Những năm qua, KTNN đã đẩy mạnh kiểm toán xác định giá trị DNNN trước cổ phần hóa (CPH), góp phần minh bạch hóa nền tài chính quốc gia, phòng chống tham nhũng, chống thất thoát tài sản công. Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác kiểm toán lĩnh vực này vẫn còn những hạn chế, cần tiếp tục hoàn thiện trong thời gian tới.
KTNN cần tăng cường kiểm soát hoạt động bên cạnh việc chú trọng kiểm toán tuân thủ và kiểm toán tài chính
Nhiều hạn chế ảnh hưởng đến phần vốn nhà nước
Từ năm 2017 đến năm 2020, KTNN đã thực hiện kiểm toán kết quả tư vấn định giá và xử lý các vấn đề tài chính trước khi chính thức công bố giá trị DN CPH của 16 DN. Kết quả kiểm toán chỉ ra những hạn chế trong cơ chế, chính sách liên quan đến xác định giá trị DN và xử lý tài chính; những sai sót, bất cập làm ảnh hưởng đến phần vốn nhà nước, đặc biệt là những sai sót trong xác định chi phí thương hiệu, lợi thế kinh doanh, giá trị các khoản đầu tư tài chính, giá trị quyền sử dụng đất… KTNN đã xác định giá thực tế vốn nhà nước theo phương pháp tài sản tăng 15.447,68 tỷ đồng. Ngoài ra, KTNN đã kiểm toán quyết toán giá trị phần vốn nhà nước tại thời điểm chính thức chuyển thành công ty cổ phần tại 45 DN. Kết quả kiểm toán cung cấp thông tin đáng tin cậy để cơ quan có thẩm quyền quyết định giá trị DN, các cơ quan dân cử thực hiện quyền giám sát; góp phần minh bạch hoạt động CPH DNNN.
Tuy vậy, kết quả kiểm toán mới chủ yếu tập trung vào việc chỉ ra các hạn chế trong xử lý tài chính của DN, xác định giá trị DN của tổ chức tư vấn. KTNN chưa có điều kiện để đi sâu đánh giá, chỉ ra các bất cập về cơ chế, chính sách CPH DNNN cũng như trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan đối với việc xử lý các vấn đề tài chính tồn đọng trong thời gian dài trước khi thực hiện CPH hoặc trong việc thực hiện quy định về ban hành giá đất, phê duyệt phương án sử dụng đất.
Nguyên nhân là do tiến độ CPH của các DNNN chậm, đặc biệt trong xử lý tài chính và xác định giá trị DN. Các cuộc kiểm toán này chủ yếu là các cuộc kiểm toán bổ sung, không có trong kế hoạch kiểm toán năm; các cơ quan đại diện chủ sở hữu chưa thực hiện nghiêm việc gửi danh sách thông báo thời gian thực hiện CPH các DNNN đến KTNN để phục vụ công tác xây dựng kế hoạch kiểm toán và chương trình kiểm toán. Công tác phối hợp của các đơn vị được kiểm toán, đặc biệt là sự phối hợp giữa DNNN được kiểm toán và đơn vị tư vấn định giá trong việc giải trình cùng một vấn đề với tổ, đoàn kiểm toán đôi khi chưa thống nhất. Bên cạnh đó, hệ thống văn bản hướng dẫn kiểm toán chưa đầy đủ và đồng bộ. Số lượng kiểm toán viên (KTV) có kinh nghiệm, năng lực chuyên môn sâu trong lĩnh vực kiểm toán kết quả định giá DN còn thiếu…
Tăng cường kiểm toán hoạt động và kiểm toán chuyên đề
Nhằm đánh giá một cách toàn diện, đầy đủ hơn về tính hiệu lực, hiệu quả trong CPH DNNN, KTNN cần tăng cường kiểm toán hoạt động bên cạnh việc chú trọng kiểm toán tuân thủ và kiểm toán tài chính. Bên cạnh đó, tổ chức kiểm toán xác định giá trị DN theo hình thức cuộc kiểm toán chuyên đề. Trong đó, chủ đề kiểm toán có thể tập trung vào một số nội dung như: Việc quản lý, sử dụng, xác định giá trị quyền sử dụng đất khi xác định giá trị DN CPH; các DNNN thuộc diện CPH nhưng chưa thực hiện hoặc thực hiện chậm trễ.
Về cách thức tổ chức kiểm toán, đối với các DNNN có vốn nhà nước theo sổ sách kế toán tại thời điểm xác định giá trị DN từ 1.800 tỷ đồng trở lên, KTNN thành lập đoàn kiểm toán có sự tham gia của lực lượng KTV từ nhiều đơn vị trong Ngành, đặc biệt các KTV có kinh nghiệm xử lý vấn đề tài chính, xác định giá trị quyền sử dụng đất và xử lý đất đai khi xác định giá trị DN. Đối với các DN có vốn dưới 1.800 tỷ đồng và các chuyên đề kiểm toán liên quan đến xác định giá trị DN và xử lý tài chính DN trước khi công bố giá trị DN CPH do KTNN chuyên ngành, khu vực đề xuất, tùy theo quy mô, số lượng tài sản và đặc thù hoạt động kinh doanh của đơn vị được kiểm toán mà áp dụng một trong hai cách: Thành lập đoàn kiểm toán chuyên đề hoặc lồng ghép vào cuộc kiểm toán thường niên của đơn vị KTNN chuyên ngành, khu vực.
Với các đoàn kiểm toán liên quan đến chuyên đề kiểm toán xác định giá trị DN của các DN có tài sản lớn, đặc biệt là các DN có khối lượng tài sản cố định hữu hình là nhà cửa, công trình lớn, phải bố trí, sắp xếp KTV có chuyên môn về kỹ thuật hoặc có chứng chỉ thẩm định viên về giá để tính toán, xác định giá trị thị trường đối với các loại tài sản hữu hình theo phương pháp tài sản. Tăng cường KTV có trình độ, năng lực phù hợp cho các đơn vị tham mưu thẩm định kế hoạch, báo cáo kiểm toán và kiểm soát chất lượng kiểm toán để hỗ trợ và có ý kiến tư vấn phù hợp cho đoàn kiểm toán nhằm góp phần nâng cao chất lượng kiểm toán.
Liên quan đến trọng tâm kiểm toán, cần đánh giá sự phù hợp của các quy định về xử lý tài chính và xác định giá trị DNNN với điều kiện thực tiễn của DN CPH, đặc biệt là quy định về những tài sản đưa vào và không đưa vào định giá DN; nhận xét, đánh giá công tác triển khai việc CPH so với các quy định hiện hành và theo kế hoạch CPH; đánh giá việc xác định giá trị quyền sử dụng đất, quyền thuê đất, các lợi thế liên quan đến quyền sử dụng đất, quyền thuê đất, giá trị lợi thế kinh doanh; kiểm toán công tác tư vấn thẩm định giá đất, việc thẩm định giá của các cơ quan có liên quan và việc xác định giá trị quyền sử dụng đất của UBND cấp tỉnh…./.
Ths. Nguyễn Hữu Cảnh và Ths. Nguyễn Đức Tuấn – KTNN khu vực IX
(Báo Kiểm toan số 30/2021)