Kinh nghiệm trên thế giới cho thấy, kiểm toán lũ lụt giúp nâng cao ý thức cũng như cải thiện các chương trình liên quan đến vấn đề về nước của các chính phủ. Các cơ quan kiểm toán tối cao (SAI) đã lựa chọn chủ đề cho các cuộc kiểm toán rất đa dạng, gồm: bảo vệ hệ thống chống lũ lụt, chuẩn bị các kế hoạch ứng cứu lũ lụt, hoạt động cứu trợ trong các sự kiện bão lụt, khắc phục các sự cố và giảm thiểu tác động của lụt lội…
Kiểm toán lũ lụt nâng cao ý thức cũng như cải thiện các chương trình liên quan đến vấn đề nước của các chính phủ.
Từ kiểm toán công tác phòng chống lũ lụt
Năm 2001, qua kiểm toán việc phòng chống lũ lụt trên đất liền, SAI Anh đã kết luận rằng, việc phòng chống lũ lụt có thể giảm thiểu rủi ro và mức độ thiệt hại. Nhận thức về nguy cơ và hành động trước, trong một vụ lũ lụt có thể là yếu tố phòng chống quan trọng để tránh những tác hại tồi tệ nhất của lũ lụt. Trên thực tế, các tổ chức liên quan có nhiều quỹ riêng hơn là một chương trình tổng thể phòng lũ lụt, điều này gây lãng phí nguồn lực. Hơn nữa, sự thiếu ý thức và trách nhiệm của một số đơn vị có thể làm gia tăng nguy cơ lụt lội. Cuối cùng, việc ưu tiên phân bổ vốn cho các chương trình phòng chống lũ lụt cũng cần được áp dụng, duy trì.
Bên cạnh SAI Anh, Tòa Thẩm kế Pháp đã tiến hành kiểm toán về việc phòng ngừa lũ lụt. Cuộc kiểm toán cho thấy, dòng chảy dâng cao của sông Seine có thể gây ra nhiều thiệt hại. Tuy nhiên, một bộ phận nhân dân không nhận thức đầy đủ về rủi ro, nguy cơ lũ lụt này. Các cơ quan chức năng không có kế hoạch giảm thiểu rủi ro tại phần lớn các khu vực thành phố có nguy cơ lụt lội cao. Biện pháp phòng ngừa tổng thể không đủ phát huy hiệu quả. Bên cạnh đó, tại cuộc kiểm toán việc thực hiện Kế hoạch Loire của Nhà nước, Tòa Thẩm kế Pháp đã tập trung đánh giá việc chống lũ lụt (1999) giai đoạn đầu, trong đó có công tác quản lý của các tổ chức chịu trách nhiệm đối với sự phát triển của sông Loire và các cửa sông. Một trong những kết luận đáng chú ý là kỹ năng quản trị của các quan chức địa phương còn yếu kém, khung pháp lý về phòng chống lũ lụt đã lỗi thời.
Còn tại Nhật Bản, năm 2000, SAI nước này đã kiểm toán các biện pháp kiểm soát lũ lụt tổng thể tại khu vực đô thị gồm: khôi phục lại các con kênh, kiểm soát các lưu vực sông kết hợp các biện pháp để ngăn chặn các thảm họa tại các lưu vực này, ví dụ xây dựng các hồ nhỏ. Kết luận kiểm toán đã chỉ ra: Các con sông không được nâng cấp theo các kế hoạch ban đầu do rất khó có thể xây dựng trong đô thị và phải thực hiện đền bù. SAI Nhật Bản đã đề xuất Chính phủ cải thiện các biện pháp cũng như kiểm tra lại các kế hoạch phát triển tổng thể.
…tới kiểm toán ngân sách cho công tác khắc phục hậu quả lũ lụt
Liên quan đến hệ thống phòng chống lũ lụt quốc gia, SAI Ba Lan đã tiến hành kiểm toán hoạt động cứu hộ trong các vụ lũ lụt xảy ra vào năm 1997 và 1998, đánh giá sự tuân thủ pháp luật, tính hiệu quả, độ hòa nhập và mục đích sử dụng các nguồn ngân sách công dành cho các biện pháp khôi phục sau lụt lội. Qua kiểm toán, SAI Ba Lan kết luận rằng, nhiệm vụ và trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong phòng chống, khắc phục hậu quả lũ lụt chưa đảm bảo sự thống nhất, thậm chí còn chồng chéo, mâu thuẫn trong các quy định pháp luật. Đồng thời, SAI Ba Lan kiến nghị cơ quan liên quan hoàn trả 1,6% tổng số tiền sử dụng cho các biện pháp khôi phục.
KTNN Cộng hòa Czech cũng là một trong những SAI chú trọng kiểm toán vấn đề lũ lụt. SAI Cộng hòa Czech đã công bố một số báo cáo về vấn đề lũ lụt năm 1997 và 1998. Chẳng hạn, kết quả kiểm toán việc sử dụng NSNN dành cho công tác khắc phục hậu quả của lụt lội phản ánh, mặc dù phân bổ ngân sách còn vi phạm một số điều khoản, nguyên tắc nhưng nhìn chung, việc sử dụng ngân sách dành cho công tác này mang lại những hiệu quả tương xứng, thiết thực. Hay, cuộc kiểm toán việc sử dụng NSNN để khắc phục hậu quả về cơ sở hạ tầng, giao thông do lũ lụt gây ra chỉ rõ, công tác giải ngân đã đạt được mục tiêu, chỉ một phần nhỏ kinh phí sử dụng không phù hợp. Tuy nhiên, sự hợp tác giữa các cơ quan khác nhau để chịu trách nhiệm về việc khắc phục các con đường và các con kênh nhân tạo còn rất hạn chế. Một ví dụ nữa, cuộc kiểm toán về NSNN dành cho công tác xử lý, điều chỉnh lại việc phân bổ năng lượng và các khu vực sản xuất cũng cho thấy mục tiêu đã đạt được, nhưng việc xây dựng luật pháp về vấn đề này chưa phù hợp. Từ đây, SAI Cộng hòa Czech đã đề xuất Chính phủ giải quyết những vấn đề liên quan đến bảo hiểm cho các công ty năng lượng.
Trong một cuộc kiểm toán khác, SAI Cộng hòa Czech đã kiểm tra việc quản lý các nguồn quỹ quốc gia để khắc phục những hậu quả từ thảm họa lụt lội tại Bộ Nông nghiệp. Kết quả kiểm toán chính nêu rõ, Bộ Nông nghiệp đã đưa ra những quy định và luật lệ không có tính bắt buộc; không có tiêu chuẩn và điều kiện cho việc sử dụng phù hợp các nguồn ngân quỹ này; những hậu quả do lũ lụt gây ra không phải tất cả đều nằm trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp như đã khẳng định. Do vậy, các tài liệu yêu cầu bồi thường tài chính từ các DN trong vụ lụt này không đầy đủ.
Hồng Anh
(Báo Kiểm toán số 33/2021)