hướng dẫn của từng cơ quan kiểm toán, các SAI cũng cần lưu ý tới Hướng dẫn KTMT của INTOSAI.

Theo INTOSAI, khi thực hiện KTHĐ trong lĩnh vực môi trường, các SAI cần lưu ý đến nguồn tiêu chí chính thức và không chính thức. Nguồn tiêu chí chính thức bao gồm: chỉ số hoạt động của tính hiệu lực, tính hiệu quả và tính kinh tế trong hoạt động môi trường của đơn vị; chuẩn mực được chấp nhận rộng rãi; các quy tắc hành nghề chuyên nghiệp.

Đối với nguồn tiêu chí không chính thức, tùy thuộc vào việc đánh giá rủi ro, nguồn tiêu chí này có thể là bất cứ nguồn nào mà kiểm toán viên thấy phù hợp với mục đích. Những tiêu chí không chính thức có thể được sử dụng bao gồm: Chỉ số hay thước đo hoạt động được sử dụng bởi các tổ chức, các bài viết học thuật, các chuyên gia bên ngoài.

Rủi ro đặc biệt mà SAI có thể phải đối mặt khi KTHĐ trong lĩnh vực môi trường là các tiêu chí đã lựa chọn không áp dụng được, không phù hợp hoặc không khách quan. SAI có thể sẽ phải nhận sự chỉ trích từ nhiều phía, trong đó có đơn vị được kiểm toán. Biện pháp bảo vệ tốt nhất khỏi những chỉ trích là tìm kiếm sự thống nhất của đơn vị đối với các tiêu chí đã lựa chọn trước khi cuộc kiểm toán bắt đầu. Tuy nhiên, trong việc tìm kiếm sự đồng thuận, SAI phải đảm bảo rằng tính độc lập của mình không bị thỏa hiệp dẫn đến việc phải bỏ qua hay thay đổi các tiêu chí kiểm toán để đổi lấy những phán xét tốt hơn. Nếu đơn vị từ chối thống nhất bất kỳ tiêu chí nào, SAI cần cân nhắc rằng luận điểm về tiêu chí đó có thể bảo vệ được.

Cũng theo INTOSAI, tùy thuộc vào nội dung kiểm toán, các SAI cần có sự lựa chọn tiêu chí cho phù hợp, đảm bảo tính khách quan. Đơn cử, khi kiểm toán hệ thống quản lý, giám sát việc tuân thủ pháp luật về môi trường, SAI cần thu thập, xây dựng các tiêu chí kiểm toán rõ ràng, chi tiết. Những tiêu chí này thường được lấy từ những quy định cụ thể hoặc là quy định do cơ quan quản lý môi trường ban hành. Hay khi đánh giá tính hiệu quả của các chương trình về môi trường do Chính phủ thực hiện, SAI cần chú ý đến sự sẵn có của các tiêu chí kiểm toán, đặc biệt là đối với chương trình không bị ràng buộc bởi quy định pháp lý…

Trong quá trình kiểm toán, SAI có thể sử dụng các chuyên gia bên ngoài. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng các chuyên gia không có xung đột về lợi ích với đơn vị được kiểm toán. Kết luận của kiểm toán viên cần được kiểm tra để đảm bảo rằng các tiêu chí được sử dụng trong cuộc kiểm toán phù hợp với đặc điểm khách quan của các chỉ số hoạt động đang được sử dụng bởi đơn vị được kiểm toán.

Thành Đức
(Theo Báo Kiểm toán số 24/2021)

 

Xem thêm »