5 bài học kinh nghiệm trong kiểm toán đánh giá tác động môi trường

09/07/2021
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Đánh giá tác động môi trường (ĐGTĐMT) là vô cùng quan trọng và cần thiết trước khi bắt đầu triển khai một dự án. Nhận thức được tầm quan trọng của ĐGTĐMT, Tổ chức quốc tế Các cơ quan Kiểm toán tối cao (INTOSAI) đã sớm nghiên cứu và coi đây là một trong những nội dung trọng tâm về kiểm toán môi trường (KTMT). Từ thông lệ quốc tế và thực tiễn hoạt động chuyên môn, KTNN Việt Nam cũng đã đúc kết được nhiều kinh nghiệm trong kiểm toán ĐGTĐMT.

Từ thông lệ quốc tế và thực tế hoạt động chuyên môn, KTNN Việt Nam đã đúc kết được nhiều kinh nghiệm trong kiểm toán ĐGTĐMT

Kết quả kiểm toán chỉ rõ nhiều bất cập chính sách

Theo Hướng dẫn kiểm toán ĐGTĐMT được ban hành năm 2016 bởi Nhóm công tác về KTMT của INTOSAI, hoạt động kiểm toán sẽ giúp làm sáng tỏ những vấn đề làm cản trở tính hiệu quả, hiệu lực trong công tác ĐGTĐMT; nâng cao sự công khai, minh bạch, phòng, chống tham nhũng trong quá trình đánh giá; đóng góp, hoàn thiện cơ sở pháp lý; tăng cường khả năng giám sát, trách nhiệm giải trình của các cơ quan chính phủ. Hướng dẫn cũng thống kê, tổng hợp kết quả kiểm toán được thực hiện bởi KTNN Hoa Kỳ, Canada, Australia, Brazil… Các cuộc kiểm toán đã chỉ rõ nhiều vấn đề trong ĐGTĐMT.

Về cơ chế, chính sách và sự tham gia của cộng đồng, vấn đề lớn nhất là việc thiếu các khuôn khổ pháp lý đủ mạnh, nhiều quốc gia chưa xây dựng đầy đủ hoặc chưa cụ thể hóa các văn bản, hướng dẫn ĐGTĐMT. Nguyên tắc xác định các dự án phải thực hiện ĐGTĐMT chưa rõ ràng. Các đơn vị còn lúng túng khi đưa ra đánh giá, kết luận về một tác động môi trường. Việc tham vấn, lấy ý kiến của cộng đồng, người dân nơi chịu ảnh hưởng từ các dự án, chương trình còn hạn chế, thậm chí không được thực hiện để giảm bớt thời gian, chi phí.

Mặt khác, các quy định, trình tự, thủ tục ĐGTĐMT tại một số dự án chưa tuân thủ chặt chẽ. Các vấn đề tiêu cực chưa được xác định, đánh giá một cách đầy đủ và toàn diện, ảnh hưởng đến việc đưa ra các biện pháp khắc phục, giảm thiểu. Chất lượng ĐGTĐMT thấp cũng sẽ gây thiệt hại cho môi trường. Ngoài ra, công tác phối hợp, trao đổi thông tin giữa các cơ quan quản lý còn thiếu cơ sở, căn cứ, dẫn chứng để các cấp thẩm quyền đưa ra kết luận.

Việc giám sát, theo dõi thực hiện hậu ĐGTĐMT chưa được chú trọng, dẫn đến các biện pháp khắc phục, giảm thiểu các hậu quả, ảnh hưởng tiêu cực từ dự án theo cam kết tại báo cáo ĐGTĐMT chưa được thực hiện đầy đủ. Tất các các yếu kém trên đều có thể ảnh hưởng tiêu cực và làm suy giảm ĐGTĐMT, ảnh hưởng đến các vấn đề quan trọng của phát triển bền vững.

Nâng cao chất lượng kiểm toán đánh giá tác động môi trường

Học tập kinh nghiệm từ quốc tế, KTNN Việt Nam luôn quan tâm, chú trọng công tác thẩm định, phê duyệt các loại hồ sơ môi trường như báo cáo ĐGTĐMT, Đề án bảo vệ môi trường, Kế hoạch bảo vệ môi trường. Những vấn đề này đều được lồng ghép vào các nội dung, tiêu chí kiểm toán.

