Kiểm toán nhà nước trong kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng

09/07/2021
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

  Tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2017 và triển khai nhiệm vụ năm 2018 của ngành tổ chức xây dựng Đảng (19/01/2018), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trăn trở và nhấn mạnh: “Chạy chức, chạy quyền, tệ tham nhũng đã chi phối tới nhiều khâu trong công tác cán bộ, từ lựa chọn đối tượng đưa đi đào tạo, bồi dưỡng, đến quy hoạch, luân chuyển, đánh giá, bổ nhiệm, nên mới có hiện tượng đề bạt, cất nhắc nhiều người nhà, người thân quen mặc dù không đủ tiêu chuẩn? Vì sao cứ nói bổ nhiệm đúng quy trình, nhưng kết quả thực tế bố trí cán bộ lại là sai?”

KTNN đóng vai trò quan trọng trong công tác phòng, chống tham nhũng

Nghị quyết Hội nghị T.Ư 7 khóa XII cũng nêu rõ: “Tình trạng chạy chức, chạy quyền, chạy tuổi, chạy quy hoạch, chạy luân chuyển, chạy bằng cấp, chạy khen thưởng, chạy danh hiệu, chạy tội..., trong đó có cả cán bộ cao cấp, chậm được ngăn chặn, đẩy lùi…”.

Có thể nói, “chạy chức, chạy quyền” là một dạng tham nhũng trong công tác tổ chức cán bộ, là “điển hình phản cảm” của việc vi phạm các chuẩn mực đạo đức của người cách mạng, đe dọa trật tự kỷ cương, luật pháp, để lại những hệ lụy tiêu cực về kinh tế, chính trị, xã hội nặng nề; làm băng hoại cả nền tảng đạo đức xã hội. Việc “sử dụng quyền lực được giao để phục vụ lợi ích cá nhân hoặc để người thân, người quen lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để trục lợi” trong công tác cán bộ là những biểu hiện cụ thể, phản ánh sự suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của những người “chạy” và cả người được “chạy”. Một mặt, “chạy chức, chạy quyền” là sự tha hóa quyền lực, tạo ra lỗ hổng, khiếm khuyết trong công tác cán bộ, gây mất đoàn kết nội bộ, làm triệt tiêu động lực phấn đấu của những người chính trực, gây tâm tư trong công tác tư tưởng, công tác cán bộ; mặt khác, tạo “hiệu ứng cần chạy, phải chạy” trong từng cơ quan, đơn vị, địa phương để được lên chức ở T.Ư và địa phương.

Điều nguy hại nhất là chạy chức chạy quyền để lại di hại toàn diện và lâu dài cho đất nước và sự nghiệp cách mạng. Lớp cán bộ sản sinh ra từ “chạy chức, chạy quyền” thì họ coi đó là vụ bỏ vốn đầu tư kinh doanh trên chức vụ, quyền hành nhận được. Bởi vậy, khi có chức, quyền, họ sẽ tìm mọi cách “tận thu” từ mọi nguồn thu có thể, cả từ nguồn NSNN và từ nguồn xã hội, để hoàn vốn đầu vào và thu lợi nhuận, trước khi cống hiến. Các chính sách, quy định của Đảng, Nhà nước sẽ bị bỏ qua hoặc bóp méo, hình thức hóa và vô hiệu hóa, miễn sao để họ đạt được mục đích trên. Hơn nữa, với cơ chế chạy chức chạy quyền đó, họ tiếp tục tuyển dụng và bổ nhiệm thêm những cán bộ cùng loại, kiểu “ngưu tầm ngưu, mã tầm mã”, tiếp tục dung dưỡng, bảo kê cho những người có “nhu cầu chạy” đến được với những người “cần phải chạy”, để tạo thành đường dây, phong trào “chạy chức, chạy quyền”, làm cho bệnh cậy quyền, ỷ thế, độc đoán, chuyên quyền, tham lam, địa phương chủ nghĩa, tư túng, kéo bè kéo cánh, nể nang, óc hẹp hòi… trong đội ngũ cán bộ chủ chốt không bị ngăn chặn, kiểm soát kịp thời; làm cho công tác cán bộ trở nên bị động, bị vô hiệu hóa, hình thức. Trải qua vài vòng quay nhiệm kỳ đại hội và bầu cử như vậy, trên cả nước và các lĩnh vực sẽ gia tăng xu hướng đội ngũ cán bộ các cấp ngày càng thấp dần về trình độ, năng lực và trách nhiệm, song tay nghề chạy chọt và ăn tham nhũng, hối lộ lại nâng lên; với nguyên tắc lựa chọn, bổ nhiệm cán bộ “từ vai trở xuống”, không dùng người tài hơn, khiến những người tài ngày càng bị bật xa khỏi guồng máy lãnh đạo, chỉ còn lớp cán bộ sâu mọt trong bộ máy quản lý Đảng, Nhà nước, tạo sự bất mãn và suy giảm không chỉ năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý, mà còn suy giảm lòng tin vào chế độ Đảng và Nhà nước, nhất là sự suy giảm lòng tin của thế hệ trẻ và cả đạo đức xã hội...

