Kiểm soát chất lượng kiểm toán (KSCLKT) là hoạt động mang tính bắt buộc, có ý nghĩa quan trọng đối với việc nâng cao giá trị các kết luận, kiến nghị kiểm toán. Trong đó, khả năng KSCLKT của đơn vị chủ trì cuộc kiểm toán gắn liền với vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị - kiểm toán trưởng (KTT) được đánh giá là quan trọng nhất, quyết định chất lượng cuộc kiểm toán.
Khả năng KSCLKT của đơn vị chủ trì cuộc kiểm toán gắn liền với vai trò, trách nhiệm của KTT
Hoạt động kiểm soát của kiểm toán trưởng dần đi vào nền nếp
Hoạt động kiểm toán đang dần được dịch chuyển từ loại hình kiểm toán tài chính và kiểm toán tuân thủ sang kiểm toán hoạt động. Do đó, hoạt động KSCLKT cũng cần phải được đánh giá và tiếp cận ở góc độ mới để phù hợp với phương pháp kiểm toán và loại hình kiểm toán đang áp dụng của KTNN.
Thời gian qua, nhận thức của các đơn vị về KSCLKT và hoạt động kiểm soát của KTT ngày càng được nâng cao. Hoạt động kiểm soát của KTT đã dần đi vào nền nếp, công tác thẩm định kế hoạch kiểm toán, báo cáo kiểm toán của các bộ phận chuyên trách, giúp việc cho KTT đã có nhiều tiến bộ, đổi mới, bảo đảm chất lượng, hiệu quả.
Đến nay, 100% các đơn vị tổ chức hoạt động KSCLKT đều kết hợp 2 hình thức kiểm soát trực tiếp và kiểm soát thông qua các cá nhân, tổ chức giúp việc. Trong đó, KTT thực hiện kiểm soát trực tiếp các đoàn kiểm toán thông qua các buổi làm việc với đoàn kiểm toán, tổ kiểm toán tại đơn vị được kiểm toán. Việc KSCLKT trực tiếp và đột xuất đã giúp các đoàn kiểm toán chấn chỉnh hoạt động nghiệp vụ chuyên môn, đảm bảo thực hiện đúng theo quy trình kiểm toán và đạo đức nghề nghiệp của kiểm toán viên.
Ngoài ra, KTT cũng thực hiện kiểm soát hoạt động kiểm toán thông qua chế độ báo cáo định kỳ tiến độ thực hiện, trực tiếp kiểm tra tại một số tổ kiểm toán, giải quyết những vướng mắc, bất đồng xảy ra. Tại một số đơn vị được kiểm toán quan trọng, phức tạp, KTT kiểm tra, soát xét lại biên bản kiểm toán trước khi thông qua đơn vị, qua đó hạn chế được nhiều sai sót, nhận được sự đồng thuận cao từ đơn vị được kiểm toán.
Mặc dù KTT đã có nhiều quan tâm và chỉ đạo sát sao hơn từ giai đoạn khảo sát, lập kế hoạch kiểm toán đến hoàn thiện báo cáo kiểm toán nhưng hoạt động kiểm soát mới chủ yếu tập trung ở khâu thẩm định kế hoạch và báo cáo kiểm toán, chưa chú trọng đến kiểm soát bằng chứng và hồ sơ kiểm toán. Việc kiểm soát bằng chứng, hồ sơ kiểm toán, kiểm soát việc theo dõi thực hiện kiến nghị kiểm toán chưa thực sự được chú trọng.
Cùng với đó, do số lượng cán bộ tham gia các tổ kiểm soát còn mỏng nên công tác tham mưu, giúp việc cho KTT trong kiểm soát tất cả các giai đoạn kiểm toán vẫn còn khó khăn. Hơn nữa, việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động kiểm toán và kiểm soát còn chưa đồng bộ, dẫn đến mất nhiều thời gian kiểm soát, trong khi các nội dung kiểm soát còn hạn chế.
Xây dựng văn hóa kiểm soát gắn với vai trò và trách nhiệm người đứng đầu
Để nâng cao hiệu quả KSCLKT, trước tiên, các KTT phải nhận thức rõ tầm quan trọng của hoạt động KSCLKT để có sự quan tâm đúng mực đối với hoạt động này. Từ đó, KTT có thể tự ban hành Quy chế kiểm soát riêng đối với đơn vị mình, xây dựng văn hóa kiểm soát nội bộ, chế độ báo cáo riêng của đơn vị.
KTT cần chủ động, tăng cường việc trao đổi thông tin với đơn vị được kiểm toán để nắm bắt và có chỉ đạo kịp thời đối với đoàn kiểm toán. Đồng thời, xây dựng cơ chế tự giám sát trong nội bộ đoàn kiểm toán và trong nội bộ đơn vị chủ trì cuộc kiểm toán, nâng cao nhận thức cho cán bộ, kiểm toán viên về công tác KSCLKT.
KTNN với vai trò chủ chốt cần đẩy mạnh công tác kiểm tra, kiểm soát việc thực hiện KSCLKT của KTT thông qua Vụ Chế độ và KSCLKT; tăng cường xem xét trách nhiệm KTT nếu đơn vị chủ trì cuộc kiểm toán có các hành vi, cá nhân xảy ra sai phạm, tiêu cực, nhũng nhiễu trong quá trình kiểm toán.
Ngoài ra, KTNN cũng phải nghiên cứu, xây dựng để ban hành mới và hoàn thiện các quy định làm cơ sở pháp lý cho hoạt động kiểm toán và KSCLKT. Trong đó, tập trung sửa đổi Quy chế KSCLKT theo hướng phân cấp cho KTNN chuyên ngành, khu vực, quy định rõ trách nhiệm kiểm soát của từng cấp kiểm soát; phân cấp hoạt động để hạn chế sự chồng chéo, bảo đảm cải cách thủ tục hành chính. Bổ sung nội dung kiểm soát cho giai đoạn theo dõi, kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán là cơ sở để kiểm soát các giai đoạn của quy trình kiểm toán đầy đủ và toàn diện hơn.
Bên cạnh đó, KTNN và mỗi đơn vị chủ trì cuộc kiểm toán cần tăng cường trang bị, ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác kiểm toán và KSCLKT để tăng cường tính minh bạch kết quả kiểm toán... Ghi nhật ký điện tử tiến tới các hoạt động kiểm toán phải thực hiện trên phần mềm, đính kèm bằng chứng kiểm toán để có thể kiểm soát kết quả kiểm toán thường xuyên, liên tục và hiệu quả./.
Ths Hà Minh Dũng – KTNN chuyên ngành Ib
(Báo Kiểm toán số 30/2021)