Công tác kiểm toán đã chỉ ra một số vấn đề nổi bật. Luật Bảo vệ môi trường và Luật Đầu tư về ĐGTĐMT còn chồng chéo, thiếu thống nhất trong cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Việc đề xuất các biện pháp giảm thiểu tác động của chủ đầu tư dự án tại các báo cáo ĐGTĐMT chưa thống nhất với các tác động, ảnh hưởng tiêu cực hoặc chưa chỉnh sửa, tiếp thu đầy đủ các ý kiến của hội đồng chuyên gia thẩm định. Công tác phối hợp với các đơn vị tư vấn không đảm bảo năng lực để lấy mẫu, phân tích, đánh giá hiệu quả của hệ thống xử lý. Cơ quan quản lý nhà nước thiếu biện pháp chủ động để kiểm tra, giám sát từ xa tình hình thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường của chủ dự án sau khi hồ sơ môi trường được phê duyệt, dẫn đến tình trạng hoạt động “chui”, vận hành khi chưa được xác nhận hoàn thành các công trình bảo vệ môi trường theo quy định...

Từ thực tiễn trên thế giới và tại Việt Nam, một số kinh nghiệm trong ĐGTĐMT đã được đúc kết để góp phần nâng cao chất lượng kiểm toán ĐGTĐMT. Thứ nhất, ĐGTĐMT mang nặng tính kỹ thuật, đòi hỏi hiểu biết sâu rộng, đa dạng về môi trường và đặc thù của từng ngành nghề. Do đó, quá trình kiểm toán rất cần sự hỗ trợ của chuyên gia môi trường để có thể đưa ra các đánh giá phù hợp, xác định được vấn đề còn rủi ro, từ đó có kiến nghị tương ứng.

Thứ hai, ĐGTĐMT được thực hiện trước khi dự án xây dựng, vận hành, các nội dung sẽ được tính toán theo các công thức, mô hình mang tính giả định hoặc căn cứ theo các dự án tương tự đã thực hiện. Chính vì vậy, việc xác định một báo cáo ĐGTĐMT chất lượng, sát với thực tiễn là yêu cầu đặt ra.

Thứ ba, đối tượng kiểm toán là công tác thẩm định, phê duyệt hồ sơ môi trường của cơ quan quản lý nhà nước, không phải là quá trình thu thập tài liệu, phân tích, lập báo cáo ĐGTĐMT của các đơn vị thực hiện. Do đó, KTNN cần tìm ra giải pháp để có thể xem xét, đi sâu vào quy trình đánh giá theo thông lệ quốc tế.

Thứ tư, trong quá trình kiểm toán ĐGTĐMT, ngoài việc kiểm toán trên hồ sơ, tài liệu, giấy tờ do các cơ quan thẩm định, phê duyệt cung cấp, kiểm toán viên cần kiểm tra, đối chiếu tại các dự án để đánh giá đầy đủ, chính xác việc thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường.

Thứ năm, thời gian tới, khi quy định về ĐGTĐMT ngày càng hoàn thiện và nâng cao, đặc biệt sau khi Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 bắt đầu có hiệu lực (từ ngày 01/01/2022), KTNN cần khẩn trương nghiên cứu, có giải pháp thích ứng kịp thời để khắc phục khó khăn, vướng mắc và tăng cường chất lượng kiểm toán. Trong đó, KTNN cần nâng cao năng lực KTMT cho kiểm toán viên; đồng thời nghiên cứu, hoàn thiện quy trình, hướng dẫn và hệ thống hồ sơ mẫu biểu về KTMT nói chung, kiểm toán ĐGTĐMT nói riêng, giúp kiểm toán viên có định hướng, phương pháp tiếp cận và tiến hành kiểm toán một cách nhanh chóng, thống nhất.

Bên cạnh đó, KTNN cần xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về KTMT đầy đủ, chính xác và khoa học; tập trung thu thập các hồ sơ, dữ liệu về ĐGTĐMT trong nước và theo thông lệ quốc tế tốt nhất, làm cơ sở tham khảo, đưa ra đánh giá, kiến nghị phù hợp; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, áp dụng các phương pháp kiểm toán tiên tiến, hiện đại và hiệu quả trong kiểm toán ĐGTĐMT…/.

Ths. Tô Tuấn Anh – KTNN chuyên ngành III
(Báo Kiểm toán số 27/2021)

 
 

Xem thêm »