Để chống chạy chức, chạy quyền, kiểm soát hiệu quả quyền lực hiện nay, cùng với Hiến pháp và pháp luật, nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng, sức mạnh của kỷ luật Đảng, vai trò của Ủy ban kiểm tra các cấp và sự giám sát của nhân dân ngày càng quan trọng nhằm tạo ra “chiếc phanh” cơ chế, “cái lồng” kiểm soát hiệu quả… Đại hội XII của Đảng khẳng định: “Hoàn thiện và thực hiện nghiêm cơ chế kiểm soát quyền lực, ngăn ngừa sự lạm quyền, vi phạm kỷ luật, kỷ cương”. Trên tinh thần đó, Nghị quyết T.Ư 4 (khóa XII) của Đảng xác định: “Các cấp ủy, tổ chức đảng chỉ đạo rà soát, hoàn thiện và thực hiện nghiêm cơ chế kiểm tra, giám sát, kiểm soát việc thực thi quyền lực của người có chức, có quyền, theo hướng quyền hạn đến đâu trách nhiệm đến đó; phân định rõ thẩm quyền và trách nhiệm tập thể, cá nhân trong từng công đoạn giải quyết công việc và có chế tài xử lý nghiêm những hành vi vi phạm”; thực hiện tốt Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; thực hiện nghiêm Quy định số 08-QĐ/TW ngày 25/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương về “Quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương”…

Để kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, đòi hỏi từng cán bộ, đảng viên tự giác và tự kiểm soát việc thực hiện quyền và chức trách, nhiệm vụ của chính mình; cũng như tuân thủ nghiêm các quy định pháp luật có liên quan và Quy định những điều đảng viên không được làm; Quy định về quản lý cán bộ, đảng viên và “Quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng” mà Hội nghị T.Ư 8 khóa XII đã ban hành.

Đồng thời, cần tiếp tục kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của Đảng, thanh tra, kiểm tra của Nhà nước. Bên cạnh đó, cần tôn trọng, tạo thuận lợi và đề cao công tác giám sát của các cơ quan và đại biểu dân cử, tư pháp, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội; đề cao vai trò truyền thông, dư luận và áp lực xã hội trước các hành vi lạm dụng quyền lực. Cho phép thành lập các tổ kiểm tra, giám sát đặc biệt, công khai và bí mật, định kỳ hoặc đột xuất đặc trách phát hiện sự lộng quyền và lạm quyền, những quan hệ liên kết và cấu kết “lợi ích nhóm”… giúp Đảng, Nhà nước kịp thời và kiên quyết sớm loại bỏ hoặc thay thế cán bộ suy thoái, lạm quyền.

Đặc biệt, cần thực hiện nghiêm Quy định số 205-QĐ/TW ngày 23/9/2019 của Bộ Chính trị “về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền”; đề cao và thể chế hóa vai trò của KTNN trong cả kiểm toán tuân thủ, kiểm toán hoạt động và kiểm toán chính sách; tiếp tục hoàn thiện cơ chế hiệu lực thực thi các kết luận và các kiến nghị của KTNN; mở rộng và phát triển kiểm toán một số lĩnh vực mới: kiểm toán trong công tác cán bộ, kiểm toán công nghệ thông tin, kiểm toán môi trường, kiểm toán chuyên đề về đất đai, tự chủ trong các lĩnh vực giáo dục và y tế... Tạo thêm cơ chế và khuôn khổ pháp luật mới để KTNN cùng với Ủy ban Kiểm tra T.Ư và các đơn vị chức năng thanh tra, kiểm tra, công an, nội chính, kiểm sát và tòa án, đóng vai trò trụ cột, phối hợp hiệu quả với sự phát hiện, phản ánh của nhân dân, của các cơ quan báo chí trong cơ chế kiểm soát quyền lực và đánh giá hiệu quả thực thi, sử dụng quyền lực và chống tham nhũng trong quản lý nhà nước; hoàn thiện và bảo đảm sự thống nhất, tương thích giữa các văn bản pháp luật liên quan; đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát thực thi quyền lực; siết chặt chế độ trách nhiệm và kỷ cương công vụ; công khai rộng rãi kết luận, kết quả kiểm toán và kiến nghị của KTNN; xây dựng đội ngũ kiểm toán viên có đủ phẩm chất, đạo đức, năng lực, bản lĩnh và uy tín, được pháp luật bảo vệ, cũng như chống lạm dụng nghề nghiệp; tăng cường phối hợp giữa KTNN với các cơ quan chức năng và mở rộng hợp tác quốc tế trong việc kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng…/.

TS. Nguyễn Minh Phong
(Báo Kiểm toán số 27/2021)

 
 

Xem thêm »