Nhanh chóng hoàn thiện chính sách về miễn, giảm, gia hạn, hoàn thuế

02/08/2021
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

  Qua kết quả kiểm toán chuyên đề Công tác quản lý nhà nước tại cơ quan thuế năm 2020, KTNN đã phát hiện một số vấn đề còn vướng mắc liên quan đến cơ chế, chính sách và kiến nghị nhanh chóng sửa đổi nhằm tạo tính thống nhất trong tổ chức thực hiện cũng như tạo sự bình đẳng, công bằng đối với người nộp thuế (NNT).

Thiếu cơ chế kiểm tra, giám sát; còn sai sót trong miễn, giảm, hoàn thuế

Kết quả kiểm toán đã chỉ rõ một số bất cập về chính sách miễn, giảm, gia hạn thời hạn nộp thuế, hoàn thuế, chống trốn thuế và chuyển giá. Cụ thể, theo Quyết định số 22/2020/QĐ-TTg ngày 10/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ (Quyết định 22), người thuê đất tự khai, tự chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, cơ chế kiểm tra, giám sát đối với việc thực hiện giảm tiền thuê đất lại chưa có, dẫn đến việc NNT có thể lợi dụng chính sách để được giảm không đúng quy định.

Quy định về việc NNT tự xác định thời gian tạm ngừng sản xuất kinh doanh tại Quyết định 22 và Nghị quyết số 84/2020/QH14 đối với việc giảm 15% tiền thuê đất đã gây khó khăn cho cơ quan thuế trong việc thanh tra, kiểm tra DN khai là ngừng sản xuất kinh doanh. Các chính sách hiện hành cũng không phân loại DN theo mức độ rủi ro để kiểm tra đối với DN có mức độ rủi ro cao trước khi xét miễn giảm.

Ngoài ra, Nghị quyết số 116/2020/QH14 ngày 19/6/2020 và Nghị định số 114/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 quy định chi tiết thi hành Nghị quyết số 116/2020/QH14 của Quốc hội chưa có sự thống nhất về hướng dẫn thực hiện chỉ tiêu “doanh thu” nên cơ quan thuế chỉ tính tổng doanh thu làm căn cứ xác định đối tượng áp dụng ưu đãi thuế, không bao gồm doanh thu hoạt động tài chính. Cơ chế giám sát đối với việc cho gia hạn tiền thuế, tiền thuê đất theo Nghị định số 41/2020/NĐ-CP ngày 08/4/2020 cũng chưa có.

Bên cạnh đó, theo Thông tư số 26/2015/TT-BTC, Bộ Tài chính đã bãi bỏ các nội dung liên quan đến bảng kê hóa đơn, chứng từ hàng hóa, dịch vụ mua vào, bán ra để giảm thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian làm thủ tục thuế, nhưng điều này lại gây khó khăn cho công tác xác minh hóa đơn và chưa mang lại hiệu quả. Trong công tác chống chuyển giá, Chính phủ và Bộ Tài chính có văn bản hướng dẫn về quản lý thuế đối với các DN có giao dịch liên kết để chống chuyển giá, nhưng các văn bản còn quy định chưa rõ ràng, cụ thể, đưa ra nhiều tiêu chí khó thực hiện, áp dụng.

Đối với công tác giải quyết hồ sơ hoàn thuế, miễn giảm, giãn thuế, chống trốn thuế và chuyển giá, qua kết quả kiểm toán, KTNN nhận thấy việc xử lý hồ sơ và lập báo cáo hoàn thuế còn chậm, không đảm bảo thời gian theo quy định. Trong năm 2020, toàn ngành còn 6.767 hồ sơ hoàn thuế xử lý quá hạn, 6.585 hồ sơ hoàn thuế xử lý không kịp thời phải chuyển kỳ sau. Cùng với đó, nhiều cục thuế quyết định hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT) dự án đầu tư cho NNT không đúng quy định đối với Dự án đầu tư của cơ sở kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Một số cục thuế thẩm định hồ sơ hoàn thuế cho dự án đầu tư về điện chưa đủ điều kiện hoàn thuế; thủ tục hoàn thuế, hồ sơ hoàn thuế, thẩm quyền ban hành quyết định hoàn thuế chưa đưa ra ý kiến thẩm định theo Thông tư số 99/2016/TT-BTC hướng dẫn về việc quản lý hoàn thuế GTGT.

Công tác miễn, giảm, gia hạn thời hạn nộp thuế ở một số cục thuế còn nhiều sai sót với tổng số tiền gần 39 tỷ đồng. Tại hầu hết các cục thuế được kiểm toán, việc lập, lưu trữ hồ sơ của đoàn thanh tra, kiểm tra không lưu theo danh mục thống nhất, phần lớn không kèm theo các bảng kê đối với số liệu chênh lệch phát hiện qua thanh tra. Báo cáo kết quả thanh tra, kiểm tra được lập không đúng mẫu, đánh giá chưa đầy đủ các nội dung đã phân tích rủi ro so với kết quả kiểm tra thực tế theo quy định...
 
Kiến nghị sửa đổi, bổ sung chính sách miễn, giảm, hoàn thuế

Qua kết quả kiểm toán, KTNN kiến nghị Tổng cục Thuế ban hành các văn bản hướng dẫn, trả lời vướng mắc về hoàn thuế đảm bảo thời gian quy định. Tổng cục Thuế cần báo cáo Bộ Tài chính để tham mưu cho Chính phủ: Xem xét sửa đổi, bổ sung quy định về tổng doanh thu làm căn cứ giảm thuế thu nhập DN, đảm bảo tính thống nhất giữa Nghị định số 114/2020/NĐ-CP và Nghị quyết số 116/2020/QH14 của Quốc hội; nghiên cứu, xem xét quy định phân loại DN theo mức độ rủi ro để thực hiện kiểm tra đối với DN có mức độ rủi ro cao; quy định rõ cơ sở để xác định DN ngừng sản xuất do ảnh hưởng của dịch Covid-19 thuộc đối tượng giảm thuế tại Quyết định 22...

Trong khi chưa có quy định thay thế, Tổng cục Thuế chỉ đạo cục thuế các tỉnh ban hành Quyết định hoàn thuế dự án đầu tư đúng với Thông tư số 130/2016/TT-BTC; kiểm tra, rà soát xác định nguyên nhân khách quan, chủ quan trong việc giải quyết hồ sơ hoàn thuế chậm; đôn đốc, thu hồi khoản tiền thuế đã hết thời gian gia hạn thuế mà NNT chưa thực hiện nộp NSNN.

Bên cạnh đó, các cơ quan thuế địa phương cần ban hành quyết định hoàn thuế đúng quy định, đúng đối tượng; xử lý hoàn thuế GTGT đảm bảo đúng thời gian; thẩm định hồ sơ hoàn thuế, đánh giá hồ sơ kiểm tra trước hoàn hoặc thanh tra, kiểm tra sau hoàn phải đảm bảo trình tự, thủ tục. Thực hiện ghi chép đầy đủ nội dung hồ sơ tài liệu của các đoàn thanh tra, kiểm tra đúng quy trình thanh tra, kiểm tra của cơ quan thuế và các văn bản quy định hiện hành.

KTNN cũng kiến nghị Bộ Tài chính nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung và tham mưu cho Chính phủ, Thủ thướng Chính phủ các văn bản, cơ chế, chính sách miễn, giảm, gia hạn thời hạn nộp thuế, hoàn thuế, chống trốn thuế và chuyển giá nhằm tạo tính thống nhất trong tổ chức thực hiện cũng như tạo sự bình đẳng, công bằng đối với NNT.

Nguyễn Minh Giang – Phó Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành II
(Báo Kiểm toán số 30/2021)

 
 

Xem thêm »